Monday, October 20, 2008

HỌC LUẬT là HỌC CẢM NHẬN CÔNG LÝ và KIẾN TẠO CÔNG LÝ

Học luật: Học cảm nhận công lý và kiến tạo công lý
Lê Ngọc Sơn - Cao Nhật
SVVN
12:48' PM - Thứ năm, 16/10/2008
http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/LuatPhap/Hoc_luat_cam_nhan_cong_ly_kien_tao_cong_ly

Có một thực tế là nhiều người trẻ, kể cả những người đang học luật theo kiểu thuộc đến từng điều, lại có sự hiểu biết cũng như hành xử theo luật rất non nớt. PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Kinh doanh, Khoa luật, ĐHQG Hà Nội đã chia sẻ với SVVN một góc nhìn mới về vấn đề này.

Cảm nhận công lý

PGS nghĩ sao, khi số đông người ta nghĩ rằng: Học luật là chỉ cần học thuộc các văn bản và đưa ra áp dụng khi cần thiết?
Mỗi năm, Quốc hội thông qua trung bình 30 luật và sửa nhiều luật khác. Còn Chính phủ ban hành khoảng 200 Nghị định, các Bộ lại ban hành hàng nghìn Thông tư, và 64 tỉnh thành sẽ có nhiều quyết định… Vì vậy nếu học luật chỉ để thuộc luật thì có lẽ chỉ cần một cái máy ghi âm. Học luật vì vậy là học cảm nhận về công lý và kiến tạo công lý theo nghĩa học luật để bảo vệ các quyền, bảo vệ sự công bằng, bình đẳng. Giúp các bên xác định luật chơi và tương tác làm sao để đảm bảo xã hội tiến triển một cách hòa bình.

Nhiều người lo âu về việc dạy luật hiện nay. Là người dạy và nghiên cứu luật, PGS thấy thực trạng dạy luật ở Việt Nam hiện nay như thế nào?
Dạy luật hiện nay đang có rất nhiều tranh luận. Muốn dạy cho sinh viên sáng tạo, có trách nhiệm với xã hội và kiến tạo được công lý thì ngoài truyền đạt kiến thức còn phải truyền đạt cảm xúc, đó cũng là cái rất quan trọng. Về kiến thức thì không phải chỉ là thuộc luật mà phải dạy cho họ nguyên lý của pháp lý, triết lý của pháp luật. Có nghĩa là không phải dạy cho sinh viên về cái văn bản luật mà dạy cái đạo lý, mục đích của chính sách cũng như cách thức mà các luật tác động vào hành vi của con người. Truyền cảm xúc là phần hơi yếu trong các nhà trường Việt Nam. Chúng ta đào tạo ra người có bằng cấp thì nhiều nhưng những người có trách nhiệm với xã hội, có thái độ với công bằng xã hội và dám xả thân thì chắc còn khiêm tốn lắm. (Suy tư)

Nhưng muốn vậy thì phải cho người học lao vào thực tế. Mười phút chứng kiến sự việc trước tòa cho người ta nhiều cảm xúc hơn so với bài giảng lý thuyết. Chứ không phải học là cứ giở giáo trình ra. Mà ngay cả giáo trình luật thì cũng đang bị chính sinh viên phàn nàn?
So với điều kiện hiện nay thì số lượng giờ giảng của các ông thầy là rất nhiều. Các thầy có quá nhiều sinh viên, phải dạy nhiều, thời gian nghiên cứu ít mà đã nghiên cứu ít thì viết lách không thể hay. Vì vậy, có thể thấy rằng giáo trình hiện nay phản ánh một thực trạng là các thầy phải viết để phục vụ sinh viên, chất lượng của nó nếu so với các giáo trình của phương Tây thì không thể đồ sộ bằng, không sâu bằng… nhưng hy vọng nó sẽ ngày càng tốt hơn.

PGS nghĩ sao nếu áp dụng hình thức đào tạo tín chỉ trong ngành luật?
Chiếc áo không làm nên thầy tu. Thay đổi về hình thức không thay đổi được đáng kể nội dung. Tín chỉ trước hết là một công cụ để hối thúc các ông thầy và học sinh theo một nếp mới nhưng ngay lập tức nó chưa tác động được nhiều.
Các bạn trẻ vẫn luôn là những người học rất nhanh, vì vậy tôi tin là nếu có phương pháp tốt, nếu có những ông thầy có trách nhiệm và nếu có một nền giáo dục khuyến khích người học tự học thì chúng ta sẽ có một nền giáo dục tốt.
Tôi nghĩ rằng, mọi trọng tâm của phân tích phê phán thì không nên nhấn mạnh thêm nữa vào việc mang tính phủ nhận, mà nên nhìn nhận tích cực theo cái nghĩa là những gì có thể làm được trong tương lai. Những lời kêu ca đã đủ và tôi nghĩ đã đến thời điểm phải làm một cái gì đó…

Như ông nói ở trên, học luật là học cách kiến tạo công lý. Vậy học luật ra sao để có hiệu quả, thưa ông?
Học luật cũng giống như học để thành một ông bác sĩ. Nếu bác sĩ chữa bệnh cho người thì luật học giúp xác định tội và nói về số phận con người. Vì vậy có nhiều nước họ tư duy rằng, nếu một học sinh vừa mới học hết lớp 12 mà cho học luật, rồi sau này thành thẩm phán thì chưa chắc đã hợp nhẽ. Vì học luật là phải học về cách đối xử của con người, nên người ta quy định những người học luật là phải có một bằng đại học rồi.
Cũng có một cách nữa là chỉ học lý thuyết vừa phải nhưng phải kết hợp với thực hành. Tôi cũng đang khuyến khích trường của chúng tôi ngoài giảng lý thuyết nên có một trung tâm thực hành nghề luật để cho sinh viên bắt buộc phải làm những việc của anh luật sư sau này phải làm. Cái đó không dừng lại chỉ là thực tập như bây giờ mà phải là một cấu phần bắt buộc trong chương trình đào tạo.
Nếu như anh bác sĩ phải biết tiêm, biết phẫu thuật, biết chăm sóc bệnh nhân, thì một anh luật sư cũng phải biết những thao tác tối thiểu. Một nền đại học có trách nhiệm hướng tới hành nghề thì phải đưa dần những cấu phần đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho người học.

Một số nước đã thực hiện mô hình này khá tốt, thưa PGS?
Ở Hoa Kỳ, muốn học luật thì phải có bằng đại học rồi. Như vậy luật chỉ dành cho người đã có một bằng đại học. Họ muốn rằng người đó phải có kinh nghiệm sống vì sau này anh sẽ ngồi trên ghế phán xử số phận con người. Một anh mới 23 tuổi thì khó có năng lực ấy vì phải có nhiều những kiến thức xã hội và kiến thức đối xử.
Còn những nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, sau một thời gian họ áp dụng hệ thống dân luật thì họ bắt đầu học mô hình Mỹ theo kiểu: Học luật có thể học đại học nhưng khi anh chuẩn bị học nghề bắt buộc anh phải có một bằng luật học một bằng đại học khác. Nghĩa là học hành nghề là chính. Gia nhập trường này thì không nhất thiết là những người đã học đại học luật mà bất kỳ người nào có một bằng đại học rồi đều có thể học được.

Theo ông, làm sao để nâng cao hiệu quả dạy và học ngành học này?
Một xã hội tôn trọng pháp luật thì tự thân việc dạy luật nó sẽ hấp dẫn lên. Một xã hội không coi trọng pháp luật lắm, đôi khi là coi thường pháp luật thì việc học luật cũng không được khuyến khích. Như vậy việc học luật là một phần của xã hội này.
Bây giờ muốn cải cách thì bắt đầu từ đâu? Trước hết là phải có những điều kiện về vật chất, về tinh thần, về kiểm tra đánh giá… Một nhà trường đào tạo thường có quá nhiều cấu phần, nhưng theo tôi muốn học tốt thì trước hết phải đầu tư, đã đào tạo thì phải có cơ sở cho tử tế. Phải có nơi ăn uống, nghỉ ngơi tốt, giảng đường và phòng ốc đủ tiêu chuẩn.
Một trường tốt thì cũng phải có chương trình tốt. Các bạn trẻ là những người rất thông minh, nếu chỉ cho người ta phương pháp, cho người ta công cụ người ta sẽ học được ngay.

Để người trẻ có tư duy phản biện tốt

Theo ông, điểm yếu của sinh viên đang theo học luật hiện nay là gì?
Tôi làm thầy nên tôi hay tiếp xúc với sinh viên. Sinh viên hiện nay đôi khi họ học luật chỉ vì tấm bằng (cũng như toàn xã hội), thành ra học phải “sưu tầm” cho đủ điểm, mong muốn của họ không phải là học cái gì mà mong học cho đỗ. Ngoài ra, sự tự học của nhiều bạn cũng chưa cao. Tôi thì không ưa những học trò chỉ muốn điểm cao, chỉ lo sưu tầm đủ chứng chỉ để có được tấm bằng đại học. Cái quan trọng là anh thu lượm được cái gì trong quá trình học.
Tuy nhiên tôi cũng thấy rằng nếu có những động lực thì các em cũng có thể học nhóm rất tốt. Tôi đã chứng kiến nhiều sinh viên năm thứ hai, thứ ba nhưng năng lực hùng biện rất tốt, khả năng thuyết phục đôi khi tốt hơn nhiều ông thầy.
Đôi khi người ta hay chê trò nhưng trước hết phải chê thầy nếu ông thầy không thay đổi nhãn quan, chỉ đánh giá sinh viên theo kiểu thuộc bài mà coi nhẹ hay đánh giá thấp sự sáng tạo…

PGS nhận xét ra sao, khi chúng ta đào tạo ra khá nhiều các luật sư, nhưng khi “lâm trận” thì đều bị “hạ đo ván” trong các vụ kiện với nước ngoài?
Chuyện chúng ta bị hạ đo ván trong các vụ kiện từ nước ngoài là chuyện không hiếm, và cái giá phải trả nhiều khi là rất đắt. Cũng như ông bác sĩ không ngại bệnh, ông luật sư cũng phải không ngại các vụ kiện. Thế giới của những giao lưu gia tăng thì việc kiện cáo cũng tăng lên. Vấn đề là các vụ kiện đó cần được giải quyết một cách êm thấm, hòa bình và công bằng. Luật sư Việt Nam dường như chưa chuẩn bị đủ năng lực để đối chọi với một xã hội mà những lợi ích luôn đan xen và mâu thuẫn với nhau. Không chỉ là các vụ kiện nhỏ cụ thể mà là tầm nhìn với vai trò của luật sư là kiến tạo nguyên tắc, kiến tạo hòa bình, công lý thì giới luật sư Việt Nam chưa đủ tầm cho việc đó.

Tư duy phản biện của các bạn trẻ hiện nay ra sao, theo ông?
Tôi thấy rằng, trên lớp có thể họ không đặt vấn đề nhưng trong quán café, trên forum, blog… thì chúng ta có thể nhìn thấy không ít những ý kiến khác nhau. Xã hội nào nó cũng có những nhu cầu nhìn nhận một vấn đề đa chiều. Tự thân xã hội nó là đa chiều, chỉ có điều trong phòng học điều đó chưa diễn ra. Nó diễn ra ở chỗ khác thì đôi khi không kiểm soát được.

Khi theo học luật, phải chăng PGS đã xuất phát từ một “cảm nhận công lý”?
Chẳng phải là do cảm nhận mà hồi đó là do có một người lớn khuyên. Thực sự tôi rất biết ơn lời khuyên đó. Hồi đó Đại học Pháp lý chỉ mới có 6 khóa đào tạo, khóa của tôi là khóa 7. Ngày đó nó như là một sự duyên nghiệp chứ chẳng phải là một sự lựa chọn gì.

Nhiều người thấy ông luôn thường trực một tư duy phản biện trước bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống. Điều gì khiến ông chọn như vậy?
Nói mình gắn bó với nghề dạy học thì đúng hơn, nghiệp của mình hiện nay là một ông thầy thôi, chỉ giảng dạy, nghiên cứu luật thôi chứ làm luật thì mình có làm đáng kể đâu, cũng ít khi tham gia làm luật sư.
Trong Luật Luật sư nước ta có một quy định là cấm những người giảng dạy được hành nghề Luật sư. Đây chưa hẳn là một quy định thông minh bởi lẽ giống như một ông bác sĩ phải có nhiều thực tế, thì ông luật sư là thầy trong trường hiện nay lại không được làm những việc ấy.

Tư duy của người Việt là duy tình, khác với người phương Tây là duy lý. Chắc hẳn sẽ ảnh hưởng đến kiến tạo pháp luật?
Ở những nước khác thì những quy phạm mang tính xã hội cũng rất quan trọng, nhưng ở nước mình nó nghiêm trọng hơn một chút vì khái niệm pháp luật và thượng tôn pháp luật hơi yếu.

PGS đang giảng dạy về Luật Kinh doanh, vậy điều gì khiến ông thấy nó hấp dẫn?
Luật Kinh doanh về cơ bản là luật của thương nhân, phục vụ cho đối tượng là những người đi kinh doanh. Nhưng chúng ta không nên hiểu theo cách hiểu như hiện nay rằng người đi kinh doanh chỉ là người đi kiếm tiền. Họ kinh doanh có nghĩa là tạo công ăn việc làm cho họ, cho gia đình họ, cho anh em họ hàng của họ và cho người khác nói chung. Đó là một lực lượng dám chấp nhận rủi ro để tạo ra cái mới. Vì vậy nếu mà đã nói là một giai cáp tương đối cấp tiến góp phần thúc đẩy xã hội phát triển thì luật lệ phục vụ cho nhóm đó cũng phỉa phù hợp theo nghĩa rằng nó phải khuyến khích sáng tạo, khuyến khích tự chịu trách nhiệm nhưng nó cũng phải cân đối giữa hành vi cá nhân và trách nhiệm xã hội. Một anh giám đốc thì phải có trách nhiệm với người lao động, với môi trường, với cộng đồng và xã hội xung quanh. Còn một ông giám đốc chỉ nghĩ đến lợi nhuận của mình xong rồi đổ toàn bộ nước thải độc hại tiêu diệt cả những dòng sông thì điều đó không phải đạo và không phù hợp với luật. Luật Kinh doanh nó hấp dẫn ở chỗ là phải làm sao để cân bằng được những lợi ích như vậy.

Xin cảm ơn PGS!

Vài nét về PGS.TS Phạm Duy Nghĩa
Sinh năm 1965, quê ở Nam Định.
Ông tốt nghiệp thủ khoa ĐH và nhận bằng Tiến sĩ Luật học tại ĐH Tổng hợp Leipzig, CHLB Đức năm 1991. Năm 2003 ông tham gia chương trình học giả tại Trường Luật – ĐH Harvard (Hoa Kỳ) theo học bổng quốc tế Fulbright.
Ông có nhiều năm kinh nghiệm dạy học tại các trường ĐH nổi tiếng của Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Hiện nay, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa đang là Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Luật kinh doanh – Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội.

Nguồn: SVVN

No comments: