23.08.2016
Phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi được bầu
làm chủ tịch Quốc hội khoá 14 vào ngày 23 tháng 7, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, một
mặt, ca tụng các thành tựu của đảng Cộng sản Việt Nam, mặt khác, phê phán các tổ
chức xã hội dân sự và những người thường xuyên phản biện lại các chính sách của
đảng và nhà nước. Bà nói:
“Bảo vệ hòa bình
không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền,
không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những
người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động
các phần tử để làm rối tình hình.”
Phát biểu của bà Nguyễn Thị Kim Ngân rất giống với
các luận điệu thường nghe của các dư luận viên của đảng. Trên các mạng lưới
truyền thông xã hội, đặc biệt facebook, để chống chế lại những sự phê phán đối
với các chính sách sai lầm cũng như những việc làm sai trái của giới lãnh đạo
Việt Nam, các dư luận viên cũng thường nói: Các
người chỉ biết nói suông chứ đã thực sự làm được điều gì cho đất nước?
Sự
giống nhau trong các lời phát biểu trên cho thấy hai điều: Một, đó là quan điểm
chung của giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay; và hai, quan điểm ấy chỉ là một sự
nguỵ biện vừa sai lầm vừa hời hợt. Sai lầm một cách hời hợt.
Trong một chế độ dân chủ, khi người dân được quyền tự
do phản biện và hành động, người ta có thể khuyên, giống như lời khuyên của Tổng
thống Mỹ John F. Kennedy trước đây, “đừng hỏi đất nước đã làm gì cho bạn mà hãy
tự hỏi bạn đã làm được gì cho đất nước”. Nhưng dưới một chế độ độc tài thì
khác. Ở Việt Nam hiện nay, việc hình thành các tổ chức xã hội dân sự bị cấm
đoán. Một số tổ chức xã hội dân sự được ra đời một cách tự phát thì bị ngăn chặn
mọi hoạt động, ngay cả những hoạt động được thừa nhận trong hiến pháp: biểu
tình, dù là biểu tình với một lý do hoàn toàn chính đáng là chống lại các việc
gây hấn ngang ngược của Trung Quốc. Xuống đường biểu tình: bị bắt. Thậm chí chỉ
lên tiếng phản biện lại chính phủ cũng bị trù dập. Trong hoàn cảnh như thế, hỏi
những người yêu nước đã làm được gì cho đất nước cũng giống như việc trói chân
trói tay một người rồi trách mắng là họ không làm được điều gì cả.
VIDEO
:
Việt
Nam tiếp tục đàn áp biểu tình vụ cá chết
Trong lúc chính quyền Việt Nam tìm mọi cách để phủ
nhận ý nghĩa của các tổ chức xã hội dân sự, hầu hết các nhà nghiên cứu về chính
trị học trên thế giới đều cho xã hội dân sự là một trong những nền tảng chính của
dân chủ. Với họ, xã hội dân sự còn quan trọng hơn cả thế chế. Có nhiều nước có
thể chế dân chủ, nghĩa là có bầu cử tự do và có tam quyền phân lập nhưng vẫn
không có dân chủ hoặc nếu có, tính chất dân chủ ấy cũng rất bấp bênh. Kinh nghiệm
tại các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi sau cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập vào
năm 2011 là ví dụ. Sau khi chế độ độc tài bị lật đổ, dân chúng được tự do bầu cử,
nhưng các chính phủ mới được dựng lên từ các cuộc bầu cử ấy không hẳn là dân chủ
thật. Lý do? Có nhiều, nhưng lý do quan trọng nhất là ở đó chưa có các tổ chức
xã hội dân sự, hoặc có, chỉ có một cách èo uột. Sự khác nhau trong tiến trình
dân chủ hoá tại các quốc gia Đông Âu sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ cũng vậy:
ở đâu xã hội dân sự mạnh, ở đó dân chủ được xây dựng vững chắc, ngược lại, ở
đâu xã hội dân sự còn manh nha và rời rạc, ở đó, nguy cơ quay lại độc tài rất
cao.
Được hiểu là một tập hợp tự nguyện của một số công
dân nhắm đến việc phục vụ cho một lý tưởng chung, xã hội dân sự có tác dụng củng
cố ba đặc điểm vốn được xem là nền tảng của mọi tiến trình dân chủ hoá: ý thức
về quyền của mỗi cá nhân; ý thức về trách nhiệm của cá nhân đối với tập thể; và
ý thức về sự hợp tác giữa các cá nhân với nhau vì một mục đích chung của cả tập
thể. Không thể có dân chủ nếu không có ba loại ý thức ấy.
May, mặc dù bị chính phủ cấm đoán, các tổ chức xã hội
dân sự đang dần dần hình thành tại Việt Nam. Họ đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình
với những mục tiêu khác nhau tại Việt Nam, từ việc chống Trung Quốc đến việc bảo
vệ cây xanh tại Hà Nội cũng như việc yêu cầu sự minh bạch trong vấn đề môi trường
ở miền Trung. Tuy nhiên, việc làm đáng kể nhất của họ, cho đến nay, là lên tiếng
phản biện lại các chính sách của nhà cầm quyền. Trên các mạng lưới truyền thông
xã hội, nhiều người trong họ không ngừng phát hiện những sai trái trong phát biểu
cũng như hành động của chính phủ.
Những sự phản biện của họ có hiệu quả hay không?
Tôi nghĩ là có.
Trước đây, mỗi lần nhắc đến hiện tượng ngư dân Việt
Nam bị các tàu hải giám của Trung Quốc đâm chìm hay cướp bóc, truyền thông Việt
Nam chỉ dám dùng chữ “tàu lạ”. Chữ “tàu lạ” ấy bị mỉa mai và phê phán gay gắt
chủ yếu trên các mạng lưới truyền thông xã hội vốn được xem là thuộc “lề trái”.
Sự mỉa mai và phê phán ấy khiến nhà cầm quyền chột dạ. Gần đây, mỗi lần nhắc đến
các sự cố tương tự, báo chí chính thống đều nhất loạt gọi đích danh Trung Quốc.
Sự thay đổi ấy sẽ không thể có nếu không có sự đóng góp của những người phản biện.
VIDEO
:
Đoàn
xe của Thủ tướng VN gây ‘sốt’ mạng xã hội
Mới đây, vào ngày 8 tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc và đoàn tuỳ tùng ghé thăm khu Phố cổ Hội An. Chuyến viếng thăm sẽ không có
điều gì đáng nói nếu đoàn xe hơi của phái đoàn do ông dẫn đầu không chạy vào
con đường đi bộ dành cho du khách. Không có tờ báo chính thống nào ở Việt Nam đề
cập đến chi tiết ấy. Nhưng nó không thoát khỏi mắt của dân chúng. Nhiều người
chụp hình đoàn xe và đưa lên facebook. Các bức hình ấy được phát tán nhanh
chóng và thu hút sự chú ý của quần chúng, làm rộ lên những sự phê phán gay gắt
đối với việc lộng quyền của thủ tướng. Cuối cùng, chưa tới mười ngày sau, trong
cuộc hội nghị về công tác cải cách hành chính, ông Nguyễn Xuân Phúc công khai
xin lỗi; sau đó, chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng công khai xin lỗi về việc để
đoàn xe của thủ tướng đi vào khu phố cổ.
Những lời xin lỗi ấy không thể có nếu không có những
sự phê phán của quần chúng trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Nhìn từ góc độ ấy, những người “chỉ biết nói”, theo
lời của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, đã có đóng góp, dù nhỏ, vào tiến trình dân chủ
hoá cũng như việc xây dựng đất nước. Chính họ, chứ không phải ai khác, là những
kẻ gieo mầm dân chủ cho Việt Nam.
-------------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân.
Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản
ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment