Xã
hội dân sự tố cáo âm mưu của Trung Quốc về Biển Đông
Bình luận của Hải Đăng
2023.05.02
Theo ông Lê Thân, Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng, nên để
ngỏ khả năng nhà nước ta sẽ kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế. Tất
nhiên, chúng ta chỉ có thể kiện Trung Quốc về những hành vi chống lại luật pháp
quốc tế (LPQT), không tuân thủ các phán quyết trước đây của Toà trọng tại quốc
tế (CPA). Bởi vì Tòa này sẽ không chấp nhận khiếu nại về các tuyên bố liên quan
đến chủ quyền trên biển đảo của các quốc gia.
Ngư dân ở đảo Lý Sơn,
tỉnh Quảng Ngãi thu hoạch cá đánh bắt được từ biển hôm 19/8/2022 (minh hoạ). AFP
“Phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ
quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông” là tuyên bố mới nhất phát ra ngày 2/5/2023 của tám Tổ chức Xã hội
Dân sự ở trong nước (1). Tuyên bố này xuất hiện trên truyền thông quốc tế rất
kịp thời, chỉ một ngày sau khi lệnh cấm đánh cá đơn phương mùa hè năm nay của
Trung Quốc được đơn phương cho là có hiệu lực trên Biển Đông, tính từ 1/5/2023.
Lệnh cấm đánh bắt cá năm nay sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế hàng
ngàn ngư dân Việt Nam tại vùng biển phía bắc vĩ độ 12 trở lên, từ ngày
01/05/2023 đến 16/08/203. Chưa rõ ở đây có sự phối kết hợp nào không,
nhưng giới quan sát quốc tế và Việt Nam phát hiện ra một điều thật đáng hoan nghênh
là, Trung Quốc năm nay phải đối mặt cùng lúc với cả hai làn sóng phản đối, từ cả
của nhà nước Việt Nam lẫn của các Tổ chức xã hội dân sự (CSO) ở khắp ba miền đất
nước. Sức thu hút của Tuyên bố này thể hiện, mới trong một buổi, mà đã có khá
đông các cá nhân hưởng ứng, từ người dân cho đến các tầng lớp lao động khác
nhau, trong đó có cả cựu Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin.
.
Điểm nổi bật của “Tuyên bố 2/5”
Trong năm nội dung mà các Tổ chức Xã hội Dân sự
(CSO) đã tố cáo và lên tiếng đòi Trung Quốc phải tuân thủ, thì nội dung thứ năm
là tuyên bố nổi bật nhất. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là bốn nội dung trước
đó không có tầm quan trọng riêng. “Cực lực phản đối hành vi đơn phương
áp đặt chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc thông qua lệnh cấm biển trước
nhân dân trong nước và nhân dân toàn thế giới” đúng là một nội dung nổi bật! Nổi
bật, là vì tuyên bố đã điểm đúng huyệt yếu nhất của Bắc Kinh, đồng thời cũng vạch
trần âm mưu thâm độc của nhà cầm quyền Trung Quốc. Huyệt yếu nhất của Bắc Kinh
nằm ở đâu? Đó là, phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã bác
những yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc về cái gọi là “quyền lịch sử” dù là ở
vùng biển trong phạm vi “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò), hay các yêu sách về những
nguồn tài nguyên sinh vật hoặc phi sinh vật trong khu vực đó, nói một cách khác
là bác bỏ hầu hết các đòi hỏi phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông. Tòa
PCA khẳng định rằng, những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh không có bất kỳ cơ sở
pháp lý nào. Liên quan đến quy chế của các đảo và đá, phán quyết cũng cho rằng,
trong khu vực biển theo đơn kiện của Philippines có những thực thể không thể
coi là “đảo” theo luật pháp quốc tế mà chỉ được coi đơn thuần là “đá”. (2)
Như vậy thì những đảo đá Trung Quốc cưỡng chiếm
từ Việt Nam và một số nước ASEAN từ trước đến nay làm gì có quy chế vùng lãnh hải
12 hải lý hay vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, tính từ đường cơ sở, mà lại ra
mặt cấm chỉ các hoạt động đối với tàu cá của các quốc gia khác. Những năm sau
phán quyết của Tòa PCA, không đấu lại nổi các cơ sở pháp lý vững chắc nói trên,
Bắc Kinh ý thế sức mạnh “cơ bắp”, liền áp dụng “chiêu” mới, hàng năm vẫn đơn
phương áp đặt cái gọi là “chủ quyển của Trung Quốc” trên Biển Đông. Không những
đơn phương tuyên bố – bất chấp mọi phán quyết của CPA – Trung Quốc còn đơn
phương áp đặt chủ quyền của mình bằng lệnh cấm đánh bắt cá! Âm mưu thâm độc ở
đây là, nếu Việt Nam và các nước trong khu vực, vì những lý do này khác, không
có hành vi phản đối lại các tuyên bố phi pháp của Bắc Kinh, thì đồng nghĩa với
việc, coi các tuyên bố ấy là hợp pháp. Vì vậy, cái mới nổi bật nhất trong
“Tuyên bố 2/5” là các CSO đã “cực lực phản đối hành vi đơn phương áp đặt
chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc thông qua lệnh cấm biển…” Tỏ
rõ lập trường như vậy là cách thức hữu hiệu nhất hiện nay để vạch trần âm mưu
“lập lờ đánh lận con đen” của chính quyền Trung Quốc.
Chủ trương cấm đánh cá đơn phương nói trên của
Trung Quốc trên thực tế đã đặt Việt Nam và các nước liên quan vào thế tương đối
khá gay cấn. Nếu Việt Nam và các nước liên quan phản đối và không tuân theo lệnh
cấm đánh cá của Trung Quốc thì có thể bị rêu rao trước dư luận quốc tế rằng, Việt
Nam và các nước này không hợp tác và quan tâm đến việc khai thác bền vững thủy
sản, đặt lợi ích quốc gia lên trên tính bền vững của môi trường sinh thái. Vì
điều 123 của UNCLOS đòi hỏi các nước ven bờ một biển kín hay nửa kín phải hợp
tác với nhau để quản lý nguồn tài nguyên sinh vật biển và bảo vệ môi trường biển.
Ngoài ra, với lệnh cấm đánh bắt như vậy, ngư dân Việt Nam và ASEAN cũng bị đặt
trong tình trạng luôn luôn có nguy cơ bị lực lượng chấp pháp của Trung Quốc xâm
hại, cũng như nguy cơ đối đầu giữa lực lượng chấp pháp của Việt Nam và các nước
liên quan với các tàu chấp pháp của Bắc Kinh (3).
Đến hẹn lại lên, năm nay, sau khi có tin Trung
Quốc cấm bắt đánh cá, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 20/4,
trả lời yêu cầu cho biết phản ứng của Việt Nam, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao
Đoàn Khắc Việt cho biết, lập trường của Việt Nam "đối với lệnh cấm đánh bắt
cá mà Trung Quốc đơn phương ban hành trái phép" là nhất quán và đã được
nhiều lần khẳng định rõ trong các năm qua. "Lệnh cấm đánh bắt cá này
đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, xâm phạm quyền chủ
quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh
tế được xác lập theo UNCLOS 1982", ông Việt nhấn mạnh. Việt Nam yêu cầu
Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ
quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam và không làm phức tạp
thêm tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông (4).
Kiện Trung Quốc thì kiện cái gì?
Khi được hỏi về các nội dung trong “Tuyên bố
2/5” có hàm ý gì đối với vấn đề nay mai Việt Nam sẽ kiện hay không kiện Trung
Quốc ra Tòa án quốc tế, cựu tù nhân Côn Đảo Lê Thân đã nói với người viết bài
này rằng, đây là một khả năng chính quyền Việt Nam nên để ngỏ. Chủ nhiệm một
trong những CSO lâu năm là Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, ông Lê Thân cho rằng, nhà
nước nên tạo các điều kiện thuận lợi hơn nữa để các CSO có tiếng nói đối với những
vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia như vấn đề đấu tranh trên phương diện pháp
lý đối với chủ quyền biển đảo. Năm nay ông Thân cũng ghi nhận Nhà nước đã có phản
ứng khá kịp thời thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao, nhưng theo ông, đáng
ra chính quyền nên có Tuyên bố chính thức để dư luận rộng rãi trong mọi tầng lớp
dân cư, đặc biệt là các cán bộ đảng viên ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của
người dân đối với những vấn nạn mất còn của dân tộc.
Điều ông Lê Thân khuyến cáo cũng phù hợp với đề
nghị của Hội nghề cá Việt Nam đối với các cơ quan chức năng phải có biện pháp
quyết liệt hơn để “bảo vệ an toàn cho ngư dân Việt Nam khi sản xuất trên vùng
biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia”. Bởi vì trên
thực tế, đã xảy ra quá nhiều vụ việc ngư dân cáo buộc lực lượng kiểm ngư Trung
Quốc đập phá tàu thuyền và ngư cụ của họ trên biển, tả tơi đẩy về bờ (5). Lệnh cấm đánh bắt cá trên đây của nhà cầm quyền Bắc
Kinh “là một ví dụ nữa cho thấy Trung Quốc đang cố bình thường hóa (hay hợp
pháp hóa) ý đồ kiểm soát Biển Đông, và điều này đã buộc Việt Nam và Philippines
công khai phản đối lệnh cấm này mỗi năm nhằm cho thấy quyết tâm không công nhận
sự áp đặt của Trung Quốc”, Gregory B. Poling, nhà nghiên cứu cấp cao từ Center
for Strategic and International Studies (CSIS) đã nói với truyền thông quốc tế.
Trung Quốc ngày càng nâng cao năng lực hàng hải
của mình, điều này tạo nên rủi ro về những hành động trấn áp ngày càng mạnh tay
hơn nữa nhằm vào ngư dân Việt Nam trên Biển Đông trong thời gian tới. “Điều
đáng lo ngại là trong những năm gần đây, năng lực hàng hải của Trung Quốc được
cải thiện đáng kể, khiến họ có khả năng thực thi lệnh cấm này quyết liệt hơn
trước rất nhiều. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao năng lực hàng hải
tương ứng, hỗ trợ và bảo vệ ngư dân đủ khả năng thực hiện hoạt động kinh tế
chính đáng của mình trên Biển Đông, qua đó gián tiếp khẳng định chủ quyền của
Việt Nam”, TS. Nguyễn Khắc Giang cho biết trong phân tích mới đây (6). Do đó, vẫn theo ông Lê Thân, Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu
Đằng, nên để ngỏ khả năng nhà nước ta sẽ kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc
tế. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể kiện Trung Quốc về những hành vi chống lại
LPQT, không tuân thủ các phán quyết trước đây của CPA. Phải xây dựng hồ sơ công
phu về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của
Việt Nam trên Biển Đông. Bởi vì Tòa CPA sẽ không chấp nhận khiếu nại về Tuyên bố
liên quan đến chủ quyền trên biển đảo của các quốc gia.
_____________
Tham khảo:
1.
https://baotiengdan.com/2023/04/30/lenh-cam-danh-ca-cua-tau-cong/
3.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ckk43419g39o
-----------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment