Wednesday, October 22, 2008

CHỦ NGHĨA TƯ BẢN LÂM NGUY

Chủ nghĩa tư bản lâm nguy
The Economist , ngày 16/10/2008

Nguyễn Gia Thưởng chuyển ngữ
Đăng ngày 22/10/2008 lúc 02:56:06 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3205

Cách đây một trăm sáu mươi lăm năm, một doanh nhân Tô-cách-lan lập kế hoạch để ra một tờ báo. Ông James Wilson bắt dầu với «một ý nghĩ sầu muộn»: «Trong khi tiền của và tư bản gia tăng một cách nhanh chóng» ; trong lúc khoa học và nghệ thuật «thực hiện được những phép mầu lạ lùng» thì tất cả giai cấp xã hội đều mang «tâm trạng bấp bênh và bất an».

Giải pháp của Wilson là tự do. Ông dấn thân vào ngành kinh doanh này để không chỉ tranh đấu chống những đạo luật bảo vệ ngũ cốc nhưng cũng chống lại những nỗ lực dựng lên «những hàng rào ngăn cản giao lưu, những đố kỵ, những hiềm khích và những thù oán giữa những cá nhân, giai cấp tại đất nước này và giữa nước này và những nước khác ». Từ đó trở đi, The Economist luôn đứng về phía kinh tế tự do.

Hiện nay tự do kinh tế đang bị tấn công và chủ nghĩa tư bản, hiện thân của nó, đi vào ngõ cụt. Tuần này Anh Quốc, sinh quán của tư hữu hoá hiện đại, phải quốc hữu hoá phần lớn kỹ nghệ ngân hàng. Trong khi đó, cùng lúc với cuộc bàn thảo cho rằng thời của Thatcher-Reagan đã chấm dứt, chính quyền Hoa Kỳ đã hứa đổ vào những ngân hàng của mình $250 tỉ Mỹ Kim. Các chính phủ khác đang tái điều hoà hệ thống tài chính của họ. Phía Á Đông cho rằng phương Tây đang chuyển hướng sang mô hình kinh tế chỉ huy. Một lãnh tụ Trung Quốc tuyên bố: «Sư tổ, sư phụ đã bị đo ván». Những người chủ trương can thiệp càng cường điệu hơn nữa: “Việc tự điều chỉnh đã chấm dứt”, Nicolas Sarkozy tuyên bố như vậy. “Việc thả lỏng đã chấm dứt”. Không phải tất cả những lời chỉ trích đều thiếu cơ sở (những lời phê bình nhạy bén nhất đã tụ vào việc gia tăng vai trò của nhà nước chỉ trong lãnh vực tài chính mà thôi), nhưng tất cả những chỉ dấu đều quay về một hướng: Vai trò rộng lớn hơn cho nhà nước, và một vài trò khiêm tốn hơn và gò bó hơn dành cho lãnh vực tư nhân.

Tuần báo này rất mong là điều này sẽ không xẩy ra. Qua một thế kỷ rưỡi chủ nghĩa tư bản đã chứng minh nó đem lợi ích cho hàng tỉ người. Những phần thế giới nơi nó sinh sôi nẩy nở đã thịnh vượng hẳn lên; những phần thế giới nơi nó què quặt đã phải điêu đứng. Chủ nghĩa tư bản luôn luôn tạo ra khủng hoảng và sẽ luôn luôn như vậy. Thế giới phải rút tỉa những bài học quý giá từ cuộc khủng hoảng lần này, mặc dù nó gây nhiều tác hại, để học cách quản lý nó tốt hơn.

Cực đoan để bảo vệ tự do

Một cách nghịch lý và trong ngắn hạn, bảo vệ chủ nghĩa tư bản có nghĩa là chấp nhận sự can thiệp của nhà nước. Cử tri và giới doanh nhân (và các nhà chủ trưởng kinh tế tự do) đã phẫn nộ một cách chính đáng khi số tiền $2.5 ngàn tỉ của người dân đóng thuế được tiêu dùng cho kỹ nghệ có lương bổng cao. Nhưng việc cứu giúp toàn bộ là một hành động thiết thực không có tính cách chủ thuyết. Khi François Mitterrand quốc hữu hoá những ngân hàng của Pháp năm 1981, ông làm như vậy bởi vì ông nghĩ là nhà nước sẽ quản lý tốt hơn. Lần này các chính phủ mua lại các nhà băng (hoặc các cổ phần của họ) bởi vì họ tin tưởng một cách đúng đắn rằng cần bơm nguồn vốn của nhà nước vào hệ thống ngân hàng để sinh hoạt tín dụng không bị gián đoạn.

Việc can thiệp để phòng ngừa khủng hoảng từ các ngân hàng lan lây và gây thiệt hại cho nền kinh tế thực thụ có một truyền thống lâu đời. Ông Walter Bagehot, con rể của ông Wilson khuyên Ngân Hàng Anh Quốc (Bank of England) nên cho vay một cách rộng lượng (nhưng với lãi suất phạt đền) để giúp các ngân hàng đang gặp khó khăn trong sinh hoạt huy động vốn vay mượn (nhưng không cấp cho các ngân hàng đã phá sản). Ở thời buổi hiện đại, các chính phủ thuộc mọi khuynh hướng chính trị bắt buộc phải nhập cuộc. Ronald Reagan và Margaret Thatcher giám sát việc cứu vớt ngân hàng Continental Illinois và Johnson Matthey. Vào thập niên 1990, chính phủ Phần Lan và Thụy Diển đã quốc hữu hoá các ngân hàng – và sau đó lại tư hữu hoá trở lại. Việc cứu nguy lần này nằm trên một bình diện khác. Tuy nhiên, tất cả đều có lý do giống nhau: Giá phải trả cho sự không can thiệp xem ra cao hơn. Nếu tín nhiệm và tín dụng tiếp tục khô cạn đi, tình trạng suy trầm kinh tế hầu như chắc chắn sẽ biến thành khủng hoảng kinh tế, một tai hoạ cho tất cả mọi người.

Ngay cả nếu can thiệp của nhà nước ngăn chặn được thảm hoạ, việc cứu vớt sẽ tạo nên những vấn đề lớn. Nó tạo nên tinh thần “đạo đức cầu may”: Một màn lưới an toàn sẽ xúi giục thiên hạ có phong cách liều lĩnh. Nó cũng có thể chính trị hoá việc vay mượn.

Chính quyền sẽ phải giảm thiểu những rủi ro này. Họ phải tránh tưởng thưởng các giám đốc và các cổ phần viên của những nhà băng được cứu vớt. Họ không có quyền huy động vốn công vào các lãnh vực quan trọng về mặt chính trị. Và họ nên quản lý ngân hàng trên căn bản thương mại với mục đích rõ rệt là rút lui ra khỏi thương trường ngân hàng sớm chừng nào tốt chừng ấy (và phải có lời). Theo quan điểm của người dân đóng thuế, giới hạn tiền lãi cổ phần cho các người sở hữu cổ phần cho đến khi cổ phần ưu đãi (preferred shares) của chính phủ đã được hoàn trả đầy đủ là một điều hữu lý. Chính quyền phải tránh những động tác mị dân. Ví dụ việc ngăn cấm tiền thưởng sẽ khiến cho những người tài ba tránh xa những công ty đang hiện rất cần họ.

Tất cả các chính trị gia ai cũng tuyên bố là họ hiểu được điều này. Lẽ cố nhiên, họ không có ý định phạm trở lại lỗi lầm của Mitterrand, như là cố gắng tự mình quản lý lấy ngân hàng, hoặc mua thêm cổ phần trong những doanh nghiệp khác. Đã có những lời lên tiếng (trong đó có những người thừa kế của bà Thatcher trong đảng Bảo Thủ) muốn giới hạn việc trả lương các giám đốc. Cần nhìn nhận rằng phải có nhiều can đảm lắm một Tổng thống mới có thể đến Detroit để giải thích tại sao 45.000 nhân viên của ngân hàng Morgan Stanley, từng được trả lương hậu hĩnh, lại nhận được số tiền $10 triệu của người dân trả thuế, nhưng số 260.000 công nhân của hãng General Motors lại không được xu nào. Chính giới cũng phải có nhiều đảm lược mới dám đề nghị lấy việc phi điều tiết (deregulation) làm giải pháp cho vấn đề của khu vực tài chính công.

Smoot-Hawley trong kính chiếu hậu

Trong tình huống này và trong ngắn hạn, phân định lằn ranh giữa phần của chính quyền và phần của thị trường chắc chắn sẽ đem lại nhiều ưu thế hơn cho chính quyền. Nghiệp vụ nhà nước và lượng tiền nợ công sẽ chiếm một phần to lớn của kinh tế tại nhiều nước.

Nhưng trong dài hạn, tất cả còn tùy thuộc vào cách quy trách nhiệm của tai hoạ hôm nay. Phần thắng trong cuộc tranh cãi này sẽ được định đoạt qua sự đối đầu trí tuệ. Những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản cần phải đương đầu với hai loại bình phẩm. Một loại có giá trị hơn loại kia.

Loại phê bình yếu kém và mị dân đã cho rằng chủ nghĩa tư bản Anh-Saxon (Anglo- Saxon) đã thất bại. Những lời chỉ trích cho rằng “Đồng thuận Washington” về việc phi điều tiết và giải tư, do Hoa kỳ và Anh Quốc rao giảng một cách trịch thượng để tung hoả mù che mắt các chính quyền trên thế giới, nay đã đưa kinh tế thế giới đến bờ thảm hoạ. Nếu quan niệm này tiếp tục lan tràn, chính giới từ Bắc Kinh cho đến Bá Linh sẽ cảm thấy mình có cơ sở chính đáng khi kháng cự lại cao trào giao lưu tự do hàng hoá và dịch vụ và mở cửa kinh tế nội địa của họ. Những biện luận hỗ trợ cho giải pháp dựa vào thị trường, như trong lãnh vực y tế và giáo dục chẳng hạn, sẽ thiếu đi tính cách thuyết phục và bị gạt sang một bên: Chính giới sẽ quy chiếu vào số phần của thị trường chứng khoán Wall Street để từ chối hệ thống thị tường tự do quyết định.

Trên thực tế, thay vì thất bại, việc hạ thấp toàn bộ “hàng rào giao lưu” trong 25 năm qua đã tạo dựng nên sự giàu có và tự do một cách ngoạn mục. Hàng trăm triệu người đã thoát cảnh nghèo đói tuyệt đối. Ngay cả trong khi khủng hoảng tín dụng xẩy ra, thập niên này sẽ chứng kiến sự tăng trưởng nhanh nhất trong lợi tức toàn bộ từng cá nhân trong lịch sử. Không nên vơ đũa cả nắm: Tiến trình tự do luân chuyển của các sản phẩm phi tài chính và dịch vụ không thể đem ra phê bình một cách gượng ép vì khủng hoảng tài chính. Họ đã vấp phải sai lầm này (qua đạo luật Smoot-Hawley) với những hậu quả thảm khốc của nó vào những thập niên 30.

Một nhóm phê bình thứ hại chĩa mũi dùi vào việc phi điều tiết trong ngành tài chính, chứ không vào nền kinh tế tổng thể. Trường hợp này đáng chú ý hơn. Tài chính cần phải được điều tiết. Nó luôn có khuynh hướng hoảng hốt, sụp đổ và nổ bóng (vào thời nữ hoàng Victoria trị vì, tờ tuần báo này đã than phiền về chứng khoán của đường hoả xa, chứ không phải giá cả nhà cửa). Bởi vì những lãnh vực còn lại của kinh tế không thể hoạt động nếu không có nó, các chính quyền vẫn luôn can thiệp sâu đậm.

Không còn nghi ngờ gì nữa, tài chính hiện đại xem ra rất đáng thất vọng. Một vài ngân hàng có vẻ cho rằng thị trường luôn lưu động. Những phong thái liều lĩnh tích tụ được những lợi nhuận khổng lồ trong khi đó tính cẩn thận lại bị trừng phạt. Ngay cả những ông chủ ngân hàng giỏi nhất cũng đâm ra liêu lĩnh. Ví dụ, vào cuối năm ngoái, Goldman Sachs, không hẳn là một ngân hàng liều lĩnh nhất, có một ngàn tỉ Mỹ kim tích sản (assets) nằm vất vưởng trên (và đè bẹp lên) lượng vốn cố định có giá trị là $43 tỉ Mỹ kim (equity). Vì thiếu sự điều tiết nên trò cá cược này đã được khuyến khích. Tốc độ của sáng kiến tài chính qua những sản phẩm phái sinh (Derivative products) vượt xa tầm kiểm soát của những nhà quy định quy tắc. Dù gì đi nữa, cuối cùng thế giới ôm những giao kèo chuyển nhượng rủi ro phá sản (Credit Default Swaps - CDS) có trị giá $62 ngàn tỉ mỹ kim. Tuy nhiên, không một hợp đồng CDS nào được mua đi bán lại ở một thị trường có kiểm soát. Trong điều kiện này, ngay cả những nhà chủ trương kinh tế tự do nhất cũng khó có thể cho hiện tượng này là hợp lý hợp tình.

Tuy thế, không thể đổ tất cả những thất bại của nền tài chính hiện đại vào sự kiện phi điều tiết. Dù sao đi nữa, thị trường thế chấp của Hoa Kỳ là một trong những thị trường tài chính được điều tiết nhiều nhất so với các nước khác: Được hai cơ quan bảo trợ của chính phủ điều hành, Fannie Mae và Freddie Mac, và được quốc hội hoạch định lèo lái để gia tăng quyền sở hữu nhà cửa. Điều kiện kinh tế vĩ mô đưa đến cuộc khủng hoảng xuất phát một phần từ những lựa chọn chính sách: Ngân Khố Liên Bang (Federal Reserve) không để ý đến bong bóng đầu tư địa ốc và giữ lãi xuất ngắn hạn ở mức độ quá thấp và quá lâu dài. Ngoài ra, các quốc gia vừa phát triển thành đạt đã có quyết tâm dự trữ ngoại tệ (thường là Mỹ kim) và đặc biệt hơn là quyết định của Trung Hoa kìm hãm tỉ giá hối đoái thấp. Những yếu tố trên đã đổ dồn tiền đầu tư vào Hoa Kỳ.

Với những sai lầm chính sách pha lẫn với với những thái quá của thị trường Wall Street, tất cả nguyên tố đã được quy tụ để có thể soạn nấu và hoàn chỉnh mâm cỗ mang tên cơn bão toàn diện. Đặt thêm những quy chế nặng nề sẽ không tạo sự miễn nhiễm của thế giới đối với những khủng hoảng tương lai. Hai cuộc khủng hoảng tệ hại nhất trong thời gian vừa qua, tại Nhật Bản và Nam Triều Tiên, xẩy ra trong khuôn khổ hệ thống đầy quy tắc. Điều cần thiết không phải chính phủ can thiệp nhiều hơn mà phải là chính phủ quản lý tốt hơn. Trong một vài ngành, điều này có nghĩa là nhiều luật lệ hơn. Những đòi hỏi về vốn cố định cần được sửa sai để ngân hàng có thể tích lũy tiền dự trữ trong thời kỳ suông sẻ. Điều này thường có nghĩa đơn giản là cần nhiều quy tắc: Các ngân hàng trung ương cần phải để ý đến giá cả của tích sản trong những quyết định của họ.

Nhưng có rất nhiều trường hợp cho thấy việc điều tiết có thể phản tác dụng: ví dụ ngăn cấm vĩnh viễn việc buôn bán cổ phần vay mượn (short-selling) có thể làm thị trường dễ bị dao động hơn. Trên thực tế, lịch sử cho thấy thành kiến phản đối việc gia tăng luật lệ là một ý kiến hay. Rất nhiều khi luật lệ tạo ra những hậu quả không thể dự đoán trước, nó vô tình trở nên nguyên nhân tạo nên một thảm kích kế tiếp. Cần hiểu rằng chủ nghĩa tư bản cuối cùng rồi cũng biết tự điều chỉnh lấy mình. Sau một cơn khủng hoảng, các nhà đầu tư (và các chuyên viên điều tiết) ít khi tái phạm cùng một lỗi lầm. Ví dụ, đã có kế hoạch để lập ra sở thanh thoả những hợp đồng CDS (Credit Default Swap – Giao kèo chuyển nhượng rủi ro phá sản).

Xoay ngược hướng thủy triều

Có một bài học đáng buồn khác của lịch sử là trong chính sách kinh tế lý trí không phải lúc nào cũng thắng – đặc biệt là khi kịch bản tốt đẹp nhất cho phần lớn các quốc gia là một thoái trào ngắn hạn về sản xuất. “Những hàng rào ngăn cản giao lưu, những đố kỵ, những hiềm khích và những thù oán” đang ló dạng.

Chung quy cũng “…gặp thời thế thế thời phải thế”. Nếu việc nhà nước gánh nợ được điều hành tốt, người dân trả thuế có thể cuối cùng tìm được lợi nhuận từ những đầu tư bất đắc dĩ của mình trong các ngân hàng. Nếu các chuyên gia điều tiết rút kinh nghiệm từ cơn khủng hoảng này, họ có thể quản lý tài chính hữu hiệu hơn trong tương lai. Nếu tránh được tình hình tồi tệ nhất, tinh thần chống đối lành mạnh của quần chúng đối với một nhà nước mạnh, một tinh thần thường tiềm tàng trong các thể chế dân chủ, sẽ phải được tái xác định. Chủ nghĩa tư bản đang đi vào ngõ cụt. Nhưng những ai còn tin vào nó nên tranh đấu cho nó. Vì, với tất cả những sai quấy của nó, đó vẫn là một hệ thống kinh tế tốt nhất mà loài người đã sang chế ra.
--------------------

Phụ đính
Vài định nghĩa cơ bản


Bán cổ phần vay mượn (Short selling – Vente à décourvert):
Một mô thức bán không hàng mà những nhà buôn cổ phiếu thường áp dụng. Nếu nhà buôn đoán rằng một cổ phiếu sẽ mất giá trong tương lai. Họ sẽ lấy quyết định bán ngay lập tức cổ phiếu này. Tuy nhiên nếu không có cổ phiếu trong tay, nhà buôn này sẽ phải mượn loại cổ phiếu trên (stock borrow – emprunt de titres) để có thể bán ra (Short – “Shorter”). Mô thức bán cổ phiếu này thường bị vu oan là gây ra tình trạng mất giá của cổ phiếu. Thực tế phức tạp hơn lý luận thô thiển này.

CDS (Credit Default Swaps):
Loại giao kèo giữa hai đối tác tài chính trong đó một bên bảo đảm cho bên kia khoảng đền bù nhất định nếu một công ty (mà đôi bên đã chọn lựa làm đối tượng cho giao kèo CDS) bị phá sản hay chậm trễ trong việc trả tiền lời cho một món nợ v.v...
Thí dụ : Đối tác WYZ vừa mua trái phiếu của hãng Microsoft. WYZ lo sợ là Microsoft sẽ gặp khó khăn trong tương lai và rủi ro về Microsoft sẽ cao hơn. Rủi ro cao hơn sẽ làm mất giá trái phiếu mà WYZ đã mua. Để phòng ngừa trường hợp này, WYZ sẽ mua giao kèo CDS từ một ngân hàng. CDS bảo đảm cho WYZ một mức độ đền bù trong trường hợp rủi ro của Microsoft tăng vọt. Cao điểm nhất của rủi ro là vỡ nợ (default) và khánh tận.

Cổ phần ưu đãi (preferred share – action préférentielle):
Loại cổ phần đặc biệt được trả lợi nhuận cao và trước khi công ty trả lợi nhuận cho cổ phần bình thường. Loại cổ phần được ưu đãi là một sản phẩm tài chính vừa là cổ phiếu vừa là trái phiếu (bonds – obligation).Ngược lại, cổ phần ưu đãi ít khi có được quyền bầu bán (non voting right – sans droit de vote) để quyết định tương lai của công ty phát hành nó.

Đạo đức cầu may (moral hazard):
Lý thuyết kinh tế tài chính cho rằng một người chủ công ty lúc nào cũng có xu hướng tìm nguồn tài trợ cho công ty qua vay nợ (debt – dette) hơn là qua vốn cố định (equity – fonds propres). Người chủ công ty thường lý luận rằng trong trường hợp xấu nhất, công ty của họ lúc nào cũng được cứu sống : Số nợ quá cao sẽ làm những chủ nợ phải điêu đứng nếu công ty tuyên bố phá sản.
Trong cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay, nhiều người đã suy luận rằng việc nhà nước can thiệp để cứu vớt các ngân hàng sẽ tạo ra hiện tượng “đạo đức cầu may” cho những ngân hàng đáng lẽ phải phá sản. Vì vậy nhiều người cho rằng không nên khuyến khích loại đạo đức này.

Đồng thuận Washington (Washington consensus – consensus de Washington):
Một từ ngữ được kinh tế gia Williamson đề xướng khi đề cập đến những chính sách mà các định chế tài chính quốc tế chủ trương cho một quốc gia đang lâm vào tình trạng phá sản. Những chính sách đó bao gồm : Ngân sách eo hẹp, thắt lưng buộc bụng, tự do hoá kinh tế quốc dân, mở cửa kinh tế, tư hữu hoá nghiệp vụ nhà nước, phi điều tiết… Kinh tế gia Joseph Stiglitz, Nobel kinh tế, đã lớn tiếng chỉ trích Đồng thuận Washington và đã khiến Ngân Hàng Thế Giới phải xét lại khái niệm này trong báo cáo thường niên vào năm 2007.

Sản phẩm phái sinh (derivative products – produits dérivés):
Loại sản phẩm tài chính phụ thuộc và dựa vào một sản phẩm chính. Vì là phục thuộc nên giá trị của sản phẩm phái sinh cũng lệ thuộc vào giá trị của sảm phẩm chính. CDS là một trong những sản phẩm phái sinh.

Smoot-Hawley Tariff Act :
Tên của hai thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã đề nghị bộ luật tăng quan thuế cho hơn 20 000 sản phẩm mà Hoa Kỳ nhập cảng vào năm 1930. Đại đa số sử gia kinh tế đều nhìn nhận rằng đây là một hành động làm trầm trọng hoá cuộc Đại khủng hoảng vào thập kỉ 30. Thật vậy, để phản đối bộ luật này, các quốc gia khác đã tăng thuế nhập cảng. Các thái độ này đã khiến cho giao lưu thương mại thế giới tuột dốc và đưa hàng ngàn hãng xương Mỹ vào tình trạng phá sản.

No comments: