Văn
Bút Hoa Kỳ: Việt Nam đứng thứ sáu thế giới về bỏ tù nhà văn trong năm 2022
RFA
2023.05.04
Trong phúc
trình Chỉ số về tự do của người viết năm 2022, tổ chức Văn bút Hoa Kỳ (PEN
America) xếp Việt Nam đứng thứ sáu thế giới với 16 nhà văn, nhà báo đang bị cầm
tù và đứng thứ 10 trong danh sách các quốc gia cần quan tâm với 27 người đang bị
hiểm nguy.
“Chính phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp giới bất
đồng chính kiến, đặc biệt tập trung vào việc kiểm soát quyền truy cập phương tiện
truyền thông xã hội của công chúng và mở rộng khả năng của chính phủ để có quyền
truy cập vào dữ liệu cá nhân,” Văn bút Hoa Kỳ trình bày trong báo cáo công
bố ngày 27/4 vừa qua
Theo tổ chức có trụ sở ở New York, Việt Nam
thông qua Luật An ninh mạng vào năm 2018, yêu cầu các nền tảng lưu trữ dữ liệu
cục bộ và trao cho Chính phủ quyền kiểm soát nội dung và dữ liệu trực tuyến.
Bốn năm sau, vào năm 2022, Chính phủ Việt Nam
đã thông qua Nghị định 53 quy định chi tiết việc thi hành Luật An ninh mạng,
tăng cường quyền truy cập của Chính phủ vào dữ liệu cá nhân và do đó tăng khả
năng đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Nhiều nhà văn, nhà báo bị cầm tù, số khác ở tình trạng
hiểm nguy
Tổ chức này cho biết, có 16 người viết/nhà văn
(writers) bị giam giữ tại Việt Nam vào năm 2022, 15 trong số họ là những nhà
bình luận trực tuyến.
Trong số này có nhà bình luận trực tuyến Bùi
Văn Thuận với những lời giễu cợt và chế giễu Chính phủ Việt Nam trên trang
Facebook của mình, Trần Hoàng Huấn với nhiều bài đăng trên Facebook chỉ trích
Chính phủ Việt Nam trong việc phân phối vắc-xin COVID-19 của hãng Trung Quốc
Sinopharm, và nhà báo tự do Lê Mạnh Hà với nhiều video clip trên YouTube và bài
viết trên Facebook về tranh chấp đất đai và tham nhũng.
Trong năm 2022, cả ba đều bị kết án tám
năm tù giam về tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật
Hình sự 2015.
Một thành viên của liên minh Văn bút Quốc tế
cũng nhắc lại việc xét xử nhà báo độc lập Lê Anh Hùng thiếu các chuẩn mực quốc
tế về phiên toà công bằng và việc bắt giữ nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng,
blogger của Đài Á Châu Tự Do (RFA).
Tổ chức này nói Việt Nam có xu hướng áp dụng
các bản án nặng nề nhiều năm tù giam bất chấp sự lên án từ Văn phòng Cao ủy
Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền.
Trong báo cáo của mình, Văn bút Hoa Kỳ cũng
đưa ra danh sách 27 nhà văn, nhà báo Việt Nam đang gặp hiểm nguy, trong đó có bốn
cựu tù nhân lương tâm: nhà văn Nguyễn Xuân
Nghĩa, blogger Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), nhà báo Nguyễn Vũ Bình, và nhạc sĩ Trần
Vũ Anh Bình.
Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, người mãn hạn tù sáu
năm vào giữa năm 2017, cho biết sau khi kết thúc án hai năm quản chế
, ông vẫn bị canh giữ gắt gao bởi lực lượng an ninh thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đợt nghỉ lễ kéo dài năm ngày vừa qua,
công an địa phương đưa người đến canh giữ gần nhà ông Bình liên tục từ ngày
29/4 đến tối ngày 02/5, ông nói với RFA ngày 04/5 :
“Những người bất đồng chính kiến ở quốc
nội bị kê vào danh sách đen để mà họ canh giữ.
Là một người nghệ sĩ, tôi nhìn thấy hình đất nước thế
nào thì tôi cất tiếng lên. Chính vì nỗi lòng của tôi mà tôi bị bôi dấu đen
trong con mắt và suy nghĩ của nhà cầm quyền Việt Nam.”
Tuy nhiên, ông cho biết ông không thể im lặng
trước hiện tình đất nước cho dù có thể bị bắt lần nữa. Ông khẳng định:
“Tôi chỉ thổn thức với nỗi đau của quê
hương. Tôi luôn sẵn sàng chịu khổ đau một lần nữa, nếu như nhà cầm quyền cộng sản
Việt Nam đặt cái tên tôi vào giấy khởi tố lần thứ hai.”
Chia sẻ với RFA, ông cho biết không chỉ đưa
người canh giữ thường xuyên tư gia của ông, lực lượng an ninh còn can thiệp vào
cuộc sống tình cảm, khiến ông không thể đến được với người mình yêu và làm cho
cuộc sống của ông còn “tệ hơn ở trong tù.”
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt
Nam đề nghị bình luận về phúc trình mới nhất của Văn bút Hoa Kỳ nhưng chưa lập
tức nhận được phản hồi. Chính phủ Việt Nam thường phớt lờ các đề nghị bình luận
của RFA.
Cả hai chỉ số và cơ sở dữ liệu do PEN America thu thập,
Việt Nam đều nằm trong top 10 thế giới. Ảnh: PEN America/ RFA Việt hóa
Áp dụng việc báo cáo hàng loạt để dập tắt tiếng nói
bất đồng
Văn bút Hoa Kỳ nhắc lại việc Chính phủ Việt
Nam thành lập Lực lượng 47 gồm 10.000 lính tác chiến mạng của quân đội hồi năm
2015, hay bên cạnh Lực lượng dân sự có tên là E47 để tấn công những tiếng nói
phản biện trên mạng xã hội, giúp Nhà nước giám sát chặt chẽ và hạn chế quyền tự
do ngôn luận trên các nền tảng kỹ thuật số.
Hai lực lượng trên sử dụng chiến lược báo cáo
hàng loạt “vi phạm” tiêu chuẩn cộng đồng trên Facebook, khiến nền tảng này gỡ bỏ
các trang hoặc thậm chí cấm chúng. Chiến lược này tận dụng quy trình khiếu nại
rườm rà của Facebook trong bối cảnh công ty công nghệ của Mỹ thiếu chuyên gia
nói tiếng Việt trợ giúp quá trình khiếu nại.
Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đang gia tăng
yêu cầu đối với các nền tảng, bao gồm yêu cầu gỡ bỏ những gì họ xác định là
“tin giả” trong vòng 24 giờ.
Nạn nhân của các cuộc tấn công trực tuyến thực
hiện bởi hai nhóm trên bao gồm các nhà báo tự do ở trong nước và cả ở nước
ngoài, như cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức blogger Mẹ Nấm),
người đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ.
Cuộc tấn công đa hướng vào quyền tự do ngôn luận
của chính quyền đặt các nhà văn Việt Nam vào nguy cơ rất lớn, Văn bút Hoa Kỳ
nói.
Văn bút Hoa Kỳ kêu gọi Nhà nước Việt Nam bãi bỏ
Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 vốn được sử dụng thường xuyên để bỏ tù nhà
báo, blogger và người bất đồng chính kiến.
Tổ chức này cũng kêu gọi Hoa Kỳ tái giới thiệu
và thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam của lưỡng đảng, và yêu cầu Chính phủ
Việt Nam tuân thủ các quyên tắc nhân quyền và tự do ngôn luận như một yếu tố nền
tảng của mối quan hệ song phương đang mở rộng giữa hai quốc gia.
Hoa Kỳ cần cộng tác với các đối tác ASEAN để
tiếp tục vận động cho việc trả tự do cho các nhà văn bị cầm tù và trợ giúp các
nhà văn Việt Nam lưu vong, tổ chức này nói.
Dự luật Nhân quyền Việt Nam, được xây dựng bởi
Dân biểu của hai đảng, nếu được thông qua, sẽ cho phép Hoa Kỳ trừng phạt các
quan chức Việt Nam và những người khác đồng lõa với các hành vi vi phạm có hệ
thống các quyền con người được quốc tế công nhận, bao gồm các vi phạm đặc biệt
nghiêm trọng đối với quyền tự do tôn giáo.
No comments:
Post a Comment