Suy nghĩ về hình tượng mới của phụ nữ Việt Nam
Nguyễn Hương Giang
© Tạp Chí Phía Trước
13.10.2008 03:39
http://www.clbnbtd.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=879
« Hỡi cô gái Việt Nam tôi kính cẩn
Cúi chào cô, người vợ thảo, mẹ hiền,
Cô là hiện thân của lòng kiên nhẫn,
Của dịu dàng, tình âu yếm vô biên » **
Nhắc đến người phụ nữ Việt Nam là nhắc đến sự nhẫn nhịn, hi sinh, lòng bao dung vô biên nhưng cũng là sức tranh đấu mạnh mẽ của người phụ nữ trong bất kì giai đoạn lịch sử nào của nước nhà. Vẫn còn đó dấu ấn của bà Trưng bà Triệu, của công chúa Yên Thành- con gái vua Lý Thánh Tông, của nữ tướng Bùi Thị Xuân, của những người mẹ chôn dấu nỗi đau mất chồng mất con để tiếp tục lặng lẽ hi sinh cho hòa bình độc lập, của những cô gái chưa kịp hưởng tuổi xuân đã quên mình đi giao liên, du kích : « giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh ».
Cũng như trong quá khứ, người phụ nữ Việt Nam hiện nay xuất hiện một cách tiêu biểu trên phương diện cá nhân và phương diện tập thể, hành động của họ tác động không nhỏ đến thế giới quan của những người xung quanh, trong đó có Nguyễn Hương Giang - một du học sinh ở Pháp. Tác giả đề cao những đóng góp tích cực của phụ nữ Việt Nam ở hải ngoại trong việc xây dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, nhưng trong phạm vi bài viết tác giả chỉ xin đề cập đến những người ở trong nước.
Biểu tượng mới, rất trẻ
Biểu tượng ấy gắn liền với phong trào dân chủ. Có nhiều gương mặt nữ giới trong phong trào này, điển hình là chị Lê Thị Công Nhân[1]. Những người còn rất trẻ, không xuất phát từ những người cộng sản trước đây nắm quyền và đến lúc nghỉ hưu mới lên tiếng.
Trong một xã hội dùng nỗi sợ chính trị của nhân dân làm bình phong bảo vệ quyền lực cho lãnh đạo, những đòi hỏi nhân quyền, dân chủ được xem là nguy hiểm cho những người đang nắm quyền, nên không được phổ biến rộng rãi, tuy chúng đã du nhập vào Việt Nam khá lâu. Tôi đã biết đến những tư tưởng ấy trước khi công chúng- và tôi- biết đến các chị. Nhưng có lẽ cũng như phần lớn người dân Việt, nỗi sợ trở thành ám ảnh trong tôi, tôi không nghĩ, càng không bàn đến những tư tưởng ấy. Tôi đã nghĩ chỉ lo học cho xong rồi về Việt Nam kiếm chỗ làm thật tốt, « thế sự » đã có Đảng lo, một phần quan trọng của trách nhiệm công dân bị tôi rũ bỏ lúc đó. Sự xuất hiện của các chị đã làm tôi phải suy nghĩ lại : các chị cũng là phái nữ như tôi, cũng có ước mơ bình dị như tôi - mong bình an cho họ hàng và về gia đình nhỏ của mình trong tương lai, có một công việc « kiếm ra tiền » và vui vẻ với bạn bè ; vậy trong xã hội Việt Nam như thế, các chị không sợ khi nghĩ đến những gì các chị làm sẽ chọc giận những người lãnh đạo ? Không sợ sự chọc giận ấy sẽ làm tiêu tan những mong ước bình dị kia ? Tôi nghĩ là có. Đã là con người, những khao khát riêng tư ấy là bình thường, bình thường như sự giằng xé giữa niềm riêng và trách nhiệm cho việc chung của Đất nước. Nhưng các chị đã không để nỗi sợ ấy đánh mất chính mình, lý tưởng của mình.
Tôi nhận thấy trong giới blogger, khi chị Công Nhân bị bắt và ra tòa, hình ảnh của chị được không ít các bạn trong cộng đồng lấy ra làm biểu tượng của blog (và sau này, cũng như vậy, hình ảnh của anh Điếu Cày), một bài hát có tên chị cũng đã được chuyền nhau nghe. Cộng đồng này cũng bị ảnh hưởng (và hưởng ứng) những bài bình luận của chị Tạ Phong Tần/blogger Công Lý và Sự Thật [2] về pháp luật, về sự lạm quyền của nhà lãnh đạo, về sự quấy nhiễu cuộc sống của chính chị bởi chính quyền. Và người ta còn nhắc đến, cảm thông, bênh vực đạo diễn Song Chi khi bị chính quyền hạch sách và tìm cách lấy đi kế sinh nhai vì chị đã tham gia biểu tình trong sự kiện Hoàng Sa-Trường Sa. Lớp trẻ hơn, thế hệ 8X cũng không kém phần : những bài viết của Nguyễn Trang Nhung hay Nguyễn Hoàng Lan trên BBC về tự do ngôn luận, về quan hệ giữa dân và đảng, về chính trị [3] được nhiều người bình luận. Tất nhiên chỉ trích không phải không có nhưng tôi nhận thấy có những đồng tình của các bạn trẻ ở khắp nơi, thậm chí của các bác lớn tuổi. Có bác tâm sự với tôi : đọc những gì các chị ấy viết, nhìn những gì các chị ấy làm thấy lại bừng lên một thời nhiệt huyết của tuổi trẻ và tin vào tương lai. Có bác lại thổ lộ với tôi rằng những hình ảnh của các chị đánh thức phần trách nhiệm công dân lâu nay « bị » ngủ quên trong bác.
Những gương mặt tiêu biểu như thế chưa nhiều nhưng sức thay đổi thế giới quan không phải là nhỏ.
Ý thức đoàn kết tập thể
Trong mấy năm qua, có không ít người bà, người mẹ, người vợ trẻ xuất hiện bên nhau trong những vụ kiện về đất đai, mạnh mẽ lên tiếng đòi quyền lợi của mình, đòi công lý phải được thực hiện. Nói cách khác, họ đứng bên nhau tạo thành hình tượng tập thể, cùng một hoàn cảnh và cùng một mục đích.
Người Việt Nam, nhất là phụ nữ Việt Nam trong thời bình trước đây không như thế, dù phẫn uất đến đâu cũng im lặng chịu đựng, với tâm niệm « một điều nhịn, chín điều lành », « thấp cổ bé họng ». Những người bạn Pháp, khi bàn về xung đột bạo lực ở ngoại ô Paris cuối năm 2005 và cuối năm 2007 [4], nhận xét với tôi người Việt Nam và Trung Quốc sống rất im lặng, không náo động như người Châu Phi, ít thấy người Việt Nam lên tiếng, bất bình vì điều gì. Vậy do đâu lại có sự tham gia đông đảo của các bà, các mẹ trong vụ kiếu kiện về đất đai từ hai năm nay ?
Có thể giả thiết rằng hình ảnh đó sẽ dừng lại, vì họ tức quá thì vùng lên, chỉ cần được đáp ứng chút ít là họ sẽ được xoa dịu thôi. Nhưng tôi nghĩ rằng có một điều hoàn toàn có thể xảy ra là tập thể ấy đã bắt đầu ý thức được quyền lợi thực sự của mình - quyền lợi của một người công dân, xa hơn nữa là của một con người và quan trọng hơn họ đã vượt qua nỗi sợ cá nhân khi đứng với nhau trong tập thể. Với hệ thống internet hiện nay, với thế bắt buộc của nhà nước phải mở cửa với thế giới, sự xuất hiện ý thức tập thể ấy là hoàn toàn có thể. Nếu nhà nước vẫn giữ thái độ thiếu cởi mở, đàn áp, dùng vũ lực trong tay mình thay vì thượng tôn pháp luật để giải quyết các vấn đề trong xã hội thì tập thể ấy sẽ còn lan rộng hơn nữa. Vụ việc ở giáo xứ Thái Hà và ở Tòa Khâm sứ là ví dụ điển hình.
Một phần nữ giới Việt Nam đang lên tiếng mạnh mẽ đòi quyền và lợi ích của mình phải được tôn trọng, đòi công lý phải được thực hiện cho mình, cho những người cùng cảnh ngộ như mình, thậm chí cho cả nhân dân, đòi một nhà nước đúng nghĩa « của dân, do dân và vì dân », một nhà nước pháp quyền. Khác với hình ảnh của những phụ nữ Việt Nam trước đây tranh đấu khi vận nước có binh biến, chống lại giặc ngoại xâm hoặc tránh cho Đất nước rơi vào chiến tranh, bị lấn chiếm, những người phụ nữ thế kỉ XXI, từ cái riêng đang ngủ im, đã bắt đầu hướng ra người bên cạnh, ra việc chung và hướng tiếng nói của mình đến nhà nước điều hành trong thời bình, và những gì họ nhắc đến là thuộc về quyền của con người, và công lý, luật pháp - những điều mà lãnh đạo không thích nghe.
Người ta cứ nghĩ là những người như thế thì ít lắm, yếu thế. Tôi thì rất tâm đắc với câu nói của một nữ nhà báo người Pháp : Người đời hay cho rằng thiểu số sẽ không làm gì được. Nhưng sự thật thì chính thiểu số làm nên sự thay đổi.
Nguyễn Hương Giang
* Suy nghĩ của tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của Phía Trước.
** Tác giả : Đoàn Văn Cừ
© Tạp Chí Phía Trước.
[1] Trong số tám người Việt được trao giải nhân quyền năm 2008, chị là nữ giới duy nhất. http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/07/080723_hellman_prize.shtml
[2] Chị là một thành viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do
[3] Vài bài viết của Nguyễn Trang Nhung trên BBC : Người dân phải được tự do thông tin, Việt Nam cần các tư tưởng khai sáng, Cần có tự do báo chí
Vài bài viết của Nguyễn Hoàng Lan trên BBC : Sôi sục ý dân mùa bầu cử, Chính trị đối với giới trẻ, Nền tảng của quyền lực : Ý dân hay ý Đảng ?, Thân phận của báo chí Việt Nam
[4] Xung đột bằng bạo lực diễn ra bắt đầu ở ngoại ô Paris ở những nơi tập trung dân nghèo, dân thất nghiệp (không ít là dân nhập cư) rồi lan rộng ra khắp nhiều vùng khác.
No comments:
Post a Comment