Friday, June 17, 2016

XỨ ĐÔNG DƯƠNG: MỘT GÓC NHÌN KHÁCH QUAN & CHÂN THỰC VỀ VIỆT NAM TỪ BÊN TRONG (Trần Hồng Phong - Bình Luận Án)



Trần Hồng Phong  -  Bình Luận Án
Thứ Sáu, ngày 17 tháng 6 năm 2016
BLA: Để nhẹ nhàng hơn, tôi mở thêm mục "Sách", kể về những cuốn sách có trên kệ sách gia đình. 
Hiếm khi tôi đi nhà sách, nhưng mỗi lần đi đều nghĩ sẽ cố gắng chọn mua một cuốn nào đó mơi mới và có giá trị về lịch sử, văn hóa. Tuần rồi, tôi đã dừng lại khá lâu trước cuốn Xứ Đông Dương của tác giả người Pháp Paul Doumer - là Toàn quyền Đông Dương trong thời gian từ 1897-1902 và sau đó là Tổng thống nước Pháp từ 1931-1932. Cuốn sách dày 632 trang, in và trình bày công phu, đẹp với rất nhiều tranh vẽ minh họa. Giá bán khá cao: 199.000 đồng do Alphabooks và Nhà xuất bản Thế giới dịch, phát hành lần đầu tại Việt Nam tháng 3/2016. Số lượng phát hành: 5.000 cuốn. Bài dưới đây giới thiệu về cuốn sách này.
--------------
Một bức tranh minh họa trong cuốn sách
Một người có công trong xây dựng hạ tầng cho Việt Nam

Paul Doumer là một danh nhân của nước Pháp. Thời gian ông làm tổng thống chỉ hai năm, không phải vì kém, mà do bị ám sát bởi một tay súng người Nga. Trước khi qua Đông Dương (gồm Việt Nam, Lào và Campuchia) làm Toàn quyền (chức vụ cao nhất, đại diện cho nước Pháp và chế độ thực dân của Pháp tại các thuộc địa ở thế kỷ 19, đầu 20) ông từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính Pháp.

Theo lời giới thiệu của Nhà xuất bản, Paul Doumer là "viên quan thực dân cai trị đã thực thi chính sách sưu thuế hà khắc để xây dựng cơ sở hạ tầng cho Đông Dương - đặc biệt cây cầu Long Biên nổi tiếng ở Hà Nội gắn liền với tên tuổi của ông".

Còn trong phần Lời tựa, thì viết: "Dưới thời Toàn quyền Paul Doumer, có rất nhiều công trình quý giá được thiết lập tại Việt Nam, như Viện Viễn đông Bác cổ, Trường Cao đẳng Hà Nội và chấm dứt việc học sinh Đông Dương qua Trung Quốc học. Năm 1901, Paul Doumer đã đến Đà Lạt rồi quyết định chọn nơi đây là đô thị nghỉ dưỡng dành cho người Pháp tại Đông Dương, và tài trợ cho bác sỹ Yersin xúc tiến việc thành lập thành phố Đà Lạt tại đây. Ngoài ra, ông còn là người rất chú trọng công tác xây dựng các công trình hạ tầng. Cùng với đường sắt xuyên Việt, ông còn để lại ba cây cầu ở ba miền là cầu Durmer (cầu Long Biên ngày nay), cầu Tràng Tiền (Huế) và cầu Bình Lợi dành cho xe lửa ở Sài Gòn".

Như vậy, khách quan mà nói, Paul Doumer là người có công với đất nước Việt Nam ta. Đặc biệt trong việc tạo lập, xây dựng cơ sở hạ tầng - vẫn còn ý nghĩa và giá trị kinh tế cho đến ngày nay.

Một cuốn sách lôi cuốn, hấp dẫn 

Xứ Đông Dương là cuốn sách hồi ký, nguyên bản từ tiếng Pháp là L'Indo-Chine Francaise, được Paul Doumer viết và xuất bản lần đầu năm 1905 tại Pháp.

Có thể nói đây là một cuốn sách nội dung rất lôi cuốn và hấp dẫn, với đầy ắp những thông tin giá trị, mà rất có thể chúng ta - những người sống sau 100 năm, chưa từng nghe hay biết - về đất nước, con người, văn hóa, địa lý Việt Nam, suốt từ bắc vào nam, và thậm chí còn ra ngoài biên giới, qua Lào, Campuchia và Trung Quốc.

Tác giả dành từng chương riêng kể lại những điều mắt thấy, tai nghe của mình ở các tỉnh miền Tây, Sài Gòn, Huế, Hà Nội, vịnh Hạ Long ... Tôi đã đọc ngấu nghiến và thấy thực sự rất thú vị, bổ ích.

Chẳng hạn như chỉ riêng về Sài Gòn, tác giả mô tả trước đây là hai thành phố riêng biệt Sài Gòn và Chợ Lớn. Nối giữa hai khu là Đồng Mả, một nghĩa trang lớn nằm giữa rừng cây rộng lớn vắng vẻ, mà hàng ngày ông vẫn thường cưỡi ngựa dạo qua. Dân cư Chợ Lớn khi đó khoảng 100.000 người. Chợ Lớn có rất nhiều nhà máy xay xát lúa thuộc loại máy móc tiên tiến nhất, chạy bằng động cơ hơi nước, mỗi động cơ như vậy 700-800 mã lực, dùng vỏ trấu làm nhiên liệu. Điểm đặc biệt là Chợ Lớn rất sạch!

Tác giả đánh giá như sau: "Sài Gòn là một thành phố nhiệt đới xinh đẹp và duyên dáng nhất vùng Viễn Đông. Một số công trình nghệ thuật ở Sài Gòn rất đẹp, tất cả đều có kích thước lớn, nhà cửa nói chung khá xinh xắn, đường phố rợp bóng cây. Tất cả như bị ngập trong một đại dương xanh" ... 

Đặc biệt, là trong cuốn sách có tới hàng trăm bức tranh minh họa vẽ tay, rất sinh động và phong phú trong đề tài, về đất nước, con người Việt Nam ở những năm 1900.

Toàn quyền Pháp cương quyết chống thói lãng phí, xa hoa trong đám "quan lại" Việt Nam

Trong cuốn sách, có nhiều đoạn nói về những truyền thống, nếp nghĩ hay thậm chí là thói hư tật xấu của người Việt Nam chúng ta.

Có lẽ tôi ấn tượng nhất là đoạn Paul Doumer nói về thói sĩ diện dởm, thích xa hoa, phô trương và phải bằng thiên hạ của đám quan chức người Việt khi đó. Nói một cách ngắn gọn, là khi đất nước đang còn khó khăn, người dân còn khổ sở, thiếu thốn nhiều thứ, mà bọn quan lại thì chỉ biết có tham nhũng, đục khoét, chỉ thích xây những trụ sở, dinh thự to lớn.

Nguyên văn đoạn dưới đây nói về việc Paul Doumer - với tư cách là Toàn quyền Đông Dương, có quyền duyệt hay không duyệt chi xây dựng "dinh thự" ("trụ sở hành chính" ngày nay) theo đề nghị từ các quan chức địa phương người Việt. Hình dung giống như vai trò của Thủ tướng ngày nay, duyệt ngân sách xây dựng các Trung tâm hành chính các tỉnh vậy.

(Chú thích: "chúng ta" là chỉ nước Pháp. "quan chức cai trị" là chỉ các quan lại người Việt trong bộ máy chính quyền do Pháp lập, "miền Tây" là các tỉnh ở Đồng băng sông Cửu Long, nay vẫn gọi là các tỉnh miền Tây, "tôi" là chỉ tác giả - Toàn quyền Đông Dương").

..............

" Các Tòa nhà được xây dựng và duy tu từ nguồn ngân sách từ thu thuế chợ của người dân. Nhìn bề ngoài, chúng rất đẹp, đôi khi quá to. Đó chính là trường hợp dinh thự của một số quan chức cai trị của chúng ta ở các tỉnh giàu có ở miền Tây. 

Một hôm, một viên Chánh tham biện tới xin tôi ra lệnh cho Sở Công chính đừng phản đối ông ta nữa; chuyện là các kiến trúc sư không muốn lập dự án xây dựng một tòa dinh thự mới cho ông ta.


- Tỉnh sẽ trả tiền - viên Chánh tham biện đó nói với tôi. Và tỉnh có các nguồn thu để chi trả các chi phí.


- Nhưng ông đã có một tòa dinh thự rộng rãi, dường như là đủ chỗ rồi. Tại sao ông lại muốn một tòa khác?


Đúng là dinh thự hiện nay đủ chỗ, nhưng nó không to, không đẹp bằng dinh thự tỉnh bên. Tỉnh chúng tôi xứng đáng được giống thế vì tỉnh chúng tôi cũng giàu. Tại sao quan chức tỉnh tôi không được nhà cao cửa rộng như quan chức tỉnh bên?


Tôi đã khiến người đến gặp tôi buồn lòng, khi tôi tán thành Sở Công chính, không chấp thuận một công trình thực sự lãng phí ngân sách tỉnh như vậy".


...................

Qua đoạn đối đáp trên, dù cách nay hơn 100 năm, liên hệ đến "phong trào" các địa phương đua nhau xây dựng các siêu trung tâm hành chính, hay các tượng đài - với số tiền hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng - thì thấy hình như ngày xưa thậm chí vẫn còn thua ngày nay về tính lãng phí, đua đòi - trong tư duy, suy nghĩ của không ít quan chức.

Về mặt "tư duy & ní luận", các quan chức ngày xưa cũng tương tự.

(Cũng phái khen cái tâm, cái tầm của ông Toàn quyền Pháp, khi đã khước từ, không cho phép xây dinh thự chỉ vì cho bằng với các tỉnh khác).

Có điều ngày xưa là chế độ phong kiến thực dân, bất công, tham nhũng ...- và chính vì thế, nên bị nhân dân vùng lên đánh đổ. Còn ngày nay, chế độ ở Việt Nam được Đảng và Nhà nước xác định và đánh giá là "ưu việt", đường lối chính sách đều cương quyết chống lãng phí, tham nhũng ... thế mà...

Đất nước ta nghèo và cứ nghèo mãi là vì thế. Vì tư duy và con người là như thế!
Bìa 1 cuốn Xứ Đông Dương



No comments: