Wednesday, July 29, 2009

BÁO CHẾT, BỘ 4T QUẢN LÝ AI ?


Báo chết Bộ 4T quản ai?
Bút Lông's Site
Jul 28, '09 4:18 AM
http://butlong.multiply.com/journal/item/426/426
Tờ Bưu điện Việt Nam (ICTnews) hôm nay có bài “báo tử” cho các loại báo in ở Việt Nam. Bài báo cho hay, sau nhiều tháng “chống chọi”, nhật báo Sài Gòn giải phóng 12G đã quyết định “tạm ngưng phát hành” vào ngày 11/7. Không chỉ thế, đã có ít nhất 4 tờ báo xin ngừng hoạt động, 5 tờ báo xin giảm kỳ, 6 tờ báo xin giảm trang, nhiều báo in ở các địa phương gặp phải rất nhiều khó khăn.

Cơ quan ngôn luận của Bộ Thông tin Truyền thông nhận xét: “Việc đóng cửa, giảm số lượng phát hành báo in trong nước ngày càng trầm trọng trong thời gian gần đây”. Từ đó, dẫn ý kiến của “một số người am hiểu về công tác phát hành”, Báo Bưu điện khẳng định: “Sự giảm sút phát hành của báo in, ngoài xu thế chung ra còn một yếu tố quan trọng khác là chất lượng tin tức của phần lớn các báo không đáp ứng nhu cầu của người đọc”. Lý do là tình trạng giảm lương, giảm nhuận bút. “Có báo giảm nhuận bút đến 20% và cắt tất cả các khoản phụ cấp… Và tất nhiên, động lực cho những tin bài “nóng”, “độc” trên thực tế sẽ giảm đi rất nhiều”.

Đáng lưu ý, báo Bưu điện đã phỏng vấn một nhân viên giao báo tại quận 3, TP.HCM tên là Nguyễn Tuấn Huy để đưa ra lý do: “Nhiều người đặt báo hiện không còn hứng thú nhiều với báo in. Một gia đình ở đường Võ Văn Tần (quận 3) trước đây đặt đến 5 tờ báo mỗi ngày nhưng hơn 1 năm lại đây họ chỉ còn đặt 2 tờ. Bởi mỗi sáng lật ra 5 tờ, thì cả 5 tờ đều có tin bài giống nhau. Thậm chí, nhiều tin bài còn giống nhau đến… từng câu chữ!? Nhiều bài viết không phải ánh được thực tế xã hội. Nhiều báo còn đăng những bài… không đáng tiền bỏ ra mua báo”.

Hơn thế, theo ý kiến một Phó Tổng biên tập tại TP HCM được dẫn trên báo thì ngay cả đội ngũ phóng viên được cho là… lành nghề cũng không thể có nhiều bài báo đáp ứng nhu cầu bạn đọc. “Người đọc báo giờ khác xưa lắm rồi! Họ cần những thông tin chính xác, có tính phản biện, định hướng phát triển một cách cụ thể chứ không thể chung chung được. Những điển hình xã hội phải là “thật””…
Theo Báo Bưu điện VN: “Để có được nhiều bài báo như thế hoàn toàn không dễ”!

Ai tai! Đọc tin “báo tử” này mà… cười ra nước mắt. Vì sao lại xảy ra tình trạng: “Để có được nhiều bài báo như thế hoàn toàn không dễ”? Có nguyên nhân nào từ việc “định hướng thông tin” với chế tài khắc nghiệt khiến làng báo (in) lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo như cơ quan ngôn luận của Bộ 4T nhận định không? Việc các báo “giống nhau” hoặc “xa rời tôn chỉ mục đích” có phải do cùng chung 1 định hướng đưa các tin (thu hút bạn đọc), do bị cấm các cách thức khai thác độc đáo theo sở trường hay không?
Mà giả dụ… báo in mà chết hết như màu đen u ám nói trên thì Bộ 4T sẽ quản ní ai đây?

No comments: