Friday, October 3, 2008

CSVN HỌP HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 8

Hội nghị Trung ương 8 'mang tính tình thế'
Quốc Phương
BBC Việt Ngữ
02 Tháng 10 2008 - Cập nhật 17h17 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/10/081002_party_meeting.shtml
Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc ngày hôm 02/10 dự kiến bế mạc vào ngày 4/10 tới đây, về mặt hình thức được cho là một hội nghị giữa kỳ thông thường.
Hội nghị này, tuy nhiên, được nhóm họp trong bối cảnh Việt Nam đang gặp khủng hoảng kinh tế, đang đối đầu các nguy cơ bẩt ổn xã hội và chia rẽ nội bộ sâu sắc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh và đề nghị 279 uỷ viên chính thức và dự khuyết phân tích, làm rõ 'những nguyên nhân chủ quan trong lãnh đạo, điều hành và quản lý để rút ra những bài học kinh nghiệm thiết thực'

Nhà quan sát chính trị Việt Nam ở trong nước, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, cho rằng từ ngữ 'nguyên nhân chủ quan' mà ông Nông Đức Mạnh sử dụng ở đây gián tiếp nhắm vào cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Giang đồng thời cho rằng nội bộ Trung ương Đảng, đang có những bất đồng về đường lối lãnh đạo cũng như nhân sự cao cấp.
Tiến sĩ Giang nói: "Vừa qua, trong một số cuộc làm việc ở tầng chóp đỉnh của ĐCS Việt Nam đã nổ ra những cuộc tranh cãi gay gắt, thậm chí nặng lời với nhau, biểu hiện sự phân hoá."
"Hiện bây giờ đang rất gay gắt. Ông Nguyễn Tấn Dũng đang bị phái bảo thủ tấn công và thế của ông có khả năng hơi chông chênh."

Một ngày trước phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 8, trong một diễn biến liên quan, thu hút sự chú ý của dư luận, Thủ tướng Dũng đã tiếp phái đoàn Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Động thái này được cho là một bước đi của cả hai phía Nhà nước và Giáo hội, thăm dò hướng giải quyết xung đột đối đầu gay gắt gần một năm qua giữa Giáo hội công giáo với Chính quyền.

Giải pháp tình thế
Các tin tức cho hay hiện hai bên chưa có tiến triển đáng kể nào trong việc đưa ra giải pháp cho xung đột.
Nhưng tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa trấn an khối Công giáo về chủ trương quan hệ tốt đẹp ổn định của Nhà nước với các các tôn giáo, trong đó có tôn giáo.
Mặt khác, ông Dũng cũng tái khẳng định việc Nhà nước không xem xét trao trả lại các khu vực đất đai ở các địa điểm tranh chấp cho nhà thờ.
Đồng thời, người đứng đầu chính phủ từng thăm viếng Giáo hoàng tại Vatican một năm về trước, cũng có lời lẽ phê bình, chỉ trích đích danh Tổng giám mục Hà Nội, ông Ngô Quang Kiệt, trong các vụ việc gần đây.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cho rằng Thủ tướng Dũng thuộc phái chủ hoà nhưng buộc phải tỏ ra cứng rắn trước các áp lực trong Trung ương Đảng.
"Gần đây người ta tấn công ông Dũng và uy hiếp ông Dũng. Cho nên buộc ông Dũng đôi khi phải có những tuyên bố cứng rắn. Và ông phải dùng cái đó như 'cái khiên' để đỡ, cho người ta khỏi đánh gục ông."
Tiến sĩ Giang nhận định: "Thực lòng Nguyễn Tấn Dũng không phải như thế. Giữ cho mình đứng để có thời cơ thực hiện đường lối cách tân của mình, thì phải giơ cái khiến chắn ấy ra nhất thời."

Còn từ Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Tương Lai, từng cố vấn các vấn đề xã hội cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đánh giá rằng "Ông không nghĩ Hội nghị Trung ương giữa kỳ này có thể bàn thảo gì về thay đổi nhân sự"
Ông nói "Vấn đề bây giờ là dồn sức để giải quyết các khó khăn trước mắt."
"Ví dụ như tình hình đời sống, kinh tế khó khăn của người dân, tình hình khủng hoảng kinh tế, lạm phát trong nước, thiên tai, ảnh hưởng của cơn bão tài chính toàn cầu. Vấn đề là phải chờ đợi xem sẽ vượt qua các khó khăn đó như thế nào."

Một số ý kiến khác cho rằng rằng Hội nghị Trung ương 8 lần này vẫn giới hạn trong khuôn khổ một hội nghị giữa kỳ.
Một mục tiêu chính của Hội nghị là tạm thời trấn án dư luận trước những thành tích kinh tế nghèo nàn, các diễn biến bất đồng trong chính sách đối nội, đối ngoại và các nguy cơ bất ổn xã hội sâu sắc, kéo dài.
Hội nghị do đó chỉ được coi là một trong các bước trù bị có tính giải pháp tình thế cho những thay đổi và tái sắp xếp về cán cân nhân sự, đường hướng lãnh đạo chiến lược... mà Trung ương Đảng chưa thể giải quyết thấu đáo, rõ ràng trong thời điểm hiện nay.


Thủ tướng Dũng sắp thăm Trung Quốc
03 Tháng 10 2008 - Cập nhật 10h36 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/10/081003_viet_pm_chinavisit.shtml
Đại sứ Trung Quốc xác nhận Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chính thức thăm Trung Quốc vào cuối tháng Mười, bác bỏ tin đồn về việc có đi hay không.
Giữa lúc chính trị nội bộ Việt Nam đang diễn biến phức tạp, đã có đồn đoán ở Hà Nội rằng ông Dũng có thể cân nhắc việc đi thăm Trung Quốc.
Tuy vậy, nói với truyền thông Việt Nam nhân Ngày quốc khánh Trung Quốc 1/10, Đại sứ Trung Quốc Hồ Càn Văn xác nhận lãnh đạo hai nước sẽ bàn nhiều vấn đề được quan tâm.
Theo phía Trung Quốc, hai thủ tướng Ôn Gia Bảo và Nguyễn Tấn Dũng sẽ hội đàm ở Bắc Kinh khi ASEM 7 diễn ra 24/25 tháng 10.
Trước đó, từ ngày 23 đến 27 tháng Chín, Đặc phái viên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng, đã đến Bắc Kinh.

'Đối tác hợp tác'
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cho hay một mục đích của ông Vũ Dũng là "chuyển thông điệp của lãnh đạo cấp cao Việt Nam gửi lãnh đạo cấp cao Trung Quốc về một số vấn đề quan trọng trong quan hệ hai nước, trong đó có vấn đề Biển Đông".
Gần đây, căng thẳng có xu hướng tăng lên trong khu vực thềm lục địa mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh gây áp lực với một số công ty nước ngoài muốn làm ăn với Hà Nội trong vùng tranh chấp.
Không chỉ một lần và với giọng điệu dường như ngày càng mạnh mẽ, Hà Nội đã lên tiếng bảo vệ quyền khai thác tài nguyên trong "vùng thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý của Việt Nam".
Nhưng mặt khác, khi Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm Trung Quốc hồi tháng Năm, hai phía đồng ý nâng tầm quan hệ theo hướng "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện".
Nguồn tin ngoại giao từ Việt Nam nói chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là nhằm “cụ thể hóa nội dung” của quan hệ hợp tác chiến lược này.
Cùng chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết dự kiến sang Nga trong tháng 10 năm nay, có bình luận cho rằng Việt Nam đang cân bằng lại quan hệ với Hoa Kỳ bằng các chuyến thăm cao cấp đến các cường quốc là đối thủ của Mỹ.


Trung ương đảng CSVN họp hội nghị 8
02 Tháng 10 2008 - Cập nhật 05h28 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/10/081002_plenum8.shtml
Hội nghị lần thứ tám của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam khóa X vừa khai mạc sáng thứ Năm 2/10 tại Hà Nội.
Đây có lẽ là hội nghị trung ương ngắn nhất từ trước tới nay, kết thúc vào chiều 4/10. Theo thông lệ, các hội nghị TW thường kéo dài khoảng một tuần.
Tin của Đài tiếng nói Việt Nam cho hay, "hội nghị lần này tập trung thảo luận và cho ý kiến về tình hình kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008, cũng như dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009".
Không thấy báo chí Việt Nam nhắc tới các chủ đề khác như vấn đề tam nông mà trước đó một số ý kiến cho rằng sẽ được tiếp tục bàn trong hội nghị 8.
Tuy nhiên, Tổng bí thư ĐCS Nông Đức Mạnh được trích lời phát biểu trong diễn văn khai mạc rằng những kết luận rút ra từ Hội nghị lần này sẽ "là cơ sở để xem xét, đánh giá và kiểm điểm giữa nhiệm kỳ việc thực hiện các nghị quyết" của Đại hội X.
Ngay sau lời khai mạc của ông Mạnh, phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008 và dự kiến cho 2009.
Hội nghị 7 hồi tháng Bảy của Ban chấp hành TW đảng đã bị một số người chỉ trích là chưa riết ráo trong thảo luận và tìm giải pháp cho các vấn đề kinh tế cấp bách như lạm phát và tăng trưởng.
Ông Lê Hồng Hà, một nhà quan sát tình hình trong nước, sau hội nghị 7 đã nhận xét với BBC: "Hội nghị trung ương 8 được coi là hội nghị giữa nhiệm kỳ của ban Chấp hành Khóa X. Tất nhiên tầm quan trọng của nó rất lớn".
Thế nhưng ông cho rằng: "Vấn đề cần chú ý là làm sao để hội nghị trung ương đáp ứng được các yêu cầu của xã hội. Như Hội nghị 7, vấn đề quan trọng nhất (kinh tế) thì lại chỉ bàn một cách sơ sài".
Được biết, dựa trên các thảo luận tại hội nghị 8 trong những ngày sắp tới, Ban cán sự đảng của Chính phủ sẽ chỉ đạo để chuẩn bị Báo cáo Chính phủ.
Bản báo cáo này sẽ được mang ra đọc tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XII, dự kiến khai mạc vào ngày 16/10.


Nhận diện những chuyển động chính trị gần đây tại Việt Nam

Đông Yên & Như Văn
Đăng ngày 28/09/2008 lúc 07:57:26 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3136

Thư quốc nội


Các anh chị thân mến,

Vụ tranh chấp đất đai “Tòa Khâm Sứ-Thái Hà” bùng lên trong thời gian gần đây đã tập trung sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước, và che lấp một sự kiện hết sức quan trọng: Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại nơi tôi ở, Hội nghị đã tiến hành mấy ngày nay và chấm dứt vào chiều ngày hôm qua - thứ sáu 26.9.2008. Ở gần địa điểm tiến hành Hội nghị, có một số xe cảnh sát cơ động và có cả chó nghiệp vụ, như để đề phòng dân biểu tình. Theo dõi các đài địa phương, tôi thấy Hội nghị cũng đã diễn ra ở một số địa phương khác. Như vậy, Hội nghị giữa nhiệm kỳ của cấp Trung ương cũng sẽ tiến hành trong những tháng cuối năm 2008.

Vấn đề cần đặt ra là: tại sao Đảng cộng sản làm ồn ào vụ Tòa Khâm sứ - Thái Hà, trong khi vụ việc này chỉ liên quan đến đồng bào Công giáo - một bộ phận nhỏ trong nhân dân? Mặt khác, nếu không có vụ tập kết Cảnh sát cơ động và máy móc để xây dựng công viên ở Tòa Khâm sứ thì mức độ tập trung của đồng bào Công giáo cũng chưa cao. Khi tiến hành việc xử lý cứng rắn vụ Tòa Khâm sứ - Thái Hà, Đảng thừa biết những phản ứng bất lợi trong và ngoài nước. Vậy thì họ nhắm mục đích gì khi tiến hành kế hoạch này?

Theo ý kiến riêng của tôi, nếu đứng về phía lãnh đạo của Đảng Cộng sản (nhất là phái bảo thủ), tiến hành Hội nghị giữa nhiệm kỳ vào lúc này họ sẽ phải đối mặt với ba vấn đề lớn : khó khăn về kinh tế, tranh chấp đất đai - nhất là vụ Tòa Khâm sứ - Thái Hà, và vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa. Về khó khăn kinh tế, họ có thể đổ lỗi cho tình hình kinh tế thế giới. Làm nổ bùng vấn đề Tòa Khâm sứ-Thái Hà, họ muốn tạo ra một tình hình căng thẳng, y như có sự chống phá từ bên ngoài (người Việt chống Cộng tại hải ngoại và Vatican), lấy đó làm cái cớ để tạo ra sự đoàn kết nội bộ, đồng thời che lấp vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa - nói rộng hơn là quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cho đến nay vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa chưa được trao đổi cặn kẽ trong các hội nghị Đảng, nhưng lần này nếu có một phái nào đặt ra trong chương trình nghị sự thì họ rất khó giải quyết (nhất là công hàm của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng).

Làm bùng lên vấn đề Tòa Khâm sứ - Thái Hà, phe bảo thủ muốn đạt được mấy mục đích:- Lái dư luận chung và sự chú ý của các đại biểu Hội nghị vào những vấn đề khác, che giấu hoặc làm mờ nhạt vụ Hoàng Sa – Trường Sa;- Hạ uy tín ông Nguyễn Tấn Dũng và vô hiệu hóa các văn kiện đã ký kết với Hoa Kỳ; nói đúng hơn là chỉ thực hiện những ký kết có lợi (như hiệp định về giáo dục chẳng hạn) nhưng vô hiệu hóa những ký kết bất lợi – nhất là khả năng hợp tác quân sự với Hoa Kỳ;- Tạo ra một chứng cớ về âm mưu diễn biến hòa bình, thậm chí bạo loạn để dọa nội bộ Đảng, tạo điều kiện cho phe bảo thủ chiếm vị trí thượng phong trong bộ máy của Đảng. Tiến hành Hội nghị trong lúc bên ngoài có sự bảo vệ của cảnh sát cơ động, của chó nghiệp vụ,v.v… là cách tốt nhất để bịt miệng những đại biểu ít nhiều có ý thức đấu tranh cho dân chủ. Đó là thủ đoạn quen thuộc xưa nay của phe bảo thủ.Gần đây, có những diễn biến cho thấy có sự thỏa hiệp với phía TQ, như ký kết hợp tác về kinh tế với Quảng Đông. Như vậy phải chăng Trung Quốc cũng đang tiến hành thỏa hiệp để tạo điều kiện cho phe bảo thủ ở VN chiếm lại vị trí thượng phong? Muốn vậy, họ phải làm mờ nhạt vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa và nói chung là quan hệ Việt Nam –Trung Quốc, một yếu tố có thể tạo ra sự đoàn kết giữa tất cả những người Việt Nam thuộc mọi phe phái.Các anh chị có cao kiến gì về vấn đề này?
Đông Yên


Thư từ hải ngoại

Ngày 28.9.2008

Chào anh Đông Yên,

Không hẹn mà gặp! Nhiều ngày nay, tôi cũng có những ý nghĩ giống như anh, nghĩa là người ta đang cố giấu những điều gì đó!

Phải nói một cách rõ ràng rằng, trong tình hình Việt Nam hiện nay, mọi hoạt động của nhà nước Việt Nam đều có sự chỉ đạo của đảng Cộng Sản Trung quốc, từ việc bắt các ký giả liên quan đến vụ PMU18 đến việc dồn dập bắt các nhà dân chủ, từ việc kiểm soát chương trình giảng dạy lịch sử Việt Nam trong các trường học đến việc ngăn cấm các tờ báo Việt Nam đăng lại tin của các hảng thông tấn quốc tế về hàng giả, hàng nhái, hàng thiếu phẩm chất, hàng độc của Trung Quốc, v.v. và v.v.. Tại sao có việc bắt các nhà dân chủ một cách quy mô cùng một lúc với những vụ đàn áp ở giáo xứ Thái Hà và tòa Khâm Sứ trong khi quốc hội Mỹ vừa mới khuyến cáo chính phủ Mỹ đặt Việt Nam vào lại danh sách CPC? Nhà nước Việt Nam thừa khôn ngoan để trì hoãn những điều đó đến một thời gian khác thuận lợi hơn. Tại sao họ lại quá “nóng nảy” như vậy?

Tất cả chúng ta đều biết Trung Quốc là bậc thầy trong việc khích động, khuấy rối các nước khác để dễ dàng thao túng các nước đó. Ngoài ra, xúi giục nhà nước VN làm các việc trên trong thời điểm này, Trung Quốc bắn một mũi tên mà nhắm đến 3-4 con chim cùng một lúc!

Trước hết, tất cả các nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam đều là những người cương quyết chống tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Bắt giam, hăm dọa, ám sát, dùng côn đồ tạo các tai nạn gây thương tích cho những nhà dân chủ sẽ làm giảm bớt lực lượng chống bành trướng Trung Quốc. Mặt khác, sau khi tổng thống Bush tuyên bố Mỹ cam kết ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đại sứ Mỹ lại phát biểu gia tăng hợp tác về nhiều mặt với Việt Nam. Con số đầu tư của Mỹ vào Việt Nam đã lên cao hơn bao giờ hết và trở thành một trong những đầu tư hàng đầu của thế giới vào Việt Nam. Đại sứ Mỹ tuyên bố trong khoảng 10 năm sẽ đào tạo cho Việt Nam 10,000 tiến sĩ, gia tăng viện trợ của Mỹ trong vụ chất độc da cam, v.v... Trung Cọng xúi Việt Nam làm những điều nói trên vào thời điểm này bởi vì những vụ đàn áp đó sẽ tạo cớ cho quốc hội Mỹ tăng áp lực buộc chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Và một khi Việt Nam đã bị đưa vào danh sách CPC thì cùng với những ràng buộc của đạo luật về CPC, việc thực hiện những thỏa thuận giữa chính phủ Mỹ với VN không ít thì nhiều sẽ bị cản trở. Có lẽ chính phủ Mỹ cũng hiểu được điều đó, đặc biệt trong tình hình Trung Cọng đang ráo riết tăng cường lực lượng quân sự ở biển Đông, cho nên mặc dù có khuyến cáo rất mạnh mẽ từ quốc hội, chính phủ Mỹ vẫn cương quyết không đưa Việt Nam trở lại vào danh sách CPC, trong khi họ vẫn giữ Trung Quốc, Miến Điện và một số nước khác trong danh sách này!

Ba là, như tôi vẫn lo ngại, người ta cố che giấu những điều gì đó, chẳng hạn như việc ký kết hợp tác dò tìm và khai thác dầu giữa Trung quốc và Việt Nam, việc xây dựng xa lộ Hà Nội – Lào Cay với tài trợ lớn nhất của ODA. Phải nói rằng Việt Nam còn có nhiều công trình quan trọng hơn đối với nền kinh tế quốc gia hơn là xa lộ Hà Nội – Lào Cay! Xa lộ này sẽ tăng cường quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, một quan hệ rất bất lợi cho Việt Nam về tất cả các mặt từ kinh tế, tài chánh đến khoa học, môi trường. Thông tin trên internet, đặc biệt trên trang web www.china.com đặt trụ sở tại Trung Quốc cho thấy Trung Cọng không giấu giếm ý đồ xâm lăng Việt Nam bằng quân sự. Khi một cuộc chiến tranh Việt – Trung lại diển ra một lần nữa, xa lộ này sẽ là đường cho xe tăng Trung Quốc tiến vào Hà Nội!

Và như anh vừa nói, người ta cố tình che giấu hội nghị giữa kỳ của đảng Cộng sản Việt Nam. Trong hội nghị này phải chăng Đảng sẽ đề ra phương hướng đặt ưu tiên hàng đầu trong việc thắt chặt bang giao với Trung Quốc và giảm nhẹ bang giao với Mỹ và các nước khác?

Tôi còn lo ngại thêm một chuyện nữa là mấy lâu nay truyền thông, báo chí trong và ngoài nước nói rằng thư của ông Phạm Văn Đồng bán Trường Sa và Hoàng Sa cho Trung Quốc không có giá trị vì không được quốc hội Việt Nam phê chuẩn. Tôi tự hỏi, Quốc hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng cọng sản Việt Nam đứng đầu là Nông Đức Mạnh đã từng phê chuẩn hiệp ước bán Ải Nam Quan cho Trung Cọng thì nay, ai dám cam đoan rằng cái quốc hội đó lại không tiếp tục phê chuẩn thư của Phạm Văn Đồng bán Trường Sa, Hoàng Sa cho Trung Cọng?

Đại khái đó là những điều mà tôi suy nghĩ trong những ngày vừa qua và viết vội để trao đổi với anh.Thân chúc anh và bạn bè vui mạnh.
Như Văn


[*] Tựa đề của Thông Luận.

No comments: