Sunday, July 12, 2009

DÂN BIỂU FRANK WOLF THẤT VỌNG VỀ ĐẠI SỨ MICHALAK



Indonesia Thúc Đẩy Nhân Quyền Trong Khối ASEAN
Bản Tin BPSOS
Sunday, July 12 @ 09:49:00 EDT
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1644
Một tuần trứơc buổi họp của khối ASEAN để chuẩn duyệt những quy tắc về nhân quyền, Indonesia (Nam Dương) chính thức kêu gọi biện pháp chế tài đối với quốc gia thành viên vi phạm.
Phát ngôn viên Teuku Faizasyah của Bộ Ngoại Giao Indonesia cho biết, “chúng tôi muốn cơ cấu nhân quyền tương lai của ASEAN sẽ không chỉ là một học viện làm công tác giáo dục về nhân quyền”.
Theo Ông Faizasyah, cơ cấu này cần có thực quyền để theo dõi và điều tra những vi phạm nhân quyền cũng như có biện pháp chế tài khi xảy ra vi phạm. Lời tuyên bố này báo hiệu tư thế của Indonesia tại buổi họp sắp tới đây giữa các bộ trưởng của các quốc gia trong khối ASEAN, tổ chức tại Phuket, Thái Lan, ngày 16-23 tháng 7. Tại đây một ban soạn thảo gồm các giới chức chính quyền cao cấp sẽ trình bày bản thảo về những quy tắc hoạt động của cơ cấu nhân quyền, dự trù bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2009.

Ts. Thắng và cựu Đại Sứ Rees họp tại Trung Tâm Quốc Tế Về Quản Trị An Ninh của Đại Học HELP, Kuala Lumpur, Malaysia, 29/06/09 (ảnh CAMSA)
http://www.machsong.org/spaw/images/HELP%20university.jpg

Trong bức thư đề ngày 22 tháng 6 gởi ban soạn thảo, 176 tổ chức ngoài chính phủ kêu gọi ấn định thực quyền cho cơ cấu nhân quyền, gồm có quyền tham quan, nhận các báo cáo vi phạm nhân quyền, điều tra, và kiểm tra tình trạng nhân quyền. Bức thư cũng đề nghị mời các chuyên gia độc lập vào trong cơ cấu nhân quyền nhằm bảo đảm tính khách quan và uy tín cho cơ cấu.
Hiến Chương ASEAN, được ký ngày 20 tháng 11, 2007 tại Tân Gia Ba, ấn định việc thành lập cơ cấu nhân quyền để giúp phát triển và bảo vệ nhân quyền trong toàn khối. Một ban soạn thảo quy tắc hoạt động được thành lập sau đó, gồm các giới chức cao cấp của các quốc gia thành viên; riêng Thái Lan thì cử Giáo Sư Vitit Muntarbhorn làm đại diện, thay vì một giới chức chính quyền. Ban soạn thảo này phải hoàn tất văn bản về quy tắc nội trong tháng 7 này.

Theo phát ngôn viên Faizasyah, nếu buổi họp tới đây tại Phuket không đạt được sự đồng thuận về bản quy tắc thì có thể triển hạn việc soạn thảo thêm một thời gian.
“Sẽ không dễ để thuyết phục các đối tác ASEAN,” Ông nói. “Tôi biết rằng không phải quốc gia ASEAN nào cũng tiến bộ về nhân quyền. Chúng tôi hy vọng rằng điều này sẽ không ngăn cản việc đưa những yếu tố tiến bộ vào trong cơ chế nhân quyền cho toàn vùng.”

Trong chuyến công tác gần đây ở Thái Lan và Mã Lai, Ts. Nguyễn Đình Thắng và cựu Đại Sứ Grover Joseph Rees đại diện cho BPSOS và CAMSA để họp với Diễn Đàn Á Châu, một tập hợp của các tổ chức ngoài chính phủ, về vấn đề nhân quyền trong khối ASEAN. Khối liên kết này là tác giả của bức thư gởi cho ban soạn thảo quy tắc.
“Việc thành lập cơ cấu nhân quyền ASEAN là con dao hai lưỡi. Nó có thể thúc đẩy sự phát triển nhân quyền trong vùng. Nó cũng có thể trở thành tấm bình phong che chắn cho những quốc gia vi phạm nhân quyền,” Ts. Thắng, Giám Đốc Điều Hành của BPSOS, giải thích.
Theo Ông, hiện nay đồng minh của Indonesia trong việc thúc đẩy nhân quyền mới chỉ có Phi Luật Tân. Các tổ chức nhân quyền đang vận động thêm chính phủ Thái Lan. Đối nghịch lại là các quốc gia thiếu dân chủ như Miến Điện, Cambốt, Lào, và Việt Nam. Việt Nam sẽ là chủ tịch đầu tiên của cơ cấu nhân quyền.

Tổ chức BPSOS (Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển) có thành tích hoạt động gần 30 năm ở Đông Nam Á qua các cuộc vớt người ngoài biển, qua chương trình Trợ Giúp Pháp Lý Cho Thuyền Nhân Việt Nam (LAVAS), và gần đây qua chương trình chống buôn người và bảo vệ tị nạn. Từ đầu năm 2008 CAMSA (Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu), mà BPSOS là thành viên sáng lập, đã hoạt động thường trực ở Mã Lai. Trong sáu tháng qua, BPSOS đã cử bốn phái đoàn đến Đông Nam Á để can thiệp cho các trường hợp người Việt xin tị nạn. Cả hai tổ chức BPSOS và CAMSA đứng tên trong văn thư của 176 tổ chức ngoài chính phủ.

Cựu Đại Sứ Rees trước khi về hưu đã từng là chánh án, giáo sư đại học luật, cố vấn trưởng của Sở Di Trú Liên Bang, tham mưu trưởng của tiểu ban nhân quyền của Hạ Viện Hoa Kỳ, Đại Sứ Đông Timor, và phụ tá thứ trưởng Bộ Ngoại Giao đặc trách các vấn đề xã hội và nhân đạo. Ông đã góp phần soạn ngôn ngữ cho các đạo luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người, và Nhân Quyền Cho Việt Nam. Ông hiện là Cố Vấn Cao Cấp về các Dự Án Quốc Tế của BPSOS.

Giáo Sư Muntarbhorn, thành viên độc nhất của ban soạn thảo không phải là giới chức chính quyền, trước đây đã từng lên tiếng bảo vệ cho thuyền nhân Việt Nam trước chính sách đẩy tàu ra biển và thanh lọc bất công của các quốc gia trong vùng.



Dân Biểu Hoa Kỳ: Đại Sứ Michalak Là Một Thất Vọng Lớn
Saturday, July 11 @ 18:53:52 EDT
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1643
Lập trường và thái độ của Ông Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam không chỉ tạo thất vọng cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt và các tổ chức nhân quyền; vị dân biểu đồng chủ tịch của Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos của Quốc Hội Liên Bang mới đây cũng bày tỏ sự ngao ngán về vị đại sứ này.

Ngày 9 tháng 7 vừa qua Dân Biểu Frank Wolf, trong lời phát biểu được đưa vào hồ sơ Quốc Hội, nhận xét rằng Đại Sứ Michael Michalak đã bãi bỏ lời đề nghị của Uỷ Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế là đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia “đáng quan tâm đặc biệt”, thường gọi tắt là CPC. Đại Sứ Michalak nêu lý do là không đủ chứng cớ về sự đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.
“Đây cũng chính là vị đại sứ mà mới đây đã trích dẫn những từ ngữ vượt thời gian của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ trong lời phát biểu nhân dịp Lễ Độc Lập, nhưng lại không đả động gì đến tình trạng áp bức và thiếu tự do ở Việt Nam”, DB Wolf nói.

DB Wolf là tác giả của Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế được Quốc Hội thông qua và Tổng Thống Clinton ký ban hành năm 1998. Luật này đòi hỏi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lập ra Văn Phòng Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế với nhiệm vụ theo dõi tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới để hàng năm phúc trình với Quốc Hội và Toà Bạch Ốc. Bản phúc trình này phải liệt kê vào danh sách CPC những quốc gia nào vi phạm trầm trọng tự do tôn giáo. Các quốc gia trong “bảng phong thần” này sẽ bị chế tài trừ khi được Tổng Thống Hoa Kỳ đặc miễn với hứa hẹn có sự cải thiện.
Đồng thời, luật này thành lập Uỷ Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, một cơ cấu độc lập với nhiệm vụ cố vấn cho Quốc Hội và Hành Pháp. Vai trò của Uỷ Hội là tạo sự cân bằng đối với Bộ Ngoại Giao nhiều khi bị thiên lệch vì theo đuổi những quyền lợi như là mậu dịch, quốc phòng, chống khung bố.

Trong hai năm liên tiếp, 2004 và 2005, Việt Nam bị đưa vào danh sách CPC và do đó đã phải hứa hẹn sửa đổi để được ra khỏi danh sách. Trong cả hai năm này Tổng Thống Bush đặc miễn cho Việt Nam không bị chế tài, với hứa hẹn là sẽ gia tăng áp lực để Việt Nam phải cải thiện tình trạng tự do tôn giáo. Năm 2006, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ rút Việt Nam ra khỏi danh sách CPC bất chấp sự phản đối của Uỷ Hội. Năm ngoái và năm nay, Đại Sứ Michalak tuyệt nhiên cản trở việc đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC.

Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS, nhận xét rằng ở Hoa Kỳ hiện nay chỉ có hai đạo luật nối vấn đề nhân quyền với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với biện pháp chế tài dành cho các quốc gia vi phạm trầm trọng: Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người và Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, và Đại Sứ Michalak đã tìm cách chống đỡ cho Việt Nam trong cả hai lãnh vực này.

“Trước tình trạng này, chúng ta cần tập trung vào một vài trường hợp vi phạm tự do tôn giáo rất cụ thể mà không ai chối cãi được và yêu cầu Đại Sứ Michalak có hành động giải quyết”, Ts. Thắng kêu gọi.
Ông cho biết đang làm việc với các vị dân biểu như Frank Wolf, Cao Quang Ánh, Christopher Smith, Zoe Lofgren, Howard Berman… để tập trung sự quan tâm của Quốc Hội Hoa Kỳ vào một hoặc hai vấn đề mũi nhọn trong lãnh vực tự do tôn giáo.
“Đây sẽ là những chuẩn mực để đánh giá thực tâm cải thiện tình trạng tôn giáo ở Việt Nam. Nếu giải quyết được thì quả thực có tiến bộ, bằng không thì sẽ khó cho Đại Sứ Michalak tiếp tục che chắn cho Việt Nam”, Ts. Thắng giải thích.

Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos mới được thành lập bởi Quốc Hội Hoa Kỳ. Tom Lantos là vị dân biểu người Do Thái tị nạn từ Hung Gia Lợi. Trước khi qua đời năm 2008, Ông là một trong những tiếng nói mạnh mẽ trong Hạ Viện Hoa Kỳ về nhân quyền, kể cả nhân quyền ở Việt Nam. DB Cao Quang Ánh là một trong tám thành viên của Hội Đồng Điều Hành của uỷ hội này.

No comments: