Tuesday, October 21, 2008

TRUY NIỆM HÀ THÚC KÝ

Truy niệm ông Hà Thúc Ký
Thông Luận
Đăng ngày 20/10/2008 lúc 13:39:01 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3202

Ông Hà Thúc Ký, người sáng lập và nguyên chủ tịch Đại Việt Cách Mạng Đảng đã từ trần ngày 16 -10- 2008 tại Maryland, Hoa Kỳ, hưởng thọ 89 tuổi.

Ông Hà Thúc Ký sinh năm 1920 trong một gia đình khoa bảng, tốt nghiệp kỹ sư thuỷ lâm năm 1943. Ông tham gia Đại Việt Quốc Dân Đảng do ông Trương Tử Anh lãnh đạo năm 1946 và nhanh chóng trở thành một lãnh tụ hàng đầu của đảng này. Đầu thâp niên 1950 ông đã hợp tác với ông Ngô Đình Nhu, làm phó chủ tịch Phong Trào Đại Đoàn Kết và Hòa Bình do ông Nhu làm chủ tịch và đóng góp nhiều cho giải pháp Ngô Đình Diệm. Sự hợp tác này đã kết thúc nhanh chóng vì bất đồng chính kiến mặc dù gia đình ông và gia đình ông Diệm khá thân tình. Các cấp lãnh đạo Đại Việt bị truy lùng, ông Hà Thúc Ký tổ chức chiến khu Ba Lòng tại Quảng Trị vừa chống cộng sản vừa chống chính quyền Ngô Đình Diệm. Chiến khu này bị chính quyền Ngô Đình Diệm tấn công tiêu diệt năm 1956, ông Hà Thúc Ký bị bắt tại Sài Gòn năm 1958 trong lúc đang hoạt động bí mật và bị cầm tù cho tới khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Ông tham chính trong thời gian ngắn ngủi sau đó với chức vụ tổng trưởng nội vụ rồi lại quay về thế đối lập vì bất hòa với tướng Nguyễn Khánh.

Thông báo của Đại Việt Cách Mạng Đảng
http://i259.photobucket.com/albums/hh294/bquangnam/ThongBaoHTK.jpg
[
xem hình khổ lớn]

Năm 1965 ông thành lập và làm chủ tịch Đại Việt Cách Mạng Đảng. Đây là một hành động ly khai với Đại Việt Quốc Dân Đảng mà lãnh tụ lúc đó là bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn. Trước đó các ông Nguyễn Ngọc Huy, Phạm Thái và một số khá đông đảng viên Đại Việt Quốc Dân Đảng cũng đã tách ra thành lập đảng Tân Đại Việt. Như vậy, từ năm 1965 có tới ba đảng Đại Việt: Đại Việt Quốc Dân Đảng quy tụ những thành phần trung kiên với bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn, Tân Đại Việt của ông Nguyễn Ngọc Huy mà đa số đảng viên là người miền Nam, và Đại Việt Cách Mạng của ông Hà Thúc Ký đôi khi được gọi là "Đại Việt Miền Trung". Trong ba hệ phái này hệ phái Đại Việt Cách Mạng của ông Hà Thúc Ký được coi là có tổ chức chặt chẽ nhất, có lẽ vì thế mà ông Hà Thúc Ký thường bị coi là có khuynh hướng độc tài.

Ông tiếp tục là chủ tịch Đại Việt Cách Mạng sau khi di tản ra nước ngoài và định cư tại Mỹ cho đến năm 2005, khi vì lâm trọng bệnh ông nhường quyền lãnh đạo đảng cho ông Bùi Diễm, một cấp lãnh đạo kỳ cựu của Đại Việt, đồng thời cũng là một chính khách lão thành và một nhà ngoại giao nhiều uy tin.

Về sự nghiệp cách mạng của ông Hà Thúc Ký có nhiều sự đánh giá khác nhau. Có người cho ông là người thuộc trường phái cách mạng cũ, nghĩa là có khuynh hướng sắt máu và độc tài. Có người cho là ông có óc lãnh tụ quá nặng nên không hợp tác lâu dài được với ai. Tất cả những phê phán này đều không dựa trên cơ sở chắc chắn nào. Vấn đề có lẽ chỉ giản dị là ông là một người rất kiên trì và quyết tâm nhưng đã không may mắn và gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn, trong đó không có giải pháp nào là hoàn toàn tốt. Và cũng không ai có thể phủ nhận rằng trong số những lực lượng cách mạng kỳ cựu Đại Việt Cách Mạng Đảng của ông là một trong những tổ chức có thực lực nhất. Điều này chứng tỏ bản lĩnh của Hà Thúc Ký.

Nhưng dù đánh giá ông cách nào, mọi người đều phải ngưỡng mộ lòng yêu nước, sự dũng cảm và sự kiên trì của ông. Hà Thúc Ký xứng đáng được ngưỡng mộ vì đã dâng hiến cả cuộc đời cho đất nước.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên xin nghiêng mình kính cẩn trước vong linh của một nhà cách mạng chân chính, một cấp lãnh đạo đầy bản lĩnh, và trên tất cả, một người Việt Nam yêu nước và lương thiện.

Xin trích lục cuộc đời và sự nghiệp của Hà Thúc Ký, từ nguồn tài liệu của Hội Đồng Nghiên Cứu Sách Lược Trung Ương Đại Việt Cách Mạng Đảng.
Phạm Đỉnh


HÀ THÚC KÝ (1920-2008)
Chủ Tịch Sáng Lập Đại Việt Cách Mạng Đảng

Hình: Hà THúc Ký
http://i259.photobucket.com/albums/hh294/bquangnam/HaThucKy.jpg

Đồng chí Hà Thúc Ký sinh ngày 12 tháng 11 năm 1920 (nhưng trên giấy tờ hộ tịch ghi 01.01.1919 để được đi học sớm), tại làng La Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên thuộc một dòng tộc khoa bảng, thân sinh là cụ ông Hà Thúc Huyên, xuất thân giới quan trường của Triều Nguyễn và thân mẫu là cụ bà Tôn Nữ Thị Hiệp, dòng dõi hoàng phái, tín hữu rất sùng mộ Phật Giáo.

Thuở nhỏ đồng chí theo học tại trường Thuận Hoá, rồi chuyển qua Trường Pellerin, Trường Thiên Hựu, sau ra Hà Nội học ngành Thuỷ Lâm, một ngành học hái ra tiền (“Nhất Thuỷ lâm, nhì Khâm sứ”) thuộc Trường Đại học Đông Dương và tốt nghiệp Kỹ sư năm 1943, được bổ làm việc tại quận Năm Căn, Cà Mâu.

Cuối năm 1945, đồng chí bỏ việc về Huế rồi tham gia kháng chiến chống Pháp, chức vụ Trưởng ban Đặc vụ Quân sự tại mặt trận Lào (đường số 9) giúp cho Lào Ê-cà-lạt (Nhóm Lào Độc Lập), vì tính thẳng thắn phát hiện sự dốt nát của cán bộ VM nên sau đó đã bỏ về Hà Nội, vì bị VM nghi là cán bộ Việt Quốc, đang tìm cách thanh toán.

Đồng chí gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng tháng 2 năm 1946, sinh hoạt trong một chi bộ riêng biệt do ý kiến của Đảng Trưởng Trương Tử Anh, vào một thời điểm rất căng thẳng khi các đảng phái quốc gia như Việt Quốc hay Đại Việt, Duy Dân đang là những tập thể đối tượng phải thanh toán quyết liệt của Việt Minh, và trong lúc đa số những ai hoạt động chính trị đều tìm cách rút lui khỏi địa bàn sinh hoạt hoặc tránh né, mai phục. Hoạt động cùng thời với các đồng chí Đặng Văn Sung, Nguyễn Tất Ứng, Bùi Diễm, Nguyễn Tôn Hoàn, Phan Thanh Hòa (anh ruột bà Phan Thị Thanh Bình tức bà Nguyễn Tôn Hoàn) trong Mặt Trận Quốc Dân Đảng 1945-1946, đồng chí làm “Trưởng ban Báo chí Nội thành” đã theo học các lớp tình báo cao cấp do các giáo quan Nhật Bản phụ trách giảng huấn tại Hà Nội. Tháng 11 năm 1946, đồng chí được Đảng Trưởng trương Tử Anh đặc phái về Trung Việt để tổ chức cơ sở Đảng, và đến cuối năm 1950 đồng chí được cử làm Xứ Uỷ Trưởng Xứ Đảng Bộ Trung Việt thay thế cho đồng chí Bác sĩ Bửu Hiệp bị Việt Minh ám sát. Thông qua Đại Hội Đảng năm 1953, đồng chí là một trong ba thành viên lãnh đạo của Hội Đồng Chỉ Đạo Trung Ương Đại Việt Quốc Dân Đảng (Đ/c BS Nguyễn Đình Luyện, đại diện Xứ bộ Bắc Việt, Đ/c BS Nguyễn Tôn Hoàn, đại diện Xứ bộ Nam Việt, Đồng chí Hà Thúc Ký, đại diện Xứ Bộ Trung Việt).

Năm 1954, trở về Huế tái nhập ngành Thuỷ lâm, dạy Toán học tại trường Quốc Học Huế, đồng chí là Phó Chủ tịch của Phong Trào Đại Đoàn Kết Và Hòa Bình cộng tác với Ngô Đình Nhu tại Huế (Chủ Tịch là Ngô Đình Nhu, PCT là BS Nguyễn Tôn Hoàn, Tổng Thư Ký là Lê Phùng Thời) gồm nhiều chính đảng và các tổ chức tôn giáo nhằm mục tiêu yêu cầu Bảo Đại thực hiện các công cuộc cải tổ quốc gia và nhân sự, đòi người Pháp trao trả nền độc lập thật sự cho đất nước, và vận động cho chí sĩ Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh. Cuối năm 1955, do chính quyền mới bội ước về những cam kết với Đại Việt và bắt đầu áp dụng biện pháp đàn áp, đồng chí thiết lập chiến khu Ba Lòng một mặt phá vỡ và chận đứng con đường xâm nhập VNCH của Cộng Sản trên vùng núi sát vĩ tuyến 17, một mặt làm phên dậu che chở cho lực lượng còn non yếu của Đảng.

Đầu năm 1956, khi chiến khu Ba Lòng bị tấn công, một số đồng chí bị bắt, Tỉnh trưởng Quảng Trị Trần Điền (vợ ông Trần Điền là chị ruột Đ/c HTK) vì có Bảo quốc Huân chương nên không bị câu lưu, một số đồng chí đã hy sinh như Nguyễn Thành, bí danh Bình (cán bộ quân sự, xuất thân Trường Hoàng Phố, Trung Hoa do Xứ bộ Nam Việt giới thiệu ra công tác trong chiến dịch Ba Lòng), Phạm Văn Đồng (tức Đồng Đen), Phạm Văn Bôn, v.v... đồng chí vượt trùng vây vào Sài Gòn tổ chức Đài phát thanh lưu động bí mật của Đảng với sự giúp đỡ của các anh Michel Nguyễn Văn Bính, quốc tịch Pháp (hiện còn sống ở Pháp), Lê
Phùng Thời, Hà Thúc Kỷ, Huỳnh Văn Tiên lo vấn đề kỹ thuật; bài vở và xướng ngôn do đồng chí Hà Thúc Ký và đồng chí Trần Ngọc Lập tức Trần Việt Sơn phụ trách, tiếp tục duy trì các cơ sở cách mạng chống đối lại chính quyền độc tài của nền Đệ Nhất Cộng Hòa khiến cho ông Ngô Đình Nhu lo lắng đã phải bực dọc mắng mỏ đám người tín cẩn chung quanh: “Chỉ một mình HTK thôi mà cũng đủ gây mất ăn mất ngủ cho Chính phủ”.

Ngày 3-4-1957, Tòa án Quân sự Mặt trận Sài Gòn đem xử một số đảng viên Đại Việt, với tội danh “phá rối trị an”, trong đó có đồng chí Phan Thông Thảo, Xứ Uỷ Trưởng Nam Việt. Ngày 7-10-1958 Tòa án Quân sự Mặt trận Nha Trang xử một số đảng viên Đại Việt cũng tội danh như trên, kết án nữ đồng chí Trương Thị Thỉnh, bào muội Đảng Trưởng Trương Tử Anh, ba năm tù ở.

Trong thời gian phát khởi cuộc chiến tại Ba Lòng, các đồng chí lãnh đạo Xứ bộ Nam Việt như Nguyễn Tôn Hoàn, Nguyễn Ngọc Huy bị buộc phải chuyển cư sang Pháp, các đồng chí Nguyễn Ngọc Tân tức Phạm Thái, Dương Văn Liện, Nguyễn Văn Đạt lưu vong sang Căm-pu-chia; Ung Ngọc Nghĩa tức Hoài Sơn, Lê Văn Hiệp tức Già Hiệp sang Lào. Cụ Trương Bội Hoàng, thân sinh của Đảng trưởng Trương Tử Anh bị bắt ở Dran (Đà Lạt) giải về giam ở Phú Yên, Trương Văn Nguyên, Huỳnh Tô (con rể cụ Trương)... bị sách nhiễu, giam cầm đủ điều. Một số đồng chí bị giam ở Trung tâm Suối Máu (Biên Hòa), Thủ Đức, Phú Lợi trong đó có các đồng chí Hà Thúc Kỷ, Đoàn Thái (cựu Đổng Lý Văn Phòng Bộ Nội Vu, hiện 93 tuổi còn sống ở Arizona), Trần Việt Sơn tức Trần Ngọc Lập mất năm 1987 tại Sài Gòn (anh ruột Bác sĩ Trần Ngọc Ninh, cựu Tổng trưởng Bộ Giáo Dục của VNCH), Lê Phùng Thời (bị cải tạo ở VN, định cư và chết ở Pháp sau năm 1975), Trương Dụng Khả tức Minh Nhật, Nguyễn Đình Huy (27 năm tù sau năm 1975, hiện còn sống ở VN) tức Việt Huy.

Năm 1957, số đông đồng chí bị bắt thụ án ở lao Thừa Phủ như Nguyễn Văn Lý (15 năm tù ở), Hoàng Xuân Tửu (6 năm), Nguyễn Văn Mân, Nguyễn Ngọc Cứ, Hoàng Văn Hiền, v.v... và một số bị phát vãng đi các trại tù khác, riêng đồng chí bị Tòa án Đại hình Huế xử khiếm diện khổ sai chung thân và tịch thu tài sản. Nhưng mãi đến ngày 16-10-1958 đồng chí mới bị bắt tại Sài Gòn, giam tại trại Vân Đồn, rồi chuyển tới trại “pháo binh Lê Lợi” đường Lê Văn Duyệt, rồi Tổng nha Công an Cảnh sát và sau cùng là Bệnh viện tù Chợ Quán. Đồng chí phu nhân là bà Tôn Nữ Oanh, ái nữ của cụ Tôn Thất Hoàn (tri huyện Nghi Lộc năm 1930 bị phong trào Xô Viết Nghệ An do CS xúi giục và lãnh đạo giết ngày 01.01.1931, có tư liệu ghi ngày 2.01.1931, gia đình tổ chức lễ giỗ ngày 13 và 14 tháng 11 âm lịch) và con gái mới ba tháng Hà Nguyệt Thu cũng bị bắt bị giam giữ tại P.42 (tức Sở Thú, Sài Gòn). Ngay tối hôm bắt được đồng chí, bác sĩ Trần Kim Tuyến đã vào trình riêng cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Cụ Diệm giận dữ gắt lên: “Thứ đó đem chặt đầu đi”, khiến cho bác sĩ Tuyến vô cùng bối rối ra về. Sáng hôm sau bác sĩ Tuyến lại cầm hồ sơ vào gặp cụ Diệm và lần này cụ nhẹ nhàng bảo: “Nì, đối xử tử tế vì dù răng cũng là chỗ quen biết cả”, ý muốn nói mối liên hệ đồng liêu giữa hai dòng họ Ngô-Đình và Hà-Thúc tại triều đình Huế ngày trước và liên hệ thông gia giữa gia đình ông bà Trần Văn Chương, cựu Đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ với gia đình đồng chí.

Nhân cuộc đảo chính ngày 1-11-1963, một cán bộ Đại Việt là đồng chí Dương Quang Tiếp (1930-1986) đã vào bệnh viện Chợ Quán đón đồng chí Hà Thúc Ký ra ngày 3/11, và Hội Đồng Quân Dân Cách Mạng đã mời đồng chí tham gia vào Hội Đồng Nhân Sĩ. Sau cuộc chỉnh lý ngày 30-01-1964, đồng chí được mời giữ chức Tổng Trưởng Nội Vụ trong Nội các Nguyễn Khánh nhưng chỉ hai tháng sau, đồng chí từ chức để phản đối chính sách quân phiệt của tướng Nguyễn Khánh. Trong thời gian ở chức vụ trọng yếu này, đồng chí thường đi thăm các trại tù, các trung tâm cải huấn ra chỉ thị cải thiện đời sống của tù nhân. Không bao giờ nghĩ đến chuyện trả thù trả oán đối với anh em thuộc chế độ cũ ở trong hàng ngũ đảng Cần Lao, trái lại nhiệt tâm nâng đỡ những thành phần quốc gia chân chính.

Tháng 5 năm 1965, đồng chí công bố Tuyên ngôn 9 điểm, nội dung đòi hỏi thiết lập cơ chế dân chủ, kêu gọi đại đoàn kết quốc gia chống Cộng. Nhiều cuộc biểu tình tại Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Tín, Tây Ninh, Ba Xuyên v.v... được tổ chức để ủng hộ lập trường của đồng chí.

Ngày 25.12.1965, Đại Hội Toàn Đảng kỳ I khai sinh Đại Việt Cách Mạng Đảng họp tại 27 E Trần Nhật Duật, Tân Định với sự tham dự của hầu hết đại biểu cơ sở Đảng thuộc ba Xứ bộ Nam, Trung, Bắc đã bầu đồng chí Hà Thúc Ký làm Tổng Bí Thư Đảng với hai đ/c Trần Việt Sơn (Đệ I Phó TBT) và Hoàng Xuân Tửu (Đệ II Phó TBT), Ban Thường Vụ Trung Ương và Ban Giám Sát với sự tham dự của một số cán bộ nòng cốt như Tôn Thất Tế, Nguyễn Văn Mân (93 tuổi hiện còn sống ở Houston, Texas, Hoa Kỳ), Lê Vân tức Bảo Kính, Đặng Văn An, Nguyễn Bá Thìn (tự Long), Nguyễn Ngọc Cứ, Nguyễn Văn Lý, Mai Đức Thiệp, Phạm Nam Sách, Nguyễn Văn Độ tự Tình, Nguyễn Văn Ngải, LS Nguyễn Gia Thụ, Võ Cừ, Phàng Công Phú, Cao Khắc Nhật (Đại tá Trưởng Phòng III, Quân Đoàn I, tử trận ở Hạ Lào 1970), Giệp A Giêng v.v... Đặc biệt trong Đại Hội này có sự tham dự của lớp cán bộ trẻ thuộc Viện đại học Huế như Trần Vinh Anh (1937-1967), Nguyễn Đức Cung, Lê Đình Cai, Hồ Kim Quý, Cao Thân, Mai Đức Thọ, Nguyễn Lý Tưởng, Trần Hữu Thục v.v... Tổ chức các quân uỷ trong các đơn vị chiến đấu như QLVNCH, ĐPQ, CS, NQ... là những bước khởi đầu xây dựng thực lực, đã thu hút được nhiều anh em trong quân đội như Trung Tá Nguyễn Văn Tăng, Đại tá Trương Tấn Thục v.v...

Ngày 11.9.1966, Quốc Hội Lập Hiến được bầu, có lẽ phần nào cũng do sức ép từ bản Tuyên Ngôn 9 Điểm do đồng chí Hà Thúc Ký đưa ra từ hơn một năm trước. Có một số đồng chí và thân hữu của Đại Việt Cách Mạng Đảng vào được cơ chế trung ương lập pháp này với các anh Nguyễn Văn Ngải, Trần Điền, Hoàng Xuân Tửu, Tôn Thất Uẩn, sinh hoạt trong Khối Đại Chúng.

Tháng 9 năm 1967, đồng chí được Đảng chỉ định ra tranh cử Tổng Thống, cùng một số đồng chí khác ra tranh cử Thượng nghị viện và Hạ nghị viện. Kết quả liên danh Thượng Viện Bông Lúa với bảy đồng chí là cán bộ Đại Việt Cách Mạng như Hoàng Xuân Tửu, Nguyễn Văn Mân, Nguyễn Văn Ngải, Phạm Nam Sách, Nguyễn Văn Kỷ Cương, Tôn Thất Uẩn, Mai Đức Thiệp đắc cử. Một số cán bộ đắc cử vào Hạ Viện pháp nhiệm 1967-71 như Nguyễn Lý Tưởng, Đỗ Trọng Nguyên, Dương Minh Kính (gốc Đại Việt thuộc Đại Khu Bắc Việt), Kiều Mộng Thu, Võ Mạnh Đông. Trong suốt thời gian từ 1965 đến 1969, dưới sự lãnh đạo của đồng chí, các cơ sở của Đảng đã lớn mạnh khắp nơi trên toàn quốc, các đại hội đảng đã được tổ chức để giới thiệu với quần chúng cơ sở lãnh đạo địa phương cùng các chủ trương đường lối của Đảng. Nhiều đồng chí lớn tuổi cũng tận tụy hy sinh, yểm trợ đồng chí Hà Thúc Ký trong các công tác đảng vụ, tỉ dụ như đồng chí lão thành Nguyễn Văn Mân (nay đã 93 tuổi hiện còn sống ở Houston, hai vợ chồng cụ đã đem cầm căn nhà của mình ở trên đường Trương Minh Giảng (gần Viện Đại Học Vạn Hạnh) để có tiền giúp Đ/c Hà Thúc Ký trong cuộc tranh cử TT năm 1967. Đồng chí nguyên lão Nguyễn Văn Mân (người đồng châu Quảng Trị gọi là Tú Mân vì ông đậu Tú tài Pháp cũng khá sớm tại QT) là người đạo đức, tính nết rất dễ thương, nhiều anh em quân dân chính VNCH ở tù chung với cụ trong tù CS như trại Hà Tây, trại Nam Hà ở Miền Bắc sau năm 1975 ai cũng phục, lại là người rất kính trọng đồng chí Hà Thúc Ký.

Để tăng cường trong việc yểm trợ an ninh cho các cơ sở Đại Việt Cách Mạng Đảng tại Miền Trung, đồng chí Hà Thúc Ký đã chỉ thị cho đồng chí Trần Ngọc Lộ (chưởng môn) truyền thụ môn võ Thất Sơn Thần Quyền cho bất cứ anh chị em nào trong Đảng chịu bái sư, và theo lời đồng chí Trần Đạo Đông, nhờ môn võ thần quyền này mà chỉ trong thời gian rất ngắn hàng chục ngàn thanh niên ở nông thôn cũng như thành thị thuộc hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên đều theo vào hàng ngũ Đại Việt Cách Mạng Đảng.

Sau Tết Mậu Thân (1968), một mặt trận chính trị thành hình có tên Mặt Trận Quốc Gia Dân Chủ Xã Hội quy tụ 6 chính đảng có thực lực tại Miền Nam như Đại Việt Cách Mạng, Lực Lượng Đại Doàn Kết (Nguyễn Gia Hiến), Việt Nam Nhân Xã Cách Mạng Đảng (Trương Công Cừu), Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng (Trình Quốc Khánh), Việt Nam Quốc Dân Đảng (Vũ Hồng Khanh) và Lực Lượng Tự Do Dân Chủ (Nguyễn Văn Hướng); đồng chí Hà Thúc Ký là một trong 6 thành viên của Chủ Tịch Đoàn.

Đầu năm 1969, đồng chí đã cầm đầu một phái đoàn trong đó có nghị sĩ Nguyễn Gia Hiến, luật sư Nguyễn Phước Đại, dân biểu Lý Quý Chung và một số chính khách của Việt Nam Cộng Hòa công du qua các nước Âu, Mỹ và Á Châu để tranh đấu cho chính nghĩa quốc gia trên trường chính trị quốc tế.

Tháng 8 năm 1969, đồng chí đã cử Bác sĩ Hồ Văn Châm tham gia nội các của chính phủ Trần Thiện Khiêm qua chức vụ Tổng Trưởng Chiêu Hồi, và phụ tá là đồng chí Nguyễn Văn Canh.

Ngày 4-1-1970, đồng chí được Đại Hội Toàn Đảng kỳ II họp tại nhà hàng Bát Đạt Chợ Lớn, bầu vào chức vụ Chủ Tịch Đảng nhiệm kỳ 1970-1974. Đại Việt Cách Mạng Đảng có thêm Ban Bảo Quy (cơ cấu bảo vệ Đảng Quy) với các đ/c như Phạm Nam Sách, Trương Tử Thiên, Nguyễn Ngọc Cứ, Tôn Thất Tế... trong cơ chế tổ chức, ra hoạt động công khai theo quy chế chính đảng). Hiện diện trong Đại Hội này có một số đồng chí tham chính trong nhiều cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trung ương, một đại diện của Chi bộ Đảng Phú Yên, Trương Văn Nguyên tức trương Tử Thiên, Võ Đại Tôn tức nhà thơ Hoàng Phong Linh, Giáo sư Đại Học và Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt Nguyễn Bào, Lê Quyền, Nguyễn Ngọc Liên, Nguyễn Kim Dần, Đỗ Hữu Long, Võ Công Diệu tức nhà thơ Hà Ly Mạc... Trong thời gian này đồng chí đã nhiều lần đi khắp các tỉnh bộ, đặc khu sinh hoạt cùng anh em cơ sở, liên hệ với các đoàn thể chính trị cùng các cơ quan ngoại giao để tăng cường sự hợp tác hầu phát triển uy tín Đảng trong và ngoài nước.

Tháng 9 năm 1971, trong kỳ bầu cử Hạ Viện pháp nhiệm 2 (1971-1975) rất nhiều cán bộ Đại Việt Cách Mạng Đảng do đồng chí Hà Thúc chỉ thị ra ứng cử đã trở thành dân biểu như Nguyễn Văn Kim (Quảng Trị), Nguyễn Đức Cung (Quảng Nam), Trương Văn Nguyên (Phú Yên), Lý Hiền Tài (Cam Ranh), Nay Lo (Kontum), Đèo Văn Tsé (Tuyên Đức), Touneh-Tơn (Tuyên Đức), Thạch Lang Sa (An Xuyên), Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh (đơn vị Gia Định hiện sống tại Louisiana, Hoa Kỳ). Nhóm Dân Biểu Quốc Gia gồm các dân biểu Nguyễn Trọng Nho, Dương Minh Kính, Nguyễn Văn Binh, Nguyễn Văn Cử, Vũ Công Minh, Nguyễn Minh Đăng, Đỗ Sinh Tứ được thành lập trong Hạ Viện trong đó có thêm các đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Đức Cung là những dân biểu quốc gia chọn thế đối lập thường được báo giới nhắc tên với sự kính trọng, đã nhiều lần tạo nên sóng gió làm rung chuyển diễn đàn Hạ Nghị Viện vì nhiệm vụ bênh vực quyền lợi của dân chúng, chống lại - trong tinh thần xây dựng - các sai lầm của chính quyền quốc gia, và đó cũng là một phần nào do sự tài bồi của đồng chí Hà Thúc Ký và Đại Việt Cách Mạng Đảng.

Ngày 30-4-1975 khi Miền Nam sụp đổ, đồng chí lánh ra ngoại quốc và tiếp tục con đường đấu tranh chống lại bạo quyền Cộng Sản qua các hoạt động bảo vệ nhân quyền, tố giác các tội ác của tập đoàn Cộng Sản Việt Nam trước dư luận quốc tế, sử dụng các hình thức đấu tranh ngoại vi cho các mục tiêu lâu dài của Đảng. Các cuộc biểu tình của người Việt quốc gia tị nạn Cộng Sản do đồng chí Hà Thúc Ký lãnh đạo tổ chức vào năm 1976 trước Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, Hoa Kỳ đã đặt nền tảng đấu tranh về sau cho cộng đồng Việt Nam quốc gia hải ngoại.

Ngày 01.01.1978, một bản Tuyên Ngôn Thành Lập Mặt Trận Việt Nam Tự Do do đồng chí đứng đầu danh sách những người sáng lập được công bố gồm các anh em nòng cốt như Đoàn Văn Cầu tức Hoàng Lương, Nguyễn Văn Kim, Đinh Quang Tiến tức Vũ Hà, Lê Quyền tức Hải Đình, Vũ Văn Phòng, Lại Thế Hùng (ở Âu châu), BS Đặng Ngọc Cương, Hàng Văn Bé, Phan Tứ Hải (Cựu Trung Tá Hải Quân), Trần Văn Ân (cựu Dân biểu Hạ Viện 1971-1975). Trong những năm về sau, đồng chí lại được một số đồng chí cũ và thân hữu đến tăng cường lực lượng gồm Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, ký giả Lê Triết, ký giả Hạ Thảo Hoàng Minh Hùng, nhà văn Trang Châu (ở Canada), tổ chức Mặt Trận Việt Nam Tự Do, một cơ sở ngoại vi của Đảng, quy tụ thêm rất nhiều khuôn mặt trẻ như Trần Trí Hoàng, Trần Hữu Tam, Hà Ngọc Cư, Võ Đức Quang, Nguyễn Bắc Ninh, Nguyễn Minh Chính, Nguyễn Đăng Lạc v.v... nhằm duy trì hào khí cách mạng và tạo cơ hội tìm nhân tài trẻ trong các tầng lớp thanh niên, ngoài ra cũng để chờ đợi thêm số đông anh chị em cán bộ, đảng viên còn kẹt lại trong nước.

Trong khi đó ở trong nước, tại Huế, trong dịp Tết Năm Mậu Ngọ (1978), một số đồng chí Đại Việt Cách Mạng Đảng đứng đầu là đồng chí Phan Ngọc Lương (Trung Tá QLVNCH, Bí thư Quân Uỷ Quân Khu I, Thương phế binh QLVNCH) đã cầm đầu trong bí mật một tổ chức quật khởi gồm tuyên truyền chính trị và khởi nghĩa quân sự gọi tên là Vụ án Mậu Ngọ. Tổ chức gồm có thêm các anh Phạm Lự, Tống Châu Khang, Trần Ngọc Quờn, giáo sư Trường Trung Học Kiểu Mẫu thuộc Trường Đại Học Sư Phạm Huế, Huỳnh Lai, Nguyễn Ngọc Con, Phan Thiên Linh, Bùi Thị Cặn và rất nhiều can phạm khác đã bị bắt lên tới hàng trăm người. Nữ đồng chí Bùi Thị Cặn là người đã đặt chất nổ ở Phòng Thông Tin Huế (trước cầu trường Tiền), rải truyền đơn ở Chợ Đông Ba kêu gọi đình công bãi thị. Khi bị bắt, chị Bùi Thị Cặn đã cắn lưỡi tự tử để khỏi phải cung khai tên các đồng chí khác. Đồng chí Phan Ngọc Lương bị bắt đưa ra tòa án Huế và đã thẳng thắn tuyên bố trước tòa án CS: “Cộng Sản là kẻ thù của Đại Việt nói riêng và của nhân dân Việt Nam nói chung”. Anh Phan Ngọc Lương bị CS xử tử hình tại Chín Hầm, anh Trần Ngọc Quờn, người Công Giáo, đi tu dòng Don Bosco lúc nhỏ, giáo sư Pháp Văn, bị bắt đưa ra bắn tại Quảng Bình. Các anh Phạm Lự, Tống Châu Khang, Huỳnh Lai, Nguyễn Ngọc Côn, Phan Thiên Linh mỗi người từ 15 đến 20 năm khổ sai. Thời gian đó CS nắm hết báo chí, chưa có Internet nên mọi tin tức đều bị bưng bít, nhưng dân chúng Thừa Thiên – Huế biết rõ sự kiện và rất nhiều tin tức lọt vào trong các trại tù ở Bình Điền, Phú Túc, Tiên Lãnh nên anh em Miền Trung biết rõ chuyện này.

Năm 1990, khi đồng chí Nguyễn Văn Kim muốn biến Mặt Trận Việt Nam Tự Do trong đó có rất đông đảng viên Đại Việt Cách Mạng trốn được ra hải ngoại thành Việt Nam Quang Phục Cách Mạng Đảng (gọi tắt là Đảng Quang Phục) và lèo lái theo ý kiến riêng của mình, đồng chí Hà Thúc Ký đã giải tán Mặt Trận Việt Nam Tự Do rồi cùng với đồng chí Hoàng Lương tức Đoàn Văn Cầu (lý thuyết gia của tổ chức lúc đó) tái tổ chức Đại Việt Cách Mạng Đảng và sau khi chương trình H.O thực hiện cho các tù chính trị VN, một số cán bộ trong nước đến được Hoa Kỳ như Võ Cừ, Nguyễn Văn Mân, Nguyễn Văn Tăng tức Nguyễn Nguyên (Cựu Trung Tá QLVNCH, sĩ quan xuất sắc của hàng ngũ Đại Việt), Nguyễn Ngọc Cứ, Nguyễn Đức Cung, Mai Đức Thọ, Trần Đạo Đông tức Việt Hưng, Nguyễn Văn Thìn, Hồ Văn Tâm, Nguyên Xương Phạm Bá Vịnh, Nguyễn Văn Trọng, Trần Hữu Thục (tức Khánh Nhật, hay nhà văn Trần Doãn Nho), Nguyễn Lý Tưởng, Lê Đình Cai, Phan Thanh Khôi, Lê Hữu Dinh, Nguyễn Tấn Thọ, Lê Ngân, Hà Thúc Trạch, Hà Thúc Trình, Thái Quang Ty, Hà Thúc Lễ, Hoàng Khuyến, Bảo Nghê, Trần Đức Anh, Phạm Văn Nghiêm v.v... cơ sở Đảng tiếp tục được củng cố và bành trướng với các đồng chí nhiệt tâm trung thành như BS Nguyễn Văn Lung, Linh Vũ Lê Văn Hiếu trên vùng đất mới Hoa Thịnh Đốn, các cơ sở Đảng mới như ở Thành phố Philadelphia do công lao thành lập của Đ/c Nguyễn Đức Cung với các đồng chí Lê Hữu Bính (cán bộ cũ của Đảng từ 1964), Trần Văn Cả, Bùi Văn Chiến, BHT, VTH, Gịp Tuấn Ngọc (người Nùng), NVD và rất nhiều nhân tố mới, có lập trường quốc gia kiên định, kế đó San Jose, Denver, Houston, Dallas rất nhiều nơi không thể kể hết qua tận Âu châu v.v... tiếp tục thành hình.

Cũng trong thời gian từ 1988 đến 1994 đồng chí đã có những nỗ lực thiện chí trong công tác thống nhất Đại Việt, mà người có công làm con thoi giữa Đại Việt Cách Mạng Đảng với Tân Đại Việt (giai đoạn sau) là đồng chí Đặng Văn An (anh ruột của các đồng chí Đặng Văn Thừa và Đặng Văn Nghi) nhưng đã không vượt qua được những trở lực do lịch sử tạo nên. Trong xử sự giao tình, đồng chí luôn luôn một niềm quý mến bạn hữu chẳng hạn như đối với ông Ngô Đình Luyện, bào đệ của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nguyên Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Luân Đôn, đồng chí vẫn có những giao hảo hết sức tốt đẹp và khi ông Luyện mất năm 1990 tại Pháp, đồng chí có sang đó tham dự lễ an táng. Đặc biệt nhất là dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, ông bà Trần Kim Tuyến lại trở thành bạn thân của đồng chí cho đến khi cả hai ông bà qua đời.

Ngày 24-11-1995, Đại Hội Toàn Đảng kỳ III họp tại Houston, Texas Hoa Kỳ với sự hiện diện của hơn một trăm đại biểu các cơ sở Đảng trong nước, hải ngoại đã nhiệt liệt suy cử đồng chí chức vụ Chủ tịch Đảng nhiệm kỳ 1995-1999. Mặc dù tuổi tác đã cao nhưng đồng chí vẫn sáng suốt và nhạy bén trong mọi công cuộc lãnh đạo Đảng, cường kiện về nhận thức, bền bỉ trong đấu tranh, nhẫn nại trong tin tưởng về tiền đồ tươi sáng của đất nước. Ngoài số cán bộ cũ đã sinh hoạt nhiều năm trong nước, còn có bộ phận trí thức trẻ tham gia hàng ngũ cách mạng tại hải ngoại như Vũ Hà, Trần Trí Hoàng, Tiến sĩ Têrêsa Vương Ý Như (bí danh Thiên- Ân (1954-2007) trước sinh hoạt tại Dallas sau chuyển cư lên Philadelphia, tạ thế cuối năm 2007), Lê Văn Nam tức Trần Thành Trung, Nguyễn Thanh Phận, Võ Đức Quang ...

Các cơ quan truyền thông của Đảng như Tạp chí Cách Mạng, Nội san Sinh Tồn tạo được nhiều uy tín trong dư luận đồng bào hải ngoại và quốc nội cũng là nhờ phần lớn vào quyết tâm và nỗ lực làm việc không quản ngày đêm của đồng chí. Đồng chí là tấm gương sáng, là niềm tin và là hào khí cách mạng nung nấu tinh thần đấu tranh của mọi cơ sở Đảng qua nhiều thế hệ. Một vị bác sĩ từng là dân cử của VNCH hiện sống tại Houston đã từng hỏi như một lời tâm sự xen thán phục với một số bạn bè thân hữu rằng: “Cho đến bây giờ “moi” (chữ moi, đọc là moa, tiếng Pháp có nghĩa là tôi, dùng cách thân mật “tao, mày” giữa bạn bè với nhau. TP chú) cũng không hiểu vì sao anh Hà Thúc Ký lại luôn luôn quy tụ được bên mình các thành phần tuổi trẻ, trí thức như vậy!”.

Trong các cuộc trao đổi giữa một số cán bộ cùng tuổi tác với đồng chí Hà Thúc Ký, các vị đó đã tạm đi đến kết luận rằng sở dĩ đồng chí Hà Thúc Ký thu hút được anh em là vì ngoài những đức tính khiêm tốn, hy sinh, nhẫn nại của một lãnh tụ, đồng chí còn có một cái thường gọi là charisma (phép mầu) hiển lộ qua nhân cách cư xử của mình, từ việc nhỏ cho tới việc lớn. Đồng chí Hà Thúc Ký cũng bị mang tiếng oan là “độc tài” nhưng sự thật trong sinh hoạt chung đồng chí có tinh thần dân chủ, luôn luôn lắng nghe, cổ xúy và ghi nhận ý kiến của anh chị em cán bộ và những kẻ cộng sự với mình. Đồng chí là con người giỏi tình báo nên trọng thực tiễn, liêm chính, và nhất là khiêm cung, thích hành động nhiều hơn lý thuyết, biết đánh giá con người, cán bộ.

Sau Đại Hội III, một số trí thức trẻ như Nguyễn Phượng Hoàng, Trần Đông Đức (hiện là phóng viên của BBC tại Hoa Kỳ)... tiếp tục gia nhập hàng ngũ Đại Việt Cách Mạng Đảng. Đ/c Nguyễn Phượng Hoàng đã có sáng kiến thành lập nhóm thanh niên trẻ trí thức đa số xuất thân từ các đại học Hoa Kỳ, Pháp, Canada trong một cơ sở gọi là Nhóm Hoa Lư chuyên tâm sinh hoạt xã hội, giáo dục, văn hoá, khoa học, với những cuộc đại hội thường niên tại các châu lục, thu hút được rất nhiều giới thanh niên, sinh viên, và đã tạo được nhiều thành tích trong các lễ hội văn hoá cổ truyền, cứu tế xã hội, vận động ảnh hưởng chính trị quốc gia và quốc tế.

Tại Đại Hội IV, tổ chức ngày 28-5-1999 tại Virginia, với ba chủ điểm: trẻ trung hoá lãnh đạo, hiệu năng hoá cán bộ, kiện toàn hoá quốc nội, đồng chí Hà Thúc Ký đã tập trung chú ý đào tạo lớp cán bộ trẻ với đầy đủ khả năng và nhiệt tâm cách mạng để sẵn sàng nối tiếp các bậc đàn anh, nhất là đồng chí chú trọng tái thiết các cơ sở quốc nội, yểm trợ các lực lượng dân chủ đã bắt đầu xuất hiện ở trong nước.

Trong Đại Hội V tổ chức ngày 21-7-2003 tại Houston, đồng chí đề ra chủ trương “Năng động hoá cơ sở” tạo điều kiện cho việc chuyển quyền lại cho lớp người trẻ kế tục thể hiện qua bức Tâm Thư ngày 10.10.2005 kêu gọi sự thương yêu, tình đoàn kết, và lòng khoan dung trong Đảng thể hiện qua Đại Hội VI được tổ chức công khai tại Nam Cali ngày 26-5-2007, với sự đắc cử của Đ/c Bùi Hoài Nam (Bùi Diễm), một bậc lão thành trong giới ngoại giao VN, một học giả tiếng tăm và nhà hoạt động chính trị lão thành mà đức tính khiêm cung là một nét riêng trong phong thái cá nhân, cùng một số đ/c lãnh đạo khác như Nguyễn Lý Tưởng, Nguyễn Đức Cung, Bác sĩ Nguyễn Văn Lung, Vũ Hà (Đinh Quang Tiến), kỹ sư Nguyễn Phượng Hoàng v.v... Tại Đại Hội này, đồng chí Hà Thúc Ký đã được vinh danh và suy cử chức vụ Chủ Tịch Sáng Lập Đại Việt Cách Mạng Đảng.

Tưởng cũng cần nhắc đến việc - trong thời gian bắt đầu phát bệnh nặng khoảng giữa năm 2005 - Đ/c Hà Thúc Ký đã trao quyền lãnh đạo tối cao lại cho Đ/c Bùi Hoài Nam tạm thời xử lý công việc Đảng (quyền Chủ Tịch Đảng) để chờ đại hội họp vào khoảng cuối tháng 5/2007.

Với một cuộc đời khắc khổ, đạm bạc lấy tinh thần cách mạng làm lẽ sống, không câu nệ hình thức, nuôi dưỡng tinh thần lạc quan, đồng chí Hà Thúc Ký luôn trung thành với lý tưởng tranh đấu của mình, đã tỏ rõ khí phách cách mạng của một lãnh tụ qua biết bao thử thách, gian khổ, tù ngục.

Xin mượn phần viết sau đây của một ký giả đài phát thanh BBC (Luân Đôn), ông Vĩnh Phúc để làm phần kết của bản tiểu sử này.

Tác giả Vĩnh Phúc đã ghi lại mẩu chuyện về đời tù của đồng chí Hà Thúc Ký như sau:
“Hôm mới bị bắt vào là buổi sáng. Anh trung sĩ Bảo an hỏi xem ông Ký ăn gì chưa. Ông liền móc túi dồn hết tiền, nhờ anh mua cho ổ bánh mì thịt. Ăn hết ổ bánh, uống một ly nước lạnh, rồi ông Ký phủi chân leo lên ghế bố ngủ một giấc dài. Hôm sau, anh Bảo an nói:

- Bộ ông coi vô tù như đi nghỉ mát à? Ông ăn ổ bánh cả sải tay, rồi ông đi ngủ. Mà ngủ ông còn ngáy nữa chớ!

- Anh tưởng tôi vô đây không phải là đi nghỉ mát sao? Đời tôi làm cách mạng, bị bắt vô đây, tôi coi như đang đi xe đạp bị tuột xích. Tôi xuống xe, lắp xích vô rồi lại đi tiếp. Ông Diệm ngồi làm Tổng thống mãn đời sao? Ông Diệm hết làm tổng thống thì tôi ra. Có chuyện chi đâu!
- Việt cộng vô đây 15 ngày bỏ không ăn uống gì hết. Tụi VC bị bắt vô đây còn ngồi khóc như cha chết, mà ông vô đây, ăn ổ bánh cả sải, ông ngủ ông còn ngáy! Tôi hết nước nói rồi.” (Vĩnh Phúc, Những huyền thoại & Sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 1998, trang 207).

Ngày 16-10-2008, sau gần bốn năm nằm trên giường bệnh, chống chọi với nhiều cơn đau kịch liệt, giữa sự phục vụ chăm sóc hết sức tận tụy không quản ngày đêm, bất chấp mưa gió, nắng nôi của Chị Cả (Tôn Nữ Oanh) và các con cháu, đồng chí Hà Thúc Ký, nhà cách mạng lão thành, một nhân cách lớn đã nhẹ nhàng từ giã cõi đời trong mệnh số của một con người tuy chưa nhìn thấy lý tưởng của mình thành tựu, nghĩa là tri thiên mệnh, nhưng cũng phần nào mãn nguyện vì đã tận nhân lực trong kiếp nhân sinh.

Nguồn: Tư liệu của Hội Đồng Nghiên Cứu Sách Lược Trung Ương

Đại Việt Cách Mạng Đảng (2007-2011)

No comments: