Friday, October 3, 2008

CSVN KHÔNG THỪA NHẬN QUYỀN TƯ HỮU ĐẤT ĐAI

VN tái khẳng định không thừa nhận quyền tư hữu đất đai
RFA 02.10.2008
http://www.rfa.org/vietnamese/VietnameseNews/vietnamnews/VietnamesePM-reclaims-state-ownership-over-land-rejects-private-one-10022008094946.html
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố điều này khi tiếp phái đoàn đại diện Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vào chiều 1-10 tại Hà Nội.

Như một phản ứng chính thức về vụ Nhà thờ đòi lại tài sản đất đai ở Toà khâm sứ cũ và giáo xứ Thái Hà Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lập lại nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý.

Nhân dịp này, ông Dũng cũng nhắc lại nghị quyết 23 của Quốc hội khoá 11, theo đó Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại và không xem xét lại những tài sản nhà đất mà Nhà nước đã quản lý và bố trí sử dụng từ 1/7/1991 trở về trước.

Thủ tướng Việt Nam khẳng định đất đai thuộc về sở hữu tòan dân do nhà nước quản lý, đồng thời phê phán việc tập trung đông người, cầu nguỵên đòi đất, chống người thi hành công vụ, xảy ra tại giáo xứ Thái Hà, mấy tuần qua.

Chỉ trích TGM Hà Nội

Theo thông tấn xã Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ thái độ không hài lòng về điều ông gọi là, những việc làm sai trái của tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt liên quan tới vụ việc ở giáo xứ Thái Hà và Toà Khâm Sứ cũ phố Nhà Chung Hà Nội.

Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng nhắc lại bài nói chuyện của TGM Nguyễn Quang Kiệt, mà truyền thông nhà nước từng mở chiến dịch phê phán.

Thủ tướng Việt Nam cho rằng Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt có những lời lẽ thách thức Nhà nước, có những phát ngôn dù trong ngữ cảnh nào cũng thể hiện sự xúc phạm đối với đất nước dân tộc và về điều ông Nguyễn Tấn Dũng gọi là coi thường vị thế đất nước và tư cách công Việt Nam trong mối tương quan với thế giới.

Ông Dũng nhấn mạnh rằng, nếu những hành vi tập trung cầu nguỵên đòi đất, chống người thi hành công vụ này tại Giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ không sớm chấm dứt sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ tốt đẹp có từ lâu nay giữa nhà nước với giáo hội Thiên Chúa giáo và giữa Việt Nam với tòa thánh Vatican.

Sẵn sàng sử dụng vũ lực
Theo bản tin của thông tấn xã Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gián tiếp xác nhận việc chính quyền sử dụng vũ lực ở Giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ Cũ, khi ông nói rằng không chủ trương thực hiện vũ lực, nhưng đối với các hành vi chống lại hiến pháp và pháp luật thì quốc gia nào cũng phải sử dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ hiến pháp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập tới những vấn đề vừa nêu trong lúc tiếp đoàn lãnh đạo tôn giáo thuộc hội đồng giám mục Việt Nam do giám mục Nguyễn Văn Nhơn hướng dẫn.

Theo bản tin của thông tấn xã Việt Nam, đoàn đại diện Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tới diện kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân kết thúc hội nghị thường niên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lần thứ hai.
Trong nhiều tuần qua, công an Việt Nam đã bắt giam nhiều giáo dân, đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa, cầu nguyện thắp nến, đòi lại đất đai của giáo hội bị nhà nước tịch thu, từ năm 1954, để xây dựng thành công viên.


Thủ tướng CSVN: không có quyền tư hữu đất đai
Wednesday, October 01, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=84905&z=2

* CSVN muốn giao hảo với Tòa Thánh Vatican
*Tướng công an: T.G.M. Kiệt gây khó khăn cho quan hệ Việt Nam-Vatican

HÀ NỘI 1-10 (TH) - Chế độ Hà Nội không công nhận quyền tư hữu đất đai của công dân dù có ký vào bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Bản tin hãng thông tấn chính thức CSVN tường thuật cuộc tiếp xúc giữa Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, với phái đoàn Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam hôm mùng 1 Tháng Mười 2008 xác định như vậy.

“Về vấn đề đất đai, thủ tướng khẳng định quan điểm của nhà nước Việt Nam là đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý, không thừa nhận quyền tư hữu về đất đai,” Bản tin Thông Tấn Xã Việt Nam viết tường thuật cuộc tiếp xúc nói trên. “đồng thời, theo nghị quyết 23 của Quốc Hội khóa XI, nhà nước không thừa nhận việc đòi lại cũng như không xem xét lại chủ trương và thực hiện chính sách về nhà đất mà nhà nước đã ra quyết định quản lý, bố trí, sử dụng từ 1 Tháng Bảy 1991 trở về trước.”

Tuần trước, Ðức Cha Nguyễn Văn Nhơn, nhân danh chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, sau cuộc họp của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam tại Long Khánh, đã gửi cho các người cầm đầu nhà nước CSVN một bản trình bày quan điểm của các ngài về các vấn đề thời sự của đất nước. Ðặc biệt là các cuộc cầu nguyện đòi đất tại giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ.

Trong bản tin của thông tấn xã nhà nước chính quyền Cộng Sản còn tỏ ý muốn giao hảo với Tòa Thánh Vatican trong khi tiếp xúc với Hội Ðồng Giám Mục, sau phiên họp của hội đồng. Mặt khác, bản tin chính thức này còn nói Cộng Sản sẽ không dùng bạo lực đối với những người Công Giáo đang đòi lại đất.
Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam gần đây đã kêu gọi chế độ Hà Nội trả lại quyền tư hữu đất đai cho dân như họ đã ký cam kết tôn trọng tuyên ngôn quốc tế nhân quyền trong đó, quyền tư hữu đất đai của người dân được tôn trọng.

Nhưng như trên thuật lại cho thấy, chế độ Hà Nội đã không tôn trọng tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc cũng như bản Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà họ cũng đã ký cam kết tôn trọng.

Ðể hợp thức hóa tài sản của dân chúng đã bị nhà cầm quyền cướp đoạt dưới nhiều hình thức, đảng CSVN còn cho cái Quốc Hội của họ ra một nghị quyết, năm 2003, nói “không xem xét lại” các vụ đòi tài sản đã bị họ chiếm lấy từ 1 Tháng Bảy 1991 trở về trước”.

Giáo xứ Thái Hà, Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội nhiều lần đã trình bày cho nhà cầm quyền địa phương biết (qua dẫn chứng các tài liệu, văn bản, luật lệ) khu đất Tòa Khâm Sứ và lô đất ở 178 Nguyễn Lương Bằng phường Quang Trung, không bị chi phối bởi cái nghị quyết trên, cũng như các văn bản pháp lý khác.
Theo một số người quan sát thời sự ở Hà Nội, nhà cầm quyền CSVN không thể đối phó được với các áp lực của người Công Giáo, dù là về mặt pháp lý, họ đã phải sử dụng đến các đòn bẩn. Những gì đã xảy ra những ngày vừa qua chứng minh là CSVN “không ở thế thượng phong”.

Trong một diễn biến khác, hãng thông tấn chính thức CSVN đưa ra một bài phỏng vấn Tướng Công An CSVN Nguyễn Văn Hưởng đả kích Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt là “làm tổn hại mối quan hệ giữa giáo hội với chính quyền Hà Nội và gây khó khăn cho mối quan hệ của Vatican với Việt Nam”.

Trong bài phỏng vấn cò mồi có mục đích tuyên truyền và đe dọa, Tướng Hưởng nói rằng “thế giới bây giờ sống trong tinh thần thượng tôn pháp luật”. Nhưng những gì được phổ biến liên quan đến diễn biến các vụ đòi đất đai tài sản ở Hà Nội của giáo dân Công Giáo cho thấy chế độ CSVN nói một đàng làm một nẻo.
Giáo xứ Thái Hà, Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội gửi văn thư cho nhà cầm quyền địa phương trình bày cho thấy nhà nước vi phạm ngay chính các luật lệ do họ đẻ ra. Trong khi chưa giải quyết theo đúng trình tự “pháp luật” về tranh chấp đất đai thì nhà cầm quyền đã vội vã cho phương tiện cơ giới và người tới biến hai khu vực tranh chấp thành hai công viên chỉ trong vòng vài ngày, không qua bất cứ một thủ tục đầu tư, tìm ngân khoản nào, thường phải kéo dài nhiều năm và qua hàng chục cửa ải giấy tờ.

Ðối phó với các buổi cầu nguyện ôn hòa của giáo dân, nhà cầm quyền CSVN sử dụng cả những thành phần “không rõ lai lịch” đến từ dọa giết tổng giám mục đến chửi bới giáo dân, tu sĩ, đổ vật ô uế lên tượng ảnh, Thánh Giá. Ðây là những hành động khủng bố và xúc phạm tôn giáo mà người Công Giáo sẽ còn nhớ mãi.

Nguyễn Tấn Dũng đả kích Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt là “có những lời nói thách thức nhà nước” và đề nghị Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam “với tinh thần đồng đạo và lợi ích chung hỗ trợ và giúp đỡ Tổng Giám Mục Kiệt nhiều hơn nữa, trước hết chấp hành pháp luật”.

Trong bản văn gửi nhà cầm quyền thành phố Hà Nội, đề ngày 25 Tháng Chín 2008, Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn đã viết rằng “Sau khi xem xét, chúng tôi thấy các vị này (Tổng Giám Mục Kiệt và các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà) không làm bất cứ điều gì ngược lại giáo luật hiện hành của Giáo Hội Công Giáo”.
Ðối chiếu nội dung cuộc tiếp xúc giữa Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và Nguyễn Tấn Dũng với các văn bản mà Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, giáo xứ Thái Hà gửi cho nhà cầm quyền các cấp CSVN những ngày gần đây, người ta thấy hai quan điểm trái ngược nhau để giải quyết một vấn đề. Ngay những cơ sở đã được loan báo trả lại như ở Thái Bình, Quảng Trị (thánh địa La Vang), không có tín hiệu gì là chúng đã được trả lại thật sự ngoài các lời loan báo trên giấy.

Trong tình hình này, người ta nhìn thấy giáo dân sẽ tiếp tục cầu nguyện.

No comments: