Sunday, October 5, 2008

TÔI VẪN LẠC QUAN

Tôi vẫn lạc quan vì gặp được nhiều người tốt bụng
Đoàn Thanh Liêm
Đăng ngày 26.09.08
http://danchimviet.com/articles/455/1/Toi-vn-lc-quan-vi-gp-c-nhiu-ngi-tt-bng/TrangPage1.html

Tôi có hai điều say mê thích thú trên đời : đó là quen biết được nhiều bạn bè và được tham khảo nhiều sách báo. Sophie Quinn-Judge là một trong những người bạn đã giúp cho tôi có được cả hai niềm say mê đó.


Cuối năm 1972, Sophie và chồng là Paul qua làm việc tại Saigon trong tổ chức Quaker mà thường được biết đến với cái tên là AFSC (American Friends Service Committee). Sophie là người Mỹ, còn Paul là người Anh. Công việc chính yếu của họ là chăm sóc cho các nạn nhân chiến tranh (war victims), tức là hoàn toàn có tính cách từ thiện, nhân đạo.

Chúng tôi có nhiều liên hệ với nhau, vì lúc đó tôi làm việc cho World Council of Churches (WCC = Hội Đồng Các Nhà Thờ Thế Giới), có trụ sở chính ở Geneva, Thụy sĩ. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ giữa Sophie và tôi là: Đầu năm 1973, tôi có nhận được một bức thư hồi âm của Giáo Hội Chính Thống từ Moscow gửi qua trụ sở Geneva chuyển cho tôi ở Sài gòn. Nhưng toàn văn bức thư lại viết bằng tiếng Nga, nên tôi chẳng làm sao mà đọc được. May mà nhờ có Sophie trước đó có học tiếng Nga, nên chị đã dịch sang tiếng Anh giùm tôi. Nội dung bức thư cũng bình thường thôi, vì đó chỉ là thư hồi âm cho tấm thiệp Noel mà tôi đã gửi cho nhiều nơi trong hệ thống của WCC khắp thế giới. Nhưng riêng với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, thì tôi phải nhờ bên Geneva chuyển tiếp thư gửi đi, cũng như nhận lại thư hồi âm giùm, vì Việt nam Cộng hòa thời đó không có liên lạc bưu chính với các nước thuộc khối cộng sản.

Sau năm 1975, thì hai anh chị trở về Mỹ, và trong một thời gian khá dài Sophie đi làm phóng viên cho mấy tờ báo có tiếng như Far Eastern Economic Review tại Hongkong (Tập san Kinh Tế Viễn Đông), tờ Christian Science Monitor (CSM = Người Theo dõi Khoa học Thiên chúa giáo) ở Boston. Đặc biệt từ năm 1987 đến 1992, Sophie là phóng viên thường trú cho tờ CSM tại thủ đô Moscow. Sophie biết thông thạo tiếng Nga, tiếng Pháp và cả tiếng Việt.Tiếp theo chị còn học thi được văn bằng Tiến sĩ Sử học tại Luân đôn và có một thời gian làm việc cho Trường London School of Economics là một cơ sở giáo dục và nghiên cứu lừng danh khắp thế giới. Mấy năm gần đây, thì Sophie về dạy Sử học tại Đại học Temple ở thành phố Philadelphia.


Hình : Sophie Quinn-Judge, nhà nghiên cứu sử học
http://danchimviet.com/articles/455/1/Toi-vn-lc-quan-vi-gp-c-nhiu-ngi-tt-bng/TrangPage1.html

Là người rất thận trọng, nghiêm túc, Sophie được giới học giả quốc tế đánh giá cao về các công trình biên sọan về lịch sử cận đại liên quan đặc biệt tới phong trào cộng sản ở Á châu và ở Việt nam. Cuốn sách “
Hồ Chí Minh : the Missing Years 1919-1941” xuất bản năm 2002 hiện đang được dùng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên sử học tại nhiều trường Đại học trên thế giới. Người viết mới đây đã được tác giả tặng riêng cho cuốn sách này cùng với cuốn sách “The Third Indochina War” xuất bản năm 2006. Và sẽ xin được viết bài giới thiệu với quý độc giả về hai cuốn sách này trong một ngày gần đây.

Trong hai năm 2007 – 08, tôi đã có nhiều dịp đến thăm viếng và trao đổi với Sophie tại Philadelphia. Tuy xa cách đã trên 30 năm, mà khi gặp lại tôi vẫn thấy chị không hề thay đổi trong cách thế ứng xử dịu hiền, thanh thoát của một người trí thức có lòng nhân hậu, từ tốn của một tín đồ Quaker. Khi gặp lại Sophie, tôi đã nói : “Xin chào Cô Thanh”. Chị cười ngất: "Đã lâu lắm rồi chẳng thấy ai gọi tên này với tôi, thành ra tôi đã muốn quên luôn rồi. Nay nghe anh nhắc lại, tôi mới nhớ ra rằng hồi trước 1975 ở Sài gòn bà con ai nấy đều kêu tôi là Cô Thanh".

Tôi đã nhiều lần đến thăm Sophie tại Phân khoa Triết học (Department of Philosophy) của Đại học Temple tọa lạc tại trung tâm thành phố Philadelphia xưa kia là cái nôi của cuộc Cách mạng Mỹ hồi năm 1776. Sophie hiện đang giảng dạy về môn Sử Á châu tại đây. Đồng thời chị còn kiêm nhiệm chức vụ Phụ tá Giám Đốc Trung tâm Nghiên cứu vế Triết học, Văn hóa và Xã hội Việt nam (Center for Vietnamese Philosophy, Culture and Society) trực thuộc Phân khoa Triết học.

Sophie tâm sự:” Ngày nào mà phải giảng dạy, thì tôi mệt đến ngất ngư luôn. Vì phải vừa sọan bài, tra cứu tham khảo, rồi đi ra đứng lớp, xong lại phải trao đổi thêm với các sinh viên. Mấy bữa sau, thì phải ngủ bù để lấy lại sức…” Mấy lần Sophie còn đưa tôi về ở tại nhà tại thành phố Media ở phía Nam Philadelphia. Sophie mua căn nhà này chung với chị bạn là Lê Anh Tú chuyên về nghiệp vụ “Tiên đoán kinh tế” (Economic Forecast). Nhà của hai chuyên gia này chỉ có sách báo và sách báo đủ loại, đủ mọi thứ tiếng, chủ yếu là tiếng Anh, Pháp, Việt. Và gồm nhiều loại triết học, chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa v.v…Nhà của hai người khá rộng, thoáng mát trong một khu phố thật yên tịnh. Sophie trấn giữ hẳn một tầng lầu 3, còn Anh Tú thì ở lầu 2 với ba phòng cho các cháu. Rồi tầng trệt thì là phòng khách, phòng ăn và nhà bếp. Còn tầng hầm rất rộng, thì là cả một thư viện với hàng ngàn cuốn sách, tài liệu, báo chí v.v…

Vì các cháu đã khôn lớn, nên dọn ra ở riêng, thành ra lúc nào cũng có sẵn 1-2 phòng trống để dành cho khách. Và tôi đã có nhiều dịp đến ngụ tại căn nhà này. Buổi sáng, Sophie thường làm đồ ăn nhẹ và cà phê cho tôi. Buổi trưa, thì thường ăn tại trường. Chỉ có buổi chiều, vì có nhiều thời giờ, nên Sophie và Anh Tú mới nấu thêm một số món ăn kể là thịnh sọan để khoản đãi tôi. Bữa ăn tối nhiều khi còn có cả rượu vang nữa. Tôi nói với Sophie: “Sao chị cho tôi ăn ngon quá thế? Sophie trả lời: Bọn tôi sống thoải mái mà (We live well)”. Chị trao chìa khóa nhà cho tôi để tôi tùy nghi đi về cho tiện. Nhà chỉ cách trạm xe điện chừng 1 km, nên Sophie chỉ phải lái xe đến bãi đậu xe gần trạm và lên tàu vào trong thành phố. Thường thì phải mất 40-45 phút để đi từ nhà tới trường. Khi trời mát, thì có thể cuốc bộ đến trạm xe điện thật dễ dàng.

Chúng tôi có nhiều thời gian trao đổi với nhau về công việc làm của mỗi người. Sophie phỏng vấn tôi về sinh họat của giới thanh niên Việt nam trong khuôn khổ Chương trình Phát triển Quận 8 Sài gòn hồi giữa thập niên 1960 và chị rất chú ý đến quan điểm của tôi về vấn đề “Xây dựng Xã hội Dân sự” trong những năm sắp tới ở Việt nam. Tôi nói với chị là : Sở dĩ tôi chú tâm nghiên cứu về đề tài “Sự Phục hồi Xã hội Dân sự tại Đông Âu”, đó là nhằm cung ứng cho bà con người Việt cũng như người Trung hoa và cả Bắc Triều tiên những kinh nghiệm của Đông Âu trong công cuộc Tái thiết và Phục hồi lại xã hội của họ sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, hầu chuẩn bị cho giai đọan “hậu cộng sản” (post-communist era) trên quê hương đất nước chúng ta. Vì đã từng làm việc nhiều năm ngay tại nước Nga, nhất là vào giai đọan Liên Xô bị giải thể, nên Sophie có thể cung cấp cho tôi rất nhiều thông tin, tài liệu sách báo bổ ích cho việc nghiên cứu dài ngày nói trên của tôi.

Có lần Sophie dẫn tôi tới thăm Thư viện của Trường Swarthmore College cũng gần nhà chị ở. Chị nói đây là một trong “top ten” của cả ngàn Đại học Mỹ. Chị dẫn tôi đến ngay “Peace Collection” chiếm hẳn một khu vực của Thư viện. Đây có lẽ là kho tư liệu dồi dào và đầy đủ nhất tại nước Mỹ về Phong trào Hòa bình của nước Mỹ khởi thủy từ cả trăm năm nay. Tôi rất chú ý đến bộ sưu tập các bài viết còn ở dạng manuscript (bản thảo viết tay) của Bà Jane Addams là một trong những vị tiền phong của Peace movement từ hồi đầu thế kỷ XX, trước lúc xảy ra Thế chiến thứ nhất 1914-18. Và tôi đã mấy lần trở lại tham khảo tài liệu tại nơi này.

Vừa mới đây khi gặp lại Sophie vào giữa tháng Chín 2008, tôi có đề xuất với chị là: “Mình phải giúp lớp sinh viên tìm hiểu cặn kẽ hơn về “Phong trào Hòa bình Mỹ và cuộc chiến tranh Việt nam” (The American Peace movement and the Vietnam war), thì Sophie rất tán thành và hứa sẽ tham gia yểm trợ công cuộc nghiên cứu có quy mô dài ngày và rộng lớn như vậy. Chúng tôi còn nhiều dịp để khai triển thêm dự án nghiên cứu lớn lao này.

Do sự giới thiệu của Sophie mà vị Khoa trưởng Phân khoa Triết học là Phil Alperson đã mời tôi đến dùng cơm tối tại nhà riêng tọa lạc tại khu downtown Philadelphia. Phil và bà xã là Mary đã tiếp đãi tôi và Sophie rất thân tình thoải mái, trong căn nhà khá xinh xắn với trang trí thật ấm cúng tươi mát và phong cách trí thức nhã nhặn, cao thượng. Mary lại cũng lại là một Khoa trưởng Khoa Chính trị học của Đại học Rutgers thuộc tiểu bang New Jersey cũng gần kề với Philadelphia. Trong khi trao đổi câu chuyện, tôi nhận thấy là Mary còn bén nhậy hơn ông chồng rất nhiều, bởi lẽ chị chuyên về ngành chính trị học, nên nhận ra ngay cái khúc mắc của vụ án chính trị của tôi ở Việt nam hồi đầu thập niên 1990, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Đông Âu. Cũng do sự mở rộng mối giao thiệp này, mà mới đây tôi có đề xuất với Sophie là chị làm sao thuyết phục được Temple University đứng ra tổ chức một khóa “Hội thảo về Luật Hiến Pháp cho Việt nam” (A Colloquium on Constitutional Law for Vietnam). Chị tỏ vẻ tán đồng, nhưng nói phải mời cả Law School tham gia nữa, vì họ có chuyên môn hơn. Tôi nói chị có thể nhờ cả Mary kêu gọi Đại học Rutgers cùng góp phần với Temple trong việc này nữa. Sophie gật đầu và hứa sẽ vận động giúp cho khóa Hội thảo này có cơ thành tựu được, nhưng cũng lưu ý tôi là cần phải kiên nhẫn, chứ không thể hấp tấp chủ quan được.

Cũng trong dịp gặp lại nhau tại Đại học Temple vào hồi trung tuần tháng Chín vừa rồi, tôi đã tặng cho Sophie bản dịch tiếng Anh từ cuốn Hồi ký của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Chị xem qua và nói ngay là: “Tôi đã có dịp xem qua bản nguyên tác tiếng Pháp nhan đề “Un Excommunie’” của Luật sư Tường, nhưng nay mà có được bản tiếng Anh, thì dễ trao đổi với các bạn ở Mỹ hơn…” Bản dịch này là do sáng kiến của anh Phó Bá Long hồi trước năm 1945 là môn sinh của Luật sư Tường ở Trường Bưởi Hà Nội; anh Long phải nhờ đến anh Nguyễn Xuân Phong xưa kia là Bộ trưởng Hòa Đàm Paris nhận dịch giùm và anh Long đang tìm cách xuất bản cuốn sách này dưới dạng “bìa cứng” (hard cover) để phổ biến rộng rãi trong các Thư viện, các Đại học và trong giới trí thức hàn lâm, ở Mỹ cũng như tại nhiều nơi khác trên thế giới.

Tôi sẽ còn nhiều dịp gặp gỡ và trao đổi về chuyên môn với Sophie, nhất là vào mùa Hè năm 2009 sắp tới. Tôi thật may mắn được quen biết thân thương với những người vừa có tài năng trí tuệ, vừa có tấm lòng nhân ái đôn hậu như là Sophie Quinn-Judge , như Jackie Chagnon, Pat Martin v.v.. Nhân tiện, cũng xin nhắc đến một Sophie khác nữa : đó là Sophie Richardson hiện đang làm việc cho tổ chức Human Rights Watch (HRW = Tổ chức Theo dõi Nhân quyền) tại văn phòng ở Washington DC gần Dupont Circle. Người viết sẽ xin ghi chi tiết hơn về chị Sophie này, mà hiện được rất nhiều nhân sĩ người Việt chúng ta tại vùng thủ đô Washington biết đến và quý trọng, trong một bài viết về tổ chức Theo dõi và Bênh vực Nhân quyền nổi tiếng này.

Đọc các bài nghiên cứu, các sách do Sophie Quinn-Judge viết, tôi thấy toát ra một tinh thần trách nhiệm cao độ, một lề lối làm việc nghiêm túc, cẩn trọng và nhất là tấm lòng bao dung rộng lượng. Trong một dịp khác, tôi sẽ giới thiệu chi tiết hơn về các tác phẩm nghiên cứu sử học của chị. Và tôi cũng sẽ trình bày cặn kẽ hơn về sinh hoạt và công việc của các tín đồ Quaker tại Mỹ trong một dịp gần đây nữa.Westminster, Tháng Chín 2008

------------------------------------

Ghi chú: Quý bạn muốn đọc thêm một số bài mới viết gần đây của Sophie Quinn-Judge, thì có thể mở website “www.opendemocracy.net“, và tìm phần tên tác giả Quinn-Judge. Bài mới nhất vào đầu năm 2008 được viết sau khi Cụ Hoàng Minh Chính tạ thế, với nhan đề là: “ Hòang Minh Chính : The Honourable Dissident”, thì hiện được khá nhiều độc giả ưa chuộng.
© 2008 www.danchimviet.com

No comments: