Wednesday, August 10, 2016

BẤT TUÂN DÂN SỰ (Henry David Thoreau)





Henry David Thoreau (1817-1861)
Phân đoạn và phụ đề là của Luật Khoa.org
10-8-2016

Henry David Thoreau 

Lời người dịch: “Civil Disobedience”, bài luận nổi tiếng nhất của Henry David Thoreau (1817-1862), nhà văn và nhà tư tưởng Mỹ, ra đời sau khi ông bị giam một đêm trong tù vì khước từ đóng thuế để phản đối cuộc Chiến tranh Mexico và chế độ nô lệ đang phát triển ở Mỹ. 160 năm sau, sau những gì đang diễn ra trên khắp thế giới càng thấy bài tiểu luận này vẫn đầy tính thời sự, và không chỉ đối với nước Mỹ. 


Chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị ít nhất

Tôi hoàn toàn đồng ý với phương châm: “Chính phủ tốt nhất là chính phủ cai trị ít nhất”, và mong ước phương châm ấy được áp dụng vào thực tế một cách có hệ thống hơn và càng nhanh càng tốt. Khi phương châm ấy được đưa vào thực tế thì nhất định cuối cùng nó sẽ đưa đến, tôi tin như thế: “Chính phủ tốt nhất là chính phủ không cai trị gì cả” và khi mà mọi người sẵn sàng chấp nhận chuyện đó thì họ sẽ có một chính phủ như thế. Chính phủ, trong trường hợp tốt nhất, chỉ là một phương tiện; nhưng thường thì đa số các chính phủ, và đôi khi tất cả các chính phủ, đều là những phương tiện tồi. Lý luận phong phú, vững chắc và có sức thuyết phục dùng để phản đối việc duy trì một đội quân thường trực; cuối cùng, có thể cũng được áp dụng để chống lại một chính phủ thường trực. Quân đội thường trực chỉ là cánh tay của chính phủ thường trực. Chính phủ – tự nó chỉ là một hình thức để nhân dân thực hiện ý chí của mình – có thể bị lạm dụng và biến chất trước khi nhân dân kịp dùng nó để thực hiện những điều họ muốn. Bằng chứng là cuộc chiến tranh hiện nay ở Mexico, đấy là do một nhóm người coi chính phủ thường trực chỉ là phương tiên trong tay mình gây ra, chứ ngay từ đầu, nhân dân đâu có đồng ý với cách làm như thế.

Chính phủ Mỹ là gì – chẳng phải đấy chỉ là một truyền thống, mặc dù chưa lâu, đang tìm cách tự biến mình thành hiện tượng vĩnh viễn, nhưng lại thường xuyên đánh mất tính chính trực của mình hay sao? Chính phủ Mỹ không có cả sức sống lẫn sức mạnh của một người đơn lẻ, vì một người đơn lẻ cũng có thể bắt nó khuất phục ý chí của mình. Đối với nhân dân, đấy chỉ là một loại súng gỗ. Nhưng, như thế không có nghĩa là không cần chính phủ; vì nhân dân cần một loại máy móc phức tạp nào đó, nghe thấy tiếng nổ đinh tai nhức óc của nó, để chắc chắn rằng họ có chính phủ. Như vậy là, các chính phủ đã chứng minh được rằng họ dễ dàng lừa được dân chúng, cũng như lừa được chính mình nhằm thu lợi cho mình. Thật tuyệt vời, chúng ta phải công nhận như thế. Nhưng chính phủ của chúng ta chưa bao thúc đẩy được sự nghiệp gì, ngoài việc nhanh chóng né sang một bên. Chính phủ không giữ cho đất nước được tự do. Chính phủ không đưa người sang miền Tây. Chính phủ không làm công tác giáo dục. Tất cả những thành tựu đó đều là do những đặc điểm cố hữu của nhân dân Mỹ mà ra, thậm chí thành tựu còn có thể lớn hơn, nếu chính phủ thỉnh thoảng không cản trở họ. Vì chính phủ là phương tiện mà người dân không dùng để gây phiền hà cho nhau, và như đã nói, nó sẽ là phương tiện hữu hiệu nhất nếu những người bị trị ít bị nó làm phiền nhất. Nếu thương mại không đàn hồi như miếng cao su thì nó sẽ không bao giờ vượt qua được những chướng ngại mà những nhà làm luật thường xuyên tạo ra trên đường đi của nó; và nếu có thể xử những nhà làm luật này theo kết quả những việc họ làm mà không tính đến ý định của họ thì họ đáng bị coi là và đáng bị trừng phạt như những kẻ ngỗ nghịch đem những vật thể lạ đặt lên đường ray xe lửa.

Nếu nói một cách cụ thể và như một công dân, chứ không phải như những người phủ nhận mọi chính phủ, tôi không đòi hỏi giải tán chính phủ ngay lập tức, mà đòi hỏi một chính phủ được cải thiện ngay lập tức. Hãy để cho từng người nói rõ anh ta sẵn sàng tôn trọng một chính phủ như thế nào và đấy sẽ là bước đầu tiên dẫn đến một chính phủ như thế.

Nói cho cùng, một khi chính quyền lọt vào tay nhân dân thì họ sẽ chuyển cho đa số cai trị và cho nó tiếp tục cai trị trong một thời gian dài; đấy không phải là do nó cai trị một cách công bằng, cũng không phải là nó có vẻ công chính nhất đối với thiểu số, mà đơn giản là bởi vì đấy là nhóm mạnh nhất. Nhưng, chính phủ của đa số, trong mọi trường hợp, không thể dựa vào sự công bằng, dù là thứ công bằng mà người ta vẫn hiểu.

Chả lẽ không thể có một chính phủ, trong đó lương tâm chứ không phải là đa số được quyền quyết định đúng sai? Trong đó, đa số chỉ quyết định những vấn đề mà quy định về phương tiện có thể áp dụng ư? Chả lẽ công dân lại phải giao lương tâm của mình, dù trong phút chốc hay chỉ một phần nhỏ lương tâm, cho cơ quan lập pháp ư? Thế thì mỗi người còn cần lương tâm để làm gì? Tôi nghĩ rằng, trước hết chúng ta phải là một con người, rồi sau mới là một thần dân. Không cần giáo dục tinh thần tôn trọng pháp luật bằng tinh thần tôn trọng lẽ phải. Bổn phận duy nhất tôi có quyền thừa nhận là luôn luôn làm những việc mà tôi cho là đúng. Người ta nói đúng rằng đoàn thể không có lương tâm; nhưng đoàn thể của những người có lương tâm thì có lương tâm. Luật lệ không bao giờ làm cho người ta trở thành công chính hơn, chính vì tôn trọng pháp luật mà ngay cả những người đứng đắn cũng thường xuyên, liên tục trở thành tác nhân của sự bất công.


Hậu quả thường thấy và đương nhiên của việc tôn trọng thái quá pháp luật là đội quân với các đại tá, đại úy, hạ sỹ, binh sỹ, lính tải đạn và tất cả những người khác, hành quân trong theo đội hình qua núi đồi và thung lũng để ra chiến trường mặc dù họ không muốn như thế, thậm chí đi ngược lại lương tâm và lương tri của mình – làm cho cuộc hành quân trở thành cực kì khó khăn và làm cho mọi người lo lắng. Các binh sỹ chắc chắn biết rằng họ bị lôi kéo vào một công việc đáng nguyền rủa, tất cả bọn họ đều có thái độ yêu hòa bình. Thế họ là ai? Họ có phải là người hay không? Hay họ chỉ là những pháo đài hay kho vũ khí nhỏ, di động được, nằm trong tay một kẻ vô lương tâm có chức có quyền? Xin hãy ghé thăm một quân cảng và ngắm nhìn một chú lính hải quân: chính phủ Mỹ đã tạo ra một con người như thế nào; bằng những trò phù thủy của mình, họ đã tạo ra một con người như thế nào – không phải là người, mà chỉ một cái bóng, có thể nói là một tử thi biết đi, một tử thi đã bị chôn với tất cả các nghi lễ của nhà binh,

Chúng tôi chôn anh
Không kèn không trống
Chúng tôi đưa xác anh vào huyệt mộ
Không có tiếng súng giã từ


Quần chúng đang phục vụ quốc gia không phải như những con người thực sự, mà bằng sức lực của mình, như những cỗ máy. Họ là quân đội thường trực, là cảnh sát, là cai tù, v.v. Trong đa số trường hợp, họ không cần đến lương tri hay ý thức đạo đức; họ tự hạ mình ngang bằng với cỏ cây, đất đá; một lúc nào đó, có thể chế được những người gỗ làm những nhiệm vụ y như thế. Những người đó không đáng tôn trọng hơn một con bù nhìn rơm hay một đống đất. Giá trị của họ cũng chỉ ngang với chó, ngựa mà thôi. Nhưng chính những người đó lại thường được coi là những công dân tốt. Những người khác, thí dụ, đa số các nhà làm luật, các chính trị gia, các luật sư, tăng lữ, nhân viên văn phòng, phục vụ quốc gia chủ yếu bằng cái đầu của họ, và vì thường không có khả năng phân biệt về mặt đạo đức, mà vô tình họ có thể phục vụ cả qủy sứ cũng như Chúa Trời. Chỉ rất ít người, đấy là các anh hùng, những người yêu nước, những thánh tử đạo, những nhà cải cách theo nghĩa cao qúy của từ này và những người chân chính là phục vụ quốc gia với cả lương tâm của mình, và vì vậy mà họ thường phản đối chính phủ và bị chính phủ coi là kẻ thù. Một người thông thái chỉ có ích khi là một con người và sẽ không chấp nhận là “cục đất sét” và “lấp kín cái lỗ để cho gió khỏi thổi vào”, mà sẽ dành việc đó cho nắm tro tàn của mình:

Ta thuộc dòng dõi quý phái
Không là đầy tớ
Không là tay sai
Không là thần dân mù quáng
Của bất cứ quốc gia nào trên mặt đất này

Người hy sinh tất cả cho đồng bào của mình lại thường bị họ coi là vô tích sự và ích kỉ; nhưng người chỉ hy sinh cho họ một phần lại được tung hô là ân nhân và nhân đức.


Giá của một người trung thực

Con người thời nay phải có thái độ như thế nào đối với chính phủ Mỹ. Tôi xin trả lời rằng, gắn bó với nó là đã nhục nhã rồi. Tôi không bao giờ công nhận cái tổ chức chính trị vốn là chính phủ của kẻ nô lệ là chính phủ của mình.


Tất cả mọi người đều công nhận quyền làm cách mạng; nghĩa là, quyền từ chối trung thành với và chống lại chính phủ khi những hành động bạo ngược hay sự bất tài của nó đã trở thành không thể chịu đựng được nữa. Nhưng, hầu như tất cả mọi người đều nói rằng hiện nay chưa đến mức như thế. Họ nghĩ rằng đấy là tình hình trong cuộc cách mạng năm 1775.

Nếu người ta nói với tôi rằng chính phủ này không ra gì vì nó đánh thuế một số hàng hóa ngoại quốc được đưa vào cảng nước mình, thì có nhiều khả năng là tôi sẽ không cuống lên vì chuyện đó, vì tôi có thể sống mà không cần những món hàng đó. Máy móc nào chả có ma sát, và có khả năng là cái máy này làm được khá nhiều việc tốt đẹp để loại trừ cái xấu xa. Dù thế nào thì ồn ào về chuyện này cũng là việc quá xấu xa. Nhưng khi ma sát được những cỗ máy của chính mình tạo ra, còn áp bức và cướp bóc trở thành những hiện tượng có tổ chức, thì tôi nói: Chúng ta không cần cái máy này nữa. Nói cách khác, khi một phần sáu dân cư của đất nước tự tuyên bố là vùng đất của tự do lại là những người nô lệ, còn đất nước thì bị quân đội nước ngoài chinh phục và cai trị một cách bất công và phải tuân theo luật quân sự thì tôi nghĩ rằng đấy là lúc để những người trung thực nổi dậy và làm cách mạng. Nhiệm vụ này còn trở thành khẩn thiết hơn nữa, đấy là khi đất nước bị chinh phục không phải là đất nước của chúng ta, còn quân xâm lược lại là quân đội của chúng ta.

Paley, được nhiều người coi là rất có uy tín khi bàn về các vấn đề đạo đức, trong chương “Nghĩa vụ tuân chủ chính phủ dân sự”, nói rằng, tất cả trách nhiệm dân sự đều là do lợi ích mà ra; sau đó ông ta viết:

“Khi mà quyền lợi của toàn xã hội đòi hỏi, nghĩa là, khi không thể chống lại hay thay chính phủ hợp pháp mà không gây ra bất tiện cho xã hội thì Chúa nói rằng phải phục tùng chính phủ hợp pháp – nhưng chỉ cho đến lúc đó mà thôi, không hơn. Từ nguyên tắc này, ta thấy rằng tính chính đáng của mỗi trường hợp phản kháng phải được tính toán bằng cách so sánh những bất công mà chính phủ đã tạo ra với giá phải trả cho những biện pháp sửa chữa”.

Mỗi người phải tự đánh giá, ông ta nói như thế. Nhưng, dường như Paley không bao giờ nghĩ tới những trường hợp, khi mà nguyên tắc lợi ích không thể áp dụng được, đấy là khi nhân dân, cũng như từng cá nhân riêng lẻ, phải giành lấy công lý bằng mọi giá. Nếu tôi giành giật một cách bất công tấm ván từ tay một người sắp chết đuối thì tôi phải trả lại cho người đó, mặc dù chính tôi đang bị chìm. Nhưng theo Paley thì đây là việc làm không phù hợp. Nhưng trong trường hợp như thế, kẻ cứu được mạng mình lại là người đánh mất nó. Dân tộc ta không được giữ nô lệ và không được đánh nhau với Mexico nữa, dù cái giá phải trả là sự tồn tại của chính dân tộc này.

Trong thực hành, các dân tộc đều đồng ý với Paley, nhưng chả lẽ có ai đó nghĩ rằng trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Massachusetts đã hành động một cách công chính hay sao?

Thực chất là, không phải một trăm ngàn chính trị gia miền Nam mà là một trăm ngàn thương gia và địa chủ ở đấy phản đối công cuộc cải cách ở Massachusetts, đấy là những người coi thương mại và nông nghiệp cao hơn là nhân tính và chưa sẵn sàng đối xử một cách công bằng đối với những người nô lệ và Mexico, với bất cứ giá nào. Tôi không tranh cãi với những kẻ thù ở xa, mà tranh cãi với những người hàng xóm của mình, những người cộng tác với họ và làm theo mệnh lệnh của những người ở xa, không có những người này thì kẻ thù ở xa sẽ trở thành vô hại. Chúng ta thường nói rằng, quần chúng nhân dân chưa sẵn sàng; nhưng sự cải thiện diễn ra một cách chậm chạp vì số ít kia cũng chẳng thông thái hay là tốt đẹp hơn hẳn đám quần chúng kia. Điều quan trọng không phải là nhiều người cũng phải tốt như bạn, mà quan trọng là phải có điều thiện cao nhất, làm cho cả mẻ bột lên men.

Nếu có hàng ngàn người nghĩ rằng mình phản đối chế độ nô lệ và chiến tranh, nhưng trên thực tế lại không làm gì để chấm dứt những hiện tượng như thế; những người tự coi mình là hậu duệ của Washington và Franklin, lại ngồi, tay đút túi và nói rằng họ không biết phải làm gì và không làm gì; những người thậm chí còn muốn giải quyết vấn đề thương mại tự do trước khi giải quyết vấn đề tự do, và sau mỗi bữa ăn trưa lại lặng lẽ đọc bản thông báo giá cả cùng với những tin tức mới nhất từ Mexico và có thể ngủ quên lúc nào không hay.

Giá của một người trung thực và người yêu nước hiện nay là bao nhiêu? Họ lưỡng lự, và họ hối hận, đôi khi họ cũng viết những bản kiến nghị; nhưng họ chẳng làm được việc gì nghiêm túc và đến nơi đến chốn hết. Họ sẽ tiếp tục ngồi đợi, lòng đầy cảm khái; và để mặc cho những người khác khắc phục tai họa đó, để họ không còn phải hối hận vì nó nữa. Đối với sự nghiệp chính nghĩa, điều lớn nhất mà họ có thể làm là bỏ vào hòm lá phiếu chẳng có giá trị gì, cùng với sự ủng hộ mờ nhạt và lời chúc thành công. Cứ một người đức hạnh thì có chín trăm chín mươi chín người bảo vệ đức hạnh; nhưng tiếp xúc với một người thực sự sở hữu một cái gì đó thì dễ dàng hơn hẳn so với việc tiếp xúc với người tạm thời đứng gác cái đó.


Làm gì với những đạo luật bất công?

Bầu cho cái đúng đôi khi cũng có nghĩa là chưa làm gì cả

Tất cả các cuộc bầu cử đều là trò chơi, tương tự như chơi cờ hay chơi xúc xắc vậy, có pha chút màu đạo đức, một trò chơi với đúng và sai, có những vấn đề đạo lý và có tiền cược. Tính cách của cử tri không có nghĩa lý gì. Tôi bầu theo cách mà tôi cho là đúng, có thể như thế, nhưng tôi không toàn tâm toàn ý lo lắng cho cái đúng ấy giành phần thắng. Tôi muốn giao nó cho đa số. Bổn phận đó như vậy là không bao giờ vượt quá quan điểm lợi ích.

Thậm chí bầu cho cái đúng đôi khi cũng có nghĩa là chưa làm gì cả. Đấy chỉ là thể hiện một cách mù mờ cho mọi người thấy ước muốn của bạn rằng cái đúng phải thắng mà thôi. Một người thông thái không bao giờ lại để mặc cho công lý phụ thuộc vào may rủi, cũng như không muốn nó chiến thắng nhờ vào sức mạnh của đa số. Hành động của đám đông thường chứa rất ít giá trị đạo đức. Cuối cùng, nếu đa số ủng hộ bãi bỏ chế độ nô lệ thì hoặc là họ không quan tâm đến nó hoặc là chẳng còn mấy nô lệ nữa để mà huỷ bỏ. Lúc đó họ chính là những kẻ nô lệ. Chỉ có người khẳng định quyền tự do cá nhân của mình bằng việc bỏ phiếu mới thúc đẩy được việc bãi bỏ chế độ nô lệ.

Nghe nói rằng ở Baltimore và một vài nơi nữa, người ta tổ chức hội nghị với thành phần chủ yếu là các chủ bút và những chính trị gia chuyên nghiệp để chọn ứng viên tổng thống; nhưng tôi xin hỏi, đối với một người trí thức, có tư duy độc lập và tự trọng, quyết định của hội nghị như thế có giá trị gì? Chả lẽ trí tuệ và tính trung thực của ông ta không có lợi hơn cho chúng ta hay sao? Chúng ta có thể bỏ qua những tiếng nói độc lập hay sao? Chả lẽ không có nhiều người từ chối tham gia những cuộc hội nghị như thế hay sao? Nhưng không: tôi thấy rằng con người gọi là tự trọng thay đổi ngay lập tức quan điểm của mình và bỏ mặc đất nước của mình, trong khi đất nước có đầy đủ lý do hơn để bỏ mặc anh ta. Anh ta lập tức chấp nhận ứng viên được chọn theo cách đó, miễn là có ứng viên, và bằng cách đó, anh ta đã chứng tỏ mình là người mà những kẻ mị dân có thể sử dụng cho những mục đích của họ.

Lá phiếu của anh ta cũng chẳng có giá trị gì hơn lá phiếu của một người ngoại quốc vô nguyên tắc hay của người cử tri đã bị mua chuộc. Đâu rồi con người chân chính, một người đàn ông, như ông hàng xóm của tôi nói, không để ai uốn cong sống lưng! Số liệu thống kê của chúng ta hóa ra là sai: không có nhiều người đến thế! Có bao nhiêu đàn ông trên một ngàn dặm vuông trên đất nước này? Chắc chưa được một người. Nước Mỹ có điều gì hấp dẫn để người ta đến đây định cư? Người Mỹ đã thoái hóa thành con người kỳ quặc – loại người có thể nhận biết được vì cách sống theo bầy đàn khá phát triển và thể hiện rõ sự thiếu thốn về tri thức và lòng tự tin; loại người sinh ra trước hết và trên hết là để quan tâm đến tình trạng của nhà tế bần và ngay từ khi còn vị thành niên đã tích cóp tiền cho quỹ dành cho các bà góa và trẻ mồ côi nào đó – tóm lại, loại người chỉ dám sống nhờ công ty bảo hiểm với lới hứa rằng sẽ chôn cất anh ta đàng hoàng.

Những người phê phán chính phủ

Tất nhiên là người ta không có trách nhiệm cống hiến cuộc đời mình cho việc loại trừ cái ác, dù đấy có là cái ác lớn nhất, người đó có quyền có những mối quan tâm khác; nhưng, ít nhất anh ta cũng phải có trách nhiệm tránh xa điều ác và dù không nghĩ đến nó, anh ta cũng không được ủng hộ nó. Nếu tôi theo đuổi những mục đích và suy tưởng khác, trước hết tôi phải nhìn xem liệu tôi có ngồi trên đầu trên cổ người khác khi theo đuổi những suy tưởng ấy không. Tôi phải tụt xuống để người đó cũng có thể theo đuổi suy tưởng của anh ta.

Xin hãy xem những sự bất nhất. Tôi nghe thấy một số đồng bào tuyên bố: “Cứ để cho họ ra lệnh cho tôi đi đàn áp những cuộc bạo loạn của nô lệ hay đi Mexico xem, đừng hòng nhé!” nhưng chính những người đó, bằng lòng trung thành của mình, đã trực tiếp, hoặc ít nhất là gián tiếp, bằng tiền của mình, trang bị cho những người thay thế mình. Chính những người hoan hô người lính không chịu tham gia vào cuộc chiến tranh phi nghĩa lại vẫn ủng hộ cái chính phủ bất công đang tiến hành cuộc chiến tranh ấy. Thế là nhân danh Trật Tự và Phục Tùng Dân Sự, tất cả chúng ta đã bị buộc phải kính trọng và khuyến khích sự hèn hạ của chính mình. Lần đầu phạm tội người ta cảm thấy đỏ mặt, nhưng lần sau người ta sẽ bàng quan; vô luân, như vẫn thường thế, trở thành bàng quan về đạo đức và không hoàn toàn vô ích đối với cuộc đời mà chúng ta đã tạo dựng lên.

Cái sai lớn nhất và lan rộng nhất lại cần cái đức bất vụ lợi nhất ủng hộ. Sự phê phán nhẹ nhàng tinh thần yêu nước lại thường bị những con người cao quý để ý. Những người phê phán chính phủ và những hành động của chính phủ một cách qua loa, nhưng cuối cùng vẫn ủng hộ sự tồn tại của nó, chắc chắn chính là những người ủng hộ chính phủ chân thành nhất và là những trở ngại nghiêm trọng nhất đối với cải cách. Một số người kiến nghị bang này rời khỏi liên bang, coi thường yêu cầu của tổng thống. Tại sao họ không hủy bỏ sự liên hệ của họ với bang và từ chối nộp tiền vào kho bạc của nó? Chả lẽ họ không có thái độ với bang hệt như thái độ của bang với liên minh hay sao? Không phải là chính những nguyên nhân cản trở, không cho bang chống lại liên minh cũng là những nguyên nhân không cho họ chống lại bang hay sao?


Làm sao người ta có thể hài lòng và yên trí khi có một quan điểm nào đó? Người ta có thể yên trí được không nếu cho rằng mình đã bị xúc phạm? Nếu bạn bị người hàng xóm lừa một dollar thì bạn sẽ không cảm thấy hài lòng khi biết rằng mình đã bị lừa, hoặc nói rằng mình đã bị lừa hoặc ngay cả kiến nghị anh ta phải trả, mà bạn sẽ thực hiện ngay lập tức các biện pháp buộc anh ta phải trả toàn bộ số tiền và lần sau không bị lừa nữa. Hành động xuất phát từ nguyên tắc – nhận thức và thực thi công lý – sẽ làm thay đổi các sự vật và các quan hệ, thực chất là một hành động cách mạng, hoàn toàn khác biệt với những hành động trước đó. Nó không chỉ phân chia nhà nước và nhà thờ, nó phân chia gia đình, hơn thế nữa, nó chia rẽ ngay từng cá nhân, tách phần qủy ra khỏi phần Người của anh ta.

Làm gì với những đạo luật bất công?

Vẫn còn những đạo luật bất công: Liệu chúng ta có tuân thủ chúng hay chúng ta phải vừa nỗ lực sửa đổi chúng vừa tiếp tục tuân thủ hoặc bất tuân ngay lập tức? Nói chung, người ta, dưới cái chính phủ như chính phủ hiện nay, nghĩ rằng phải chờ đợi cho đến khi thuyết phục được đa số thay đổi luật lệ. Họ cho rằng, nếu họ chống lại thì kết quả càng tệ hại hơn. Nhưng, nếu kết quả còn tệ hại hơn thì đấy là lỗi của chính phủ. Chính phủ làm cho nó thành tồi tệ như thế. Tại sao chính phủ không có khả năng dự đoán và chuẩn bị cho cải cách? Tại sao chính phủ lại không hoan nghênh thiểu số sáng suốt? Tại sao chính phủ lại gào lên và chống cự khi người ta chưa ra đòn? Tại sao chính phủ không động viên các công dân sẵn sàng chỉ ra sai phạm của mình và làm cho tốt, hơn là mắc phải chúng? Tại sao chính phủ lại luôn luôn đóng đinh câu rút chúa Jesus-Christ, tại sao nó lại rút phép thông công của Copernicus và Luther và tuyên bố rằng Washington và Franklin là là những kẻ bạo loạn?

Người ta cho rằng sự phủ nhận trên thực tế một cách cố ý quyền lực của chính phủ là hành vi phạm pháp duy nhất mà chính phủ chưa từng nghĩ đến, vì nếu không thì tại sao nó lại không đưa ra biện pháp trừng phạt tương ứng, phù hợp và xác định? Một người không có tài sản chỉ cần một lần không chịu kiếm cho chính phủ thì anh ta sẽ bị bỏ tù trong thời hạn do những người giam giữ anh ta tự ý quyết định, chứ không phải theo bất cứ điều luật nào; trong khi nếu người ấy ăn cắp của nhà nước số tiền gấp 90 lần từng đó thì anh ta sẽ được thả ra ngay.

Nếu bất công là do sự va chạm nhất định phải có của bộ máy nhà nước thì cứ để cho nó va chạm, có thể bất công sẽ bớt đi, nhưng bộ máy nhà nước cũng sẽ tiêu ma. Nếu bất công là một cái lò xo, cái ròng rọc, cái dây thừng hay một cánh tay đòn thì có thể cần phải nghĩ xem liệu việc chữa trị có tốt hơn không; nhưng, nếu bản chất của nó đòi hỏi rằng bạn phải là tác nhân bất công đối với người khác thì tôi nói rằng bạn phải chống lại luật đó. Hãy lấy cuộc đời bạn làm cái phanh ngăn chặn cỗ máy đó. Điều ta cần phải làm là không được ủng hộ điều sai quấy mà ta lên án.

Về những biện pháp mà chính phủ đưa ra để sửa chữa những điều sai quấy thì tôi phải nói rằng tôi không biết các biện pháp đó. Chúng đòi hỏi quá nhiều thời gian mà đời người thì có hạn. Tôi còn những việc khác phải làm nữa. Tôi đến thế giới này không phải đơn giản là để tạo ra một chỗ tốt để sống mà còn phải sống trong đó, dù nó tốt hay xấu. Không ai phải làm tất cả mọi việc, nhưng ai cũng phải làm một số việc, và bởi vì người ta không thể làm mọi việc nên không được làm những việc sai quấy. Việc của tôi không phải là thỉnh cầu ông Thống đốc bang hay nhà làm luật cũng như họ không có trách nhiệm gửi thỉnh cầu cho tôi; nhưng nếu lời thỉnh cầu của tôi không được họ nghe thì sao? Trong trường hợp này, nhà nước không có biện pháp nào cả: Chính Hiến pháp đã là sai quấy rồi. Điều đó nghe có vẻ chói tai, ngang ngạnh và thiếu thiện chí, nhưng phải đối xử với thái độ đó một cách tử tế nhất và thận trọng nhất như thế vì nó xứng đáng như thế. Cải thiện cũng giống như sinh thành và hoại diệt, cơ thể phải đau quặn lên.

Tôi không ngần ngại nói rằng những người tự gọi mình là người theo tư tưởng bãi nô cần phải thôi ủng hộ – cả nhân tài lẫn vật lực – chính quyền bang Massachusetts ngay lập tức, chứ không chờ đến khi có đa số đứng lên ủng hộ lẽ phải. Tôi nghĩ rằng Chúa đứng về phía họ là đủ rồi và không cần chờ đợi thêm một người nào nữa. Hơn nữa, một người đã là đa số với một tiếng nói còn có lý hơn những người hàng xóm của anh ta.


Bắt đầu từ không đóng thuế?


Tôi chỉ trực diện chính phủ Mỹ hay đại diện của nó là chính phủ bang nhiều nhất là một lần một năm, đấy là người nhân viên thuế vụ; một người như tôi thì đấy là cách duy nhất có thể đối đầu trực diện với quyền lực nhà nước. Và bao giờ nó cũng nói: “Hãy công nhận uy quyền của ta”. Trong tình hình hiện nay, chúng ta chỉ có thể thể hiện sự bất mãn và không thích thứ quyền lực này một cách đơn giản nhất, hiệu quả nhất và cần thiết nhất: Không công nhận nó.

Người hàng xóm đáng kính, người nhân viên thuế vụ mà tôi phải tiếp xúc đó – vì nói cho cùng, tôi tranh cãi với con người chứ không phải với giấy tờ – còn ông ta thì tự nguyện làm nhân viên của chính phủ. Làm sao ông ta biết mình là ai và hành xử như một nhân viên của chính phủ hay như một con người cho đến khi ông ta phải suy nghĩ về cách đối xử với tôi – người hàng xóm được ông ta tôn trọng – như một người hàng xóm hay như một thằng điên và kẻ gây rối trật tự công cộng và tìm cách vượt qua trở ngại đối với tình làng nghĩa xóm mà không phải dùng tới những từ ngữ thiếu suy nghĩ và ý nghĩ khiếm nhã. Song, tôi biết rõ rằng nếu một ngàn người trung thực, nếu một trăm người trung thực, nếu có mười người tôi có thể kể tên, chỉ cần mười người trung thực thôi, thậm chí chỉ cần một người trung thực trong cả Bang Massachusetts này không giữ nô lệ nữa, người đó có thể bị tống ra khỏi cộng đồng, bị nhốt vào tù; nhưng chế độ nô lệ trên toàn nước Mỹ sẽ bị bãi bỏ.

Vấn đề là khởi đầu, dù nhỏ đến đâu: một khi điều tốt đã được thực thi thì nó sẽ trở thành vĩnh viễn. Nhưng chúng ta chỉ thích nói về chuyện đó thôi, chưa ai trong chúng ta coi đấy là nhiệm vụ của mình. Hàng chục tờ báo nói về cải cách, nhưng chẳng có một người cụ thể nào đủ can đảm. Nếu người hàng xóm đáng kính của tôi, cũng là người đại diện cho nhà nước, vốn dành cuộc đời mình cho vấn đề quyền con người trong Hội đồng mà đừng lo lắng về nhà tù ở bang Carolina, nơi giam tù nhân của bang Massachusetts, bang đang tìm cách đẩy tội lỗi của chế độ nô lệ sang bang bên cạnh – mặc dù hiện nay lý cớ cho sự bất hòa chỉ là lòng hiếu khách chưa được như ý mà thôi – thì kỳ họp mùa đông tới, cơ quan lập pháp đã không loại vấn đề này ra khỏi chương trình nghị sự rồi.

Khi chính phủ bỏ tù người dân một cách bất công thì nhà tù sẽ là ngôi nhà cho những người công chính. Hiện nay chỗ xứng đáng duy nhất mà bang Massachusetts dành cho những người yêu tự do và chưa bị ngã lòng chính là nhà tù, đấy là nơi mà bang này nhốt và ly khai họ, cũng như trước đó họ đã – bằng niềm tin của mình – ly khai với chính quyền. Người nô lệ bỏ trốn, tù binh Mexico được tạm tha sau khi tuyên thệ và người Da Đỏ đang tìm cách bảo vệ đồng bào của mình phải sống tại đây. Nhà tù là khu vực đặc biệt, nhưng tại thời điểm này có vẻ tự do hơn và đáng kính trọng hơn nhiều chốn khác; nơi mà bang này cách ly những người chống lại nó – ngôi nhà duy nhất trong bang còn chế độ nô lệ – và cũng là nơi những người tự do có thể sống trong danh dự.


Nếu có người nào đó nghĩ rằng đi tù thì anh ta sẽ không còn tạo được ảnh hưởng nữa, rằng chính phủ sẽ không nghe thấy anh ta, rằng trong tù anh ta không còn là kẻ thù nữa, thì anh ta không hiểu rằng chân lý mạnh hơn dối lừa đến mức nào, cũng như không hiểu rằng người thực sự trải nghiệm bất công sẽ đấu tranh hiệu quả và hùng hồn như thế nào.

Bạn không chỉ đưa ra ý kiến bằng một mẩu giấy mà phải bằng toàn bộ sức mạnh của mình. Thiểu số là bất lực khi chiều theo đa số, trong trường hợp đó, nó cũng không còn là thiểu số nữa. Nhưng thiểu số sẽ có thứ sức mạnh vô địch khi nó chiến đấu với tất cả sức mạnh và niềm tin của mình.

Nếu sự lựa chọn là bỏ tù tất cả những người công chính hay chấm dứt chiến tranh và chế độ nô lệ thì nhà nước sẽ không lưỡng lự mà chọn phương án thứ nhất. Nhưng nếu một ngàn người không chịu đóng thuế thì sẽ không có đàn áp và đổ máu như trước đó, khi chính phủ có đủ nguồn lực tài chính để đàn áp và giết hại những người vô tội.

Trên thực tế, đấy chính là định nghĩa về cách mạng hoà bình, nếu quả thật có thể có một cuộc cách mạng như thế. Nhưng nếu một nhân viên thuế vụ hay một nhân viên công lực nào khác hỏi, như có người từng hỏi tôi: “Tôi biết làm thế nào?” thì câu trả lời của tôi sẽ là: “Nếu ông quả thật muốn làm một cái gì đó thì hãy từ nhiệm đi”. Khi công dân bất tuân và công chức từ nhiệm thì đấy chính là cách mạng. Nhưng giả sử có đổ máu? Thế máu không đổ khi lương tâm bị thương tổn ư? Nhân cách và sự bất tử của con người đang rỉ ra từ vết thương này, máu sẽ chảy cho đến chết. Dòng máu ấy lúc này vẫn đang chảy đây.


Khi nhà nước túng quẫn

Tôi nghĩ đến tù đày chứ không phải tịch thu tài sản – mặc dù cả hai biện pháp đó đều phục vụ cùng một mục đích – vì những người bảo vệ công lý chân chính và vì vậy mà là những người nguy hiểm nhất đối với nhà nước thối nát thường không dành nhiều thời gian để tích lũy của cải. Đối với những người đó, nhà nước chẳng mang lại lợi ích gì nhiều, và một khoản thuế khóa tương đối nhẹ cũng trở thành gánh nặng, nhất là khi họ phải kiếm sống bằng đôi bàn tay của mình. Nếu có người sống mà hoàn toàn không dùng đến tiền thì ngay cả nhà nước cũng không dám đòi anh ta tiền.

Nhưng người giàu – tôi nói mà không có ý so sánh theo lối ghen ăn tức ở – luôn có thể bán mình cho những thiết chế đã làm cho người đó trở thành giàu có. Thường thì, càng nhiều tiền thì càng ít đức, vì tiền xen vào giữa anh ta và mục tiêu của anh ta – cuối cùng, giành được mục tiêu cho anh ta, và đương nhiên là chẳng có nhiều nhặn gì đức hạnh ở trong đó hết. Tiền còn giải quyết được nhiều vấn đề khác nữa, mà nếu không thì anh ta sẽ phải tự trả lời, chỉ còn lại một câu hỏi mới, khó nhưng là câu hỏi thừa: Tiêu như thế nào? Và thế là nền tảng đạo đức trượt khỏi chân anh ta.

Cơ hội sống giảm tương ứng cùng với sự gia tăng của cái gọi là “phương tiện” sống. Điều tốt nhất mà một người có thể làm cho nền văn hóa của mình, khi anh ta đã trở thành người giàu – là thực hiện những kế hoạch mà anh ta từng ấp ủ khi còn nghèo. Christ trả lời người Pharisêu: “Hãy đưa cho ta xem đồng tiền nộp thuế”, một người móc trong túi ra đồng xu. Nếu bạn sử dụng đồng tiền có hình Caesar trên đó, và nếu Ceasar làm cho nó có giá trị và đưa nó vào lưu thông, nghĩa là bạn đang ủng hộ nhà nước và bạn vui lòng hưởng thụ những đặc ân của chính phủ đó. Vậy nên hãy trả cho ông ta đồng tiền đó khi Ceasar đòi lại. “Của Caesar, trả về Caesar; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” – họ không hiểu được cái gì – của ai, vì họ không muốn hiểu.


Khi nói chuyện với những người hàng xóm có tư tưởng tự do nhất, tôi cảm nhận được rằng dù họ có nói gì về tầm quan trọng và mức độ nghiêm túc của tự do thì họ vẫn dành sự tôn trọng nhất định đối với sự thanh bình của xã hội. Và cuối cùng vẫn là họ cần sự bảo vệ của chính phủ hiện hành vì hậu quả của hành động bất tuân có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tài sản và gia đình mình. Về phần mình, tôi không thích nghĩ rằng mình phải dựa vào sự bảo vệ của nhà nước. Nhưng, nếu tôi phủ nhận quyền lực của chính phủ khi họ bắt tôi đóng thuế thì chính phủ sẽ lập tức tịch thu tài sản của tôi và làm phiền tôi và con cái tôi. Thế là không tốt. Người ta không thể sống vừa tiện nghi, được tôn trọng lại đồng thời là người trung thực. Không cần tích lũy tài sản, chẳng bao lâu sẽ lại bị mất thôi. Bạn phải là người cấy rẽ hay ngồi xổm ở đâu đó, trồng cấy ít thôi và ăn hết ngay trong thời gian ngắn. Bạn phải sống nội tâm và dựa vào chính mình, và sẵn sàng bắt đầu công việc mới, và không có quá nhiều việc phải làm.

Nếu chỉ cần là thần dân trung thành với chính phủ là đủ thì ngay cả ở Thổ Nhĩ Kì cũng làm giàu được. Khổng tử nói: “Nước có đạo mà nghèo hèn, thì đáng hổ thẹn. Nước không có đạo mà giàu lại sang, thì đáng hổ thẹn”. Không: khi tôi không cần sự bảo vệ của Massachusetts ở một hải cảng xa xôi phía Nam, nơi quyền tự do của tôi bị đe dọa; hay khi tôi không tìm cách tích lũy tài sản ở đây bằng lao động hòa bình, thì tôi có thể từ chối bổn phận đối với Massachusetts và quyền của nó đối với tài sản và cuộc sống của tôi. Hình phạt mà tôi phải chịu do không tuân phục nhà nước còn rẻ hơn là tuân phục. Vì nếu tuân phục, tôi sẽ trở thành người thấp kém hơn.

Cách đây mấy năm, nhà nước đã thay mặt nhà thờ đến gặp tôi và buộc tôi phải đóng một khoản tiền để ủng hộ vị tu sỹ mà bố tôi từng nghe giảng, nhưng tôi chưa nghe bao giờ. “Nộp đi”, người ta bảo, “nếu không sẽ bị tù đấy”. Tôi không nộp. Nhưng đáng tiếc là có người cho rằng cần phải nộp. Tôi không hiểu vì sao thầy giáo phải đóng thuế để nuôi tu sỹ, chứ không phải là tu sỹ phải nuôi thầy giáo; vì tôi không được nhà nước nuôi, các học trò tự nguyện tới học nuôi tôi. Tôi không hiểu vì sao trường học không nhờ nhà nước thu thuế để bảo trợ cho mình, tương tự như nhà thờ vậy. Tuy nhiên, trước yêu cầu của các nhân viên thuế vụ, tôi đồng ý tuyên bố bằng văn bản như sau: “Xin mọi người biết rằng, tôi, Henry Thoreau, không muốn bị coi là thành viên của bất cứ tổ chức nào mà tôi không tham gia”. Tôi giao bản tuyên bố cho viên thư ký thành phố và ông ta đã nhận. Và từ khi nhà nước biết rằng tôi không muốn bị coi là thành viên của nhà thờ đó, họ đã không đòi tôi phải nộp nữa; mặc dù lần đó họ đã kiên quyết đòi tôi phải nộp. Nếu tôi biết tất cả tên của các tổ chức thì tôi sẽ tuyên bố ra khỏi tất cả các tổ chức mà tôi chưa từng tham gia ngay lập tức, nhưng tôi không biết tìm danh sách này ở đâu.

Tôi không đóng thuế thân sáu năm rồi. Một lần tôi bị giam một đêm vì chuyện đó; trong khi ngắm nhìn bức tường đá dày gần một mét[1] , cái cổng gỗ viền thép dày cả nửa mét[2] tôi bất ngờ nhận ra sự ngu dốt của cái thể chế coi tôi chỉ như một cục thịt, có thể giam cầm được. Tôi ngạc nhiên vì họ đã chọn cách đó chứ không sử dụng tôi theo cách nào khác. Có một bức tường đá ngăn cách tôi với đồng bào của tôi, nhưng người ta còn phải vượt qua một bức tường khó khăn hơn thế nhiều để đạt được tự do như tôi. Tôi không cảm thấy bị giam cầm, dù chỉ một khắc giây và bức tường kia chỉ là sự phí phạm đá và vữa. Tôi thấy như chỉ một mình tôi đóng thuế mà thôi. Không biết xử sự với tôi, họ đã hành động như những kẻ vô giáo dục. Những lời đe doạ cũng như thuyết phục của họ đều ngớ ngẩn vì họ cho rằng ước muốn duy nhất của tôi là ra khỏi mấy bức tường đó. Tôi không thể không mỉm cười trước cái cách họ ngăn chặn tư tưởng của tôi, nhưng tư tưởng của tôi vẫn theo họ mà ra, không hề ngăn ngại, và chỉ có chúng mới là mối nguy với họ. Không thể khuất phục được tôi, họ quay ra hành hạ thân xác tôi; giống như trẻ con, khi không đánh được người chúng ghét thì chúng quay ra hành hạ con chó của người đó. Tôi thấy rằng nhà nước rất kém khôn ngoan, nó cũng lúng túng giống như một gái già cô độc với chiếc thìa bạc vậy; nó không phân biệt được bạn thù, nó đã đánh mất sự tôn trọng cuối cùng còn lại của tôi và tôi chỉ cảm thấy thương hại cho nó.

Như vậy là nhà nước không bao giờ có thể kiểm soát lý trí, đạo đức mà chỉ kiểm soát thân xác và ngũ quan của con người [3]. Nó không được trang bị lòng trung thực và trí thông minh, nó chỉ có sức mạnh. Tôi sinh ra không phải để bị đè nén. Tôi sẽ thở theo cách của mình. Để xem ai mạnh hơn ai. Đám đông thì có cái gì? Chỉ những ai thuận theo luật cao hơn tôi mới ép buộc được tôi. Đằng này họ lại bắt tôi giống như họ. Tôi chưa từng nghe nói có người nào chịu để cho đám đông chỉ cho phải sống thế này hay sống thế kia. Thế mà gọi là sống ư?

Khi chính phủ bảo tôi: “Muốn sống thì đưa ví đây”, thì việc gì tôi phải vội vã giao tiền cho nó? Có thể nó đang rất túng bấn và không biết phải làm thế nào, nhưng chuyện đó thì liên quan gì đến tôi. Nó phải tự xoay xở, cũng như tôi vậy thôi. Không cần phải than vãn về chuyện đó. Tôi không phải chịu trách nhiệm về hoạt động của bộ máy của xã hội. Tôi không phải là con của người kỹ sư làm ra cái máy đó. Tôi biết rằng khi quả sồi và quả hạt dẻ rơi cạnh nhau thì không quả nào chịu nằm yên nhường đường cho quả kia, mà quả nào cũng đều theo quy luật của mình, chúng nảy mầm, lớn lên và ra hoa kết trái cho đến khi, có thể là, một cây sẽ che hết nắng của cây kia. Nếu cái cây không thể sống theo bản chất của mình thì nó sẽ chết, con người cũng thế thôi.


Cuộc chiến thầm lặng với chính phủ

Đêm ở trong tù có cái gì đó mới lạ và hấp dẫn. Khi bước vào, tôi thấy các tù nhân mặc áo sơ mi, vừa tán chuyện vừa phà hơi nước vào cửa. Nhưng cai tù bảo họ: “Đến giờ đóng cửa rồi”, họ bỏ đi và tôi nghe thấy tiếng bước chân họ trong buồng giam. Cai tù nói với bạn tù cùng phòng với tôi rằng, tôi là “một người tốt và thông minh”. Sau khi đóng cửa phòng, anh ta chỉ cho tôi chỗ treo mũ và tình hình ở đây. Mỗi tháng các phòng giam đều được quét vôi một lần, và cái phòng này, chí ít cũng là phòng trắng nhất, trang bị đồ gỗ đơn giản nhất và có thể là ngăn nắp nhất thành phố.

Đương nhiên là anh ta muốn biết tôi từ đâu tới và làm sao mà lại phải vào đây; và sau khi kể cho anh ta nghe mọi sự, tôi cũng hỏi anh ta vì sao lại phải vào đây vì nghĩ rằng anh ta là một người trung thực và theo quan điểm hiện nay thì anh ta đúng là người như thế. “Người ta vu cho là tôi đốt nhà kho, nhưng tôi không bao giờ đốt”. Theo tôi hiểu thì anh ta có thể đã tới là kho trong tình trạng say rượu, sau đó lấy tẩu thuốc ra hút rồi ngủ quên, và thế là nhà kho cháy. Anh ta được tiếng là người thông minh, và đã phải đợi tòa ba tháng rồi, mà có thể phải đợi thêm chừng ấy nữa; nhưng anh ta đã quen và lấy làm hài lòng vì được ăn không mất tiền, và theo anh ta thì còn được đối xử tử tế nữa.

Anh ta nằm cạnh một cửa sổ, tôi nằm cạnh cái thứ hai; và tôi thấy rằng công việc chủ yếu của những người bị tù lâu là nhìn ra cửa sổ. Chẳng bao lâu sau tôi đã đọc hết những cuốn sách mà người ta để lại ở đây, và nhìn những chỗ mà những tù nhân trước đây đã chui ra để vượt ngục, những ô cửa sổ đã bị cưa và nghe những câu chuyện về những người tù đã từng bị giam trong buồm giam này; hóa ra buồng giam cũng có lịch sử và những chuyện ngồi lê đôi mách, nhưng chỉ lưu hành trong mấy bức tường nhà giam mà thôi. Có khả năng đây là ngôi nhà duy nhất trong thành phố có người làm thơ, sau đó được chép lại, nhưng không được xuất bản. Người ta đã cho tôi xem nhiều bài thơ, do những người trẻ tuổi làm, những người này bị bắt sau khi vượt ngục và trả thù bằng cách ngâm thơ.

Tôi tìm cách moi tất cả mọi chuyện của người bạn tù vì sợ rằng sẽ không bao giờ gặp lại anh ta nữa; nhưng rồi cuối cùng anh ta cũng chỉ cho tôi chỗ nằm ngủ và bảo tắt đèn.

Ở đây một đêm cũng chẳng khác gì đi du lịch đến một đất nước xa lạ mà tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ tới. Dường như trước đây tôi chưa bao giờ nghe thấy tiếng chuông đồng hồ của thành phố, cũng chưa nghe thấy tiếng động của làng quê đang chìm vào giấc ngủ, chúng tôi không đóng cửa sổ khi ngủ vì bên ngoài có chấn song rồi. Làng quê tôi như thể đang ở giữa thời Trung Cổ, và con sông Concord thì trở thành sông Rhine và tôi trông thấy hình ảnh những hiệp sỹ và những pháo đài lướt qua trước mắt mình. Từ những con phố phía xa vẳng lại tiếng những thị dân già nua. Tôi trở thành khán giả và thính giả vô , vì đây là thị trấn. Tôi bắt đầu hiểu được công việc của dân chúng thành phố này.tình của những việc người ta nói và làm trong cái bếp của cái khách sạn nhỏ nằm ngay sát nhà tù – đây là điều hoàn toàn mới và hiếm khi xảy ra với tôi. Dường như tôi đang nhìn thấy thành phố từ bên trong lòng nó. Đây là một trong những thiết chế đặc biệt của nó.

Buổi sáng người ta đưa thức ăn qua cái lỗ ở cánh cửa chính, đấy là một cái chảo thiếc dài với cốc chocolate, bánh mì đen và cái thìa bằng sắt. Khi người ta tới lấy cái chảo, do thiếu kinh nghiệm, tôi đã trả lại mẩu bánh mì còn sót lại, nhưng anh bạn tù cùng phòng đã giằng lại, anh ta nói rằng tôi phải giữ cho bữa trưa và bữa chiều. Một lúc sau anh ta phải đi cắt cỏ ở cánh đồng bên cạnh, đây là công việc anh ta vẫn làm và đến trưa sẽ về; nhưng anh ta tạm biệt tôi vì nghĩ rằng chúng tôi sẽ không gặp lại nhau nữa.

Khi tôi ra khỏi nhà tù – vì có người can thiệp và nộp thuế cho tôi – tôi không thấy những thay đổi to lớn mà một người bước vào nhà tù từ khi còn trẻ nhưng khi ra thì đã là một ông già lọm khọm có thể chứng kiến; nhưng dù sao thì mọi sự cũng đã thay đổi – thành phố, bang và đất nước – thay đổi lớn hơn là thời gian có thể tạo ra. Tôi nhìn thấy cái bang mà tôi đang sống một cách rõ ràng hơn. Tôi nhận thức được mình có thể tin tưởng và dựa vào bạn bè, chòm xóm đến mức nào; tôi thấy rằng tình bạn chỉ có trong những ngày vui mà thôi, rằng họ không sẵn sàng làm những việc đúng đắn, rằng họ cũng là giống người xa lại với tôi chẳng khác gì người Trung Quốc hay người Malay vậy; rằng họ chỉ hy sinh vì nhân loại khi không phải chịu bất cứ rủi ro nào, thậm chí ngay cả đối với tài sản; rằng họ cũng chẳng phải là những người cao quý, mà sẽ đối xử với kẻ cắp y như kẻ cắp đối xử với họ; và hy vọng cứu chuộc được linh hồn mình bằng cách tuân theo một số quy tắc và mấy lời cầu nguyện, và thỉnh thoảng đi theo đường thẳng, mặc dù đấy là con đường vô tích sự. Có thể đấy là lời phán xét quá cay nghiệt, vì tôi tin rằng nhiều người trong số họ không biết rằng trong thành phố này có một thiết chế là nhà tù.

Làng tôi có tục lệ, khi người mắc nợ ra khỏi nhà tù thì mọi người chào anh ta bằng cách đan các ngón tay lại với nhau rồi giơ lên ngang mắt như thể đấy là song sắt trước cửa sổ nhà tù. Nhưng hàng xóm của tôi không chào tôi theo kiểu đó, họ nhìn tôi rồi nhìn nhau, tuồng như tôi vừa trở về sau một cuộc viễn du vậy. Tôi bị bắt trên đường đến nhà người thợ giày để lấy đôi giày tôi đang nhờ chữa. Được thả ra vào sáng ngày hôm sau, tôi tiếp tục đến nhà ông thợ giày để làm cho xong công việc dở dang và sau khi đi giày, rồi tham gia cùng với mọi người đi hái việt quất, họ đang sốt ruột đợi tôi vì tôi là người dẫn đường – ngựa đã được đóng yên – và chẳng bao lâu sau tôi đã ở trên ngọn đồi cao nhất, giữa cánh đồng, cách thành phố hai dặm, chẳng còn liên quan gì tới nhà nước nữa.

Câu chuyện “tù tội” của tôi là như thế.


Tôi không bao giờ trốn thuế cầu đường vì tôi muốn là một người hàng xóm tốt, cũng như một thần dân tồi; còn về việc bảo trợ trường học thì tôi đang đóng góp phần của mình vào việc giáo dục đồng bào của mình đây. Không phải là tôi từ chối nộp khoản này hay khoản kia trong bảng thống kê thuế khoá. Đơn giản là tôi bất tuân chính phủ và không muốn liên quan gì đến nó hết. Tôi không quan tâm đến đường đi của những đồng tiền của tôi, ngay cả nếu tôi có thể làm thế, cho đến khi họ dùng nó để mua người hay súng để giết người – đồng tiền không có lỗi gì – nhưng tôi muốn theo dõi hậu quả của sự bất tuân của tôi. Trên thực tế, tôi tuyên bố một cuộc chiến tranh thầm lặng với chính phủ, theo cách của tôi, mặc dù, như vẫn thường thấy trong các trường hợp như thế, tôi tiếp tục nhận những lợi ích của nó.


Nếu người khác trả khoản thuế mà người ta bắt tôi nộp vì họ có cảm tình với nhà nước, là họ đã làm cái việc mà họ làm cho chính mình, tức là khuyến khích sự bất công một cách nhiệt tình hơn là nhà nước đòi hỏi. Còn nếu họ nộp vì tình cảm sai lầm với người phải đóng thuế, nhằm bảo vệ tài sản của anh ta hay để anh ta khỏi bị đi tù, thì đấy là do họ không chịu suy nghĩ một cách thấu đáo về việc họ đã để cho tình cảm riêng tư cản trở lợi ích công cộng như thế nào.

Quan điểm hiện nay của tôi là như thế. Nhưng phải rất thận trọng sao cho hành động của mình không bị ảnh hưởng bởi thái độ cố chấp hay ý kiến của đám đông. Hãy chịu trách nhiệm trước lương tâm của mình và trước lịch sử./.

[1] Nguyên văn: two or three feet thick – dày hai ba foot (mỗi foot dài 0,3048m).

[2] Nguyên văn: a foot thick – dày một foot (mỗi foot dài 0,3048m).

[3] E rằng lúc đó nhà nước chưa được tinh tế lắm. Các nhà nước toàn trị sau này đã kiểm soát tất, cả lí trí, cả tình cảm nữa.

Đã đăng trên Luật Khoa



No comments: