Sunday, August 7, 2016

HÃY NHẬN RA (FB Luân Lê)





FB Luân Lê  (Ls Lê Luân)

Trong chuyến đi Nhật, em được gặp rất nhiều bạn sinh viên trong khu vực Đông Nam Á và học hỏi được nhiều kiến thức về khoa học kĩ thuật của Nhật Bản. Điều đó rất hữu ích đối với một sinh viên kỹ thuật như em. Chuyến đi cũng giúp em nhận thức rằng, làm việc gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của người khác”, trích lời của Yến trong bài báo “Thủ khoa cả đầu vào – đầu ra, 3 tháng chưa xin được việc” đã viết.

Ở đất nước mình, nếu em tốt nghiệp ngành xã hội, văn chương, đảng, đường lối, chính trị thì em mới có đất dụng võ, còn ở ta không có chỗ cho những ngành khoa học, công nghiệp.
Nếu em giỏi thực sự, hãy làm việc cho nước ngoài, hoặc trở thành người tự chế sản phẩm khoa học như các bác nông dân đã từng làm trong suốt thời gian qua, mà ngay cả khi có thành phẩm còn bị từ chối ở đất nước mình.

Khi em bước chân ra ngoài thế giới em mới thấy rằng sinh viên Việt Nam dốt nát và tụt hậu như thế nào với các bạn bè quốc tế, vì chúng ta đào tạo những kiến thức, môn học vô bổ trong nhiều năm, bị định hướng và áp đặt chính trị quá nặng nề và môi trường kinh doanh không hề có mà chỉ dành chỗ cho độc quyền nhà nước (doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo và cũng không có đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, trong khi khu vực tư nhân gần như vắng bóng, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ).

Nếu em không là hậu duệ của quan chức (để bổ nhiệm làm lãnh đạo lúc mới hơn hai chục tuổi), nếu không có quan hệ (để nhờ vả kiểu điện thoại hay bút phê), và nếu không có tiền tệ (để chạy chọt) thì thực khó lòng cho em có một cơ hội sáng sủa nếu chỉ là con em nông dân.

Vì người ta đã nói rồi, “lo chạy chức, chạy quyền xong thì phải vơ vét để bù lại”. Và “một người làm quan, cả họ được nhờ” là vậy.

Chắc em cũng biết, có cô bé tốt nghiệp loại giỏi ra trường không xin được việc đã tự tử chết trong khi gia đình rất nghèo. Rồi nạn mua bằng cấp, ăn cắp đề tài đã phổ biến, nạn thất nghiệp của cử nhân, thạc sỹ với con số hơn 220.000 con người đã là một sự báo động của việc thừa thãi trong đào tạo cũng như nhân lực tri thức dành cho xã hội.

Em đã sang nước Nhật, em đã nhận ra một điều, là họ được giáo dục là làm việc gì cũng phải nghĩ đến lợi ích của người khác trước. Giáo dục của Nhật văn minh vào hàng bậc nhất thế giới, từ lớp 1 đến lớp 3 không hề có một cuộc thi nào, mà chỉ học đối nhân xử thế. Sau đó là học văn minh, khoa học nhân loại chứ không học Lịch sử đảng, Nghị quyết đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, Kinh tế chính trị, Triết học Mác Lê Nin, Chủ nghĩa xã hội khoa học. Họ học nhân quyền, học về thiết chế chính trị, học luật pháp, học về quyền công dân, về nghĩa vụ nhà nước, về trách nhiệm con người với xã hội, quốc gia. Còn ở xứ ta, họ giáo dục rằng, mọi thứ của quốc gia đã có đảng và nhà nước lo, mọi việc xã hội không liên quan và cũng không phải nghĩa vụ của mỗi cá nhân nên đừng mở miệng ra làm gì, chỉ thiệt thân.

Em hãy nhìn bà nữ luật sư Inada vừa đắc cử Bộ trưởng Bộ quốc phòng (người nữ thứ 2 trong lịch sử chính quyền Nhật Bản đảm nhận chức vụ cao, mà không theo kiểu cơ cấu như ở xứ ta) để thấy nước họ minh bạch và trọng dụng nhân tài như thế nào. Hay bà Hillary Clinton làm Ngoại trưởng Mỹ đang tranh cử vị trí tổng thống quyền lực nhất thế giới, rồi bà đầm thép Angela Merkel làm Thủ tướng Đức, hay cố thủ tướng nước Anh – bà Margaret Thatcher,…

Tôi tin rằng, sẽ sớm thôi, rồi một ngày đất nước mình sẽ trở nên văn minh và dân chủ như họ. Nhưng trước hết, các em, là các bạn trẻ đại diện của giới trí thức tương lai, với nhận thức sẵn có và với sự thuận lợi của thế giới phẳng không giới hạn, hãy tỉnh táo và đừng để bị lợi dụng, lừa mị mà hãy nhận ra những vấn nạn mang tính gốc rễ ở đất nước mình để đấu tranh mà cải biến nó tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn. Vì nhiều người trong số họ, những người có chức quyền vẫn còn ru ngủ người dân bằng lý do với câu nói thật sự chua xót và cả đầy sự nhục nhã nữa, “biết là những quy định đó là văn minh đấy, nhưng nó chưa phù hợp với người dân hay đất nước mình”.

Chúng ta, khinh rẻ ngay cả chính mình. Mà điều đó lại do sự giáo dục lệch lạc và thiếu hụt mà ra.

Sẽ không bao giờ có thứ văn minh nào mà tự nhiên nó lớn dần lên, nếu người dân không biết tự mình đòi hỏi và đấu tranh vì nó.

Hãy nhìn các bạn trẻ, những sinh viên Hồng Kông mà học tập những gì họ đang làm để đấu tranh cho đất nước mình, dù họ vốn là một quốc gia đã phát triển và thuộc hàng văn minh bậc nhất ở Châu Á này.




No comments: