24/06/2016
Bauxite
Việt Nam
Với chủ nghĩa cộng sản từ lâu vẫn chia thế giới
thành hai phe: địch và ta, và chỉ có một cách giải
quyết những mâu thuẫn giữa 2 phe bằng bạo lực, thì việc sử dụng
ngôn từ trong văn chương sách vở cũng phải thể hiện được “tình cảm địch ta” một
cách phân minh, dứt khoát. Hễ đã là địch thì phải dùng những từ
bày tỏ sự khinh ghét như đào đất đổ đi, như không đội trời chung với nó. Còn đã
là ta thì trái lại, từ dùng mà không biểu hiện được sự yêu
thương kính trọng, không phản ánh đúng oai quyền – chức tước, địa vị – của người
mình đề cập, xin người viết hãy coi chừng. Rước lấy tai họa là thường.
Chính cái gọi là “tính giai cấp”, “tính đảng” mà chủ
nghĩa cộng sản đem khoác lên ngôn ngữ kiểu này đã đẻ ra trong đời sống tinh thần
của xã hội hàng loạt chuyện oái oăm, kể ra không xiết. Chẳng hạn một bài báo tường
thuật một buổi lễ, một cuộc mít tinh, v.v... nhiều khi phần tổn hao giấy mực lại
không phải là nội dung buổi lễ nọ, mà là ở việc liệt kê cho đủ chức tước rềnh
rang của các vị khách dự lễ. Nếu gọi tên mà không kèm theo các tính từ bày tỏ
được sự tôn kính, thậm chí không kèm theo đủ các chức tước chế độ đã vinh phong
cho những người ấy (và cố nhiên không phải một người có mặt trong buổi lễ), là
y như tòa báo bị gọi điện chất vấn, có khi người viết còn bị sa thải.
Cách hiểu tính giai cấp, tính đảng của ngôn ngữ còn
dẫn đến khá nhiều chuyện cười ra nước mắt của phê bình, thưởng thức văn chương
trong nhiều thập niên qua. Có trường hợp người làm thơ viết văn dùng một vài từ
miêu tả thông thường, như nói đến tiếng gà gáy, nói đến cột cây số... trên đường
đi của mình, nhưng vì người viết vốn là người có địa vị đặc biệt nên tiếng gà
trong câu văn của anh ta được nhà phê bình tán lên thành “tiếng gọi của đảng”,
cột cây số được coi là “hình ảnh đảng chỉ đường”... trong khi bình tĩnh đọc đi
đọc lại bài thơ, câu văn, chẳng một ai nhận ra “đảng” ở đâu cả. Cũng vậy, “cây
táo ông lành” rất hiền lành bỗng trở thành biểu tượng nói xấu ông Tố Hữu và nhà
văn Hoàng Cát trong truyện ngắn cùng tên vì thế đã mang một cái án kèm theo sự
đối xử tệ hại gần như suốt cả một đời.
Tuy nhiên, cũng vì quá gắn ngôn từ với sắc thái biểu
cảm và ý nghĩa tượng trưng, lâu ngày làm cho ngôn từ mất tính trung lập của ngữ
nghĩa vốn có, nên một khi đối tượng chuyển dịch giá trị thì việc dùng từ cũng
trở thành hài hước hay phản cảm đến trớ trêu. Từ “đồng chí” chẳng hạn, một thời
đã không ai dám dùng bởi dùng nó để gọi người nào thì gần như chửi vào mặt người
ấy. Từ “quân nguỵ” mà đem dùng cho bố con người con rể ông Nguyễn Tấn Dũng cũng
đã từng bị coi là “phạm húy”.
Trớ trêu là vậy mà cái hệ lụy của thói quen coi từ
ngữ mang tính giai cấp vẫn cứ còn đeo đẳng mãi trong xã hội chúng ta, đến nay vẫn
chưa thôi. Hai trường hợp gây sóng gió gần đây mà chúng tôi xin được dẫn lại
trong hai bài viết ở dưới, theo chúng tôi đều là hai bi kịch, của hai con người
vốn dĩ thiện lương, đã phải rước lấy từ những gì không sửa được của nhận thức –
cá nhân và xã hội – vốn từ lâu đã thấm vào não tủy.
Tất nhiên sự hệ lụy được nói đến ở đây tuy về hình
thức có liên quan mật thiết với nhau, song thực chất là khác hẳn nhau. Một bên
thì hình như việc dùng từ không tuân thủ “chuẩn mực có sẵn” chỉ là sơ hở không
chủ ý, nhưng lại bị đẩy tới những quy kết vượt khỏi lỗi lầm dùng chữ, bởi ở đó
người ta nhận ra cái mầm của một đầu óc tự do dân chủ là thứ nọc độc nguy hiểm
mà đảng viên nhất thiết phải xa lánh. Hệ lụy ấy vô cùng đáng sợ vì đã bị lợi dụng,
bị hình sự hóa. Còn một bên thì chính mình không vượt được thói quen buộc chặt
lấy đầu óc, và tự hồn nhiên, bồng bột biến mình thành “một công tố khắc nghiệt”,
để mất đi ít nhiều sự kính trọng từng có. Trường hợp này không đáng bị dư luận
kịch liệt công kích, bởi với thời gian thế nào sự “gay gắt đao to búa lớn” cũng
sẽ được thức ngộ ra. Đó hình như cũng là cách nghĩ của nhà thơ Lưu Trọng Văn.
Xin trân trọng giới thiệu hai bài với bạn đọc.
BVN
--------------------------
1. Diễn đàn Nhà báo Trẻ có thể bị đóng cửa vĩnh viễn,
chung số phận với HAIVL
Trang
Đoan Phạm
Đúng như dự đoán của nhiều người từng “làm việc” với
cơ quan an ninh, kịch bản đã từng xảy ra với Otofun, 6700 Cây Xanh… nay có khả
năng lại tiếp tục xảy ra với Diễn đàn Nhà báo Trẻ.
Câu chuyện đơn giản là thế này: Ngày 17/6/2016,
facebooker Lợi Mai Phan đăng tải một khảo sát (poll) ý kiến các thành
viên Diễn đàn về nguyên nhân “vì sao Casa 212 tan xác?”. Khảo
sát được đặt ở chế độ mở để các thành viên có thể tự đưa phương án trả lời của
mình vào.
Trong ngày 18/6, xuất hiện thêm 4 phương án trả lời,
do thành viên Diễn đàn tự bổ sung: “Máy bay bị bắn”, “Máy bay
bị giông lốc làm rơi xuống biển và vỡ khi đập vào mặt nước”, “Không loại trừ bị
bắn vỡ”, và “Máy bay chất lượng kém do tham nhũng trong ngành quốc phòng luôn bị
đóng dấu mật”.
Cùng ngày, các nhà báo quán triệt tư tưởng “báo chí
có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và
thế giới” ào ào chỉ trích, lên án admin. Petro Times – tờ báo
bị lãnh nhiều giải Kền Kền của Diễn đàn Nhà báo Trẻnhất – tung một
loạt bài chỉ điểm, đấu tố nhà báo Mai Phan Lợi; chủ yếu đánh vào việc dùng từ
“tan xác” để mô tả trạng thái cuối cùng của chiếc máy bay Casa 212. Tối 18/6,
khảo sát bị gỡ khỏi Diễn đàn.
Sau đó, công an, tuyên giáo và Bộ 4T đồng loạt vào
cuộc, triệu tập, thẩm vấn và đe dọa ông Mai Phan Lợi. Họ buộc tội ông vu khống,
bôi nhọ, xúc phạm quân đội khi đưa các giả thiết “Máy bay bị bắn”, Máy bay chất
lượng kém do tham nhũng trong ngành quốc phòng…” vào khảo sát. Tuy nhiên, thực
tế lại ngược lại: Chính họ mới đang vu khống, vì ông Mai Phan Lợi không phải là
người đưa ra các giả thiết đó (Xin nhấn mạnh hai từ "giả thiết").
Những ngày qua và những ngày sắp tới, nhà báo Mai
Phan Lợi bị điều tra, thẩm vấn rất căng thẳng.
Chính
quyền muốn gì?
Đơn giản là họ muốn:
1. Khai trừ Đảng, bắt và truy tố nhà báo Mai Phan Lợi,
vì tội vu khống, bôi nhọ, xúc phạm Quân đội Nhân dân Việt Nam (tội này chưa có
tên trong Bộ luật Hình sự?). Đây là cách xử lý nghiêm khắc nhất, chắc chắn sẽ
làm thỏa lòng quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và các nhà báo kẻ thù của ông
Lợi;
2. Ép nhà báo Mai Phan Lợi rút khỏi cương vị
admin Diễn đàn Nhà báo Trẻ, công an sẽ đưa người khác dễ bảo hơn
vào thay thế, người này phải đủ... ngu để còn điều khiển;
3. Để nhà báo Mai Phan Lợi làm admin tiếp, nhưng phải
theo định hướng của an ninh và tuyên giáo;
4. Ép nhà báo Mai Phan Lợi, với vai trò admin, phải
đóng cửa Diễn đàn Nhà báo Trẻ- điểm tụ tập trên mạng của 12.240 người
làm báo hoặc các nghề liên quan tới báo chí Việt Nam.
Kịch bản 1 và 4 phơi bày màn đàn áp của chính quyền
quá lộ liễu, nên có thể an ninh và tuyên giáo sẽ thích kịch bản 2 và 3 hơn, nhất
là kịch bản 2. Hiện giờ, số nhà báo kền kền chực sẵn trong Diễn đàn, chỉ chờ
ông Mai Phan Lợi “mất chức admin” để nhảy vào cướp vô-lăng, cũng đang rất đông
đảo.
T.Đ.P.
Nguồn: FB
Trang Đoan Phạm
*
2. Tướng Lương và nhà báo Mai Phan Lợi vì sao nên nỗi xung khắc?
Tướng Lê Mã Lương nói:
“Đây là một sự cố hết
sức đau lòng không chỉ đối với lực lượng Phòng không – Không quân nói riêng mà
toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung... Vậy mà một nhà báo có tiếng nói, địa vị
xã hội như Mai Phan Lợi lại dùng từ “tan xác” để nói về nguyên nhân mất tích
máy bay CASA-212 trên một diễn đàn có hàng ngàn thành viên là nhà báo lại càng
không ổn chút nào. Điều này là rất phản cảm và vô trách nhiệm...
Việc Mai Phan Lợi
làm một cuộc thăm dò về nguyên nhân máy bay CASA-212 mất tích với các giả thiết
mang tính chủ quan, nóng vội lại càng vi phạm đạo đức nghề báo. Vô tình càng
làm cho nỗi đau của gia đình các nạn nhân thêm sâu hơn mà đáng ra, nếu anh
không giúp được gì cho họ bớt đau buồn thì cũng đừng nên làm cho họ buồn thêm.
Vì thế, tôi thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần phải có hình thức kỷ luật thật nặng
đối với hành vi này của nhà báo Mai Phan Lợi”.
Gã trân trọng tướng Lương một người lính chiến thực
thụ từng vào sinh ra tử và đi lên vai tướng và vai anh hùng của mình bằng chính
máu xương của mình chứ không như không ít anh hùng và tưởng khác đi lên bằng những
thứ... khác.
Gã quý tướng Lương vì ông khác với không ít tướng
lĩnh khác đã không im lặng hoặc thờ ơ trước những hiểm họạ của đất nước trong
thời khắc vô cùng lâm nguy về chủ quyền về một cuộc chiến tranh rất khắc nghiệt,
sống còn đối với dân tộc.
Tướng Lương là người có dũng khí nói lên tiếng nói
trung thực của mình bất chấp những lời nói ấy không làm hài lòng một số thế lực
nào đó âm mưu đặt lợi ích của mình trên lợi ích dân tộc trước an nguy của dân tộc.
Nói thẳng ra tướng Lương là một tướng nhiều lần công
khai gọi đúng tên của kẻ tạo nên những nguy cơ ấy là Trung Quốc.
Và đó là những cái lớn, cái cao đẹp, cái dũng khí
can trường, cái phẩm chất của tướng Lương.
Gã tôn trọng những phản ứng rất lính, rất tinh thần
đồng đội, thương lính, thương vợ con lính rất thật trước tổn thất sinh mạng của
người lính, đồng đội.
Nhưng gã phải nói thẳng ra rằng nếu tướng Lương chỉ dừng lại ở việc nói lên
thái độ của mình và cảm xúc của mình trước những việc làm, phát ngôn của nhà
báo Mai Phạm Lợi thì sẽ không gây ra những phản ứng trái chiều của những ai có
những tầm nhìn, cách nhìn, tư duy khác cũng trên lợi ích của dân tộc như tướng
Lương đến như thế.
Phản ứng này chỉ có khi tướng Lương đề nghị “cơ quan
chức năng cần phải có hình thức kỷ luật thật nặng đối với hành vi này của nhà
báo Mai Phan Lợi” cùng những quy chụp về đạo đức và trách nhiệm.
Gã cũng phản ứng.
Cách dùng từ “tan xác” chỉ một thực tế nhưng do từ
lâu trong ngôn ngữ báo chí nước nhà đã tự tạo nên quy định rằng “tan xác” là chỉ
để dành cho kẻ xấu.
Nếu có ai viết “gã thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”, “gã
bí thư Đinh La Thăng” này nọ chắc chắn cũng sẽ bị kiểm duyệt không cho in báo
chính thống vì cũng cái quy ước chủ quan rằng chữ “gã” là dành cho đối tượng có
vấn đề hoặc kẻ không tử tế gì.
Như vậy gã đã bật mí cái lí do vì sao gã xưng là “gã”
chứ không phải “tôi, anh, mình” khi viết trên facebook.
Tướng Lương đã vượt qua được những thách thức của thời
cuộc liên quan đến an ninh, nhưng ông còn lấn cấn trong những vòng tròn định sẵn
của văn hoá và thói quen phản biện lệch chiều. Gã nhấn mạnh chữ “lệch chiều” chứ
không nói là “trái chiều”.
Chao ôi giữ được nước đã khó nhưng làm sao cho nước
cường thịnh lại càng khó gấp nhiều lần. Bởi muốn một quốc gia cường thịnh bền vững,
dũng khí không đủ, lòng nhiệt huyết yêu nước không đủ, tình thương đồng bào, đồng
đội không đủ mà còn rất cần cái yếu tố của đa chiều mênh mông văn hoá và sự mở
lòng bao dung những ý kiến phản biện dù những ý kiến đó thiếu tế nhị, thiếu nhạy
cảm và khó nghe.
Gã thích nhất câu nói của Tổng thống Obama khi đến
VN: Tôi thường xuyên nghe những ý kiến phê phán, nước Mỹ lớn lên từ những lời
phê phán như thế.
Gã không hề nghi ngờ về tình yêu nước, nỗi quan tâm
tới vận mệnh đất nước của cả nhà báo Mai Phan Lợi và tướng Lương. Gã chỉ buồn rằng
tại sao một dân tộc có nhiều người yêu nước như thế lại thường xuyên chống đối
lại nhau, công kích nhau?
Hiểu nhau.
Hiểu được nhau mới là quan trọng.
Đất nước gã hơn bao giờ hết cần lắm chữ “hiểu” này.
Vấn đề là chúng ta có thực sự muốn hiểu nhau hay
không?
Mà muốn hiểu được nhau thì phải thật bình tĩnh lắng
nghe và tôn trọng nhau đã.
L.T.V.
Nguồn: FB
Lưu Trọng Văn
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 06:32
No comments:
Post a Comment