Tuesday, August 16, 2016

TÒA NHÀ HÌNH TRÁI BẮP : TẠI SAO LẠI BỎ (Mặc Lâm - RFA)





Mặc Lâm, BTV Ban Việt ngữ RFA
2016-08-16
.
Trung tâm hành chính Đà Nẵng, thường được gọi là tòa nhà "trái bắp" (bên trái). Internet photo

Tòa nhà hình trái bắp của Đà Nẵng từng một thời được ca ngợi là biểu tượng của một công trình tiên tiến cần được nhân rộng bỗng nhiên bị lên án là thiếu không khí tươi không thể chịu nổi vì ngộp thở và cái nóng bên trong. Từ đó Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố đòi bỏ tòa nhà để di dời sang một điểm khác.

Bỏ hay không bỏ?

Tòa nhà Trung tâm Hành chính của TP Đà Nẵng được khánh thành và đưa vào sử dụng vào ngày 8 tháng 9 năm 2014, với thiết kế hình dạng ngọn hải đăng, nhưng báo chí quen gọi là “trái bắp” hơn, cao 37 tầng nằm trên khu đất rộng hơn 23.000 m2, là nơi làm việc của 1.600 cán bộ, công chức thành phố và khoảng 600 lượt người dân đến xin đơn thư mỗi ngày.

Phát biểu tại lễ khánh thành vào năm 2014, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ông Văn Hữu Chiến khẳng định tòa nhà này được xem là một trong những tòa nhà thông minh hàng đầu Việt Nam về hệ thống công nghệ điều khiển và quản lý vận hành.

Công trình có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, được bao quanh bởi hệ vách kính khung nhôm với tổng diện tích kính hơn 21 ngàn m2.

Tuy bề thế và hiện đại như vậy nhưng “trái bắp” bị lên án là thiếu không khí để thở cho nhân viên làm việc bên trong. Bên cạnh đó là việc tiêu tốn năng lượng lên tới mức không thể chịu nổi đã khiến cho ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư thành ủy trong kỳ họp Hội Đồng Nhân Dân thành phố Đà Nẵng vào ngày 11 tháng 8 xác nhận rằng thành phố có chủ trương di dời tòa nhà này nhưng địa điểm và phương án vẫn chưa công bố.

Tuy nhiên một số cán bộ nhân viên làm việc trong tòa nhà không đồng ý với xác định của ông Bí thư thành ủy bởi họ vẫn cảm thấy bình thường như hai năm vừa qua.

Là một công dân của thành phố và cũng là một nhà báo kỳ cựu, ông Trương Duy Nhất cho biết nhận xét của mình:

“Trong hơn 1.000 công chức, người thì bảo thiếu không khí nhưng cũng có người bảo không. Nguyên nhân không biết ra sao mà người ta lại có ý định di dời. Bây giờ người ta bàn tán đủ điều vì không biết tại sao. Hôm qua thành phố chính thức đưa một thông cáo báo chí bảo rằng việc đó là việc lâu dài, hiện tại thành phố chưa có chủ trương đó.
Ngày hôm trước nói một đường ngày hôm sau nói một nẻo. Trước đây tại cuộc họp của Hội đồng Nhân dân thành phố đưa ra chất vấn thì cả bí thư và phó chủ tịch thành phố đều nói việc này có trong chủ trương của thành ủy rồi, có chủ trương di dời rồi, bây giờ khi trả lời báo chí loạn lên như thế và cuối cùng thì bảo rằng chưa bàn đến chuyện đó!”

Nhận xét về khả năng nóng bức do thiết kế bên ngoài tòa nhà toàn bằng kính, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết sự sai lầm khi chọn kính bao chung quanh mà không có biện pháp xử lý thích hợp cho hoàn cảnh khí hậu của Việt Nam:

“Ở các nước có khí hậu ôn đới thì nó thiếu nắng nên trong kiến trúc người ta có những tòa nhà có thể nói toàn bằng kính hết để nó thu năng lượng mặt trời và ánh sáng, như vậy lối kiến trúc ấy nó rất phù hợp.
Thời gian một hai chục năm gần đây Việt Nam mình có phong trào người ta muốn bắt chước nước ngoài làm rất nhiều công trình bằng kính. Về mặt kiến trúc mình thấy nó không phù hợp lắm với khí hậu của Việt Nam bởi xứ mình là xứ nhiệt đới, nhiệt độ nắng rất cao tuy mình có thể sử dụng kính nhưng phải có những kết cấu che chắn nắng như vậy nó điều tiết được lượng ánh sáng và lượng nhiệt nên tiết kiệm được năng lượng chứ còn làm một cái nhà toàn kính nó sẽ tốn rất nhiều tiền điện để điều hòa không khí”

Quá trình thi công tòa thị chính Đà Nẵng. Courtesy of vietnamnet.vn

Bên cạnh đó, nhiều kiến trúc sư đưa ra nhận xét trên thế giới công trình hành chính ít khi tổ chức theo khối tròn vì nó sẽ tập trung quá nhiều người, không thoáng khí. Tòa nhà giống như một trung tâm thương mại, cần vẻ hào nhoáng bên ngoài dù có chi phí đắt đỏ trong lúc vận hành thì chủ nhân sẽ thu lại từ tiền thuê mặt bằng bên trong để thanh toán. Khi một tòa nhà với chức năng hành chánh là chính thì chi phí vận hành phải tính toán chi tiết và không thể vung tay quá trán như UBND thành phố Đà Nẵng vẫn quen làm bấy lâu nay.

Nhà báo Trương Duy Nhất bức xúc vì những thay đổi có tính bất cần sự quan tâm của người dân như từ trước tới nay UBND thành phố vẫn làm:

“Bao nhiêu công trình của Pháp được xây hàng thế kỷ nay rồi nhưng có vấn đề gì đâu? Bây giờ cái công trình hiện đại gì mà chưa tới hai năm đã bảo công năng sử dụng bất ổn, không khí không đủ phải chuyển đi, đòi xây một trụ sở khác bằng tiền thuế của dân trên 2.000 tỷ để lo chỗ ngồi và chuyện hít thở của quan chức! Nếu các ông không ngồi được thì kéo nhau ra vỉa hè mà ngồi chứ tiền thuế của dân 2.000 tỷ đâu phải để lo cho chuyện hít thở của mấy ông ngồi trong đó?
Tư duy quan chức tệ ở chỗ chỉ tư duy cho lợi lộc của mình, thậm chí cho chuyện hít thở cho dễ chịu chứ còn chuyện hít thở của người dân ra sao, họ sống thế nào người ta chẳng lo. Dân không có cái ăn, thở thế nào khi bao nhiêu môi trường cá như thế mà bây giờ lại lo chỗ ngồi cho mấy ông, ngồi máy lạnh sướng thế trong khi dân ngoài này không khí đâu người ta thở?”

Giải pháp

Câu hỏi báo chí đặt ra tại sao không quy trách nhiệm cho chủ đầu tư hay nhà thầu về thiết kế không đảm bảo cho người sử dụng, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ xây dựng cho biết:

“Nhà thầu nếu họ làm đúng như thiết kế, mà thiết kế thì chủ đầu tư đã chấp nhận rồi thì họ chả có trách nhiệm gì trong việc cải tạo. Bây giờ muốn họ cải tạo sửa chữa thì mình phải bỏ tiền, mọi việc phải theo hợp đồng.”

Giải pháp bán tòa nhà để xây một khu khác cho trung tâm hành chánh cũng được đưa ra nhưng xem ra có vẻ không thích hợp nhất là đối với dư luận quần chúng. TS Phạm Sỹ Liêm chia sẻ:

“Nếu bán mà có người mua với cái giá phải chăng thì có lẽ cũng tốt thôi nhưng sợ không ai mua bởi vì cái giá của nó đã đắt rồi bây giờ mua về lại phải cải tạo nữa. Còn bán mà bán lỗ thì nhân dân người ta sẽ không bằng lòng. Cho nên tôi nghĩ cách thích đáng nhất vẫn là phải cải tạo thôi còn những chuyện khác phải tính sau. Thực ra về mặt kỹ thuật cũng có thể làm được chứ không phải hoàn toàn không làm được. Hiện nay có cải tạo thêm cho tốt hơn là tiện nhất và đỡ được tai tiếng cho chính quyền vì đã không đưa ra được một quyết định thích hợp lắm.”

Câu hỏi đặt ra cho giải pháp cải tạo tòa nhà có thể làm được hay không, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết:

“Công trình này mình có thể cải tạo chứ không bỏ đi được. Bây giờ mình đã lỡ làm như vậy rồi thì mình vẫn có thể cải tạo nó bằng cách thêm một số kết cấu chắn nắng phù hợp. Tính toán lại một số cửa có thể mở để thu không khí tự nhiên còn một số khác theo phương pháp nhân tạo. Nói chung là mình cải tạo lại theo lối kiến trúc xanh, mà xanh từ trong ra ngoài có nghĩa là công trình này nó không tiêu tốn năng lượng nhiều, mặt khác nó không làm tản ánh nắng ra chung quanh làm nóng khu vực, cũng không làm lóa mắt cho người đi xe.”

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn thì Đà Nẵng cần cải tạo công trình này trước mắt là phục vụ cho người sử dụng ở trong công trình và nó cũng tốt cho tổng thể chung quanh. Một thời gian sau nếu Đà Nẵng phát triển lên thành một đại đô thị như Sài Gòn hay Hà Nội lúc đó có khi khu vực này trở nên quá nhỏ với quy mô trung tâm hành chính, lúc ấy thì đặt vấn đề dời đi sẽ phù hợp hơn.

Trong khi chờ đợi một quyết định chính thức cho công trình “trái bắp” người dân vẫn râm ran bàn tán về những việc đang xảy ra, chẳng hạn tiền điện phải trả hằng tháng là 1 tỷ hay 10 tỷ? Người làm việc bên trong có bị khó thở thật sự hay không? Và nhất là số tiền sắp tới mà Đà Nẵng sẽ lấy ra để thực hiện công trình “trái bắp” thứ hai sẽ lấy từ nguồn nào trong khi tiền thuế của người dân đã lên tới mức giới hạn.




No comments: