Friday, August 26, 2016

BÀ AUNG SAN SUU KYI GIỮA CHIẾN LƯỢC TẤN CÔNG QUYẾN RŨ CỦA TRUNG NAM HẢI (Hồng Thủy)




Hồng Thủy
11:53 22/08/16

(GDVN) - Bà Aung San Suu Kyi đã kiềm chế không chỉ trích Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, đồng thời duy trì lập trường trung lập ở Biển Đông.


Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của bà Aung San Suu Kyi - Cố vấn Nhà nước kiêm Ngoại trưởng Myanmar kết thúc ngày hôm qua 22/8 để lại nhiều dấu ấn đặc biệt. 

Thành công của bà trong chuyến thăm này cho thấy tầm nhìn và đẳng cấp của một chính khách quốc tế, chứ không còn đơn thuần là một nhà hoạt động đấu tranh cho tự do dân chủ, một chủ nhân của giải Nobel Hòa Bình.

Trung Nam Hải "phá lệ", quyết lấy lòng Cố vấn Aung San Suu Kyi

Theo bình luận của tờ Đa Chiều ngày 20/8, Bắc Kinh đã tiếp đón Cố vấn Nhà nước, Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi với nghi thức cao chưa từng có.

Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì lễ đón chính thức, bà Aung San Suu Kyi lần lượt hội đàm với cả ông Tập Cận Bình lẫn ông Lý Khắc Cường, thay vì hội kiến theo thông lệ.

Tháng 6 năm ngoái, khi bà Aung San Suu Kyi còn là lãnh tụ phe đối lập, đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ Myanmar (NLD) sang thăm Trung Quốc theo lời mời của đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh chỉ phái Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar ra sân bay đón đoàn.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chủ trì lễ đón chính thức Cố vấn Nhà nước, Ngoại trưởng Myanmar, Aung San Suu Kyi. Ảnh: AP.

Nhưng ngày nay bà Aung San Suu Kyi đã trở thành nhà lãnh đạo thực quyền số 1 của Myanmar, cách hành xử của Trung Nam Hải đã khác.

Sự thay đổi thái độ của Bắc Kinh ngoài mục đích củng cố quan hệ Trung - Miến trong bối cảnh cạnh tranh Trung - Mỹ tại Đông Nam Á ngày càng gay gắt, Trung Quốc còn nhằm mục tiêu lôi kéo Myanmar về phía mình trong vấn đề Biển Đông.

Bởi lẽ gần đây nhất Singapore, quốc gia có ảnh hưởng hàng đầu khu vực đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ Phán quyết Trọng tài hôm 12/7, động thái bị Bắc Kinh coi là "ngả theo Mỹ", Trung Nam Hải chỉ còn trông chờ vào Campuchia, Lào và Myanmar. [1]

Người viết đánh giá rất cao thái độ của bà Aung San Suu Kyi và Myanmar đối với vấn đề Biển Đông. Khi điều kiện, hoàn cảnh chưa cho phép bà có tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ công lý và lẽ phải ở Biển Đông như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, thì im lặng là lựa chọn phù hợp.

Điều đó tránh cho Myanmar khỏi tình thế bị tổn hại uy tín, danh dự trên trường quốc tế vì thói hành xử xu thời, vì lợi ích cá nhân mà đứng trên luật pháp, hay vô trách nhiệm trước một vấn đề nóng, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực.

Ngoại trưởng Myanmar khéo léo tránh đòn quyến rũ của Trung Nam Hải

South China Morning Post ngày 21/8 bình luận:
"Biểu tượng của nền dân chủ Myanmar, Aung San Suu Kyi đã một lần nữa chứng minh, bà là một nhà lãnh đạo chính trị khôn ngoan khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Trung Quốc 5 ngày vào Chủ Nhật.
Aung San Suu Kyi đã khôn khéo lựa chọn thăm Bắc Kinh trước khi chính thức thăm Hoa Kỳ vào tháng tới. Đây có thể xem như một hành động cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Cả hai siêu cường đang tìm cách giành ảnh hưởng tại Myanmar.
Các nhà quan sát ngoại giao nói rằng, Bắc Kinh cảm thấy yên tâm hơn bởi quyết định của bà Aung San Suu Kyi chọn thăm Trung Quốc trước khi thăm Mỹ." [2]

Theo người viết, tầm nhìn và ứng xử của Cố vấn Nhà nước, Ngoại trưởng Aung San Suu Kyi được thể hiện một cách rõ nét qua hai ví dụ điển hình. Chính điều này đã làm nên sức mạnh cho bà trong quan hệ bang giao với các siêu cường thời hiện tại.

Một là kiên quyết giữ lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông. Theo The Hindu, tuyên bố chung Trung Quốc - Myanmar sau chuyến thăm của bà Aung San Suu Kyi không nhắc tới vấn đề Biển Đông là điều đáng chú ý.

Bởi lẽ Bắc Kinh đang rất nỗ lực để lôi kéo các thành viên ASEAN không có yêu sách ở Biển Đông đứng về phía mình, đặc biệt là sau Phán quyết Trọng tài. [3]

Hai là, bà Aung San Suu Kyi đã cân bằng được việc, vừa tìm kiếm được sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đang khát vốn, trong khi vẫn tính đến phản ứng từ dư luận và các nhà hoạt động môi trường phản đối các dự án đầu tư từ Trung Quốc.
Cụ thể là việc xem xét lại dự án xây dựng đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD. Dự án này vốn bị Tổng thống Thein Sein đình chỉ khi ông còn tại vị năm 2011, do những vấn đề về môi trường và các mối quan tâm khác của cư dân địa phương nơi nó được triển khai.

Trước khi thăm Trung Quốc, bà Aung San Suu Kyi đã cho thành lập một ủy ban độc lập xem xét lại dự án Myitsone.

Jonathan Chow, một chuyên gia về Myanmar tại Đại học Macau nói với South China Morning Post, động thái này vừa có thể làm hài lòng Trung Quốc, vừa cho phép bà hoãn đưa ra bất kỳ quyết sách nào với vấn đề gây tranh cãi trong dư luận ít nhất 3 tháng nữa, giữa lúc tâm lý chống Trung Quốc đang âm ỉ trong dư luận Myanmar. [2]

Còn đài VOA tiếng Việt ngày 19/8 dẫn lời một vị cựu Đại sứ Australia tại Myanmar cho biết, Trung Quốc đã công khai thừa nhận sai lầm trong cách quản trị dự án Myitsone và hứa sẽ cải thiện nếu dự án được nối lại. [4]

Đảm bảo tốt nhất lợi ích cho quốc gia, dân tộc

Các nhà quan sát lưu ý rằng, trong chuyến thăm Trung Quốc bà Aung San Suu Kyi đã kiềm chế không chỉ trích Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, đồng thời duy trì lập trường trung lập ở Biển Đông.

Đổi lại ông Tập Cận Bình hứa sẽ đóng một vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Myanmar.

Cam kết của Trung Nam Hải được đưa ra trong bối cảnh sắp diễn ra một hội nghị quan trọng giữa bà Aung San Suu Kyi với các phe nhóm sắc tộc có vũ trang, trong đó có nhiều nhóm có liên hệ với Trung Quốc.

Mặt khác, trong bối cảnh phần lớn các biện pháp trừng phạt kinh tế và quân sự của Mỹ nhằm vào Myanmar chưa được dỡ bỏ vì nhiều doanh nghiệp lớn ở Myanmar bị tình nghi do quân đội kiểm soát, các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc sẽ vẫn là đối tác đầu tư và thương mại lớn nhất của Myanmar trong những năm tới. [2]

Myanmar ủng hộ cả sáng kiến Một vành đai, một con đường lẫn Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan mà Bắc Kinh đang theo đuổi.

Đồng thời quốc gia Đông Nam Á này cũng nằm trên tuyến đường kết nối phía Tây Trung Quốc với vịnh Bengal, nếu Myanmar không háo hức thì sáng kiến của Trung Quốc cũng khó triển khai thuận lợi.

Do đó người viết cho rằng, Myanmar đang đứng trước nhiều thời cơ để phát triển và bứt phá, đồng thời cũng phải đối mặt với không ít thách thức.

Trung Quốc có thể giải tỏa cơn khát nguồn vốn mà nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại Myanmar đang cần. Nhưng làm sao sử dụng hiệu quả đồng tiền Trung Quốc mà giảm được tối đa mặt trái và hệ lụy của nó là cái bà Aung San Suu Kyi và cộng sự phải tính tới.

Khi đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi giành thắng lợi vang dội, dư luận đã có nhiều quan điểm tin rằng tới đây Myanmar sẽ "ngả theo phương Tây" thay vì ngả vào lòng Trung Quốc như chính quyền quân sự cũ.

Tuy nhiên những gì bà Aung San Suu Kyi đang thể hiện trên cương vị Cố vấn Nhà nước kiêm Ngoại trưởng Myanmar, người viết thấy rằng bà và cộng sự không theo "gió Đông" mà cũng chẳng theo "gió Tây", mà chỉ có ngọn gió của lợi ích quốc gia dân tộc.

Thách thức phía trước con đường bà Aung San Suu Kyi và dân tộc Myanamr còn nhiều, nhưng giữ được độc lập tự chủ, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết thì người viết tin rằng, những khó khăn thách thức ấy rồi sẽ lần lượt được hóa giải.

Tài liệu tham khảo:

Hồng Thủy



No comments: