Monday, October 20, 2008

THĂM LẠI GIA ĐÌNH CỐ NHẠC SĨ HOÀNG PHƯƠNG

Câu chuyện về tình người: Về thăm lại gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Phương
Bài và hình: Trần Tiến Dũng
Sunday, October 19, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=85735&z=1
Chúng tôi vừa trở lại thăm gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Phương vào ngày giỗ của ông. Mục đích của chuyến viếng thăm này là để thông tin cho bạn đọc của nhật báo Người Việt về những thay đổi của vợ con ông sau khi nhật báo Người Việt có một phóng sự về hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông sau khi ông mất.

Cùng đi với chúng tôi là một số bạn trẻ trong nhóm Việt Nam Ngày Mai. Với họ, đây có lẽ đây là lần đi dự đám giỗ xa nhất. Những bạn trẻ rất yêu âm nhạc này muốn tháp tùng chúng tôi trong chuyến đi này còn nhằm để viếng một trong những cố nhạc sĩ nổi tiếng về dòng nhạc bình dân, vốn chỉ nằm trong cảm thức của người già và đã trở nên xa lạ dần với nhu cầu thị trường và thị hiếu của đám đông.

Lần này, trước căn nhà xập xệ của bà Mộng Vân, vợ cố nhạc sĩ Hoàng Phương bày sẵn hai cái bàn tròn. Trong các dịch vụ ở nông thôn mà người nghèo có thể với tới, dịch vụ cho thuê mướn bạt, bàn, ghế, chén, đũa... là dịch vụ phổ biến nhất. Dịch vụ này giúp người nghèo đỡ tủi thân khi nhà có đám, có tiệc, dẫu rằng, đôi khi, những vật dụng cho người nghèo thuê đó cũng luộm thuộm, chắp vá, không xứng hợp với hoàn cảnh, chẳng hạn bạt che đám ma mà thiếu trang nghiêm, lòe loẹt, sặc sỡ như... đám cưới.

Sợ chúng tôi trách chuyện bày vẽ, bà Vân phân bua: “Nghe nói mấy em sẽ xuống đông mà nhà thì một năm mới có đám một lần nên phải dựng rạp, mướn bàn ghế vì sợ mấy em không có chỗ ngồi”. Trong những cái khó của người nghèo, có một cái khó thường trực đó là sợ thất lễ, muốn tránh thất lễ thì lại sợ người ta chê trách: “Nghèo mà bày đặt”...

Quà của những người xa xứ

Trước đây, sau những bài viết, kể về cảnh đời khốn khó của một số người trong nước, được đăng trên nhật báo Người Việt, độc giả của nhật báo Người Việt thường gửi tiền giúp đỡ trực tiếp cho họ. Vì nhiều lý do, chúng tôi không tiện kể thêm về sự giúp đỡ đó.
Lần này, do hoàn cảnh đáng thương của vợ con nhạc sĩ Hoàng Phương được nhiều người quan tâm, theo yêu cầu của tòa soạn, lần đầu tiên, chúng tôi quay lại với nhân vật của mình để ghi nhận những thay đổi nhờ từ tâm, đã giúp một gia đình thoát khỏi tình huống ngặt nghèo như thế nào...

Chuyện đầu tiên mà bà Mộng Vân khoe với chúng tôi là cái máy xe nhang, sắm được bằng tiền do độc giả của nhật báo Người Việt gửi tặng. Tuy máy chỉ có hai triệu đồng Việt Nam nhưng đó lại từng là mơ ước mà trong nhiều năm, bà Vân chưa bao giờ với tới để thoát khỏi cảnh là phụ nữ mà phải chạy xe ôm kiếm sống nuôi thân và nuôi con.

Tôi đã đi nhiều nơi, thấy nhiều thứ nhưng đây là lần đầu tiên được xem một cái máy xe nhang và tất cả chúng tôi đều tin rằng đây là loại máy có một không hai trên... thế giới. Thú thật là tôi không biết làm sao để có thể mô tả để bạn đọc hình dung đủ về cái máy này. Nó vừa giống cái máy ép nhựa, vừa hao hao kiểu máy dập sắt theo công nghệ hồi... “nẳm”. Một bạn trẻ cùng đi nhận xét: “Một cái máy như thế này mà tạo ra cây nhang để cúng vái thì thần thánh cũng bái phục!”

Bà Mộng Vân và hai con bên máy xe nhang - phương tiện giúp bà kiếm tiền nuôi thân và nuôi con.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/85735-medium_vn_171008_hoangphuong_2.jpg

Xét theo nghĩa nào đó thì nhận xét vừa kể không quá đáng bởi người tạo ra nó rõ ràng là đã làm đúng phương châm: “Cái khó ló cái khôn”. Máy xe nhang có thùng chứa bột nhang, để se nhang, người ta cầm cả bó tăm nhang, tách ra từng cây rồi thọc tăm nhang vào một cái lỗ nhỏ xíu, sau đó dùng chân đạp vào một cái cần khởi động, tăm từ đầu này chạy sang tới đầu kia thì thành một cây nhang bởi đã được bọc xong một lớp bột nhang.

Nghe thì đơn giản nhưng thử ngồi vào máy đề làm nhang thì rõ ràng không phải chuyện đùa. Nhật Thanh, một ca sĩ trẻ trong nhóm ca sĩ của nhạc sĩ Tuấn Khanh xin làm thử và cô mất khoảng năm phút mới se xong một cây nhang.

Bà Mộng Vân mới vừa vào nghề... se nhang. Bà kể, “tôi lãnh bột và tăm nhang ở một hợp tác xã về xe. Họ trả thù lao cho một thiên nhang (1,000 cây) là ba ngàn đồng Việt Nam (khoảng 18 xu Mỹ). Nếu rành nghề, mỗi ngày, một người có thể se được cả chục thiên (số tiền kiếm được khoảng 2 USD), còn tôi, vì chưa quen nên làm từ sáng tới tối cũng chỉ được năm, sáu thiên.

Hiện nay, ở nông thôn Việt Nam, một người phụ nữ không nghề nghiệp, không vốn mà kiếm được mỗi ngày hai chục, ba chục ngàn (khoảng từ 1 USD đến 2 USD) đã là một kỳ tích. Với những góa phụ vừa phải nuôi thân, nuôi con như bà Mộng Vân, một cái máy xe nhang đã đủ để bà yên tâm về tương lai bởi nó bảo đảm một nguồn thu nhập tuy ít, song ổn định, không sợ đói.

Nỗi lo phụ lòng người khác

Thấy chúng tôi ngắm nghía bộ bàn ghế mới toanh, không phù hợp với cảnh “nhà rách, vách nát”, bà Mộng Vân lúng túng giải thích: “Có một bác ở Mỹ gọi về, biểu rằng đã đọc bài viết về hoàn cảnh của gia đình tôi. Bác biết nhà tôi không có nổi một bộ bàn ghế tươm tất nên bác đề nghị tôi nên dùng số tiền bác gửi để mua một bộ bàn ghế. Tôi vừa mừng, vừa ngại. Mừng vì có người thương cảnh mẹ góa, con côi nhưng lại ngại người ta chê mình nghèo mà chảnh nhưng vì ý của bác ấy như vậy nên tôi vẫn mua. Chỉ có điều tôi chọn mua loại vừa vừa tiền, số tiền còn dư thì đem đóng một cái giếng”.

Ai cũng hiểu tấm lòng người giúp, muốn người được giúp có thể sử dụng đồ tốt, đồ cho ra đồ. Còn người được giúp thì cảm cái ơn ấy nên không muốn trái ý song lại muốn dùng khoản tiền được giúp vào những việc cần thiết hơn. Vì đã vài lần chứng kiến những cảnh tương tự nên chúng tôi thông cảm sự áy náy của bà Mộng Vân. Ở những vùng sát biển như Gò Công Ðông, nước thường bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, nước ngọt quí như vàng, đặc biệt là vào mùa khô. Cũng vì vậy, chỉ có thể tìm nước ngọt qua một cái giếng đóng. Nhờ cái giếng đóng, “nhín” lại từ tiền mua bàn ghế, lần này, khi quay lại thăm gia đình bà Mộng Vân, chúng tôi không còn cảm thấy ngần ngại khi dùng nước ngọt rửa mặt, rửa tay như lần trước. Một người bạn cùng đi đùa: “Bây giờ, chị có thể... bán nước được rồi!” Bà Mộng Vân cười: “Quanh đây, nhà nào cũng có giếng đóng, chỉ có tôi phải đi gánh nước. Bây giờ không phải làm như vậy nữa. Tất cả là nhờ cô, bác ở hải ngoại”.

Có nhiều lý do khiến chúng tôi không tiện hỏi bà Mộng Vân đã được những độc giả của nhật báo Người Việt giúp bao nhiêu tiền. Song theo lời bà, số người giúp đỡ mẹ con bà không phải chỉ là người Việt ở Hoa Kỳ, có cả những người ở Úc, ở Bắc Âu. Bà Mộng Vân kể: “Mấy anh, mấy chị, cô, bác đó tốt lắm. Họ gọi điện thoại về hỏi thăm rồi dặn tôi đừng nói, đừng kể gì về họ cho nhà báo. Họ chỉ mong tôi vượt qua khó khăn. Tôi không biết làm sao để trả ơn này!”

Với người cầm bút, niềm vui lớn nhất là những gì mình viết có người đồng cảm. Sự thay đổi tích cực của vợ con nhạc sĩ Hoàng Phương là một niềm vui lớn cho tôi. Niềm vui này được nhân lên khi các bạn trẻ trong nhóm Việt Ngày Mai đem tặng cho các con nhạc sĩ Hoàng Phương những bộ đồ mới. Những bạn trẻ này cũng đọc bài viết về nhạc sĩ Hoàng Phương trên Người Việt Online. Tôi tin một số người trong số họ chưa bao giờ hát ca khúc nào của nhạc sĩ Hoàng Phương, thậm chí có người không thích dòng nhạc đó nhưng sự chia sẻ của họ là một cách biểu thị sự bất bình về việc đối xử bất công với những văn nghệ sĩ tài hoa của một thời, việc ứng xử thiếu văn hóa, thiếu trước sau của những người đã, đang sử dụng cũng như hưởng lợi từ sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Phương cũng như giới nghệ sĩ nói chung.

Bà Mộng Vân không biết dùng computer nên bà viết sẵn một lá thư và nhờ tôi chuyển cho nhật báo Người Việt để tờ báo cám ơn mọi người giúp bà.

Thư cảm ơn của bà Mộng Vân.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/85735-medium_vn_171008_hoangphuong_1.jpg

Thưa quý vị, tôi tin rằng, chẳng riêng gì bà Mộng Vân, tất cả những người đã từng được quý vị giúp đỡ sẽ không bao giờ quên những gì quý vị đã làm. Ðó không chỉ là việc nâng đỡ những người cùng khổ qua cơn thắt ngặt. Sự giúp đỡ ấy còn khiến người ta tin cuộc đời còn nhiều người tử tế. Niềm tin ấy giúp người ta nuôi hy vọng để sống và ứng xử tử tế với những người khác.


No comments: