Friday, October 24, 2008

CHỨC TRÁCH

ChứcTrách
Ngô Nhân Dụng
Thursday, October 23, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=85913&z=7

Trong đời sống kinh tế, chữ TÍN là căn bản. Mình gửi tiền vào ngân hàng vì tin sẽ không bị mất. Ngân hàng cho mình vay, gọi là “tín dụng,” vì tin luật pháp sẽ buộc mình phải trả. Nếu có những thân chủ không trả được nợ, ngân hàng phải tin rằng đó là một số nhỏ. Trong mọi hoạt động kinh tế đều như vậy. Một công ty sản xuất áo sơ mi tin rằng những hợp đồng mình đã ký với nhà cung cấp vải, chỉ, hộp đựng áo, vân vân; hoặc những hợp đồng thuê mướn những công nhân làm việc may áo, đơm khuy, cắt chỉ, vân vân; tất cả các hợp đồng đó đều được mọi người tôn trọng. Nếu không có niềm tin như vậy thì kinh tế cả thế giới không chạy được.

Hôm qua, ông Alan Greenspan, cựu chủ tịch Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang, tức Ngân Hàng Trung Ương của nước Mỹ, được mời điều trần trước Quốc Hội về nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chánh hiện tại. Ông đã thú nhận rằng trong thời gian giữ trách nhiệm giám sát hệ thống tài chánh quốc gia có một điều ông đã lầm. Mối lầm lẫn của ông là ông đã tin rằng các ngân hàng lúc nào cũng lo bảo vệ giá trị tài sản cho các cổ đông của họ.

Nhưng đó là niềm tin chung của tất cả hệ thống kinh tế thị trường. Tất cả những người mua cổ phần của mọi công ty, mọi ngân hàng, đều phải có sẵn tin rằng những người quản đốc công ty hay ngân hàng lúc nào cũng tìm cách bảo vệ giá trị của công ty, ai cũng cố gắng làm tăng giá trị cổ phiếu. Muốn được như vậy, khi thuê mướn người làm quản đốc, các công ty, các ngân hàng đều ấn định mức lương và tiền thưởng tùy thuộc vào thành quả của công việc. Cách đo lường thành quả dễ nhất là căn cứ vào giá trị cổ phần tăng nhiều hay ít. Nếu không có niềm tin như vậy thì cả hệ thống kinh tế thị trường sẽ sụp đổ!

Vậy tại sao ông Alan Greenspan lại cảm thấy mình đã tin lầm? Bởi vì trong mấy năm qua ở Mỹ nhiều ngân hàng tiết kiệm, ngân hàng đầu tư, hãng bảo hiểm, nhiều định chế tài chánh có lịch sử hàng trăm năm rất khả kính, có lúc đã đầu tư một cách liều lĩnh vào các chứng khoán mà chính họ cũng không hiểu rõ giá trị các chứng khoán này sẽ thay đổi ra sao nếu có những biến cố bất ngờ xẩy ra.

Những quyết định đầu tư liều lĩnh của ban giám đốc các ngân hàng và định chế tài chánh khác trong mấy năm trước đây không những đã làm cho tài sản của các cổ đông bị tụt giảm, mà còn làm cho cả nước, cả thế giới bị liên lụy.

Tại sao lại có nhiều người cùng phạm lầm lẫn trong cùng một thời gian để bây giờ chúng ta rơi vào cơn khủng hoảng này? Ðây là câu hỏi sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm câu trả lời trong thời gian tới. Vì phải biết lý do tại sao thì chúng ta mới biết cách vẽ ra những biện pháp ngăn ngừa không để xẩy ra lần khác giống như lần này. Nói chung, mọi người đã thấy phải thiết định lại hệ thống giám sát các ngân hàng và các công ty đầu tư cho có hiệu quả hơn, mà không làm cho hệ thống bị tê liệt hoặc mất sáng kiến, mất tính linh động của nó.

Một yếu tố cần thiết để cho hệ thống giám sát hữu hiệu là phải có tin tức đầy đủ và kịp thời trao đổi trong cả hệ thống, để việc mọi người thẩm lượng giá trị các chứng khoán đúng hơn, không để rơi vào những lầm lẫn lớn như mới xẩy ra nữa. Thông tin đầy đủ và kịp thời đòi hỏi cả hệ thống phải có tính chất công khai, minh bạch, có như vậy mới xác định được chức trách (accountability) rõ ràng.

Muốn bảo vệ niềm tin vào hệ thống kinh tế cũng như xã hội, phải làm sao cho chức trách rõ ràng, minh bạch. (Chữ accountability trong tiếng Anh, từ điển kinh tế ở Hồng Kông dịch là Chức Trách, người Trung Hoa ở lục địa và Ðài Loan dịch là Kinh Quản Trách Nhiệm, nói Chức Trách gọn hơn). Khái niệm Chức Trách cần được phổ biến, tìm hiểu, và thảo luận khi chúng ta bàn việc xây dựng một nước Việt Nam tương lai. Một hệ thống kinh tế mà không có chức trách rõ ràng thì ngay trong đời sống bình thường nó không mang lại hiệu quả kinh tế, khi gặp biến thì sinh khủng hoảng. Một hệ thống chính trị mà không có chức trách rõ ràng thì sinh ra hối mại quyền thế, tham nhũng, thối nát. Một hệ thống xã hội mà không có chức trách rõ ràng thì không còn kỷ cương, không còn đạo lý.

Thí dụ, trong xã hội ai cũng biết chúng ta không nên đổ rác bừa bãi. Nhưng làm sao để các công ty thải chất độc ra sông, ra biển chịu trách nhiệm về hành động của họ? Ai cũng biết trẻ em phải có quyền được đi học, một quyền công dân thường ghi trong hiến pháp. Nhưng nếu một công ty thuê trẻ em làm việc để có thể bóc lột dễ hơn, thì ai là người sẽ bị trừng phạt? Người chủ xưởng hay là viên thanh tra lao động, hay là quan chức địa phương? Chức trách không rõ thì những sai lầm tác hại sẽ kéo dài mãi mãi.
Rất nhiều câu hỏi tương tự từ phạm vi nhỏ tới lớn: Ai chịu trách nhiệm trong công ty khi việc kinh doanh thua lỗ? Ai chịu trách nhiệm trong một nước khi nạn đĩ điếm, ma túy lan tràn?

Làm sao để đồng bào chúng ta luôn luôn tỉnh thức về chức trách? Mọi người trong xã hội phải có thói quen chỉ đích danh những tổ chức hoặc cá nhân, với những địa vị, chức vụ, và quyền hành mà xã hội trao cho họ, họ phải chịu trách nhiệm về những vấn đề liên can tới các chức vụ, địa vị và quyền hành đó.

Ngày Thứ Tư vừa qua, ông chủ tịch công ty Wal-Mart mới nói chuyện ở Bắc Kinh với một ngàn người thuộc các xí nghiệp Trung Hoa chuyên cung cấp hàng hóa cho Wal-Mart. Công ty bán lẻ lớn nhất thế giới của nước Mỹ hiện mỗi năm bán số lượng hàng hóa của Trung Quốc trị giá khoảng 30 tỷ Mỹ kim. Ngoài ra họ cũng có 115 cửa hàng sử dụng 53,000 nhân viên trong lục địa. Cho nên khi ông Lee Scott nói thì nhiều người lắng nghe.

Những lời ông Scott nói được nhật báo Financial Times (Tài Chánh Thời Báo) thuật lại ngày hôm qua, ông nhắm khuyến cáo các xí nghiệp bán hàng cho Wal-Mart hãy tôn trọng những luật lệ của nước họ, của Trung Quốc! Nếu không thì không thể làm ăn với Wal-Mart lâu dài được!

Những điều mà ông Lee Scott nêu lên để đòi hỏi các nhà cung cấp là: phải tôn trọng luật lệ bảo vệ môi trường sống, luật lao động, và phải đóng thuế, không được trốn thuế! Ngoài ra, 200 công ty lớn nhất trong số những nhà cung cấp cho Wal-Mart phải cho Wal-Mart biết tên và địa chỉ của những cơ xưởng bán hàng cho họ dùng trong quá trình sản xuất, để dễ truy tầm nguồn gốc của những vi phạm nếu có. Họ cũng phải tìm cách tiết kiệm năng lượng trong nội bộ 20% và chế biến các món hàng điện (thí dụ, màn ảnh ti vi phẳng) sử dụng ít điện, bớt đi 25%.

Ông Scott tóm tắt quy tắc đạo đức kinh doanh như sau: “Một công ty mà quỵt tiền không trả lương giờ phụ trội cho công nhân; hoặc gian trá khi khai tuổi công nhân, hoặc đổ rác và hóa chất độc hại xuống các con sông của chúng ta; hoặc không trả thuế và không tôn trọng các hợp đồng; thì cuối cùng chính các công ty đó đã phạm lỗi gian trá về phẩm chất của những món hàng họ chế tạo ra.”

Câu nói đó gợi cho người ta nhớ đến vụ các công ty chế sữa với chất độc ở Trung Quốc. Ông Scott muốn nhắc nhở các nhà kinh doanh Trung Quốc rằng các xí nghiệp chịu trách nhiệm với cả xã hội, đây là xã hội Trung Hoa của người Trung Hoa, về những các vấn đề môi trường, lao động, thuế khóa. Ông phải tới tận Bắc Kinh để nói, vì công ty Wal-Mart sẽ yêu cầu các nhà cung cấp hàng hóa cho họ phải ký những bản hợp đồng trong đó ghi rõ cả lời cam kết tôn trọng các luật lệ như trên!

Không thấy nhà báo ghi lại một lời phản đối nào của đại biểu các xí nghiệp Trung Hoa được mời đến nghe công ty Wal-Mart nói. Chắc họ cũng đồng ý rằng trong xã hội phải có những người nhắc nhở cho nhau về chức trách và cần giữ niềm tin xã hội ung. Ít nhất, mọi người phải tin vào luật lệ và tin luật lệ sẽ được thi hành! Ông Lee Scott đã giúp người Trung Hoa xây dựng và củng cố niềm tin vào hệ thống xã hội của họ!
Với những vụ xì căng đan như vụ sữa độc, người Trung Hoa đang cần những liều thuốc mạnh như thế!

Cũng đáng buồn khi những người hậu duệ của Khổng Tử, Mạnh Tử phải ngồi nghe một nhà kinh doanh ngoại quốc đến khuyên nhủ mình phải tôn trọng luật lệ của nước mình! Nhưng điều này cũng hiểu được. Vì sau nửa thế kỷ sống dưới chế độ cộng sản mọi kỷ cương Khổng Mạnh đã bị xóa bỏ hết. Người ta không còn giữ khái niệm về Chức trách nữa.

Trong Luận Ngữ, Khổng Tử nói thuyết “Chính Danh.” Ðó là một cách gọi tên khái niệm Chức Trách, trong phạm vi chính trị.

No comments: