Friday, August 12, 2016

QUỐC THỂ HÓA CHỐNG TOÀN CẦU HÓA (Nguyễn Xuân Nghĩa)





Nguyễn-Xuân Nghĩa
August 10, 2016

Đừng ngó vào chính trường mà quên sức sáng tạo của doanh trường

Trong một bài tiểu luận kinh tế chính trị trên tờ VĂN LANG, Tập San Nghiên Cứu Việt Học do nhà xuất bản Văn Nghệ và nhà văn Nguyễn Mộng Giác cùng một số thân hữu chủ trương thời ấy, người viết này có viết như sau về ngoại thương:

“Chẳng hạn như khi một người Mỹ mua chiếc xe hiệu Pontiac kiểu Le Mans của hãng G.M. (trị giả khoảng 20 ngàn Mỹ kim tại Hoa Kỳ [theo thời giá năm 1991]), họ thực sự trả sáu ngàn cho người Đại Hàn (tiền nhân công ráp chế), ba ngàn rưỡi cho người Nhật (cơ phận và phụ tùng căn bản gồm đầu máy, trục lái và dụng cụ điện tử), một ngàn rưỡi cho người Đức (tiền thực hiện kiểu xe), 800 cho người Đài Loan, Tân Gia Ba (Singapore) và Nhật Bản (phụ tùng lặt vặt), 500 cho người Anh (phí tổn quảng cáo và chiêu mại), khoảng 100 cho người Ái Nhĩ Lan (Ireland) và Barbados (tiền khai thác điện toán). Còn lại? Chỉ có khoảng tám ngàn Mỹ Kim mới thật sự lọt vào tay người Mỹ, từ các quản trị gia ở trên tới các công nhân ở dưới và sau cùng là cổ đông (những người chủ của các cổ phần của hãng G.M.), trong số đó, có khá nhiều người không phải là quốc tịch Mỹ.”

Phần kế toán trên nói đến “quốc tịch mơ hồ” của chiếc xe để kết luận là “Với sự thay đổi trên đây, tương quan giữa chủ quyền quốc gia và quyền lợi kinh tế sẽ có lúc không đi đôi với nhau.”

Bài tiểu luận gần 15 ngàn chữ qua 30 trang, có đề tựa là “Từ Kinh Tế Cộng Sản sang Kinh Tế Tự Do, nhu cầu của một Chủ Nghĩa Quốc Gia Mới trong một Thế Giới Liên Lập,” với nội dung cảnh báo Việt Nam rằng sức ly tâm của phát triển kinh tế sẽ đe dọa trật tự xã hội và sự thuần nhất quốc gia. Một trong các yếu tố giải thích nguy cơ ấy là kinh tế càng phát triển theo thế hội nhập với quốc tế thì thành quả của phát triển càng phân phối không đều. Tại thành thị, một số người làm giàu nhanh nhất, vượt xa các thành phần còn lại, với nếp sống hướng ngoại khác hẳn người dân còm cõi tại nông thôn, mà nhiều thành phần xã hội cũng không được hưởng kết quả phát triển và chẳng theo kịp trào lưu hội nhập kinh tế vào một thế giới liên lập (interdependent – thời ấy chữ “toàn cầu hóa” chưa mấy phổ biến).

Khi ấy, chủ quyền quốc gia sẽ là gì và chủ nghĩa quốc gia dân tộc là gì?

Bài tiểu luận được viết giữa năm 1991 cho một tập san yểu mệnh. Bây giờ, 25 năm sau, ngẫu nhiên đọc lại thì người viết thấy mình “đá lầm sân” vì mô tả những gì đang xảy ra ngày nay trong các nền kinh tế Âu-Mỹ tiên tiến!

Và ước mơ của người Việt là hội nhập kinh tế vào Hiệp Ước TPP do Chính Quyền Hoa Kỳ đề xướng vừa bị chính trường Mỹ phả cho một màn khói đen ngòm… Vì sao vậy?

***
Từ sau Thế Chiến II, khi Việt Nam lại bị lôi vào một cuộc chiến muộn màng và thảm khốc vì chủ nghĩa cộng sản, các nước dân chủ tiên tiến đã cùng theo đuổi quy luật kinh tế tự do và từ bỏ hệ thống quản lý tập trung kế hoạch của Cộng Sản.

Các nước cũng tin rằng việc giao thương không thuế quan và hạn ngạch có giá trị hơn chủ trương bảo hộ mậu dịch. Nguyên tắc tự do mậu dịch được phát huy và quả nhiên tạo ra thịnh vượng cho giai đoạn tái thiết từ 1946 tới 1956. Sau đó, khi Việt Nam còn chìm đắm trong chiến tranh, khoa học kỹ thuật đẩy mạnh đà gia tốc của phát triển nhờ nhiều sáng kiến về sản xuất, vận trù người và vật, thông tin và giao dịch tài chánh, khiến cho tiến trình hội nhập kinh tế vào một khối vừa thống nhất vừa mở rộng đã dẫn tới hiện tượng ta gọi là toàn cầu hóa.

Thí dụ về chiếc xe Pontiac của tổ hợp G.M. là một biểu hiện của hình thái kinh tế nhất thể hóa, không quốc tịch, và là thành quả của tự do kinh tế trong khung cảnh quốc tế.

Khi hệ thống quản lý tập trung của chế độ cộng sản sụp đổ cùng sự tan rã của Liên Bang Xô Viết vào năm 1991, các nước dân chủ Tây phương càng vững tin vào ưu thế của kinh tế tự do và khuôn khổ hợp tác toàn cầu trong một trật tự mới. Vững tin đến độ mở rộng chế độ tự do mậu dịch sang hội nhập cả kinh tế lẫn chính trị, với việc thành lập Liên Hiệp Âu Châu vào năm 1994, hoặc thúc đẩy thỏa ước tự do thương mại ở cấp độ quốc tế, như Hiệp Ước Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ NAFTA cùng năm 1994, rồi Hiệp Ước Xuyên Thái Bình Dương TPP từ 2009…

Nhưng trên đỉnh cao của toàn cầu hóa hay kinh tế nhất thể hóa, người ta bỗng thấy ra mặt trái của tấm huy chương.

Kết quả của thịnh vượng phân khối không đều, cái ngày mai tươi sáng của tự do ngoại thương để lại nhiều khoảng tối cho các thành phần theo không kịp những thay đổi chóng mặt của kinh tế và khoa học sản xuất. Biến cố phơi bày mặt trái của toàn cầu hóa là vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008 và nạn tổng suy trầm kinh tế năm 2008-2009.

Sáu năm sau, không chỉ có tự do mậu dịch hay các hiệp ước tự do thương mại bị kết án, mà trào lưu toàn cầu hóa còn bị đẩy lui. Bàng bạc bên dưới là câu hỏi về chủ quyền quốc gia trong một cơ chế siêu quốc gia hay quốc tế như Liên Âu. Hoặc câu hỏi về quyền dân chủ của các công dân khi nhà nước trao một phần chủ quyền quốc gia cho quốc tế qua các Hiệp Ước Tự Do Thương Mại.

Những câu hỏi chính đáng ấy dẫn tới việc quyền dân chủ của công dân Anh đòi Vương Quốc Anh ra khỏi Liên Âu, là vụ trưng cầu dân ý về Brexit. Hoặc như việc Quốc Hội Hoa Kỳ dìm Hiệp Ước TPP vào nhiễu âm chính trị của một năm tranh cử. Hay là việc các ứng cử viên của hai đảng lớn nhất tại Hoa Kỳ đang đòi xét lại Hiệp Ước NAFTA. Chúng ta đang chứng kiến sự kiện trào lưu kinh tế nhất thể hóa bị một tư tưởng khác thách đố.

Vì hiện tượng này vừa manh nha nên ta lại phải tìm chữ diễn tả một khái niệm mới! Xin tạm gọi là tư tưởng “quốc thể hóa” đang tấn công toàn cầu hóa hay kinh tế nhất thể hóa.

Vì kinh tế cũng là chính trị – nội dung và danh xưng của cột báo – người ta có thể thấy chính trị gia bắt được ý dân như Donald Trump, hoặc nương theo đó mà đảo lập trường như Hillary Clinton. Thật ra chính khách chỉ là bèo bọt nổi trên sinh hoạt kinh tế xã hội và có thể bị đào thải sau một kỳ bầu cử, nhưng hiện tượng “quốc thể hóa” là điều có thật và sẽ làm thay đổi sinh hoạt kinh tế toàn cầu trong nhiều thập niên tới.

Có thể hiểu “quốc thể hóa” là phát huy tinh thần dân chủ để bảo vệ chủ quyền quốc gia trong khung cảnh kinh tế tự do. Làm sao dung hòa được mâu thuẫn này khi ta tin là kinh tế tự do sẽ dẫn tới nhất thể hóa và đe dọa chủ quyền quốc gia lẫn tinh thần dân chủ bên trong từng nước?

Xin tóm tắt lại, bài toán kinh tế và chính trị hôm nay là hiện tượng toàn cầu hóa dẫn đến sự chuyển dịch hệ thống sản xuất của các nước giàu và nghèo vào một thế hợp tác mới. Khu vực chế biến từ các nước giàu đẩy qua các nước nghèo khiến dân nghèo của nước giàu mất việc, và dân giàu của nước nghèo bỗng thành công dân toàn cầu và mất dần bản sắc dân tộc.

Nhưng cái động lực khách quan đã thúc đẩy hiện tượng ấy vẫn tiếp tục vận hành bên ngoài sự quan tâm hay hiểu biết của các chính khách: khoa học kỹ thuật áp dụng vào doanh trường và kinh tế đang lại đảo ngược bài toán sản xuất.

Các doanh nghiệp ít lệ thuộc hơn vào năng lượng dầu mỏ – kỹ thuật “fracking” quá mới là một thí dụ – và phí tổn sản xuất hay vận trù hàng hóa không chỉ thu hẹp không gian lẫn thời gian quyết định và sản xuất mà còn khiến các nước giàu đều tìm ra lợi thế sản xuất mới: ở nhà. Khu vực chế biến lạc hậu của nước Mỹ bị đào thải làm các chính trị gia nhập cuộc chống toàn cầu hóa, nhưng họ không thấy là một khu vực chế biến khác đang thành hình ngay tại Hoa Kỳ. Và các doanh nghiệp đang lặng lẽ đầu tư ngược về Mỹ.

Các doanh nghiệp lớn và nhỏ, nhất là doanh nghiệp nhỏ loại tiên tiến, hết tìm thế sản xuất ở bên ngoài là “out-sourcing” từ tiểu bang này sang tiểu bang khác, hoặc sản xuất ở hải ngoại là “off-shore” cho rẻ hơn mà lặng lẽ sản xuất lấy ở tại chỗ. Tư bản Mỹ đang hồi hương theo kiểu “re-shoring.” Và họ sản xuất sát với số cầu, tính theo lối cập nhật nhất để khỏi giữ tồn kho quá lớn và bị đọng vốn. Chưa nói tới Amazon, hãy nhìn tờ Người-Việt giải quyết bài toán xuất bản sách khá rẻ và theo sát số cầu thì rõ! Không chỉ có hàng công nghiệp mới đi vào cuộc cách mạng đó mà canh nông và một số thực phẩm dễ hư hao như trái cây và rau cỏ cũng vậy.

Khi từng quốc gia có thể giải quyết bài toàn kinh tế bằng phương tiện quốc gia, ở trong nước thì những áp đặt quốc tế sẽ thành vô hiệu! Miễn là người dân và doanh trường phải có tự do và quyền sáng tạo. Chúng ta sẽ mất nhiều năm thì mới hiểu ra và thấy hết hiện tượng mới lạ đó.

Tương lai rồi sẽ ra sao? Xin hẹn một bài sau, có khi cả một cuốn sách…




No comments: