Từ năm
1986 trở đi, chính sách kinh tế "Mở cửa" và "Đổi mới" tiếp
ngay sau đó, đã khai mào cho một chu kỳ tăng trưởng mới cho toàn quốc, đặc biệt
ở thành phố Sài Gòn và các vùng lân cận trong đó hầu hết các khu công kỹ nghệ đều
tập trung vào và chiếm hơn 40% tổng sản lượng quốc gia.
Tuy
nhiên, cho đến hôm nay, nghĩa là sau hơn 30 năm phát triển, vẫn còn tồn tại những
mặt tiêu cực sau đây:
- Nhiều
dịch vụ phát triển quá nhanh chóng và không được điều nghiên kỹ lưỡng như việc
thiết lập các trung tâm giải trí, khách sạn, sân golf... chỉ nhằm phục vụ cho
người giàu và người ngoại quốc tạo thêm ranh giới cách biệt giàu nghèo giữa đại
đa số quần chúng;
- Một số
tư bản mới đã hình thành, từ đó phát xuất ra nhiều mâu thuẫn và hệ lụy tiêu cực
trong hệ thống quyền lực-kinh tế-chính trị.
Chính
hai mặt tiêu cực nầy đã là một trong nhiều nguyên nhân tạo nên khủng hoảng xã hội
gần đây nhất và làm giảm dần mức tăng trưởng kinh tế từ 10% ở những năm đầu xuống
đến 4% năm 1999, và sau đó không tăng trưởng được như dự tính, chỉ lên xuống
khoảng 6-7% trong mười năm trở lại đây, mặc dù Việt Nam vẫn còn quá nhiều nhu cầu
sinh hoạt căn bản cần phải cung cấp cho người dân.
Việc
tăng trưởng kinh tế-kỹ nghệ quá nhanh so với tốc độ trước khi có chính sách đổi
mới, nhưng không đủ nhanh so với nhu cầu của quốc gia, tạo nên những biến động ảnh
hưởng lên môi trường ở những vùng được phát triển mạnh.
Tại
các nơi trên, bầu không khí ngày càng ô nhiễm thêm. Thán khí cùng với nhiều kim
loại độc hại như chì, thủy ngân và một số hợp chất hữu cơ nhẹ đã được ghi nhận.
Nguồn nước bị ô nhiễm nặng đặc biệt ở các vùng tiếp nhận trực tiếp nguồn nước
thải từ các nhà máy và hệ thống cống rãnh.
Nhìn
chung tình trạng môi sinh ở Việt Nam đã đến mức báo động, nhất là ở các thành
phố lớn mặc dù mức độ khai triển kỹ nghệ chưa phát triển tương xứng với nhu cầu
của dân chúng toàn quốc mà chỉ tập trung vào một số thành phố lớn mà không lưu
tâm hay lên kế hoạch phát triển tùy theo điều kiện của từng địa phương. Hiện
nay vẫn còn khoảng 50% dân chúng tập trung ở các vùng nông nghiệp đang còn
trong thời sơ khai của thời đại phát triển kỹ nghệ.
Nguyên
nhân của việc trì trệ phát triển cho những năm gần đây cũng
như hiện trạng ô nhiễm ở Việt Nam có thể được tóm tắt vào những ghi nhận sau
đây:
- Ảnh
hưởng của sự sụp đổ của hệ thống Cộng sản ở Nga xô và Đông Âu đầu thập niên 90
cùng với sự khủng hoảng kinh tế vùng Đông Á ở những năm gần đây (sau năm 1997),
cũng như việc lấn chiếm và áp đặt “quyền chính trị-kinh tế” Việt Nam của TC làm cho
quốc tế ngần ngại đầu tư vào Việt Nam.
- Hệ thống
tiền tệ chưa hoán chuyển được và chưa thiết lập được thị trường chứng khoán có
tính cách quốc tế cùng các luật định ngân hàng phức tạp và hay thay đổi thường
xuyên, không bảo đảm tối thiểu cho công cuộc giao thương với bên ngoài.
- Hệ
thống ngân hàng không hữu hiệu, không thể hiện nhiệm vụ đúng đắn trong dịch vụ
trao đổi và không có tính xuyên suốt trong báo cáo. Thống đốc ngân
hàng Việt Nam mới đây đã nhận định rằng nhiệm vụ của ngân hàng là đáp ứng cho
nhu cầu của quốc gia và dân chúng nhưng thực ra chỉ thi hành theo chỉ thị hoặc
mệnh lệnh của Bộ Chính trị CSVN mà thôi!
- Mặc
dù có sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB),
Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP)... về
tài chánh và kỹ thuật cho việc nâng cấp và giải quyết các vấn nạn môi sinh ở Việt
Nam do sự phát triển kỹ nghệ và nạn gia tăng dân số, nhưng hầu hết các hạng mục
công trình trên còn nằm bất động trên hình thức các dự án khả thi. Mức độ thi
công tiến hành quá chậm do thủ tục hành chánh rườm rà và bất nhất cũng như các
tệ nạn quan liêu khiến cho đôi khi dự án phải bị bỏ dở nửa chừng.
- Việc
phá hoại các rừng ven biển và dẫn nước mặn vào sâu trong đất liền để khai thác
dịch vụ nuôi tôm là một trong những nguyên nhân cho sự nhiễm mặn. Ngay cả việc
nuôi tôm, sau một vài mùa có thu hoạch cao, dịch vụ nầy lần lần đi vào phá sản
vì tôm con bị chết quá nhiều do hệ sinh thái thay đổi và môi trường sinh sống của
tôm không còn đồng nhất như vùng nước mặn nguyên thủy. Ảnh chụp từ vệ tinh năm
1999 cho thấy khoảng 150.000 hecta ở ven biển Cà Mau, Bạc Liêu đã bị bỏ hoang
trên gần 200.000 hecta đã khai thác trong khoảng năm năm gần đây! Từ xa xưa,
các rừng tràm, đước, vẹt... đã phát triển vững mạnh trong vùng nầy, thiết lập một
hệ sinh thái thiên nhiên vừa cân bằng và cầm chân nước mặn tiến sâu vào đất liền,
vừa là môi trường sống thích hợp cho tôm cá; do đó tôm không thể phát triển được
vì sự mất cân bằng trên.
Trong
những năm sau này, lãnh đạo CSVN có khuynh hướng cứng rắn hơn trong việc điều
hành quốc gia. Đường lối và chính sách hiện tại thể hiện sự bất an, bối rối
trong quyết định trước những vấn nạn sinh tử cho đất nước.
Có nhiều
thành phần tham gia vào việc phát triển kinh tế-kỹ thuật ở Việt Nam. Đó là quân
đội, công an, chính quyền, tư nhân, và ngoại quốc. Một khi đã nắm chặt quyền
lực trong tay, cộng thêm với sức mạnh kinh tế, các thành phần có quyền lực trên
có khả năng tạo ra nạn kiêu binh có thể gây xáo trộn xã hội mà lãnh đạo sẽ khó kiểm
soát được. Điều nầy sẽ làm mất niềm tin và giảm thiểu mức đầu tư của dân chúng
và nhất là đầu tư quốc tế.
Đối với
các nhu cầu phát triển, điều tiên quyết là cần phải có sự bàn thảo và đồng thuận
giữa nhà cầm quyền và các công ty tư nhân. Cho đến nay, mọi hợp tác
giữa nhà cầm quyền-tư nhân-ngoại quốc chưa được đặt trên căn bản công bằng và đồng
thuận do đó vẫn còn nhiều cản ngại trong việc giao thương quốc tế.
Còn có nhiều thiên vị cho các đối tác có liên quan đến
đảng cộng sản. Công ty quốc doanh chiếm đa số vẫn còn được tài trợ và ưu đãi mặc
dù làm ăn thua lỗ. Đây mới là nguyên nhân chính yếu cho việc trì trên trong
chính sách phát triển của Việt Nam.Việc kiểm soát môi sinh còn quá lỏng lẻo
đưa đến việc lơ là trong kiểm soát và thanh lọc phế thải.
Hầu hết
các dự án có tầm vóc quốc gia, đối tác được chọn chưa thu thập đầy đủ
dữ kiện nghiên cứu tác hại môi trường, nhân sự chuyên nghiệp không đáp ứng được
nhu cầu của công trình, đặc biệt qua sự móc ngoặt hay do “sự áp đặt” của
Trung Cộng, do đó nhiều dự án phải bị bỏ dở nửa chừng hay mức đầu từ phải bị
nhân lên gấp bội (hệ thống nhà máy đường từ Bắc chí Nam vào thập niên 2000, việc
khai thác Bauxite ở Tân Rai và Nhân Cơ, hệ thống nhà máy giấy từ Bắc chí Nam,
điển hình là nhà máy Bãi Bằng, và gần đây nhứt, nhà máy Hậu Giang đã được đánh
giá như là một sự phá sản về nguồn vốn và ô nhiễm môi trường cho toàn vùng tứ
giác Long Xuyên, vựa lúa thứ hai của ĐBSCL sau Đồng Tháp Mười). Từ đó, dự án
đưa đến sự thua lỗ, thất thoát tài nguyên và nguồn vốn của quốc gia, và tệ hại
nhứt là, tạo ra một tình trạng ô nhiễm môi trường khắp nới từ Bắc chí Nam.
Các
công ty tư vấn ngoại quốc được Việt Nam mời đến để khai triển một số dự án kỹ
thuật và tính khả thi trong từng điều kiện hiện có. Đôi khi, Việt Nam
dùng tư cách chủ nhà để chỉ đạo dự án hay sửa đổi không đúng với quy cách kỹ
thuật làm cho dự án khó được hoàn chỉnh. Và cũng có nhiều công ty ngoại quốc
vì muốn được trúng thầu mà thiết lập dự án khả thi khi chưa hoàn tất hồ sơ điều
tra cơ bản. Điều nầy làm cho phát triển Việt Nam trì trệ về thời gian, tài lực,
và nhân lực, chưa kể đến việc làm mất niềm tin của người dân về thực tâm của những
người có trách nhiệm!
Nhận diện
được một số nguyên nhân căn bản trên đưa đến sự kiện chậm phát triển cho Việt
Nam trong những năm gần đây, chỉ cần một ít động não, việc truy tìm giải đáp
cho bài toán trên cũng không khó vậy.
Thay
lời kết
Trở về
đất nước thân yêu của tất cả chúng ta, Việt Nam hiện tại là một dân tộc non trẻ,
thông minh, chăm chỉ, hiếu học, cần cù, và có tinh thần cầu tiến. Trên 90% dân
số đều biết đọc biết viết. Con số nầy quá cao so với các nước đang phát triển
và có điều kiện xã hội tương tự như của chúng ta, nhưng ngược lại lợi tức đầu
người vẫn còn thấp kém so với các quốc gia trong vùng.
Tại
sao lại có sự nghịch lý kể trên?
Dĩ
nhiên là phải có cái gì bất ổn cho đất nước. Đương nhiên đảng CSVN phải hoàn
toàn chịu trách nhiệm về tình trạng phát triển và môi trường ô nhiễm ngày càng
đi xuống hiện nay. Hơn 41 năm sống trong hòa bình, thiết nghĩ thời gian
cũng đủ dài để thiết lập một xã hội ổn định cho Việt Nam.
Nhưng
tiếc thay điều đó không xảy ra cho nước mình!
Hiện tại, trong
nhiều lãnh vực kinh tế-kỹ thuật-khoa học-môi sinh, thế giới đang biến thành một
quốc gia lớn, một trật tự mới đang hình thành. Trong bối cảnh đó, càng
ngày càng thấy rõ ràng là mọi người đều có trách nhiệm. Những gì xảy ra tại Tây
Tạng, Vân Nam đều trực tiếp ảnh hưởng đến đồng bằng sông Cửu Long.Rốt ráo
hơn nữa, mọi người Việt đều có trách nhiệm về tình trạng thụt lùi của Việt Nam
dù ít hay nhiều.
Càng
thiết tha, càng gắn bó với quê cha đất tổ càng thấy mình có trách nhiệm.
Trách
nhiệm là nhận thức thực tiễn, và trên căn bản đó cần có những thái độ và hành động
tích cực hơn cho đất nước.
Nói lên
tiếng nói, tạo một âm vang, khuếch đại một xu hướng, tạo dựng sức ép, nói lên
những vấn nạn của Đất và Nước v.v... mỗi người mỗi cách riêng của mình... không
sao kể xiết.
Nhìn lại
đất nước, với hơn 65% lực lượng lao động thuộc thành phần trẻ tuổi, chúng ta đã
có một trợ lực lớn có khả năng đưa đất nước tiến lên cao.
Tuổi trẻ
Việt Nam, sau một giai đoạn ngắn tiếp cận với phong cách hành xử và giao thương
quốc tế đã hiểu thêm và hiểu cặn kẽ về tự do-dân chủ. Từ đó tinh thần quốc gia
dân tộc tăng trưởng nhanh chóng trong thành phần nầy.
Tuổi trẻ
Việt Nam mong muốn có một đời sống kinh tế-tinh thần-tâm linh tương xứng với
các đóng góp của chính mình.
Những
rào cản ngăn cách trong tôn giáo-địa phương không còn là một chướng ngại để rồi
cùng ngồi lại với nhau, không như các thế hệ cha ông trước kia vì những cách
ngăn kinh tế-xã hội-chánh trị-tôn giáo- và chủ nghĩa.
Những cảm
xúc trong tư tưởng, vết hằn trong quá khứ sau cuộc qua phân của đất nước phải
nhường bước cho lối nhìn tích cực về triển vọng tương lai của quê
hương.
Do đó, các
mỹ từ vì thế hệ mai sau, vì chủ nghĩa anh hùng... không còn là một xúc tác tốt
để hấp dẫn tuổi trẻ Việt Nam nữa.
Tuổi trẻ
Việt Nam trân trọng bốn ngàn năm văn hiến của tiền nhân, nhưng tuổi trẻ hôm nay
không vì niềm tự hào đó mà dừng chân lại để chiêm ngưỡng quá khứ.
Đừng
cho đó là một cản ngại lớn cho sự bền vững của chế độ mà nên cùng nhau thay đổi
đường lối và chính sách thích hợp với xu hướng toàn cầu. Cùng tạo điều kiện thuận
lợi cho môi trường làm việc thích ứng với tính năng động và hiếu học của tuổi
trẻ.
Có như
thế, cơ hội phát triển và triển vọng tương lai đồng đều cùng đời sống kinh tế-tinh
thần có hy vọng được nâng cao sẽ là hai động cơ chính thức thúc đẩy tuổi trẻ mạnh
bước tiến lên.
Cũng
xin dừng rập khuôn tin tưởng vào văn hóa "coca cola" của Hoa Kỳ để
mong được phát triển nhanh và đổi lấy một xã hội bất ổn về tinh thần và tạo ra
xã hội băng hoại!
Tuổi
trẻ Việt Nam đang lên đường.
Mùa
Vu Lan 2016
Mai Thanh Truyết - Hội Bảo
Vệ Môi trường Việt Nam - VEPS
No comments:
Post a Comment