Thursday, August 4, 2016

NGHỊ SĨ ĐÀI LOAN VỀ NƯỚC SAU KHI THĂM FORMOSA (BBC Tiếng Việt)





BBC Tiếng Việt
4 tháng 8, 2016
.
Nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh. AFP

Nghị sĩ đảng Dân Tiến cầm quyền ở Đài Loan, Tô Trị Phần, đã trở về Đài Loan hôm thứ Năm sau chuyến thăm đến nhà máy Formosa ở Việt Nam.

Tại cuộc họp báo, bà được hỏi về việc bà bị giữ chín tiếng tại sân bay Nội Bài, Hà Nội.
Đến Việt Nam hôm 31/7, bà bị giữ tại sân bay Nội Bài hôm 1/8 khi định lên máy bay ra thành phố Vinh, Nghệ An để từ đó đi xe tới nhà máy thép Formosa ở tỉnh Hà Tĩnh.
Nhà máy thép của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bị Việt Nam kết luận gây ra sai phạm môi trường, dẫn đến tình trạng cá chết ở miền Trung hồi tháng Tư.

Báo Taipei Times dẫn lời bà Tô nói tại cuộc họp báo: "Chính phủ Việt Nam không liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với chúng tôi."
"Tôi vẫn không hiểu tại sao hộ chiếu của tôi bị nhân viên hàng không giữ."

Bà Tô cho biết nhóm của bà định thăm nhà máy Formosa để tìm hiểu vụ ô nhiễm, thăm một trại trẻ mồ côi của người Công giáo ở Vinh và mua sách thiếu nhi Việt Nam cho người Việt sống ở huyện Vân Lâm, là nơi bà đại diện cử tri ở Đài Loan.

Sau khi Đại diện ngoại giao của Đài Loan ở Việt Nam thương thuyết với Việt Nam, nhóm của bà được cho biết không được phép thăm trại trẻ ở Vinh, nên họ đã đi Hà Tĩnh bằng xe buýt.
Tin tức trên báo Đài Loan ban đầu nói bà Tô bị cấm đi vì trại trẻ thuộc một nhóm "chống chính phủ", nhưng bà Tô nói bà không biết tính chất chính trị của vụ việc.
"Tôi không biết nhân vật gọi là chống chính phủ nào cả."
"Tôi cũng không biết những người lãnh đạo nhà thờ [quản lý trại trẻ] có chống chính phủ không."

Bà Tô xác nhận nhóm của bà đến Việt Nam bằng visa du lịch.
Nhưng bà cho rằng mình không phạm luật khi thăm những địa điểm không ghi trong đơn xin visa.
Theo bà, khi xin visa đi Việt Nam, nhóm của bà không được yêu cầu nộp chương trình nên không có mâu thuẫn trong việc họ đã đi đâu ở Việt Nam.

Hôm 4/8, tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội, có phóng viên đã hỏi về vụ bà Tô bị giữ ở Nội Bài.
Người phát ngôn ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình trả lời: "Chúng tôi sẽ chuyển câu hỏi của quý vị tới cơ quan chức năng. Theo thông tin ban đầu chúng tôi có được, bà Tô Trị Phần đã nhập cảnh sai mục đích mà bà khai khi xin visa du lịch vào Việt Nam."

'Không có thông tin'

Theo báo Taipei Times, sau khi đến thăm nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh, bà Tô nói nhóm của bà vẫn không biết gì hơn về vụ ô nhiễm ngoài thông tin đã có trên báo chí.
"Chúng tôi không thể có kết luận rõ về vụ ô nhiễm. Chính phủ Việt Nam cần phải công bố báo cáo điều tra của họ."
Bà cũng nói Đài Loan cần xây dựng niềm tin với chính phủ Việt Nam và tăng cường tình hữu nghị với nhân dân Việt Nam.

Theo báo China Post, bà mô tả xã hội Việt Nam là "tràn đầy sinh lực", và "hơi lộn xộn nhưng đầy ắp cơ hội".
Bà nói thêm bà dự định sẽ gặp đại diện của Việt Nam ở Đài Loan để tăng cường liên lạc và xây dựng niềm tin.
*
Tin liên quan

--------------------------
VOA Tiếng Việt
04.08.2016

Một quan chức ngoại giao Việt Nam mới lên tiếng cho biết lý do vì sao bà Tô Trị Phân bị giữ hộ chiếu nhiều giờ đồng hồ ở sân bay tại Hà Nội.
Trả lời báo chí ngày 4/8, phát ngôn viên Lê Hải Bình cho hay rằng bà Tô đã “nhập cảnh sai với mục đích nêu ra trước khi vào Việt Nam”.
Ba ngày trước đó, trên trang Facebook cá nhân, bà Tô viết rằng chính quyền Việt Nam đã, theo lời bà, “tịch thu hộ chiếu, và không cấp cho bà thẻ lên máy bay”, khi bà đang chuẩn bị tới thị sát nhà máy Formosa Hà Tĩnh.
Nữ dân biểu này sau đó cho biết thêm rằng bà đã phải di chuyển bằng đường bộ, thay vì đường hàng không, và đã bị “theo dõi” suốt hành trình.

Trước khi ông Bình lên tiếng, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, ông Trần Huy Hải nói với báo chí địa phương rằng hải quan sân bay Nội Bài “không tịch thu hộ chiếu” của bà Tô.
Ông Hải nói thêm rằng “việc thực hiện các hoạt động ngoài khuôn khổ cho phép của thị thực du lịch, dù với mục đích liên quan tới chính phủ hay kinh doanh, bà có nguy cơ vi phạm luật lệ địa phương”.

Bà Tô chưa lên tiếng trước các cáo buộc của quan chức Việt Nam. Chuyến đi của nữ dân biểu này diễn ra một tháng sau khi Formosa “thừa nhận trách nhiệm” về thảm họa ô nhiễm môi trường, gây ra cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam.
Theo MOFA, China Post


*
TIN LIÊN QUAN






No comments: