Sunday, July 12, 2009
ĐÒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG CÓ NGUY CƠ DI DÂN
Lào – Thái Lan – Campuchia làm đập thuỷ điện trên dòng chính Mekong
ĐBSCL có nguy cơ di dân
Ngày 10.07.2009 Giờ 16:07
http://www.sgtt.vn/Detail3.aspx?ColumnId=3&newsid=53998&fld=HTMG/2009/0709/53998
“Tỵ nạn môi trường” hay “di dân bắt buộc” là thuật ngữ được đề cập trong những cuộc sinh hoạt báo chí với chủ đề Mekong hùng vĩ do Indochina Media Memorial Foundation (IMMF) tổ chức từ những năm 2003.
Mới đây, các nhà nghiên cứu của Liên hiệp quốc, tổ chức CARE quốc tế và đại học Columbia đã đưa ra cảnh báo di dân bắt buộc không chỉ là một thách thức đối với Việt Nam, Campuchia mà còn đối với toàn khu vực Ðông Nam Á. Bản phúc trình mang tên “Tìm kiếm nơi cư trú: bản đồ của thay đổi khí hậu ảnh hưởng đến sự di cư và không nơi cư trú”, tiên đoán nước biển dâng cao thêm 2m, khoảng 14,2 triệu/18 triệu người ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ mất đất canh tác. Một khối lượng đông đảo sẽ di dân sang Campuchia tìm đất sống.
Hiện nay, thay vì làm những đập thuỷ điện cao hàng 200 – 300m để đủ cột áp thì những công trình trên dòng chính, đoạn Lào – Thái – Campuchia, đã và đang hình thành chuỗi 11 đập thấp, mỗi đập cách nhau 40km. Các nhà đầu tư cho rằng với chuỗi đập thấp này, thời gian giữ nước chỉ có ba ngày, không sợ mất nước. Dòng chảy sẽ không ảnh hưởng khi nước chảy liên tục, tác động môi trường sẽ giảm thiểu.
Tuy nhiên, với cách đánh giá tác động tổng hợp, các chuyên gia khẳng định di dân bắt buộc không chỉ xảy ra với Việt Nam mà sẽ diễn ra ở chuỗi 11 đập thuỷ điện trên dòng chính Mekong, do những nguyên nhân sau đây:
- Muốn tích nước đủ cột áp, đập thấp sẽ tạo vùng ngập lớn (đuôi ngập), dân chúng phải di dời tới vùng gò cao.
- Mối nguy ở chỗ các nhà đầu tư độc lập, vận hành không theo kế hoạch nào. Tính tổng đoạn có đập thấp, đuôi ngập (nước ngập lùi) bằng 250km, tương đương đoạn sông Mekong chảy qua địa phận Việt Nam. Mỗi đập giữ nước ba ngày (đủ cột áp mới xả), nước về hạ lưu sẽ chậm cả tháng vì bị giữ lại 11 đập từ Lào – Thái – Campuchia. Lâu nay, điều tiết tự nhiên, biên giới mặn cân bằng, dòng chảy yếu thì ranh giới mặn sẽ thay đổi, xâm nhập mặn sẽ khốc liệt hơn, đất dậy phèn và khả năng tự rửa của các chi lưu sẽ giảm hẳn, môi trường sống bị huỷ hoại. Nguồn nước ngầm sẽ bị khai thác triệt để khi thiếu nước ngọt, trong khi con người hăng hái đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá. Nước ngầm sụt giảm giống như quả bóng xì hơi, chịu tải nặng sẽ bị sụt lún trên diện rộng. Dân buộc phải tìm nơi ở mới.
- Người sống quanh hồ Tonlesap cũng sẽ di dời tới nơi khác. Hồ Tonlesap là trái tim nối mạch máu Mekong, giãn nở, co bóp theo mùa. Độ cao mặt nước giữa mùa khô và mùa lũ cách nhau 10m. Dòng chảy tự nhiên, mùa khô nước từ hồ xả dần, giữ ẩm cho vùng châu thổ sông Mekong. Mùa lũ nước làm hồ giãn nở. Dòng chảy phải đủ lớn để đưa nước vào hồ. Nếu nước chỉ lên một vài thước thì hồ không giãn nở như xưa, người sống quanh hồ phải bỏ đi.
- Những hố sâu ở lòng sông nơi cá ở chỉ còn là hồ lắng khi thuỷ văn thay đổi. Đây vốn là nơi nước chảy đưa phù sa xuống hố sâu, khi chảy mạnh hoà phù sa vô nước cung cấp cho hạ nguồn, một khi dòng chảy yếu ớt không thể nạo phù sa từ những hố sâu; các hố sâu sẽ thành hồ do không còn nhịp độ nước lên xuống tạo sinh cảnh cho cá sinh sản, nguồn cung cấp protein của Mekong sẽ mất dần.
ĐBSCL phụ thuộc dòng chảy do số lượng, chất lượng nước và thời gian nước về. Nước về ít, nước về nhiều, nước không có phù sa, nước về trễ hơn, nước cầm đồng lâu hơn, nước dâng cao đột ngột… thì điều gì xảy ra?
Lâu nay, nông dân biết nước về lúc nào, lúc nào nước đi, biết chi phí bơm nước, bón phân… Nước hụt năm tấc, chi phí sẽ khác, nước cầm đồng… mùa vụ, sinh hoạt văn hoá sẽ thay đổi. Khi tích nước phù sa lắng, khi xả đập nước “đói” phù sa chảy mạnh, đòi cân bằng phù sa sẽ gây xói lở. Nhiều làng mạc, xóm ấp, vùng đất canh tác sẽ biến mất do sạt lở. Dân cần chỗ ở mới.
Làm đập thuỷ điện, phải phá rừng làm đường dẫn, bán điện. Rừng ở Lào bị tàn phá ảnh hưởng việc giữ nước, cấp nước cho sông Mekong. Nếu những cánh rừng nhỏ này biến mất, trồng rừng cao su để phủ xanh cũng sẽ không bảo vệ được tài nguyên nước ngầm, không duy trì việc cấp nước cho Mekong từ hệ thống nước ngầm tự nhiên trong mùa khô.
Mối nguy là bản thân nhà đầu tư không đo lường được tác động. Nhà đầu tư được nguồn năng lượng nhưng người dân phải trả giá do gánh chịu tổn thất khi nguồn lợi tự nhiên, tài nguyên và môi trường bị huỷ hoại.
Hiện nay, những đập nước trên biên giới Lào – Thái, nhà đầu tư hai nước hùn vốn xây đập (Pak Chom, Ban Koum). Một số đập do Trung Quốc thi công. Riêng đập Luang Prabang do nhà đầu tư Việt Nam thi công.
Hiện nay tổn thất đó xuyên biên giới. Xây đập, lợi ích của ai chưa thấy, nhưng vùng hạ lưu sông Mekong thuộc Việt Nam lại gánh chịu hậu quả nặng nề. Khi làm đập, quyền lợi của vùng hạ lưu không được đếm xỉa thì khi hết hạn sử dụng ai sẽ dỡ bỏ đập?
Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động hai đầu: biển và thượng nguồn. Nước biển dâng 0,8m/năm và sẽ dâng cao hơn nữa, nhưng chưa biết nước ngọt sẽ xả như thế nào vào mùa khô. Tính cả chi lưu, Mekong đang gồng mình gánh 80 đập thuỷ điện. Cuộc chơi của dân thượng nguồn là bài toán đánh đổi, người được dễ thấy nhưng người mất khó chứng minh nếu không phải là cuộc di dân bắt buộc.
Hoàng Lan tổng hợp
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment