Saturday, April 17, 2010

"ĐẠO PHÁ, DÂN TỘC và CHỦ NGHĨA XÃ HỘI" - TÀ ĐẠO hay DỊ GIÁO ?

“Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội” - tà đạo hay dị giáo?

Hồ Học – Trần Trung Luận

Saturday, 17 April 2010 12:19

http://nuvuongcongly.net/index.php?option=com_content&view=article&id=817:dao-phap-dan-toc-chu-nghia-xa-hoi-ta-dao-hay-di-giao&catid=77:kien-thuc-phap-luat&Itemid=177

.

BBT Nữ Vương Công Lý nhận được bài viết của nhà nghiên cứu xã hội Hồ Học - Trần Trung Luận, một người ngoài công giáo với đề nghị: "Tôi đã gửi bài này tới một số trang báo điện tử “lề phải” nhưng không thấy có hồi âm. Kính đề nghị Ban Biên Tập Nữ Vương Công Lý cho đăng tải để rộng đường dư luận. Xin chân thành cảm ơn".

-------------------------------------

.

Thật là “thiệt thòi và đáng tiếc” cho hậu thế, người mà đời sau cho là đã sáng lập Đạo Phật suốt một đời truyền đạo cùng các đệ tử đương thời của mình đã không để lại môt bút tích nào. Điều này từng được lý giải là do “hạn chế của thời đại” bởi ngày đó cách đây đã 25 thế kỷ. Chính sử nói về Ngài cũng mơ hồ, mờ nhạt.

Chỉ đến 300 năm sau ngày Ngài nhập diệt, vào lần kết tập thứ 3 thời vua A Dục (Asoka) mới hình thành tam tạng kinh điển, tức là ba bộ kinh nguyên thuỷ gồm Kinh, luật, luận. Và đời sau biết về thân thế, sự nghiệp, giáo lý của Ngài là thông ba bộ kinh này được phân thành “ngũ thời phật pháp”

Và cũng bởi chính cái “thiệt thòi và đáng tiếc” cái “hạn chế của thời đại” ấy (không để lại một bút tích nào) lại chẳng phải là cái “may phúc” cho sự phát triển của Đạo Phật đó sao. Cái tinh thần “vô trụ” “vô tướng” đã trở thành giấy” thông hành” hữu hiệu nhất cho sự mở rộng của Phật Giáo. Khả năng biến đổi để thích ứng, hoà nhập, phù hợp đã giúp cho Phật Giáo lan toả ra muôn phương ngoài quê hương là Ấn Độ. Vì thế người đời sau khi tìm về căn cội thường lấy những “giá trị cao quý nhất” làm sáng danh, làm cái căn cơ cho Phật Đạo, mục đích tối hậu không ngoài là giải thoát con người khỏi nỗi thống khổ của người.

Thực tế là ngay sau cuộc kết tập lần thứ nhất do đại đệ tử Ca Diếp chủ trì với hình thức tụng đọc (3 tháng sau khi Đức Phật tạ thế) Đạo Phật đã hình thành 2 bộ phái rõ nét, để từ đó nẩy nở, lan toả ra bốn phương với những bộ phái khác nhau với nhiều dị biệt bất đồng, phân hoá, đòi hỏi lần kết tập thứ hai dưới sự bảo trợ của vua xứ Magadha tên là Kalacoka. Rồi lần kết tập thứ ba, thứ tư..(lịch sử Đạo Phật ghi lại đã có ít nhất bẩy cuộc kết tập được cho là chính thức) Kết tập để thoả hiệp, tránh bất đồng, phân biệt, để thống nhất giáo lý, nhưng càng kết tập càng mở rộng, càng phân chia, càng biến hoá đến vô cùng. Tới nay không thể biết được Đạo Phật có bao nhiêu bộ phái, đâu là giáo lý, đâu là bộ phái tông truyền.

Tại Việt Nam đã hình thành, tồn tại hình thức “tam giáo đồng nguyên” nghĩa là khi qua Trung Quốc, Đạo Phật đã LÃO hoá, KHỔNG hoá, tới Việt Nam lại được MẪU, THẦN (tín ngưỡng) hoá. Đây quả là cái tinh thần, cái hình hài riêng có của Đạo Phật vậy…

Thế nhưng cái “thiệt thòi và đáng tiếc” cái “hạn chế của thời đại” đã được xem là “may phúc” cho sự phát triển của Đạo Phật lại thật sự là “đáng tiếc” là “mạt phúc“ cho Đạo Phật Việt Nam ngày nay.

Nhìn lại lịch sử Phật Giáo chúng ta thấy ngay khi còn tại thế, giáo lý của đức phật Thích Ca lan truyền tới đâu cũng biến cải nhân gian ở đó. Nhiều vua chúa đã từ bỏ phồn hoa thế tục để đi theo con đường “trung đạo” đơn sơ của Ngài, nhiều thế quyền đã được đổi thay, cải biến nhờ giáo lý Phật Giáo cho đến hàng ngàn năm sau. Các vua…Kalasoka, Asoka, Lương Vũ Đế… là những dấu ấn sáng láng còn đã được ghi lại trong Phật sử.

Thế nhưng 25 thế kỷ sau, tại Vệt Nam thì ngược lại. Cả “ngũ thời phật pháp” với những ”tứ diệu đế” “thập nhị nhân duyên” “bát chính đạo” được cô lại thành” đạo pháp,dân tộc,và chủ nghĩa xã hội” (Cần phải lưu ý là vào thời đại của đức Phật, xã hội phân hoá rất nặng nề, chia thành 5 giai tầng khác biệt, nhiều dân tộc với các nền văn hoá, các tôn giáo khác nhau sống đan xen, nhưng trong giáo lý của mình, Đức Phật không một lời nói tới giá trị dân tộc, hay giai cấp, Ngài chỉ quan tâm tới giá trị con người (nhân văn) đây mới chính là sức sống mãnh liệt của Phật Giáo trong suốt 25 thế kỷ qua) như vậy với cái gọi là “đạo pháp,dân tộc, và chủ nghĩa xã hội” mà Giáo Hội Phật Giáo Việt Namxướng tụng đã quá xa rời gốc rễ, trái ngược lời thầy tổ dạy truyền. Có phải chăng đây là thời “mạt pháp” mà chính Đức Phật đã từng tiên báo khi xưa... và biết bao hệ luỵ được bắt đầu từ đây.

Trong bài “những thông điệp đầu năm hay dấu chỉ mạt vong chế độ” nhân việc đón xá lợi Phật chúng tôi cũng đã đề cập tới một trong những hệ luỵ này, tưởng cũng chỉ cần thế là đủ. Thế nhưng ngay sau đó nhiều người, nhiều phía đã lên tiêng, nổi lên là những đáp từ của Đại Đức Thích Thanh Thắng - Ủy viên Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, tác giả Trí Không… với những lý luận, ngữ từ quá cao siêu nhưng rồi chỉ để biện giải những sự việc đã rất rõ ràng và rất thế tục như xe Lincoln Crystal, Limousine Hummer… ta thấy “đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội” đã đến độ quá lố bịch, đến độ nguy hiểm rồi thế nên Đại Đức Thích Thanh Thắng trong bài Xá lợi Phật của cho và cách nhận mới nghịch ngôn, mới phát biểu như ở chỗ không người vậy.

Để biện bạch cho việc Phật xá lợi và những chiếc xe đời mới đắt tiền là chính đáng, là nên, là cần thiết, Đại Đức Thích Thanh Thắng đã rẻ rúng hoá (thay vì cao quý hoá) chính gáo lý của nhà Phật khi nói về TAM BẢO, rằng: ”xá lợi Đức Phật (hay hình, tượng) là Phật bảo, kinh là Pháp bảo và nhà sư là Tăng bảo. Đó là ba ngôi báu

PHÂT (Buddha- hay Phật Đà ) dịch theo tiếng Trung Quốc có nghĩa là “giác ngộ” là thông suốt đến chỗ tuyệt đối, đến chân lý tột cùng. Theo cổ ngữ bản địa thì là “giải thoát, phá bỏ cái “ách” gông cùm con người để tới được Niết Bàn (nirvana) bởi vậy mà người ta gọi ĐẠO PHẬT là đạo “giải thoát”. Thái tử Tất Đạt Đa (Sidartha) là người được hậu thế tôn xưng là ĐỨC PHẬT tức là: “người đã giác ngộ”, “người đã giải thoát”.

Phật sử còn ghi lại rằng vua Bimbisara (vua một xứ bên Ấn Độ) đã xin Đức Phật móng tay và tóc đem về thờ cúng, chiêm bái. Đức Phật đã nói “nhà vua có thể giữ tóc và móng tay ta trong tủ kính được bao lâu? điều quan trọng hơn hết là làm theo những lời ta dạy” Vậy thì PHẬT BẢO “ngôi báu - đối tượng quy kính của người theo đạo Phật”phải là sự “giác ngộ” “giải thoát” là “chân lý” là “tuyệt đối” chứ sao lại giới hạn chỉ là” hình tượng phật” như Đại Đức phát ngôn?

PHÁP (dharma) là “biểu hiện” của PHẬT, trong Đạo Phật được quy là những lời dạy của Phật (hay giáo lý Phật) là phương tiện giúp chúng sinh “giác ngộ”, “giải thoát”. Như đã nói ở trên ĐỨC PHẬT đã “Không để lại một bút tích nào” (kinh sách) thì tất thảy những gì giúp chúng sinh “giác ngộ “ “giải thoát” là PHÁP BẢO chứ sao lại là “kinh” cụ thể để người đời có thể nhầm hiểu là “kính sách” được in nối bản, in lậu bày bán la liệt ở các đình, đền, chùa, miếu, phủ, để rồi nhà nước “vô thần” tịch thu đem đốt huỷ cùng với các sách lậu, bẵng đĩa lậu, ngoài luồng.

TĂNG (Sangha) tiếng Trung Quốc dịch là ”tăng già”. Sinh thời Đức Phật đã thành lâp ra “tăng đoàn” (đoàn thể tăng) gồm những khất sĩ xuất gia (tỳ kheo) có bốn người trở lên cùng sống, cùng tu cùng thực hiện đời sống “giải thoát” lý tưởng “giác ngộ” theo tinh thần ”lục hoà” được gọi là “tăng đoàn”. Năm anh em Kiều Trần Như là” tăng đoàn” đầu tiên của Phật Giáo. Vậy TĂNG đâu phải là “nhà sư” với những phẩm bậc là “hoà thượng”, “đại đức” hay “thượng toạ”… TĂNG chính là những người xuất gia để đi đúng (lưu ý chữ đúng) theo con đường của những giá trị cao quý Đức Phật đã đi, đã chỉ ra.

Việc phải làm sáng tỏ lại khái niệm “tam bảo” cũng có nghĩa là làm sáng tỏ chuyện cung nghinh “xá lợi Phật” và ta thấy: “phật của người giầu”, “đường vào chùa Bái Đính ùn ứ kẹt cứng hàng chục km”, “Phật xá lợi và những chiếc xe đời mới” ...là không cần thiết, là trái với tinh thần Phật Giáo chân chính, nguyên thuỷ.

Trong Kinh Kim Cương Đức Phật dạy ”nhược nhân dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến như lai” Nghĩa là “kẻ nào thấy ta bằng hình tướng cầu ta bằng âm thanh, kẻ đó đích thị là theo tà đạo, không bao giờ thấy được như lai” thế mới có “ ngộ Phật sát Phật, ngộ ma sát ma” (gặp phật giết phật, gặp ma giết ma). Vậy thì “Đạo pháp, dân tộc, và chủ nghĩa xã hội “ mà một trong những hệ luỵ của nó là cung cách đón rước “xá lợi Phật” như vừa qua cùng sự giải thích của Đại Đức Thích Thanh Thắng ”xá lợi Đức Phật (hay hình, tượng) là Phật bảo,” đích thị là theo tà đạo” rồi còn gì.

Và nữa, Thượng Toạ Thích Huyền Diệu luôn nhắc từ” huyền diệu”. Đại Đức Thích Thanh Thắng tán thán việc rước xá lợi Phật từ Ấn Độ về Việt Nam“là một cơ duyên chưa từng có”. Rồi ông sử gia đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cũng tâm sự “điều lớn lao vượt lên trên không gian tôn giáo, là tình thương yêu, niềm tin an lạc, hòa bình cho tất cả mọi người”.Thì ngay sau đó là Thanh hoá đón xá lợi Phật từ Thái lan và Myanmar với ba tháp Xá lợi Phật và hai tháp Xá lợi Thánh tăng.Rồi Bình Thuận: Trọng thể cung nghinh xá lợi Phật và thánh tăng cung nghinh 153 bảo tháp Xá Lợi Phật do nhóm Phật tử thuần thành Viêt kiều Úc thành kính cúng dường, Và lại cung rước ngọc xá lợi phật đến từ Myanrma với 2 viên ngọc xá lợi của Đức Phật Thích Ca và 6 viên ngọc xá lợi của Đại Bồ Tát cùng hàng chục viên ngọc xá lợi Thánh tăng.

“Vô giá”, “báu vật”, “cơ duyên chưa từng có” cơ mà sao lại nhiều thế? Lại nữa, cứ hoả thiêu mà còn lại những ”tinh thể” thì là ”xá lợi” và lại cung nghinh, chiêm bái ư? Quả thật giáo lý “giải thoát” mà chỉ thấy cung nghinh, chiêm bái thì rõ là dị giáo rồi.

Và chuyện về AND của ngọc “xá lợi phật” cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ khi trên tờ báo điên tử “dân trí” trong bài Hành trình cùng chuyên cơ đón xá lợi Phật Thích Ca từ Ấn Độ tác giả Hồng Tâm đã loan báo: “xá lợi được kiểm định ADN , xác tín chính xác là xá lợi của Phật thích ca mầu ni” (dòng chú thích trong ảnh xá lợi Phật) và.“Các viên xá lợi này được đưa đi giám định niên đại và thử ADN” (bằng cách so sánh với mẫu ADN của của con cháu nhiều đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni)

Nhiều người đã lấy làm rất ngạc nhiên về thông tin này. Xá lợi Phật nên và cần và phải được hiểu trên tinh thần tâm linh, trên đức tin chân chính cũng như việc Chúa Jê-Su phục sinh vậy. Sao lại phải đem khoa học vào để thêm phần “đảm bảo”.và cũng chỉ bởi đem khoa học vào mà những viên “xá lợi” trở nên vô nghĩa dù có “cung nghinh” hay “chiêm bái”.

Ai đó có nhận thức bình thường đều có thể thấy là đã 25 thế kỷ tức là đã hàng trăm đời, liệu những người thuộc dòng họ Thích Ca (Sakya) tại một tiểu quốc trên lục địa Ấn Độ rộng lớn với bao lần “vật đổi sao rời” có còn tồn tại đến nay để làm đối chứng xác định? Lại nữa, liệu cấu trúc AND có trong ”xá lợi” không ? bởi “xá lợi” là gì, đến nay chưa ai xác định, kể cả “khoa học” và “phật học”. Trong việc xác định AND của Tào Tháo, khi khai quật mộ của ông (người sống gần chúng ta hơn Đức Phật đến hơn bẩy trăm năm). Có răng và xương của con trai là Tào Thực cùng cả làng họ Tào hiện đang sống trên đúng quê hương, bản quán làm đối chứng, vậy mà các chuyên gia Trung Quốc đã nói là "Không thể xác định AND của Tào Tháo”. Thế thì việc báo Dân trí điện tử đưa tin “xác tín chính xác là xá lợi của Phật Thích Ca Mầu Ni” thật là vô trách nhiệm với bạn đọc và với Phật Giáo Việt Nam lúc này.

Và để thấy rõ cái thảm trạng của Phật Giáo nước nhà hôm nay, hãy xem bức ảnh này: http://nuvuongcongly.net/images/stories/HochiMinhtrongDaiNamQuoctu(1).jpg

Ta thấy Hồ Chí Minh (Lãnh tụ của ĐCS Việt Nam) đã ở trên ngôi “TAM BẢO”. Ngồi vào vị trí của thế “ứng thân” Phật trong cơ cấu của “Phật Tam Thế” buông chân trên ghế sa-long mây (thay vì ngồi “kiết già” trên “đài sen” vốn là biểu tượng cao quý nhất của nhà Phật)

Và nữa, cũng vẫn theo lời Đại Đức Thích Thanh Thắng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam được nhà nước giao cho việc đứng ra tổ chức sự kiện này” Ở đây ta đã thấy rõ mối liên hệ, sự thoả hiệp và cái chất liệu tạo thành “đạo pháp, dân tộc, và chủ nghĩa xã hội” Thế mới có: Chủ tịch nước Nguyễn Minh triết đã đến dự và mở niêm phong khởi công chế tác tượng phật ngọc bích lớn nhất thế giới và Phó chủ tịch nước Nguyên Thị Doan cung nghinh xá lợi Phật.

Sự thật thì những bậc chân tu, những phật tử chân chính, người dân lương thiện đều đã biết rõ thảm trạng của Phật Giáo nước nhà, với những “buôn thần bán thánh”, “dâng sao giải hạn”, “xem hướng chọn ngày” sặc mùi mê tín dị đoan đang tràn ngập các chùa chiền mà ai ai cũng thấy.

Nhưng nói theo cách ”nói có sách mách có chứng” chúng tôi có dẫn lời của Đại Đức Thích Thanh Thắng, Thượng toạ Thích Huyền Diệu, tác giả Trí Không hay ông Dương Trung Quốc là không có ý tranh luận hay phản biện. Chúng tôi chỉ muốn đề cập đến một vấn đề đang làm nhức nhối, huỷ hoại cái cao đẹp, nguyên thuỷ của Phật Giáo chân chính đó là đường lối “đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Sự thực là Đạo Phật đẹp như Kim Cương đã trở thành tà đạo dị giáo đưới chế độ “cộng sản vô thần” từ lâu rồi.

Để kết thúc ý kiến của mình và cũng nhân chuyện cung nghinh xá lời Phật đầy tai tiếng này tôi xin kể câu chuyện “ Đám tang của Trang Tử” đã cũ xưa nhưng vẫn đầy ý nghĩa tới ngày nay:

“ Khi Trang tử sắp chết. Đệ tử của Ngài bắt đầu lập kế hoạch cho đám tang thật lớn để tôn vinh. Trang tử nói:

- Ta có trời đất làm quan tài, mặt trời mặt trăng làm biểu tượng ngọc treo bên ta. Các vì sao sẽ chiếu sáng như châu báu quanh ta, và mọi sinh linh đều hiển diện như người than khóc bên ta. Cần gì hơn nữa? Mọi thứ đều được chăm nom dư giả.

Nhưng các đệ tử lại nói:

- Chúng con sợ quạ và diều hâu sẽ rỉa thịt thầy.

Trang tử đáp:

- Này trên mặt đất ta sẽ bị quạ và diều hâu rỉa rói, còn dứới đất thì kiến và dòi bọ đục khoét. Đằng nào thì ta cũng bị chúng ăn, vậy sao các anh lại thiên về chim chóc? Thay vì tôn vinh mồi ăn cho sâu bọ, các anh đang tôn vinh mình vậy.

Hồ Học – Trần Trung Luận

Tái bút:: Tôi đã gửi bài này tới một số trang báo điện tử “lề phải” nhưng không thấy có hồi âm. Kính đề nghị Ban Biên Tập Nữ Vương Công Lý cho đăng tải để rộng đường dư luận. Xin chân thành cảm ơn.

.

.

.

No comments: