Monday, October 13, 2008

AI TIN AI TRONG QUAN HỆ MỸ - VIỆT ?

Ai tin ai trong quan hệ Mỹ Việt?
Bùi Văn Phú
Gửi cho BBC từ San Jose, Hoa Kỳ
13 Tháng 10 2008 - Cập nhật 09h46 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/10/081013_michalaksanjose.shtml
Tại cuộc gặp báo chí Việt ngữ vùng Bắc California hôm 12/10, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael W. Michalak đã cho thấy chính quyền Hoa Kỳ phải giải tỏa sự nghi ngại của cả hai phía: Hà Nội và cộng đồng Mỹ gốc Việt.
Trong cuộc gặp tại phòng họp khách sạn Fairmont, San Jose với sự tham dự của 30 phóng viên, một câu hỏi được nêu lên: “Người Việt hải ngoại không tin tưởng gì vào nhà nước Việt Nam. Ông có tin chính phủ Việt Nam không?”
Đại Sứ Michalak trả lời vui vui như sau: “Nếu tôi nói tôi tin họ thì quý vị sẽ giết tôi ngay. Còn nếu tôi nói không tin thì họ sẽ giết tôi.”
Sau đó ông đưa ra nhận xét thực là giữa hai bên còn có những điều không tin tưởng vào nhau. Chính vì thế, theo ông tất cả cần làm việc chung với nhau để giải toả những điều đó.
Ông Đại sứ đã trả lời các câu hỏi liên quan đến nhiều vấn đề trong quan hệ bang giao Hoa Kỳ và Việt Nam như phần ghi những ý chính sau đây.

Peace Corps và lãnh sự mới

Như hai bên đã thoả thuận sau chuyến đi Hoa Kỳ của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm ngoái, Hoa Kỳ sẽ gửi tình nguyện viên Peace Corps đến Việt Nam làm việc.
Hiện thời văn phòng Peace Corps trung ương đang làm việc với Sứ Quán Việt Nam ở Washngton và Sứ quán Mỹ ở Việt Nam để hình thành chương trình.
Dự án đầu tiên sẽ là việc huấn luyện giáo viên dạy tiếng Anh tại các trường học ở Việt Nam.
Tuy nhiên vì sắp có bầu cử, mọi việc sẽ phải chờ đến đến sang năm, khi có một chính quyền mới ở Washington thì mới có những hướng đi cụ thể hơn.
Chính phủ của hai nước đã đồng ý trên nguyên tắc sẽ mở thêm lãnh sự quán.
Chính quyền liên bang cho Việt Nam mở thêm một lãnh sự quán và việc Việt Nam chọn thành Phố Houston thì chính quyền liên bang đã thông báo cho thị trưởng ở đây biết.
Hoa Kỳ cũng đang làm việc với phiá chính phủ Việt Nam về những thủ tục, địa bàn hoạt động, những vấn đề kĩ thuật trong việc tiến hành mở lãnh sự quán Mỹ ở Đà Nẵng.
Mau hay lâu, điều này cũng tuỳ thuộc vào chính sách của chính quyền mới vào năm tới.
Liên quan đến sự phản đối của nhiều người Việt địa phương về việc mở lãnh sự quán Việt Nam tại Houston, Đại Sứ Mỹ nói họ có quyền phát biểu ý kiến của họ.
Tuy nhiên ông cho biết cũng có nhiều người muốn có tổng lãnh sự quán ở Houston vì điều đó giúp cho việc phát triển thương mại, là điều tốt cho nhân dân hai nước.

Nhân quyền tại Việt Nam

Đại Sứ Michalak nắm vững các vấn đề liên quan đến nhân quyền và ông đã nêu lên nhiều trường hợp cụ thể với giới chức lãnh đạo của Việt Nam.
Ông nói hiện nay có khoảng từ 60 đến 70 tù nhân được Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm.
Ông dẫn chứng trường hợp của các Luật Sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài, cũng như Linh Mục Nguyễn Văn Lý là những người mà ông đã gặp.
Ông nhận xét họ là những người can đảm, quyết tâm và chấp nhận hậu quả về việc làm của mình.
Còn những người khác hiện bị giam tù vì bất đồng chính kiến hay lí do tôn giáo, sứ quán Mỹ cũng đã có những buổi gặp mặt với họ hay thân nhân, gia đình họ.
Ông luôn đặt vấn đề với giới chức Việt Nam là hãy để cho người dân được quyền tự do phát biểu ý kiến, tự do hội họp, tự do báo chí.
Đại Sứ Mỹ cũng nói đến nhân quyền trong một lãnh vực rộng lớn hơn mà Hoa Kỳ đã và đang giúp Việt Nam cải tiến, như tổ chức luật sư đoàn, giúp cải cách quốc hội Việt Nam để cơ chế này không còn là một cơ chế cây kiểng (rubber stamp) mà thực sự có quyền hơn.
Hoa Kỳ cũng giúp ngăn chặc việc buôn bán phụ nữ, bạo hành trong gia đình, giúp phụ nữ ý thức hơn về quyền lợi và chức năng của mình.


Nạn buôn người thì ngày nay chính quyền Việt Nam đã bắt đầu nhận thức được vấn đề.
Hoa Kỳ đã tài trợ một vài chương trình thông tin tuyên truyền ở Việt Nam về chuyện này qua hình thức phim của MTV với sự tham gia của một diễn viên nhạc rock.

Nhà chức trách Việt cũng đã bắt giam hơn 20 người tổ chức tệ nạn buôn người này.

Đất đai và tôn giáo

Về vấn đề tranh chấp đất Toà Khâm Sứ và Giáo Xứ Thái Hà, ông Michalak có theo dõi sát.
Khi được hỏi trong cuộc tiếp xúc với Giám Mục Ngô Quang Kiệt gần đây ông đã có những trao đổi gì, Đại Sứ Mỹ trả lời rằng ông và giám mục bàn về tự do tôn giáo và theo lời giám mục Kiệt thì ngày nay các giám mục hầu như được toàn quyền bổ nhiệm các linh mục trông coi xứ đạo.
Giám Mục Kiệt hỏi có người của sứ quán quan sát các cuộc tập họp cầu nguyện không, ông đại sứ cho biết là có.
Khi giám mục hỏi ông đại sứ về quan điểm của Vatican, ông Michalak cho biết Vatican không có ý kiến về vụ tranh chấp đất.
Theo hiểu biết của ông Michalak thì chuyện đất là một nút nóng bỏng và từ năm 1997 đến nay đã có nhiều vụ biểu tình về đòi đất.
Ông đã nói với giới chức Việt Nam là cần phải giải quyết vấn đề, còn không thì sẽ còn nhiều cuộc biểu tình kéo dài.

Kinh tế và hàng xuất khẩu
Trước sự kiện thực phẩm Trung Quốc có hàm độc tố cao, Đại Sứ Michalak nhận xét là Việt Nam hơn Trung Quốc vì đã có những hoạt động và cố gắng nâng sự kiểm soát và kiểm tra lên cao sát với những tiêu chuẩn toàn cầu và đã làm việc với nhiều phái đoàn cao cấp của Hoa Kỳ sang Việt Nam trong 6 tháng qua, từ bộ trưởng đến các quan chức của cơ quan về an toàn thực và dược phẩm, lo về tiêu chí.
Việt Nam không muốn thương hiệu bị mang tiếng xấu như một số trường hợp của Trung Quốc vì thị trường Hoa Kỳ là một thị trường lớn.
Trong tình trạng kinh tế toàn cầu suy thoái, Việt Nam có cơ hội để tăng lượng hàng nhập vào Mỹ hơn, nhất là thực phẩm và hàng may mặc.


Tổng thống Bush từng tiếp các nhà đấu tranh dân chủ người Mỹ gốc Việt
http://www.bbc.co.uk/worldservice/images/2007/05/20070530101706290507_bushviet_203afp.jpg

Đại Sứ Michalak nhận xét là vì suy thoái kinh tế toàn cầu, nhất là ở Mỹ, số tiền người Việt hải ngoại gửi về nước sẽ giảm đi. Nhưng hàng Việt ở Mỹ sẽ được tiêu dùng nhiều hơn vì đa số là hàng trung cấp.
Khi người dân Mỹ thắt lưng buộc bụng, họ sẽ ít tiêu dùng hàng cao cấp, nhất là hàng may mặc, mà sẽ mua hàng trung cấp. Mức tiêu thụ hàng Việt tại Mỹ là dấu chỉ tốt của kinh tế Việt Nam.
Một điểm tốt cho Việt Nam nữa là đầu tư nước ngoài tính từ đầu năm đến là khoảng hơn 50 tỉ. Như thế Việt Nam vẫn là nơi hấp dẫn để kinh doanh.
Việt Nam đã tỏ ra lắng nghe dư luận thế giới và những đề nghị của các tổ chức tài chánh quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới (WB), Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và có những thay đổi thích hợp trong chính sách, tuy trong lãnh vực nhân quyền thì chậm hơn.
Cũng tại buổi họp, bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi cho biết trong buổi tiếp tân tối hôm trước, Thị Trưởng San Jose Chuck Reed và Nghị Viên Madison Nguyễn đã trao bằng khen ghi nhận những nỗ lực của Đại Sứ Michael W. Michalak nhằm thăng tiến nhân quyền và tự do dân chủ ở Việt Nam.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi là một nhà hoạt động trong cộng đồng vốn được biết đến rộng hơn trong chuyến đón ông Hoàng Minh Chính sang thăm Hoa Kỳ năm 2005.


Đại sứ Michalak: “Hoa Kỳ không can dự vào tranh chấp đất đai tại Hà Nội”
Bài và hình: Đỗ Dzũng/Người Việt

Saturday, October 11, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=85374&z=1

GARDEN GROVE, California (NV): Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak cho biết “Hoa Kỳ không can dự vào tranh chấp đất đai tại Hà Nội” trong cuộc họp báo và gặp gỡ cộng đồng Việt Nam tổ chức tại Coastline Community College, Garden Grove, chiều Thứ Sáu vừa qua.
Sau khi Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez giới thiệu ông đại sứ là phần đặt câu hỏi của khoảng 50 đại diện các cơ quan truyền thông Việt Mỹ.
Đối với diễn biến mới đây tại Hà Nội, Đại Sứ Michael Michalak cho rằng “vấn đề tại Thái Hà và Tòa Khâm Sứ hiện nay là tranh chấp đất đai. Chúng ta không can dự vào tranh chấp đất đai. Chúng tôi biết rõ những gì đang xảy ra tại Hà Nội và cố gắng yêu cầu chính quyền Việt Nam hãy cho phép người dân được tự do phát biểu.”
Ông Michalak cũng cho biết thêm: “Quan điểm của chúng ta về tự do tôn giáo rất rõ ràng. Tự do tôn giáo là cho phép hành đạo. Ngày nay, Việt Nam có nhiều nhà thờ chính thức được nhà nước công nhận.”
Riêng buổi gặp gỡ với Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, ông Michalak nói rằng chỉ mang cách riêng tư, hai người có nói đến tự do tôn giáo và tranh chấp đất đai. Theo ông đại sứ, Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt cho biết có cố gắng giải quyết vấn đề, nhưng không được.
Có người cho rằng kể từ khi ông làm đại sứ tại Hà Nội, tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam có vẻ tồi tệ hơn. Ông Michalak không đồng ý.
Ông nói: “Tôi nghĩ chúng ta đã làm được nhiều điều trong năm qua.”
Về vấn đề đưa Việt Nam trở lại danh sách Các Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt (Countries of Particular Concern-CPC), ông Michalak cho rằng “không thể được” vì Việt Nam đã có tiến bộ về nhân quyền mặc dù vẫn còn một số vấn đề tồn đọng.
Ông nói: “Tôi rất tiếc phải nói rằng Việt Nam hiện không rơi vào trường hợp bị đưa vào CPC. Chúng tôi đã xem xét những báo cáo về nhân quyền của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Việt Nam đã có tiến bộ về nhân quyền mặc dù còn nhiều vấn đề. Hơn nữa, thông cáo chung giữa Tổng Thống Bush và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông Dũng thăm Hoa Kỳ mới đây cho thấy cả hai hy vọng Việt Nam sẽ cải tiến vấn đề nhân quyền.”
Một phóng viên đặt câu hỏi: “Trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh RFA mới đây, tại sao ông nói ‘không thể đo lường được mức độ cải tiến nhân quyền của Việt Nam?’”
“Cải tiến hay không, tốt hay không tốt, tôi muốn nói về những gì đạt được. Mỗi người có một cái nhìn riêng về một vấn đề,” vị đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đáp.
Ông nói tiếp: “Không một ngày nào trôi qua mà tôi không nghĩ đến nhân quyền cho Việt Nam. Nhưng chúng ta phải hành động trong khuôn khổ cho phép.”
Về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa, ông Michalak nói: “Có những tranh chấp giữa hai phía. Quan điểm của Hoa Kỳ là không can dự vào. Nhưng chúng ta có yêu cầu cả hai phía phải dàn xếp càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, Hoa Kỳ phản đối việc Trung Quốc cấm các công ty Mỹ hoạt động tại Biển Đông. Đây là quyền tự do hàng hải.”
Một phóng viên đặt giả thuyết nếu Trung Quốc xâm lăng Việt Nam như Nga đã làm với Georgia thì Hoa Kỳ phản ứng ra sao.
“Đây là một giả thuyết không tưởng. Tôi không nghĩ tôi có thể trả lời được câu hỏi này,” ông Michalak đáp.
Ông Michael Michalak còn cho biết khi gặp cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ năm ngoái, ông có hứa sẽ nhân đôi số sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ và kết quả rất khả quan.
Ông nói: “Tôi đã nói tôi hứa với Thượng Nghị Sĩ Barbara Boxer là sẽ nhân đôi số sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ. Trong năm vừa qua, số sinh viên du học vào Mỹ tăng ít nhất là 50% và nhiều nhất là 65%.”
Ông nói thêm: “Tất cả sinh viên đều phải nộp đơn và qua thủ tục xem xét công khai. Chúng tôi không hỏi đảng phái khi sinh viên nộp đơn. Về học bổng, trước đây miền Bắc được hơi nhiều, nhưng bây giờ mọi nơi đều được. Tôi không biết có nhiều con em cán bộ và đảng viên du học tại Mỹ hay không, có thể là tại các trường tư, điều này thì tôi không biết được. Hoa Kỳ nhận tất cả mọi sinh viên trên thế giới, nếu họ hội đủ điều kiện.”
Sau cuộc họp báo là buổi gặp gỡ giữa ông đại sứ với khoảng gần 200 người Mỹ gốc Việt.
Ngoài Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez, người đứng ra tổ chức cuộc họp báo và họp mặt, còn có hai đồng viện của bà là hai dân biểu Ed Royce và Dana Rohrabacher và cô Ann Norris, đại diện của Thượng Nghị Sĩ Liên Bang Barbara Boxer, nhiều dân cử Mỹ Việt tại Orange County, vợ chồng tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân và bà Bùi Kim Thành.

Từ trái, Dân Biểu Loretta Sanchez, Đại Sứ Michael Michalak, Dân Biểu Ed Royce và Dân Biểu Dana Rohrabacher tại cuộc họp báo.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/85374-medium_m1.bmp

Bà Bùi Kim Thành (trái) nói chuyện với Dân Biểu Loretta Sanchez, Đại Sứ Michael Michalak và Dân Biểu Ed Royce.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/85374-medium_m2.bmp

Đây là lần thứ nhì Đại Sứ Michalak gặp cộng đồng Việt Nam tại Orange County kể từ khi ông được bổ nhiệm làm đại sứ hồi năm ngoái.
Ông Michalak kết luận: “Năm ngoái, tôi hứa sẽ trở lại gặp quý vị và tôi đã có mặt hôm nay. Tôi sẽ cố gắng gặp quý vị vào năm tới. Những gì quý vị quan tâm hôm nay sẽ là những ý tưởng giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ.” (Đ.D.)


Đại sứ Mỹ họp báo ở quận Cam
Xuân Hồng

BBC, California
11 Tháng 10 2008 - Cập nhật 15h30 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/10/081011_michalac_pressconference.shtml
Tranh chấp đất đai không thuộc về lãnh vực tự do tín ngưỡng, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak đã khẳng định như vậy trong cuộc họp báo và gặp gỡ cộng đồng chiều thứ Sáu 10/10 tại trường đại học Coastline ở Orange County, California.
Khi được hỏi là ông có ý thức được vụ Thái Hà, ông Michalak nói rằng ông ý thức không những vụ Thái Hà mà còn cả vụ tranh chấp về Tòa Khâm cũ, tuy nhiên chính phủ Hoa Kỳ không có lập trường về tình trạng tranh chấp đất đai.
Ông ghi nhận trong thời gian gần đây nhiều nơi thờ phượng đã được đăng ký để hoạt động. Tuy nhiên tình trạng đăng ký tại miền Bắc có phần chậm hơn tại các vùng khác
Ông Michalak nói thêm rằng chính phủ Hoa Kỳ có theo dõi các vụ tranh chấp đất đai và quan ngại về các vụ biểu tình.
Ông Michalak cho biết trước khi trở về nước lần này, ông đã gặp Tổng giám mục địa phận Hà Nội Ngô Quang Kiệt, tuy nhiên ông nhấn mạnh rằng cuộc gặp gỡ này nói chung có tính cách riêng tư.
Ông cho biết ông có trao đổi với Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt về tự do tôn giáo tại Việt Nam và về các vụ tranh chấp đất đai.
Ông ghi nhận là giáo hội Công Giáo Việt Nam có tìm cách giải quyết các vụ tranh chấp
Cuộc họp báo này được nối tiếp bằng một cuộc tiếp xúc với người Mỹ gốc Việt.
Đây là sự kiện được dân biểu Loretta Sanchez thuộc đảng Dân Chủ yêu cầu và có sự tham dự của hai dân biểu Ed Royce và Dana Rohrabacher thuộc đảng Cộng Hòa cùng đại diện của Thượng nghị sĩ Barbara Boxer.
Sự kiện này là nhằm để cho đại sứ Michalak giãi bày về lập trường của chính phủ Mỹ về vụ đàn áp giáo dân Thái Hà cùng các vụ sách nhiễu và bắt bớ một số người biểu tình tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

No comments: