Wednesday, May 1, 2024

THỎA THUẬN ĐỐI PHÓ VỚI CÁC ĐẠI DỊCH TOÀN CẦU : VÒNG ĐÀM PHÁN "CUỐI CÙNG" TẠI GENÈVE (Trọng Thành / RFI)

 



Thỏa thuận đối phó các đại dịch toàn cầu: Vòng đàm phán ‘‘cuối cùng’’ tại Genève

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 30/04/2024 - 13:43

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240430-th%E1%BB%8Fa-thu%E1%BA%ADn-%C4%91%E1%BB%91i-ph%C3%B3-%C4%91%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch-to%C3%A0n-c%E1%BA%A7u-v%C3%B2ng-%C4%91%C3%A0m-ph%C3%A1n-cu%E1%BB%91i-c%C3%B9ng-t%E1%BA%A1i-gen%C3%A8ve

 

Kể từ hôm qua, 29/04/2024, cho đến ngày 10/05, đại diện 194 quốc gia thành viên Tổ chức Y tế Thế giới họp tại Genève với mục tiêu đúc kết một Thỏa thuận phòng ngừa và đối phó với các đại dịch toàn cầu, như đại dịch Covid-19. Theo nhiều nhà quan sát, hội nghị này được coi là ‘‘cơ hội cuối cùng’’ trước khi Đại hội đồng Y tế Thế giới thường niên họp ngày 27/05 để thông qua Thỏa thuận.

 

https://s.rfi.fr/media/display/d95e506e-06e4-11ef-b864-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP23096485789658-2.webp

Lãnh đạo Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus họp báo tại Genève, Thụy Sĩ, ngày 06/04/2023. AP - Martial Trezzini

 

Cộng đồng quốc tế sẽ phải thông qua ‘‘một văn bản lịch sử, phòng ngừa, chuẩn bị các biện pháp và đối phó với các đại dịch tương lai’’. Theo AFP, ‘‘các bất đồng còn lại là rất lớn’’, cho dù đã có sự đồng thuận rộng rãi về một văn bản mang tính ràng buộc pháp lý, để hành động của cộng đồng quốc tế ‘‘hiệu quả hơn và công bằng hơn’’.

 

Lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới, Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhấn mạnh đến tính khẩn cấp của việc thông qua một thỏa thuận như vậy, bởi nếu không, ‘‘một khi một đại dịch mới bùng lên trong tương lai, chúng ta sẽ phải đối mặt với các vấn đề tương tự với đại dịch Covid-19’’, có nghĩa là sẽ có nguy cơ hàng triệu người chết, cùng những tổn thất ghê gớm về kinh tế.

 

Theo AFP, các nhà đàm phán sẽ phải làm việc với một văn bản khoảng 23 trang, với 37 điều khoản dự kiến sẽ được đưa vào dự thảo Thỏa thuận tương lai. Các điểm gây bất đồng chính là việc ‘‘tiếp cận với các yếu tố gây bệnh’’, ‘‘phân phối công bằng’’ không chỉ các phương tiện phòng chống dịch, như vaccin, xét nghiệm, dược phẩm điều trị…, mà cả các công cụ sản xuất ra các phương tiện nói trên.

 

Liên minh của 22 tổ chức phi chính phủ, trong đó có Health Action International, đã ra một thông cáo hối thúc các quốc gia không nhân nhượng trong vấn đề ‘‘tiếp cận công bằng với các công cụ và công nghệ phòng chống dịch bệnh’’. Tổ chức Y sĩ Không Biên giới hôm qua, 29/04, nhấn mạnh trong văn bản đàm phán thiếu những điều khoản liên quan đến việc ‘‘chuyển giao công nghệ cho các quốc gia nghèo nhất, bảo đảm của cộng đồng quốc tế về việc các cộng đồng là nơi thử nghiệm vac-xin và thuốc điều trị được phép ưu tiên tiếp cận các sản phẩm này’’ hay vấn đề ‘‘tính minh bạch của giá thành và giá bán, cùng việc xây dựng các kho dự trữ vì các mục tiêu nhân đạo.’’

 

Trong đợt thảo luận kéo dài hơn 10 ngày, các nhà thương thuyết sẽ tham gia vào các cuộc họp kín, với thời gian 12 giờ/ngày.

 

Đợt thương lượng cuối cùng của 194 quốc gia thành viên viên Tổ chức Y tế Thế giới về Thỏa thuận đối phó đại dịch toàn cầu diễn ra vào lúc Hoa Kỳ đang đối mặt với đợt dịch virus cúm gia cầm H5N1, lần đầu tiên lây sang bò. Giới chuyên gia lo ngại việc H5N1 lây lan mạnh làm gia tăng khả năng virus lây nhiễm sang người.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

WHO - Y TẾ - DỊCH BỆNH

WHO kêu gọi thế giới cần chuẩn bị tốt hơn để đối phó với đại dịch

 

WHO - COVID-19

WHO và Hoa Kỳ đặc biệt chú ý theo dõi một biến chủng mới của Covid-19

 

CHÂU ÂU - COVID-19

Châu Âu: WHO chỉ trích nhiều nước bỏ ''đột ngột'' các biện pháp phòng dịch khiến Covid-19 tăng vọt






No comments: