Thursday, February 29, 2024

SAU ĐÀO, PHỞ và PIANO là CƠN SỤC SÔI ĐẤU TỐ (BBC News Tiếng Việt)

 



Sau Đào, phở và piano là cơn sục sôi đấu tố

BBC News Tiếng Việt

29 tháng 2 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c2j53gpyynko

 

Đặt vấn đề rằng phim Đào, phở và piano xây dựng quân Pháp hung bạo theo cách một chiều liệu có thái quá hay không, một nhà văn nữ đang bị tấn công dồn dập trên trang Facebook cá nhân lẫn các hội nhóm.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/660/cpsprodpb/03c1/live/f2d333d0-d641-11ee-b9f9-0bf6b294e1c9.jpg

Cảnh trong phim Đào, phở và piano

 

“Ai cũng như nhà văn này thì mất nước.”

 

“Phim phản ánh lịch sử, mà lịch sử là sự thật đấy, hình ảnh trong phim đã là gì so với ông bà đã phải trải qua thời đó.”

 

“Thế mới thấy phim Đào, phở và piano nó thực tế ra sao. Sự thật là ta thắng, địch thua chứ làm gì có mô típ nào ở đây. Mà vấn đề là, thắng làm vua, thua không có quyền gáy.”

 

Trên đây là một số ít bình luận thuộc dạng đỡ khiếm nhã nhất đối với nhà văn này trong số vô vàn những ý kiến gay gắt, những lời rủa sả khi có những chia sẻ không tích cực về bộ phim do nhà nước đặt hàng.

 

Ra mắt vào dịp Tết âm lịch 2024, Đào, phở và piano bỗng nhiên được khán giả quan tâm, trở thành hiện tượng cháy vé chưa từng thấy ở rạp chiếu phim Việt.

 

Và cũng như bao nhiêu cơn sốt phòng vé khác, bộ phim lấy bối cảnh lịch sử Hà Nội năm 1946 nhận được những ý kiến khen chê trái chiều.

 

Song trái với những gì mà người ta vẫn nghĩ, rằng trong thời đại mạng xã hội phát triển như hiện nay, khi mọi người đều có thể tiếp cận nhiều hơn với bên ngoài thì sẽ trở nên cởi mở hơn, không ít người trẻ vẫn duy trì sự gay gắt trước những ý kiến khác với những gì họ được dạy ở trường học hay được tuyên truyền.

 

Phê bình phim, đưa ra các gợi ý về việc xây dựng nhân vật đều dễ dàng bị dán nhãn là "xét lại lịch sử", "không yêu nước".

 

 

·        Thấy gì từ cơn sốt Đào, phở và piano?

22 tháng 2 năm 2024

 

·        Diễn viên Đào, phở và piano người Mozambique: Muốn làm rể Việt Nam, mến Đảng Cộng sản

24 tháng 2 năm 2024

 

·        The Sympathizer: Tiểu thuyết về Chiến tranh Việt Nam có được chuyển thể ‘táo bạo’ dưới bàn tay HBO?

17 tháng 2 năm 2024

 

 

Hiệu ứng đám đông và gốc rễ của tư duy phân cực

 

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên đại học tại Hà Nội, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 28/2 rằng đây không chỉ là về phim ảnh nghệ thuật hay quan điểm chính trị, mà còn là vấn đề về kiểu tư duy chỉ có đen và trắng nói chung, là hệ quả từ việc giáo dục ở nhà trường và giáo dục bằng truyền thông chính thống.

 

“Đã từ lâu ở Việt Nam có thói quen có tư duy phân cực, ta và địch. Người ta không chấp nhận một người có thể đứng ở giữa,” bà nhận định.

 

“Thế nên trong cả tuyên truyền và giáo dục lịch sử thì nhất định nhân vật như Lê Chiêu Thống phải xấu, xấu không thể nào chấp nhận được, hay nhân vật Ngô Đình Diệm nhất định phải sai,” bà nêu ví dụ.

 

Tiến sĩ Hoàng Ánh cho rằng vì cách giáo dục và tuyên truyền này mà các nhà sử học cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc khôi phục lại toàn bộ sự thật, chẳng hạn như cố gắng nhấn mạnh nhà Nguyễn cũng có công, nhưng người ta vẫn tin nhà Nguyễn là sai chỉ có nhà Nguyễn Tây Sơn là đúng.

 

Lịch sử từ thời phong kiến cho đến Chiến tranh Việt Nam mà giới trẻ Việt Nam được giáo dục, theo bà, đã trở thành một mạch suy nghĩ có hại cho cả hai bên, cả bên ủng hộ chính thống và cả bên gọi là chống lại.

 

“Bên ủng hộ thì nghĩ là phe cộng sản của Việt Nam vĩnh viễn là đúng, cuộc chiến của Việt Nam vĩnh viễn là vinh quang, còn bên kia thì nói rằng cái gì của bên cờ đỏ làm cũng là sai.

 

Những người ủng hộ phe cờ đỏ sẽ cho rằng bất kì những ai bên kia chỉ cần nói gì thì đều là phản bội, bán nước, còn những người bên kia thì chỉ cần ai có một chút ủng hộ thì đều là những kẻ theo đuôi cộng sản, không đáng tin cậy,” bà Ánh nêu ví dụ.

 

“Đây chính là hệ quả của giáo dục và truyền thông lâu đời của Việt Nam.”

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/e848/live/93739230-d6ba-11ee-8d83-c36ac07748e3.jpg

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng sự cực đoan đến từ giáo dục và truyền thông

 

 

Quay lại phim Đào, phở và piano, Tiến sĩ Hoàng Ánh nói bộ phim này đã có thành công về mặt tuyên truyền, tái hiện cuộc chiến gian khổ, về những cú sốc của tầng lớp trí thức Hà Thành. Đặc biệt, bà đánh giá cao lòng yêu nước và sự hi sinh của đa số người Hà Thành trong thời gian đó.

 

Tuy nhiên, bà cho rằng bộ phim nhà nước này cũng có một số mặt hạn chế, dẫn chứng về nội dung rằng không nhất thiết là “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” thì nhân vật phải chết, hay không nhất thiết là mọi lính Pháp đều ác như vậỵ.

 

“Đây chỉ là một bộ phim được dựng nên từ lịch sử chứ không phải hoàn toàn là lịch sử,” bà Hoàng Ánh nêu ý kiến.

 

Từ Hà Nội, Tiến sĩ Vũ Hoàng Linh nói với BBC rằng sức hút của Đào, phở và piano với giới trẻ đến từ sự quan tâm thực sự với thể loại phim lịch sử chiến tranh mà họ lâu không được xem nhiều năm qua.

 

Bên cạnh đó là từ hiệu ứng ngược khi phim Mai - trùng tên với một loại hoa Tết phổ biến ở miền Nam - làm mưa làm gió ở các phòng vé còn Đào là của miền Bắc.

 

Một lý do khác, theo ông, là hiệu ứng đám đông, với các cuộc tranh luận cả tích cực và tiêu cực trên mạng xã hội.

 

“Đáng chú ý là dường như sự quan tâm của phim này bắt nguồn từ một bài giới thiệu của một TikToker. Điều này cho thấy ảnh hưởng truyền thông ngày càng lớn của mạng xã hội đối với giới trẻ,” ông Linh nhận định.

 

 

Vai trò của mạng xã hội

 

“Giữa một xã hội bão hòa thông tin, một bộ phận giới trẻ trong thời hiện đại dễ bị ảnh hưởng bởi những lời kêu gọi đấu tranh chống lại các 'luận điệu sai trái' trên mạng xã hội,” một blogger trao đổi với BBC với điều kiện ẩn danh.

 

Người này cho rằng các phong trào trên mạng của dư luận viên đã góp phần kích thích những đầu óc cực đoan.

 

Ông Vũ Hoàng Linh nói với BBC rằng internet đóng một vai trò quan trọng tạo ra sự phân cực trong suy nghĩ, đánh giá của người trẻ đối với bộ phim.

 

“Việc có quá nhiều thông tin với các quan điểm khác nhau trên mạng dẫn tới xu hướng là nhiều người trẻ sẽ chọn một góc nhìn, một mạng lưới, một nhóm mà họ cảm thấy họ 'thuộc về'. Các tranh luận trên mạng xã hội, thay vì khiến cho người tham dự gần nhau hơn và độ lượng hơn với các ý kiến khác, trái lại lại có xu hướng khiến sự phân cực diễn ra quyết liệt hơn,” ông cho biết.

 

Một lý do khác theo ông là các thuật toán trên mạng xã hội sẽ khiến những người tham gia mạng xã hội thường đọc tin tức, tham gia hội nhóm… với các ý kiến tương tự mình.

 

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh lại có quan điểm khác, bà cho rằng nhờ internet thì sự phân cực đã đỡ hơn nhiều.

 

“Một người chỉ cần đầu óc chưa bị tẩy não hoàn toàn thì khi được tiếp cận với nhiều thông tin trên mạng, người đó có thể có được một cái nhìn đa chiều hơn. Nhưng nếu đã bị tẩy não hết cỡ, thì không còn cách nào cứu được,” bà cho hay.

 

Theo bà, ở Việt Nam có một tỷ lệ rất lớn các mối quan hệ trong gia đình không dàn xếp được, chính là vì tư duy chỉ có "đúng và sai", không bao dung lẫn nhau.

 

“Lấy ví dụ đơn giản nhất là khi mẹ chồng, nàng dâu trong gia đình mâu thuẫn, những người đàn ông có quan điểm trung dung có thể giúp đỡ mẹ và vợ cùng hòa giải, nhưng những người có tư duy cực đoan sẽ khiến mọi việc trở nên rắc rối hơn.”

 

Trong khi đó, ông Vũ Hoàng Linh cho rằng hiện tượng phân cực ngày càng quyết liệt đó không chỉ xảy ra với người trẻ ở Việt Nam mà là hiện tượng trên toàn thế giới, và cũng không chỉ với riêng người trẻ mà cả với các đối tượng khác.

 

Một ví dụ mà ông nêu ra là những người theo Đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ ngày nay có xu hướng phân cực hơn nhiều so với người theo hai đảng này cách đây 40 năm.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/83a4/live/03383af0-d6dc-11ee-9a5b-e35447f6c53b.jpg

Nền giáo dục Việt Nam luôn chú trọng tuyên truyền về chiến thắng, tôn sùng lãnh tụ dẫn đến tâm lý cực đoan và phân rẽ trong xã hội

 

 

Để người trẻ có được cái nhìn đa chiều

 

Theo Tiến sĩ Vũ Hoàng Linh, để thay đổi vấn đề về tư duy là câu hỏi không dễ.

 

“Tôi nghĩ trước hết, trong nhà trường cần có sự thay đổi quan điểm, để học sinh có tư duy mở, tư duy phản biện, tư duy ngược dòng… Không nên coi những lời thầy cô nói là chân lý, và cũng không nên coi những gì trong sách giáo khoa lịch sử chẳng hạn là các chân lý bất biến,” ông nêu ý kiến.

 

“Chữ 'lịch sử' trong tiếng Anh là 'history' là một từ có số nhiều, tức là thực ra có nhiều cách mà người sau kể về quá khứ, chứ không có một lịch sử duy nhất, tuyệt đối đúng, không thay đổi.”

 

Ông Linh cho rằng sự thay đổi trước hết cũng cần đến từ chính các bạn trẻ, đồng thời đưa ra lời khuyên không nên tham gia quá nhiều vào các cuộc tranh luận trên mạng.

 

“Với cái cách tranh luận trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay, trong khi những người tham gia chưa thực sự học được cách tranh luận mà chỉ cố gắng chứng tỏ mình đúng còn đối phương sai thì việc tranh luận không những không làm người ta có tư duy cởi mở và hiểu nhau hơn, mà trái lại sẽ càng trở nên phân cực và cực đoan hơn,” ông Linh nhận định.

Còn theo Tiến sĩ Hoàng Ánh, kiểu tư duy này không chỉ có hại khi nói về phim ảnh hay nghệ thuật, chính trị mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ đời sống.

 

“Những người chỉ có kiểu tư duy chỉ có đen và trắng này thì trong đời sống công việc cũng sẽ gặp khó khăn,” bà nói thêm.

 

-----------------

Tin liên quan

·         

Cách tránh bị nghe dối trá và xem 'tin vịt'

3 tháng 3 năm 2017

·         

30/4: ‘Đỏ’, ‘Vàng’ và sự phân cực giữa giới trẻ Việt Nam

30 tháng 4 năm 2021

·         

Cờ vàng, cờ đỏ: Cuộc chiến 'chưa kết thúc' trong người Việt

8 tháng 5 năm 2021

 




No comments: