Saturday, October 4, 2008

TÁC PHẨM "THE BOAT" VÀO CHUNG KHẢO GIẢI VĂN HỌC ANH

Tác phẩm “The Boat” của Nam Lê vào chung khảo văn học Anh
Thursday, October 02, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=85015&z=157

LONDON, Anh Quốc - Nhờ tập truyện ngắn “The Boat” (Con Tàu), nhà văn Úc gốc Việt trẻ tuổi Nam Lê được tuyển chọn vào vòng chung khảo Giải Văn Học Dylan Thomas của Anh, theo một nguồn tin từ BBC.
Qua nhiều vòng tuyển chọn, Nam Lê cùng năm tác giả khác trên thế giới đã đi vào vòng chung kết của một giải nổi tiếng, nhắm vào các tác giả trẻ dưới 30 tuổi.

Cây bút Nam Lê, 29 tuổi, đã thành công ở ngay tác phẩm đầu tay của mình. Ðây là thành công mới nhất của cây bút 29 tuổi, mà tác phẩm đầu tay của anh đã được giới phê bình Tây Phương tán thưởng nhiệt liệt.
Ban giám khảo giải Dylan Thomas gọi “The Boat” là tác phẩm đầu tay “vô cùng cảm động và sáng tạo.”
Tên tác giả thắng giải sẽ được công bố vào ngày 10 Tháng Mười Một tới đây.

National Book Foundation, tổ chức chuyên trao giải Sách Quốc Gia của Hoa Kỳ, cũng vừa đưa Nam Lê vào giải “5 Under 35”, cho năm cây bút trẻ dưới 35 tuổi được xem là có triển vọng nhất.
Một điều khiến tác giả được đánh giá cao là anh đã không đơn thuần khai thác nguồn gốc Việt Nam của mình, mà đã viết như một con người của nhiều nền văn hóa.


Truyện ngắn được xem là hay nhất của sách, “Love and Honor and Pity and Pride and Compassion and Sacrifice” (Tình Yêu và Danh Dự và Lòng Thương Hại và Niềm Tự Hào và Lòng Trắc ẩn và Sự Hy Sinh), mang tính tự thuật.
Bảy truyện ngắn của sách có bối cảnh các thành phố ở Iowa, Colombia, Manhattan, Úc, Hiroshima, Iran, và biển Ðông.


Báo Washington Post, hồi Tháng Bảy, nhận xét tác giả đã “kết hợp cả truy cứu tài liệu và lồng vào những giấc mơ trong những thế giới tưởng tượng rộng lớn”.

Michiko Kakutani, nhà phê bình đầy ảnh hưởng của báo New York Times, đã khen Nam Lê, “Không chỉ viết bằng sự lão luyện, tự tin hiếm thấy ở ngay cả các nhà văn kỳ cựu mà còn thể hiện khả năng trực giác nhạy bén, khi miêu tả xung đột tâm lý của những con người bỗng nhiên cảm thấy niềm tin và hy vọng của mình sụp đổ tan tác, trước kỳ vọng của người thân hoặc vì sự thực tàn bạo của lịch sử.”

Nam Lê có người bố từng bị giam cầm trong nhà tù cải tạo ở Việt Nam.
Năm 1978, gia đình Nam Lê ở Rạch Giá liều vượt biên ra biển Ðông, trôi dạt sang trại tị nạn Malaysia trước khi sang được Úc. (T.Ð.)




TIN LIÊN QUAN


Thêm một nhà văn trẻ gốc Việt làm kinh ngạc văn đàn thế giới!
Nguyễn Khoa Thái Anh

Saturday, August 23, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=83245&z=3

The Boat”
Tác giả: Lê Nam
272 trang
$22.95 Mỹ kim
ISBN 978-0-307-26808-2
Chi tiết:
http://www.namleonline.com/news.html

Tác giả Lê Nam. (Hình: Joanna Chan)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/83245-medium_NVT-LeNam%201.jpg
Hình bìa tác phẩm “The Boat.” (Hình: Người Việt 2)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/83245-medium_NVT-LeNam%202.jpg

Một ngày Thứ Bảy vào hạ tuần Tháng Năm, 2008, trong khi lái xe, tôi tình cờ nghe Guy Raz phỏng vấn nhà văn trẻ tuổi Lê Nam trong chương trình “All Things Considered” trên đài phát thanh National Public Radio (NPR). Một giọng Ăng-lê Úc Châu lưu loát và ấm cúng, toát ra một vẻ chân thành tự nhiên, đong đầy khoảng không trong boong xe, thu hút, lôi cuốn người nghe vào cuộc nói chuyện đầy thích thú và hào hứng này. Chỉ trong vòng 10 phút, tôi đã bắt đầu yêu tuyển tập truyện ngắn “The Boat” (dù chưa đọc), và nhủ thầm: “Ðây là một cây bút trẻ hải ngoại đang bước lên đài danh vọng. ‘The Boat’ là một quyển sách đáng đọc.”

Khoảng một tháng sau, hết 272 trang, 7 truyện ngắn, và dư hương quyển “The Boat” (Con Tàu) còn ôm ấp trong tâm tư, tôi được cơ duyên giáp mặt nói chuyện với Lê Nam trong buổi ra mắt tác phẩm này tại thư viện Martin Luther King Jr. ở San Jose, lúc 10 giờ 15 sáng ngày Thứ Bảy, 28 Tháng Sáu, 2008. Trong phòng họp, đã có đến trên 30 người đến dự. Một điều khác lạ, vì thường ở San José, những buổi nói chuyện văn chương như thế chỉ được tổ chức vào buổi trưa (khoảng từ 2 giời đến 4 giờ chiều). Ở Mỹ, người yêu văn học nghệ thuật ít khi đi nghe nói chuyện sách vở vào buổi sáng.

Lúc đó tôi đã có ý định tìm hiểu thêm về nhà văn 29 cái xuân xanh này, nhìn đồng hồ còn sớm 15 phút, tôi đảo mắt tìm tác giả. Ðằng sau, phía trái phòng hội, một người trai tráng cao và gầy, tóc húi ngắn, tay cầm chai nước khoáng đứng một mình.

“Có phải anh là Lê Nam, một hiện tượng mà mọi người đang nói đến?” Tôi bước đến tự giới thiệu, anh vui vẻ bắt tay chào và câu chuyện về anh bắt đầu. Gần 10 giờ 30, sắp đến giờ nói chuyện, nhìn quanh phòng đã có đến 50 người ngồi đầy hai dãy ghế. Trung bình, một buổi nói chuyện như vậy thường chi được khoảng từ mười mấy đến trên hai mươi người.

Có phải anh là một nhà văn đang lên không? Ðường dài còn trải rộng, tôi có nhiều niềm tin cho anh vì đã có nhiều dấu hiệu khả quan. Hầu như không còn một nhật báo hay tạp chí lớn nào ở Mỹ mà chưa viết phê bình hay ngợi khen Lê Nam và quyển sách đầu tay của anh. Những điều muốn tìm tòi về anh sẽ không dễ, nhất là đã có hơn 20 nhà báo Mỹ và quốc tế điểm sách “The Boat,” mấy ai lại bỏ sót một điều gì cho một người vô danh tiểu tốt như tôi khai thác?

Năm 1978, gia đình Lê Nam vượt biên từ Rạch Giá, nơi anh chôn nhau cắt rún, và trôi dạt đến trại tị nạn ở Malaysia. Khi đó, anh chỉ mới ba tháng tuổi và đang bị ốm nặng nên cha mẹ anh đã chấp nhận lời mời định cư ở Úc để chữa bệnh cho con, và có lẽ đó chính là nguồn cảm hứng cho câu chuyện “The Boat,” trong đó một nhân vật chính là đứa bé trai 6 tuổi ốm yếu tên Trương với cặp mắt sâu thẳm, tẻ lặng, phảng phất nỗi suy tư của tuổi già. Cha anh Lê Nam là một người đã trải qua học tập cải tạo, điều này và nhiều sự kiện thật trong đời sống Lê Nam đã được tác giả khéo léo và tái tình thêu dệt, trộn lẫn với hư cấu trong truyện ngắn đầu tiên của sách “Love and Honor and Pity and Pride and Compassion and Sacrifice” (Tình Yêu và Danh Dự và Lòng Thương Hại và Niềm Tự Hào và Lòng Trắc Ẩn và Sự Hy Sinh), những chủ đề mà gia đình Việt Nam vượt biên đến Mỹ nào cũng từng đương đầu với.

Nhìn anh nói chuyện trên bục, với đôi mắt nhạy bén và tinh anh, ướt át và tình cảm, hình như anh có thể nhìn xuyên thấu tâm tư người đối diện, và đây cũng chính là vũ khí lợi hại của Lê Nam. Tất cả những sự việc xảy ra trên đời có lẽ như không thoát khỏi sự quan sát tinh đời của tác giả. Lê Nam có một tâm hồn đa cảm, da diết rung động trước cái đẹp cũng như nỗi đau của đồng loại. Và điều đó được thể hiện trong tác phẩm của anh. Thuở nhỏ anh yêu bóng đá và có ước mơ trở thành một cầu thủ hội tuyển. Lớn lên anh yêu thơ, đã mê những vần thơ của Alfred Tennyson, Rainer Maria Rilke, T.S. Elliot và khi được học bổng ở đại học Melbourne, anh đã chọn ngành mỹ thuật và luật, đến khi sắp ra trường anh lại thuyết phục giáo sư cố vấn cho anh viết luận án về nhà thơ W.H. Auden.

Hiện nay đã có hơn 8 nhà xuất bản ngoại quốc mua bản quyền tác phẩm của anh. Ở Mỹ, sau khi nhà xuất bản Alfred A. Knopf ấn hành quyển “The Boat,” Lê Nam đã được quán quân giải Pulitzer. Nhà văn Junot Díaz ca ngợi: “Ðây là những câu chuyện tuyệt tác đang thở hồng hộc và gầm gừ xuyên suốt cái thế giới điên dại của chúng ta... một diễn xuất siêu phàm. Lê Nam là kẻ làm vỡ tim chúng ta, anh là một người khó có thể quên!” Trong một bài điểm sách trên nhật báo New York Times, nhà phê bình nổi tiếng Michiko Kakutani viết: “Lê Nam không những viết bằng một sự điêu luyện, tự tin hiếm có ngay cả đối với những tác giả lão luyện, mà anh còn thể hiện một trực giác bén nhạy, mô tả sự xung đột tâm lý của con người khi họ thấy niềm tin và cao vọng của mình phải va chạm với những kỳ vọng của người thân hay nhiều sự kiện phũ phàng của lịch sử.”

“Một đại tác phẩm... lôi cuốn.”

Hôm ra mắt sách ở San Jose, tôi chứng kiến khoảng một chục phụ nữ đứng xếp hàng chờ chữ ký của tác giả. Tay cầm sách “The Boat,” hai thiếu nữ khoảng ngoài đôi mươi nhìn anh và hình anh chụp ở sau bìa sách, chợt xì xầm: “Trông anh ta khác ghê!” Làm như bộ tóc carré (hớt ngắn) của anh là điểm hội tụ chính. Không hiểu điều phê phán này của họ nói lên con người đa dạng của Lê Nam, hoặc giả hình ảnh người con trai tóc dài đã thu hút hay làm giảm sút giá trị văn chương tích cực của quyển sách?

Giờ này, chắc hẳn Lê Nam đã biết rõ ma lực thu hút của mình đối với độc giả ra sao. Nhưng qua những năm tháng miệt mài, kể cả cuốn tiểu thuyết 700 trang phải bỏ dở, anh đã dốc tâm trí viết nên tuyển tập truyện ngắn “The Boat,” nên thiết nghĩ chuyện hâm mộ của độc giả có lẽ chỉ là một chi tiết phụ. Giọng nói ấm cúng với âm hưởng Ăng-lê lưu loát không gượng ép ngoài đời cũng như trong văn chương bóng bẩy trên trang giấy của Lê Nam có mãnh lực thu hút nhưng điều đó không làm tôi ngạc nhiên sau khi đã gặp anh ngoài đời.

Vì đằng sau những tâm sự và cái nhìn đa dạng của các nhân vật qua thời gian và không gian khác nhau - từ Iowa đến New York, Cartegena đến Hiroshima, từ một làng đánh cá nhỏ ở Úc cho đến con tàu đánh cá vượt biên Việt Nam trôi dạt trên biển Ðông. Từ một suy tư của một thằng con trai sát thủ 14 tuổi ở Medellin (Columbia) cho đến tấm lòng ông họa sĩ bệnh hoạn ngoài lục tuần ở New York, mong đợi người con gái đã chia cách từ 17 năm nay; từ một tâm tư khắc khoải của cô gái Nhật tuổi hoa niên trong những giây phút trước khi bom nguyên tử nổ ở Hiroshima; từ tâm tình một thiếu phụ Mỹ bị tình ruồng rẫy cho đến tâm tư thôi thúc sôi động của một nhà đối kháng phụ nữ - bạn gái Nam Tư của thiếu phụ Mỹ - khi cô này sang thăm viếng nàng tại thủ đô Tehran, Iran, cho đến chuyện tranh giành gái đẹp của tuổi trung học, lồng trong bối cảnh tang thương đời thường của một gia đình người Úc - tất thảy đều là một lời tâm sự, thành khẩn và ray rứt, gào lên những nổi niềm u uất và tuyệt vọng của cuộc đời. Như những sợi tơ đồng nối liền những tâm hồn vụng dại với tác nhân đã tạo ra chúng, chúng cột người đọc một cách vô hình chung, làm sống dậy trên trang giấy những đồng cảm, ưu tư của chính họ. Ðể cuối cùng những tiếng thở dài trầm kha rung lên trong lòng người đọc cùng một nhịp phách tri âm với nhân vật trong truyện, hiện thực và thiết tha như chính nỗi lòng thành và nhạy cảm mang nhiều uẩn khúc của chính tác giả.
(Còn tiếp)



Thêm một nhà văn trẻ Việt Nam làm kinh ngạc văn đàn thế giới - Bài 2
Nguyễn Khoa Thái Anh

Saturday, August 30, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=83539&z=157

15 cây bút trẻ gốc Việt đã khắc dấu ấn trong văn chương ngoại quốc
Bài và hình: Nguyễn Khoa Thái Anh
(Tiếp theo và hết)

LTS: Trong bài kỳ trước, để tránh gây hiểu lầm cho độc giả. Ở đoạn thứ tám của bài có câu: “Ở Mỹ, sau khi nhà xuất bản Alfred A. Knopf ấn hành quyển 'The Boat,' Lê Nam đã được quán quân giải Pulitzer. Nhà văn Junot Díaz ca ngợi...”
Xin được đính chính lại như sau: “Ở Mỹ, sau khi nhà xuất bản Alfred A. Knopf ấn hành quyển 'The Boat,' Lê Nam đã được nhà văn Junot Díaz, quán quân giải Pulitzer, ca ngợi... ” Xin lỗi quí độc giả về sơ xuất này.

Tác giả Lê Nam tại buổi ra mắt tác phẩm “The Boat” tại San Jose.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/83539-medium_NVT-080830-LeNam%203.jpg

Tác giả Lê Nam, bên phải, ký tên tác phẩm cho độc giả.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/83539-medium_NVT-080830-LeNam%204.jpg

“Ðây là những câu chuyện tuyệt tác thở hồng hộc và gầm gừ xuyên suốt cái thế giới điên dại của chúng ta... một diễn xuất siêu phàm. Lê Nam là kẻ làm vỡ tim chúng ta, anh là người khó quên!” Trong một bài điểm sách trên nhật báo New York Times, nhà phê bình nổi tiếng Michiko Kakutani viết: “Lê Nam không những viết bằng một sự điêu luyện, tự tin hiếm có ngay cả đối với những tác giả lão luyện, mà anh còn thể hiện một trực giác bén nhạy, mô tả sự xung đột tâm lý của con người khi họ thấy niềm tin và cao vọng của mình phải va chạm với những kỳ vọng của người thân hay nhiều sự kiện phũ phàng của lịch sử.”

Người đọc tác phẩm của Lê Nam khó có thể nào đóng vai kẻ bàng quan, ly cách với câu chuyện xảy ra trước mắt, trái lại họ đang thực tình sống theo kết cấu của truyện, mang trong lòng, tâm tư hỉ nộ ái ố của các nhân vật chính của “The Boat” (Con Tàu). Ðấy là sự tài tình quỷ khốc thần sầu của nhà văn Lê Nam, một tài năng văn học mới, một người Việt hải ngoại trẻ nhất hiện nay đang gia nhập hàng ngũ của những văn sĩ tài ba hải ngoại; và như những đàn anh đàn chị trước anh, tác phẩm của Lê Nam đang có triển vọng trở thành best seller ở Hoa Kỳ.

Thật vậy, trong vòng khoảng hơn mươi năm trở lại đây, nở rộ trên văn đàn Anh ngữ - một loạt các hoa bút Việt Nam. Như Lê Nam, họ đã cưu mang những tâm tư khắc khoải về nguồn gốc của mình, tuy rằng họ chưa hẳn là những người như ông bà cha mẹ, trực tiếp gánh nặng những hành trang oan nghiệt của đất nước, của cuộc chiến Quốc-Cộng tàn khốc. Chiến tranh vẫn là chuyện nóng bỏng, đề tài Việt Nam vẫn là chuyện sôi động.

Nhưng nếu muốn trở thành một nhà văn Anh ngữ (và quốc tế) có lẽ điều khó khăn và khốc liệt nhất của bản ngã là làm cách nào để vượt thoát được cái kiếp đọa đày, cái nghiệp chướng Việt Nam hầu có thể giao diện với một tinh thần Âu Mỹ, vô tư và tươi vui hơn. Ðây là một nghịch lý chăng? Bởi khi nói đến và thân phận con người (André Malraux, La condition humaine, 1933) con người có thể thấu hiểu nỗi thống khổ của đồng loại. Phải chăng giá trị phổ cập của nhà văn viết tiểu thuyết là nhằm diễn đạt kiếp người, khi chơi vơi vui sướng trên cõi an lạc cũng như lúc trầm luân đắm chìm trong bể khổ, và tất nhiên kể cả những gì đã xảy ra khi người ta đi giữa hai cái thái cực đó.

“Xa lánh vấn đề Việt Nam hay viết lên những gì cái gien (gene) Việt đang thôi thúc?” chính là câu hỏi cuối cùng mà các nhà văn trẻ hải ngoại đang tìm câu trả lời. Sau đây là một số các cây bút văn xuôi hải ngoại, những người ít nhiều đã để lại dấu ấn của mình qua các tác phẩm đầu tay của họ:

Nguyễn Quí Ðức - “Where the Ashes Are?” (Trở Về với Nắm Tro Tàn, 1994) hồi ký của một người trai trẻ lớn lên trong bom đạn phải cách ly với thân phụ và tổ quốc. Tác giả là một trong số ít những nhà báo, nhà văn Việt Nam đầu tiên làm việc và tạo cho mình tiếng vang trong môi trường Mỹ. Ông hiện sống ở Hà Nội.


Lan Cao - “Monkey Bridge” (Cầu Khỉ, 1997) tiểu thuyết kể lại cuộc đời lưu vong ở Mỹ của hai mẹ con, người con gái không ngờ mẹ mình đang chôn giấu một sự kiện ở Việt Nam, một chuyện bí mật đã làm chi phối cuộc sống hiện thực của bà. Ngoài đời Lan Cao (con gái của Tướng Cao Văn Viên) là giáo sư ở trường College of William and Mary, tại Williamsburg, Virginia.

Andrew Phạm - “Catfish and Mandala” (Cá Trê và Vòng Luân Hồi, 2000) hồi ký của một thanh niên Mỹ gốc Việt tìm về cội nguồn qua cuộc hành trình xuyên lục địa và về quê hương bằng xe đạp. “The Eaves of Heaven: A Life in Three Wars” (Hiên Ấm của Thiên Ðường: Một đời người xuyên qua ba cuộc chiến, 2008) Andrew Phạm kể lại cuộc đời huy hoàng của người cha, xuyên suốt ba trận chiến ở Việt Nam.

Dương Văn Mai Elliot - “The Sacred Willow” (Cây Liễu Thiêng, 2000) hồi ký có tính cách lịch sử kể lại bốn thế hệ trong gia đình quan lại của tác giả và những liên hệ của họ qua các thời đại Pháp thuộc, Việt Minh/Quốc Gia và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Hoa Kỳ.

Ðinh Linh - “Fake House” (Nhà Giả, 2000) tuyển tập truyện ngắn kể lại những mẫu đời di dân, buồn cười, chua chát và nhiều lúc quái gở. Ðinh Linh là một nhà thơ có tiếng ở ngoại quốc.

Nguyễn Kiên - “The Unwanted” (Thân Phận Dư Thừa, 2001) hồi ký của một cuộc đổi đời, tác giả là một người con hai dòng máu, kể lại những dữ kiện của gia đình trước, sau năm 1975 và sau khi vượt biên. “The Tapestries” (Thảm Dệt, 2003) tiểu thuyết lịch sử, thuật lại buổi giao thời quan liêu/vua chúa, Pháp thuộc và dân nghèo ở Huế, xảy ra trong những năm 1916-1932. “Le Colonial” (Thuộc Ðịa, 2004) tiểu thuyết giả tưởng phỏng theo lịch sử Việt Nam trước thời Pháp thuộc, khi các cố đạo sang Việt Nam truyền giáo.

Monique Trương - “The Book of Salt” (Truyện của Muối, 2003) tiểu thuyết lịch sử phóng tác, thuật lại cuộc sống ở Paris vào thời Pháp thuộc của một người đàn ông Việt đồng tính luyến ái, làm đầu bếp cho hai nữ văn hào (cũng đồng hệ) Mỹ có tiếng lịch sử, Gertrude Stein và Alice B. Toklas. Là một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất trong năm 2003 (National Bestseller/New York Times).

Dao Strom - “Grass Roof-Tin Roof” (2003) tiểu thuyết viết dựa theo đời tư của gia đình tác giả, một thiếu nữ lớn lên ở Việt Nam theo mẹ (một nhà báo miền Nam) vượt biên sang Mỹ, cô kể lại cuộc sống trong buổi giao mùa trên vùng đất 'tìm vàng' ở Bắc California chung sống với một người cha dượng gốc Ðan Mạch. “The Gentle Order of Girls and Boys” (Ngôi Thứ Nhẹ Nhàng của Trai và Gái, 2006) gồm bốn truyện ngắn nói về chuyện tình và khát vọng của các nhân vật sống trong một thế giới toàn cầu hóa. Ngoài đời, tác giả lả một nghệ sĩ đàn guitar và hát nhạc đồng quê Mỹ miền Tây khá hay.

lêthịdiễmthúy (tác giả thích viết tên mình bằng những chữ nhỏ không rời nhau) - “The Gangster We Are All Looking For” (Tên Anh Chị Mà Mọi Người Chúng Ta Ðang Tìm, 2003) hồi ký gia đình của tác giả, từ Phan Thiết sang đến Orange County, Nam Cailfornia. Ngoài đời cô là một diễn viên ca vũ tài tình.

Phạm Xuân Quang - “A Sense of Duty: My Father, My American Journey” (Tinh Thần Trách Nhiệm: Cha Tôi và Cuộc Hành Trình Hoa Kỳ của Tôi, 2005) hồi ký của tác giả kể lại cuộc đời gia đình ông sau khi vượt biên và người cha thuộc binh chủng Không Quân miền Nam Việt Nam bị học tập cải tạo 12 năm cho đến khi tái xum họp với gia đình ở Mỹ, ông qua đời vài năm sau đó. Tác giả là một trong những người phi công trực thăng Việt Nam hiếm có trong Thủy Quân Lục Chiến Mỹ trong trận chiến Iraq thứ nhất năm 1991.

Dương Như Nguyện/Uyên Nicole Dương - “Daughters of the River Hương” (Những Người Con Gái của Sông Hương, 2005) tiểu thuyết về lịch sử trải dài gần hai thế kỷ, kể lại bốn dòng nữ mang gốc Chàm từ đời chúa Nguyễn được cung tiến làm cung phi cho đến đời nay lưu vong và thành đạt ở Mỹ. Tác giả hiện là giáo sư luật ở Ðại Học Denver, Colorado còn đeo đuổi nghiệp cầm ca.

Andrew Lâm - “Perfume Dreams” (Những Giấc Mơ Thơm, 2005) tự truyện và tiểu luận, tác giả kể lại những ký ức, suy tư và tâm tưởng kể cả những hư cấu và sự kiện trong cuộc đời cá nhân và gia đình tác giả. Andrew Lâm là một trong số rất ít những nhà báo, nhà văn Việt Nam đầu tiên làm việc trong môi trường báo chí Mỹ.

Aimée Phan - “We Should Never Meet” (Ðáng Lý Chúng Ta Ðừng Gặp Nhau, 2005) tiểu thuyết xã hội viết về những đứa trẻ con lai được gởi qua Mỹ qua chương trình nhân đạo “Baby Lift” năm 1975 trước khi miền Nam Việt Nam thất thủ. Truyện của cô là những câu chuyện phỏng theo sự thật viết về những mảnh đời tang thương của lứa tuổi này 30 năm sau.

Julie K.L. Ðàm - “Haute, She Wrote (Siêu Mẫu, Cô Viết, 2006) tiểu thuyết về thế giới thời trang: tác nhân, người thiết kế, phê bình thời trang, siêu mẫu, minh tinh màn bạc và các người nổi tiếng và những tay cự phách. Ngoài đời, Julie, năm nay 36 tuổi, là người viết cho tạp chí People và Time Magazine về thời trang. Gần 20 năm nay cô luôn theo dõi thời trang thế giới. Tốt nghiệp ưu hạng (Magna Cum Laude) ở Ðại Học Harvard.

Nguyễn Minh Bích - “Stealing Buddha Dinner” (Trộm Cơm Phật, 2007) hồi ký về cuộc đời di dân từ Việt Nam đến vùng Ngũ Ðại Hồ ở Michigan của gia đình cô. Truyện được giải PEN/Jerald Award và Kriyama Price. Ngoài đời cô Bích là giáo sư dạy văn chương ở đại học Purdue.

Lê Nam
- “The Boat” (Con Tàu, 2008) tuyển tập 7 truyện ngắn bao trùm một không gian và thời gian rộng lớn, từ New York đến Tehran, đến Columbia, đến Úc Châu, đến Hiroshima. Sách được đóng khung giữa hai truyện Việt, truyện đầu tiên: Tình yêu và danh dự và lòng thương hại và niềm tự hào và lòng trắc ẩn và sự hy sinh; truyện cuối cùng: Con tàu, và năm câu chuyện ở giữa.

Lê Nam trúng các giải sau đây: The Pushcart Prize, the Michener-Copernicus Society of America Award, và những học bổng: Iowa Writers' Workshop, The Fine Arts Work Center in Provincetown, Phillips Exeter Academy và University of East Aglia. Truyện ngắn của anh được ấn hành trong các văn đàn như Zoetrope: All-Story, A Public Space, Conjunctions, One Story, “NPR's Selected Shorts” (Những truyện ngắn chọn lọc” của đài phát thanh NPR, và “The Best American Nonrequired Reading” (Những truyện tự nguyện đọc hay nhất Hoa Kỳ), Best New American Voices, Best Australia Stories, và Pushcart Prize anthologies.

Phần lớn họ là những văn sĩ trẻ, lớn lên tại Hoa Kỳ, tuy tiêm nhiễm một văn hóa mới, họ vẫn có những ám ảnh, suy tư về cội nguồn, viết lên những dòng tâm sự mong tìm một ít ý nghĩa cho bản thân trong cuộc sống mới. Trong khi đó, không ít người trong số họ đã có những nỗ lực đáng kể (và đáng khen), đang tìm cách cắt nghĩa cho mình, cho độc giả ngoại quốc (dòng chính) chuyện khó hiểu của thực tại Việt Nam bằng cách viết lên những dữ kiện thật của chính cá nhân và gia đình cũng như những hư cấu dựa trên các yếu tố lịch sử hầu giải thích những chuyện ngoài tầm tay và ước muốn của mình, những chuyện đã gây tác động xấu cho đất nước.

Cho nên, nếu có những cái nhìn hướng nội phóng khoáng và bao dung, thể hiện qua những văn phong mới mẻ, thích hợp với những chuyện vô tư lự, những kết cấu và bố cục vô thưởng vô phạt của cốt truyện, thì cũng có những nỗi niềm âu lo chung cho một tương lai Việt Nam còn mù mịt dưới thời đại Cộng Sản-Tư Bản (kinh tế thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa) phản ảnh qua những tác phẩm Anh ngữ hiện thực kể trên. Âu đó mới chính là tiếng lòng thổn thức của tác giả: những tiếng âm ỉ rên xiết hay kêu la than khóc cho một phần số không may mắn của con người và đất nước vậy!


Nam Le - The Boat The Official Website
http://www.namleonline.com/

No comments: