Friday, October 10, 2008

PHỔ NHẠC TRUYỆN KIỀU

Phổ nhạc Truyện Kiều
Nguyễn Văn Huy

Đăng ngày 10/10/2008 lúc 00:00:00 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3170
Truyện Kiều là tên gọi quen thuộc của Đoạn Trường Tân Thanh do Nguyễn Du sáng tác, gồm 3254 câu thơ theo thể lục bát. Tác phẩm này được sáng tác vào khoảng từ 1820 đến 1825, sau khi Nguyễn Du đi sứ nhà Thanh về.

Nội dung Truyện Kiều ghi lại những biến động của xã hội Trung Quốc thời vua Minh Thánh Tông (1522-1566), thông qua nhân vật chính Vương Thúy Kiều, một cô gái có nhan sắc, nạn nhân của những biến động xã hội và thời cuộc.

Truyện Kiều là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng và được giới thiệu rộng rãi nhất đến dư luận nước ngoài. Nhưng Truyện Kiều cũng là tác phẩm được dân chúng Việt Nam thuộc đủ mọi thành phần xã hội thuộc nằm lòng. Lời lẽ trong Truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của dân gian Việt Nam như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Không ít nhân vật và địa danh trong Truyện Kiều trở thành những tên gọi dân gian quen thuộc như Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, Lầu Xanh...

Từ khi được ra đời đến nay, hơn 180 năm, Truyện Kiều vẫn luôn luôn là nguồn cảm hứng của rất nhiều văn nghệ sĩ tài danh. Không biết trong thời phong kiến người ta thưởng thức Truyện Kiều như thế nào, ngày nay Truyện Kiều được đọc, được ngâm, được hát và được phổ nhạc để mọi tầng lớp dân gian cùng thưởng thức.

Trong nước, trước 1975 thơ Kiều đã được một số nhạc sĩ tài ba phổ nhạc. Vì là một thể loại thơ lục bát, để tránh cho người nghe sự nhàm chán khi lập lại những vần bằng trắc thuẩn điệu, những nghệ sĩ này chỉ phổ nhạc những đoạn mình thích, có khi còn thay đổi vị trí hoặc thêm bớt chữ để phù hợp với dòng nhạc mong muốn. Nhạc sĩ Phạm Duy không phổ nhạc hết tập thơ, ông đã cắt đoạn rồi dùng chữ khác để viết nhạc.

Tại hải ngoại, từ sau 1975 trở đi, Truyện Kiều đã được một số nghệ sĩ tài danh phổ biến thành nhạc. Năm 1999, nhóm nghệ sĩ Thu Hà đã phổ nhạc Truyện Kiều và thu lại trên hai đĩa nén (CD) một tập nhạc mang tên Kiều Ca, dài gần hai giờ. Tập nhạc (album) Kiều ca gồm hai phần: một phần bằng lời ngâm và một phần lời ca. Phần Ngâm, gọi là Kiều lẩy, trích những đoạn thơ khác nhau trong Truyện Kiều rồi thu ghép với nhau lại thành vẩn điệu rồi ngâm. Phần Ca, do Hải Hà phổ nhạc, cũng dựa vào những đoạn thơ thu ghép đó biến thành nhạc để hát. Nhóm Thu Hà đã làm những người ái mộ thơ Nguyễn Du cảm động khi diễn tả những nỗi gian truân của Thúy Kiều bằng những điệu ngâm sa mạc, ru em hay chiêu hồn trong suốt hai giờ.

Nữ nghệ sĩ Bích Thuận thì khác, bà đã cho phát hành tập thơ ngâm bằng đĩa nén (CD) mang tên Kim Vân Kiều. Nội dung tập thơ ngâm này được diễn tả theo điệu Tao Đàn, do nhạc sĩ Đinh Hùng khởi xướng từ thập niên 1960. Thể điệu này trước hết là để ngâm những loại thơ mới nhằm mang lại một sự thu hút mới đối với người thích nghe thơ ngâm. Qua cách diễn tả này, nghệ sĩ Bích Thuận đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng Truyện Kiều. Bà đã dùng đầu lưỡi, giọng ngâm để diễn tả những tình cảng của Kiều qua các giai đoạn.

Cũng tại hải ngoại từ năm 2005 trở lại đây, giới ngưỡng mộ Truyện Kiều có thêm một duyên may mới là được nghe nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc toàn bộ Truyện Kiều. Đây là một công trình khó khăn cả về sáng tác lẫn kỹ thuật.

Theo dự trù, nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện sẽ cho ra mắt từ 2005 đến cuối 2009: 77 bài hát, phổ nhạc trực tiếp từ 3254 câu thơ trong Truyện Kiều, qua 7 đĩa nén (CD), mỗi đĩa gồm 11 bài, với những giọng ca trẻ đầy điêu luyện. Chủ đích của nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện là dắt người nghe khởi đầu đi từ nhạc cổ truyền của Việt Nam là đàn tranh, đàn cò, sáo... sang các thể loại nhạc khác nhau trên thế giới để sau đó trở về với cội nguồn âm nhạc Việt Nam. Mỗi tập nhạc Kim Vân Kiều (KVK) mang một tên riêng:

KVK1 : "Trăm năm trong cõi người ta" (nhạc cổ truyền)

KVK2 : "Bên tình bên hiếu" (nhạc châu Âu)
KVK3 : "Quyến gió rũ mây" (nhạc tình cảm)
KVK4 : "Tài tử giai nhân" (nhạc hải đảoTrung Mỹ)
KVK5 : "Cá chậu chim lồng" (nhạc Đông Âu)
KVK6 : "Hại nhân nhân hại" (nhạc Tây Ban Nha)
KVK7 : "Chữ tài chữ mệnh" (tân nhạc Việt Nam).
Hiện nay nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã hoàn tất 4 tập nhạc, tức từ câu 1 đến câu 1780, tức hơn 2/3 công trình. Tập KVK5, từ câu 1781 đến 2264, tức "Cá chậu chim lồng", sẽ được ra mắt vào dịp cuối năm.


Trong năm 2009, nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện sẽ cho ra đời hai tập nhạc còn lại. Tập KVK6, từ câu 2 265 đến 2 778, mang tên "Hại nhân nhân hại", dự trù cuối tháng 6-2009. Tập KVK7, từ câu 2 779 đến 3 254, mang tên "Chữ tài chữ mệnh", sẽ ra đời vào dịp cuối năm 2009 với một buổi ra mắt long trọng tại Paris xứng đáng với tâm huyết và công sức đã bỏ ra trong suốt năm năm.

Ở đây cũng xin giới thiệu sơ qua về thân thế và sự nghiệp của nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện.

Được sinh ra tại Sài Gòn vào đúng ngày Phật Đản, 18-5-1943, Quách Vĩnh Thiện năm nay 65 tuổi. Tuy có tuổi đời cao những ai từng quen biết với anh đều ngạc nhiên về sự "trẻ mãi không già" của anh. Là học sinh trường Petrus Ký Sài Gòn, anh đậu tú tài năm 1964 và sang Pháp du học ngành kỹ sư tin học. Với tài năng "nhất nghệ tinh nhất thân vinh", Quách Vĩnh Thiện không chấp nhận số phận đó, anh quyết tâm sống với đam mê của mình thời tuổi trẻ: võ thuật và âm nhạc. Tuy đạt đến đai đen đủ mọi môn võ thuật, Quách Vĩnh Thiện quyết chọn âm nhạc là niềm vui của mình. Anh sử dụng chuyên nghiệp đủ mọi dụng cụ âm nhạc và đã sáng tác đủ loại nhạc, từ nhạc kích động đến các thể loại nhạc tình cảm, dân gian (pop). Từ năm 1996, anh phổ nhạc những bài thơ tâm linh của các thiền sư nổi danh, gọi là nhạc thiền. Từ 2005 đến nay, anh tập trung phân đoạn và phổ nhạc thơ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhưng tài năng của anh không dừng ở đó, song song với các tập Kim Vân Kiều, anh còn sáng tác và phát hành nhạc hoà tấu Truyện Kiều dưới tên gọi "Le Destin" (Số phận), gồm 7 tập nhạc.

Liên lạc : Quách Vĩnh Thiện, 54 rue Roger Salengro, 93140 Bondy, France. Điện thoại: 06 09 76 89 45. Điện thư: quachvinhthien@gmail.com . Tìm xem http://thienmusic.com.

Nguyễn Văn Huy

No comments: