Tuesday, May 7, 2024

MÔ HÌNH PHÂN QUYỀN NỬA VỜI và NẠN NHÂN MANG TÊN 'BÁC' (Nguyễn Đại Nam / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Mô hình phân quyền nửa vời và nạn nhân mang tên ‘Bác’   

Nguyễn Đại Nam  -  Luật Khoa Tạp Chí

MARCH 12 2024  11:28 AM

https://www.luatkhoa.com/2024/03/mo-hinh-phan-quyen-nua-voi-va-nan-nhan-mang-ten-bac/

 

Khi trung ương vẫn giữ toàn quyền “lấy" và “cho".

 

https://images.unsplash.com/photo-1615702185463-b645c6c9623f?crop=entropy&cs=tinysrgb&fit=max&fm=webp&ixid=M3wxMTc3M3wwfDF8c2VhcmNofDI5MHx8SG8lMjBDaGklMjBNaW5ofGVufDB8fHx8MTcxMDIxNzM5OXww&ixlib=rb-4.0.3&q=80&w=1000

 Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyen Kiet / Unsplash.

 

Thế kỷ 20 chứng kiến sự thất bại toàn diện của mô hình kinh tế chỉ huy tập trung tại các quốc gia từng “nhiệt thành” theo đuổi nó. 

 

Tại Trung Quốc, phong trào Đại Nhảy vọt (1958-1961) đã gây ra thảm kịch là hàng chục triệu người chết đói. [1] Còn ở Việt Nam, nền kinh tế bao cấp từ sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975 trên cả nước cũng đẩy toàn dân vào một thời đói kém tệ hại nhất trong lịch sử. 

 

Ở bất cứ quốc gia nào và vào thời nào cũng vậy, chính quyền trung ương thường không thể bao quát hết mọi công việc lớn nhỏ. Ngoài ra, do sự đa dạng và khác biệt vùng miền mà việc áp đặt một chính sách đồng nhất từ trung ương cho tất cả các địa phương chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả.

 

Các quốc gia vì thế sẽ phải cần đến cơ chế phân chia đơn vị hành chính và trao quyền cho địa phương - tức phi tập trung hóa (decentralization). [2]

 

Theo đó, chính quyền trung ương sẽ chỉ quyết định những chính sách lớn mang tầm hệ trọng quốc gia (mà địa phương không thể làm) như đối ngoại, xây dựng quân đội bảo vệ lãnh thổ, phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm, v.v; còn địa phương thì chủ động ban hành và thực thi các chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện đặc thù, trong khuôn khổ hiến pháp.

 

Kể từ thập niên 1980, thế giới đã chứng kiến xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ tại nhiều quốc gia cựu độc tài và cộng sản sang mô hình phi tập trung hóa - được xem là chất xúc tác cho tiến trình dân chủ. [3]

 

Các nhà nước toàn trị về bản chất không hẳn đã muốn ủng hộ chính sách phi tập trung, nhưng để theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế, qua đó bảo vệ tính chính danh của chế độ nên vẫn phải áp dụng từng phần. 

 

Trong một nghiên cứu về xu hướng tích lũy và tái phân bổ nguồn lực chính trị thời hậu Mao, tác giả Pierre F. Landry nhận định: nhờ đường lối cải cách theo tư duy thực dụng của Đặng Tiểu Bình mà các địa phương ở Trung Quốc sau khi mở cửa (thập niên 1980) đã được trao rất nhiều quyền tự quyết, mặc dù trung ương vẫn kiểm soát về mặt đường lối lẫn bổ nhiệm nhân sự cấp cao và cơ cấu quyền lực hành chính địa phương. [4]

 

Thay vì thụ động chờ bao cấp và chỉ đạo từ trung ương, các tỉnh thành buộc phải tự nỗ lực phát triển và cạnh tranh với nhau trong việc thu hút nguồn lực. 

 

Dựa trên dữ liệu về chi tiêu ngân sách địa phương và tỷ lệ so với chi tiêu chính phủ, Landry kết luận Trung Quốc là quốc gia độc tài duy nhất đạt được mức độ phi tập trung hóa rất cao, thậm chí còn thuộc hàng cao nhất thế giới mà nhiều nền dân chủ mới (như Cộng hòa Séc) hãy còn kém xa. Có thể nói, thể chế kinh tế của Trung Quốc đang vận hành giống như một nền dân chủ liên bang (democratic federal) hơn là một nhà nước phi dân chủ (non-democratic country). 

 

Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi, như sự hoài nghi của Cai và Treisman về vai trò của phi tập trung hóa đối với kỳ tích phát triển, nhưng không thể phủ nhận rằng Trung Quốc trong hơn ba thập niên qua đã nổi lên như là trường hợp điển hình về một quốc gia toàn trị vừa bảo vệ được chế độ vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao. [5]

 

 

Phân quyền nửa vời ở Việt Nam 

 

Các lãnh đạo Việt Nam thường hiếm khi dám chủ động cải cách. Họ hay phải chờ tham khảo cách làm của một số nơi, nhất là Trung Quốc, rồi sau đó mới dò dẫm bắt chước, nhưng lại không quyết liệt và triệt để bằng. 

 

Mãi đến năm 1986, khi cả nước đã thiếu đói trầm trọng, Đảng Cộng sản mới cho địa phương tự chủ tổ chức sản xuất kinh tế. 

 

Hiến pháp Việt Nam sau bao lần sửa đổi đã có những quy định về việc phân chia đơn vị hành hành chính cùng chức năng, quyền hạn của chính quyền địa phương. [6]

 

Tuy nhiên, cách tiếp cận của văn bản pháp luật cao nhất này ở Việt Nam bị đánh giá là vẫn mang nặng dáng dấp của cơ chế tập trung bao cấp khi cơ quan cấp dưới luôn chịu sự kiểm tra, giám sát của không chỉ một cấp trên, dẫn tới tình trạng chồng chéo, nhập nhằng, bên cạnh sự trì trệ, ỉ lại vì sợ trách nhiệm. [7]

 

Chẳng hạn, hội đồng nhân dân các cấp mặc dù là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra và đại diện cho ý chí của họ nhưng mọi hoạt động vẫn phải dựa trên sự hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và hội đồng nhân dân cấp trên. 

 

Còn ủy ban nhân dân các cấp vừa có trách nhiệm thi hành những nghị quyết của hội đồng nhân dân cùng cấp, vừa phải chịu sự chỉ đạo của Chính phủ và ủy ban nhân dân cấp trên.

 

 

TP. Hồ Chí Minh: Nạn nhân

 

Trong tháng Bảy năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký chứng thực Nghị quyết 98/2023 (có hiệu lực từ ngày 1/8/2023) về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh. [8]

 

Theo đó, thành phố từ nay sẽ được cho phép sử dụng ngân sách địa phương để triển khai các dự án đầu tư công độc lập, được tự huy động vốn thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, v.v. 

 

Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh theo mô hình “thành phố trong thành phố” nhằm kiến tạo động lực đột phá và phát huy hiệu lực, hiệu quả trong công tác điều hành. [9]

 

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến thì Nghị quyết 98/2023 vẫn thiếu đồng bộ khi cho TP. Hồ Chí Minh được quyền ra chủ trương, quyết định nhưng cần theo quy trình thủ tục và phải lấy ý kiến trung ương - tức chỉ cho một nửa quyền. [10]

 

Ngay từ năm 2017, Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh, nhưng kết quả sau nhiều năm thực hiện vẫn chưa đạt như kỳ vọng do gặp nhiều vướng mắc từ phía các bộ ngành. [11]

 

Ngoài ra, vấn đề phân bổ ngân sách cũng là một chủ đề gây tranh cãi suốt nhiều năm qua. 

Mặc dù luôn là địa phương đóng góp lớn nhất cho ngân sách cả nước (thường chiếm trên 20%) nhưng TP. Hồ Chí Minh chỉ được giữ lại khoảng 21%, không thể đủ cho nhu cầu phát triển mở rộng của thành phố trong hoàn cảnh cơ sở hạ tầng ngày càng quá tải, kẹt xe, ngập lụt, v.v 

 

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM), chi cho đầu tư phát triển ở TP. Hồ Chí Minh hiện đang quá thấp. [12] Thành phố vốn đã bị lấy đi quá nhiều nguồn thu ngân sách, nhưng lại không có cơ chế, chính sách và công cụ phù hợp, đủ hấp dẫn để huy động nguồn vốn xã hội. 

 

Ông cảnh báo, TP. Hồ Chí Minh đang có nguy cơ sa vào bẫy thu nhập trung bình. 

 

Hay tại cuộc họp Tổ chuyên gia tư vấn xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh hôm 16/02, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND thành phố - phát biểu: “Chúng ta không xin Trung ương vài chục nghìn tỷ làm Metro mà chỉ xin cơ chế tài chính để thành phố thực hiện.” [13]

 

Ngược lại, một số tỉnh thành như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, v.v. lại thường xuyên nhận được trợ cấp rất lớn từ trung ương, thậm chí vượt xa mức đóng góp của họ vào ngân sách. [14]

 

Cách tiếp cận này gây nhiều bức xúc. Việc phân quyền một cách nửa vời, trong khi trung ương lại giữ toàn quyền “lấy" và “cho" ngân sách giữa các địa phương, khiến cho câu chuyện phát huy tiềm lực ở Việt Nam luôn bị mắc kẹt. 

 

---------------

Chú thích

 

1.    China’s Great Leap Forward - Association for Asian Studies. (2023, June 16). Association for Asian Studies. https://www.asianstudies.org/publications/eaa/archives/chinas-great-leap-forward/#:~:text=From%201960%E2%80%931962%2C%20an%20estimated,famine%20in%20recorded%20human%20history.

2.    Kohr, L. (1957). The breakdown of nations. Green Books.

3.    Auriol, E., & Dahmani-Scuitti, A. (Eds.). (2022, December 19). Decentralization in Autocracies. https://ec.europa.eu/economy_finance/arc2023/documents/papers/Auriol%20E.%20-%20Decentralization%20in%20Autocraties.pdf

4.    Landry, P. F. (2008). Decentralized Authoritarianism in China. Cambridge University Press.

5.    Cai, H., & Treisman, D. (2006). Did Government Decentralization Cause China’s Economic Miracle? World Politics, 58(4), 505–535. http://www.jstor.org/stable/40060148

6.    Thư viện Pháp luật. (2016). Hiến pháp Việt Nam 2013. Chương IX. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx

7.    Nguyễn Ngọc, C. (2010). Phân loại tản quyền, phân cấp, phân quyền . Tạp Chí Khoa Học Đại Học Quốc Gia Hà Nội, Luật học(26), 250–258.

8.    CHUNG, T. (2023, July 6). Chính thức ban hành nghị quyết cơ chế đặc thù mới phát triển TP.HCM. TUOI TRE ONLINE https://tuoitre.vn/chinh-thuc-ban-hanh-nghi-quyet-co-che-dac-thu-moi-phat-trien-tp-hcm-20230706154034507.htm

9.    Cẩm Hà. (2020). Chính thức thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM. Trang Tin Điện Tử Đảng Bộ Thành Phố Hồ Chí Minh. https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/chinh-thuc-thanh-lap-thanh-pho-thu-duc-thuoc-tphcm-1491872499

10. Lê, T., & Nguyễn, T. (Eds.). (2024, January 15). TS Trần Du Lịch: Cơ chế đặc thù chỉ cho TP HCM một nửa quyền. VnExpress. https://vnexpress.net/ts-tran-du-lich-co-che-dac-thu-chi-cho-tp-hcm-mot-nua-quyen-4701125.html

11. Thư Viện Pháp Luật. (2017). Nghị quyết về Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Dau-tu/Nghi-quyet-54-2017-QH14-thi-diem-co-che-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-Thanh-pho-Ho-Chi-Minh-367070.aspx

12. Anh, P. (2024, February 28). TS Nguyễn Đình Cung: “Cần trao thêm quyền cho TPHCM.” Báo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính. https://dttc.sggp.org.vn/ts-nguyen-dinh-cung-can-trao-them-quyen-cho-tphcm-post112230.html

13. Lê, T. (Ed.). (2024, February 16). “TP HCM có tiền làm 200 km metro, chỉ cần cơ chế thực hiện.” VnExpress. https://vnexpress.net/tp-hcm-co-tien-lam-200-km-metro-chi-can-co-che-thuc-hien-4712230.html

14. Thái Quỳnh. (2023, March 11). Những địa phương nhận trợ cấp và đóng góp vào ngân sách trung ương nhiều nhất cả nước. https://cafef.vn/nhung-dia-phuong-nhan-tro-cap-va-dong-gop-vao-ngan-sach-trung-uong-nhieu-nhat-ca-nuoc-20230311101327477.chn

 

 

======================================================

 

TIÊU ĐIỂM

 

Trận Điện Biên Phủ và kính vạn hoa lịch sử

THÚY MÙIMAY 6, 20240

 

Ông Mai Tiến Dũng bị bắt; Hàn Quốc lo ngại Bắc Hàn khủng bố đại sứ quán ở Việt Nam

VĂN KHIÊMMAY 4, 20240

 

Thảm kịch trại cải tạo sau năm 1975

NGUYỄN HẠNHAPR 29, 20240

 

 

BÀI MỚI NHẤT

Lịch sử mối quan hệ Việt - Nhật qua các thời kỳ

ÁI THƯMAY 7, 20240

 

Mặt tối xã hội qua sách nói 'Hồng nhan' của Nguyễn Ngọc Ngạn

LUẬT KHOA TẠP CHÍAPR 30, 20240

 

Trợ lý sa cơ, Vương Huệ mất ghế

 

 

 

 


No comments: