Trần Vân Nam
Posted by adminbasam on 11/06/2016
Năm 1969 Bob Kerrey đã chỉ huy
lính bắn giết thường dân Việt Nam ở xã Thạnh Phong, tỉnh Bến Tre. Ông ta không
chối cãi tội lỗi đó và ông ta đã làm nhiều việc thiện cho Việt Nam nhằm chuộc lỗi
trong quá khứ. Điều đáng nói thêm là đã có nhiều Thượng nghị sĩ Mỹ khác tham
chiến ở Việt Nam như John Mc Cain, John Kerry nhưng chỉ Bob Kerrey trở thành sự
kiện ồn ào trong mấy ngày vừa qua. Vì sao vậy?
Trước hết, xin hãy chú ý đến lời
bình luận của ông Trần Quí Cao ngày 08/6/2016 trên blog
Ba Sam về sự kiện ồn ào này: “có một cái gì đó sâu xa hơn ở đằng sau hậu trường”.
Cái gì đó ở sau hậu trường mà ông Trần Quí Cao gợi ý có lẽ là 4 cái sau đây:
– Cái thứ nhất là
lời người phát ngôn của Bộ ngoại giao Lê Hải Bình đã đăng trên VnExpress
ngày 02/6/2016, “việc ông Bob Kerrey, người từng chịu trách nhiệm một vụ thảm
sát thời kỳ chiến tranh, làm chủ tịch hội đồng tín thác Đại học Fulbright cần
được xem xét phù hợp với xu thế quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ”.
Tiếp theo là 2 bức thư của bà
Tôn Nữ Thị Ninh, gồm “BOB KERREY LÀ KHỞI ĐIỂM XẤU CHO TRƯỜNG ĐH FULBRIGHT”
và “Thư ngỏ gửi người Việt Nam và các bạn Mỹ” với những lời lẽ
hằn học, xúc phạm đối với ông Bob Kerrey.
– Cái thứ hai là
sự phát hiện của ông Đồng Phụng Việt ngày 09/6/2016 trong bài bình luận có tên
“Những kẻ đốt đền”, đăng trên blog Ba Sàm, cho biết
trước đây Bộ Giáo dục và đào tạo của Việt Nam nhân danh liên kết đào tạo, đã
yêu cầu FETP (là Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, tiền thân của FUV)
phải đưa 2 môn học “Chủ nghĩa cộng sản khoa học” và “Kinh tế chính trị” Mác
Lenin vào chương trình giảng dạy nhưng bị Đại học Harvard dứt khoát không chịu.
– Cái thứ ba là đoạn
trích sau đây trong bức thư ngỏ thứ hai, ngày 07/6/2016 của bà Tôn Nữ Thị Ninh
gửi người Việt Nam, đăng trên Infonet của Bộ Thông tin và Truyền thông: “Đối
với một đại học kiểu Mỹ như FUV, vai trò của một Hội đồng Tín Thác và người đứng
đầu Hội đồng không đơn giản bó hẹp trong nhiệm vụ gây quỹ mà là quyết định định
hướng chiến lược của trường, và đề ra chủ trương với hàng loạt vấn đề phức tạp
liên quan đến những bên có lợi ích khác nhau trong xã hội. Chính Hội đồng lựa
chọn và bổ nhiệm Hiệu trưởng”. Phần cuối bức thư, bà Ninh nói: “Chúng ta
đang chứng kiến một dạng kêu gọi nhau thi đua bày tỏ ‘vị tha, cao thượng’…
Tôi ngạc nhiên về những tình cảm cảm thông sâu sắc dành đặc biệt cho sự khổ tâm
của BK với ‘những lời thốt ra từ gan ruột’, ca ngợi ông ‘rất can đảm khi quyết
định nhận cương vị hiện nay’!”.
– Cái thứ tư là
sự chủ động chào đón của người dân Việt Nam đối với Tổng thống Mỹ Obama, từ một
đất nước dân chủ và tự do sang thăm Việt Nam tháng 5 vừa qua, với cách rất văn
minh, trật tự và thật lòng và nay họ đang ủng hộ ông Bob Kerrey, phản đối sự ngạo
mạn vô lối của bà Tôn Nữ Thị Ninh, thể hiện trên phần ý kiến bình luận trên các
trang mạng suốt mấy ngày nay.
Việc thành lập Đại học
Fulbright ở Việt Nam trong năm 2016 tại thành phố Hồ Chí Minh là một món quà
trong giỏ quà của Tổng thống Mỹ Obama đem sang, tặng nhân dân Việt Nam hồi
tháng 5, trong đó gồm cả TPP và việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt
Nam.
Đối với Việt Nam, cả 3 món quà
này đều là những món quà quý, ao ước đã lâu, vì từ khi còn sống, bác Hồ đã từng
ước nguyện Việt Nam sánh vai được với các nước văn minh trên thế giới. Muốn thế,
Việt Nam phải có đủ lực để giữ chủ quyền của đất nước, phải có đôi chân khỏe mạnh
là kinh tế và giáo dục, nhưng tiếc rằng đến nay cả hai chân này đang bị thoái
hóa khớp nặng nề, nên càng chạy càng tụt hậu sau thiên hạ, mà họ trước đây có
cùng điểm xuất phát như mình.
Riêng về giáo dục, hệ thống
giáo dục của Việt Nam, kể từ khi đảng cộng sản lãnh đạo đã ngày càng tỏ ra vô
cùng lạc hậu và bảo thủ so với thế giới, không thể cải cách chắp vá được nữa.
Bà Đàm Bích Thủy, Hiệu trưởng
sáng lập FUV cho biết: “trường này sẽ là một đại học Việt Nam ‘kiểu mới’.” Trong bản tin ngày 27/5/2016 của Đài tiếng nói Hoa Kỳ,
VOA, giảng viên Nguyễn Hữu Lam, Đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, đã nói với
VOA rằng, Đại học Fulbright Việt Nam (tức FUV) “phi lợi nhuận, độc lập, tự chủ
về học thuật” đầu tiên. Ông Lam cho rằng đây thực sự là mô hình hiện đại, là
sáng tạo tri thức, giúp người ta độc lập suy nghĩ, sáng tạo và phát triển.
Theo báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 30/5/2016 thì cuối năm 2016, FUV
sẽ đào tạo sau đại học chuyên ngành chính sách công. “Đây là chương trình
đào tạo sau đại học chuyên ngành chính sách công đầu tiên tại Việt Nam. Mục
tiêu của chương trình là xây dựng nền tảng tư duy vững mạnh về năng lực phân
tích chính sách, quản lý và lãnh đạo cho các nhà chuyên môn ở Việt
Nam. Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu sẽ giúp sinh viên học cách
xác định bản chất và các khía cạnh then chốt của chính sách công, khám phá những
giải pháp khả thi và xác định năng lực về mặt tổ chức để thực hiện các giải
pháp này”.
“Khác với các chương trình
chính sách công ở nước ngoài, chương trình chính sách công của Đại học
Fulbright Việt Nam được thiết kế đặc biệt theo những thách thức của
các nhà hoạch định khu vực công trong nền kinh tế đang phát triển và
đang chuyển đổi”.
Riêng chương trình đào tạo cử
nhân, trường “sẽ tập trung vào một số ngành gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật
và toán học. Các ngành khoa học xã hội và nhân văn sẽ được xây dựng trên nền tảng
giáo dục khai phóng (liberal arts) của nền giáo dục đại học Mỹ”.
Đến dây, người có trí tuệ mức trung bình cũng có thể nhận ra rằng trước
đây FETP (tiền thân của FUV) đã dứt khoát không chịu đưa 2 môn học “Chủ
nghĩa cộng sản khoa học” và “Kinh tế chính trị Mác Lenin” vào chương trình
giảng dạy thì nay FUV, do Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác, cũng sẽ dứt
khoát không đưa 2 môn học đó vào chương trình giảng dạy của trường.
Trên lãnh thổ Việt Nam có trường
Đại học nào không tuân lệnh của đảng cộng sản như bỏ 2 môn học nói trên? Nếu tất
cả các trường ĐH ở VN đều như FUV thì Điều 4 Hiến pháp sửa đổi 2013 sẽ còn “bao
nhiêu gam trọng lượng”? Còn nữa: Khi chương trình giảng dạy kinh tế, khoa
học xã hội và nhân văn của FUV xây dựng trên nền tảng giáo dục khai phóng của nền
giáo dục đại học Mỹ, thì lý luận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa còn chỗ nào để tồn tại?
Và khi quản lý tài chính chặt
chẽ, minh bạch, thì đảng sẽ lấy gì để nuôi các con chuột chuyên ăn vụng ăn cắp
tài sản của dân của nước và như vậy cái gì sẽ là động lực thay thế để đảng duy
trì lòng trung thành của giới quan chức và giới trí thức xã hội chủ nghĩa đối với
đảng, theo cách định nghĩa của Trần Trung Đạo?
Hệ thống giáo dục Việt Nam đã
trải qua rất nhiều lần cải cách nhưng càng cải cách càng hỏng, càng đi vào ngõ
cụt, chính vì nó đang phải mang 2 cục bướu trên đầu, đang trở thành ung thư di
căn. 2 cục bướu đó chính là 2 môn học “Chủ nghĩa cộng sản khoa học” và “Kinh tế
chính trị Mác Lenin”. Đến nay chính những người cộng sản cũng đã nhận ra rằng hệ
thống giáo dục Việt Nam cần phải thay đổi để sáng tạo và phát triển, nên họ đã
tiếp nhận món quà Đại học Fulbright của Tổng thống Obama đem từ Mỹ sang.
Tuyên bố chung Việt – Mỹ ngày
23/5/2016 tại Hà Nội đã khẳng định, Việt Nam và Hoa Kỳ hoan nghênh việc thành lập
Đại học Fulbright với mục tiêu trở thành trường đại học đẳng cấp quốc tế của Việt
Nam.
Nhưng đây không phải là món quà
ngon lành như những món quà mà ông già Noel tặng các trẻ nhỏ. Đại học Fulbright
không chấp nhận 2 môn học “Chủ nghĩa cộng sản khoa học” và “Kinh tế chính trị
Mác Lenin” thì đảng cộng sản sẽ dùng ý thức hệ nào để đào tạo lớp trí thức xã hội
chủ nghĩa cho đảng, với 3 đặc trưng mà Trần Trung Đạo đã mô tả loại trí thức này trên Cali
Today ngày 08/6/2016 là: “(1) có học, khoa bảng (2) chủ nghĩa cơ hội, (3) bồi
bút, uốn lưỡi bảo vệ đảng trung thành”, tức là tài biến giả thành thật, biến
sai thành đúng, mà tiêu biểu là người học nhiều nhưng không trở thành người
tử tế và đại cơ hội là Tôn Nữ Thị Ninh.
Có lẽ vì vậy, lời phát biểu của
ông Đinh La Thăng: “Giáo dục là khoa học, không phụ thuộc ý chí chính trị”
đã đăng trên báo điện tử Pháp luật TP HCM ngày 08/6/2016 và bà Tôn Nữ Thị Ninh
đã buộc phải nói toạc ra âm mưu “đảo chính” trong bức thư ngỏ thứ hai gửi người
Việt Nam rằng: “Hiện giờ quả bóng đang nằm về phía nhóm sáng lập Đại học
Fulbright. Vì đây là một dự án giáo dục với ý nghĩa và hệ lụy sâu rộng, tôi hi
vọng nhóm sẽ nghĩ lại và cùng ông BK đưa ra giải pháp ổn thỏa: chọn một người
khác đảm nhiệm vị trí lãnh đạo Hội đồng Tín Thác FUV”.
Cách đây ít lâu, với tinh thần
cẩn trọng, ông Bob Kerrey đã tuyên bố sẵn sàng rút lui nếu sự tham gia của ông ảnh
hưởng tới cơ hội thành công của FUV. Nhưng đến nay, là một người đã từng trải,
có lẽ Bob Kerrey đã cảm nhận được những cái gì đó đằng sau hậu trường mà
ông Trần Quí Cao đã nhắc đến, nên ông đã quyết định không từ chức chủ tịch Hội
đồng Tín thác của FUV. Rất nhiều người được tin này đã gửi lời trên mạng, chào
mừng quyết định của Bob Kerrey.
Nhà văn lão thành Nguyên Ngọc, nguyên là cựu chiến binh Việt Nam đã nói: “Tôi
chưa từng gặp Bob Kerrey, nhưng tôi may mắn có một người bạn thân, Thomas
Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam của Đại học Harvard, Chủ tịch Quỹ Sáng
kiến Đại học Việt Nam (the Trust for University Innovation in Vietnam – TUIV),
đơn vị chịu trách nhiệm huy động vốn để đầu tư cho FUV, cũng là người đã trực
tiếp chọn Bob Kerry cho vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác FUV. Thomas Vallely kể
với tôi rằng, khi những người bạn cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam của Bob
Kerrey là thượng nghị sĩ McCain và ngoại trưởng John Kerry đến gặp Bob để giúp
ông trước nỗi ám ánh tội lỗi đeo đẳng, thì Bob đưa ra cho các bạn một yêu cầu
buộc họ phải cam đoan: tuyệt đối không được bào chữa cho ông! Tôi nói với
Thomas Vallely: ‘Vậy thì ông đã chọn rất đúng người lãnh đạo FUV’!”.
Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói về Bob Kerrey như sau: “điều
thuyết phục tôi nhất lại là thái độ đàng hoàng, đúng đắn (chứ không phải chỉ là
đứng đắn!) của ông… Riêng tôi nghĩ rằng: ông tuyệt đối không nên rút lui vào
lúc này, không phải chỉ vì lợi ích riêng của FUV mà những người quyết định lựa
chọn ông đã cân nhắc, mà còn vì một điều gì đó cao cả hơn trong quan hệ giữa
hai dân tộc chúng ta”.
Theo phóng viên An Tôn của Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA ngày
27/5/2016, FUV là một tổ chức tư nhân, phi lợi nhuận. Vào giai đoạn ổn định,
trường sẽ có số lượng sinh viên từ 6.000 đến 10.000 người. Bà Đàm Bích Thủy cho
biết, trường cần huy động tài trợ tối thiểu 100 triệu USD trong 3 năm tới.
Theo bình luận của Robert Le trên trang blog Ba Sam ngày 08/6/2016 thì ông
Bob Kerrey là người thật sự phù hợp với vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác của
FUV. Cũng theo Robert Le, Việt Nam và Mỹ đã hoàn tất được giai đoạn rất khó
khăn là bình thường hóa bang giao sau chiến tranh thì ngày nay, Đảng Cộng sản
Việt Nam hãy thực sự gác lại thù hận trong quá khứ, cùng Mỹ hàn gắn vết thương
chiến tranh để tiến tới tương lai. Đảng cộng sản Việt Nam chấp nhận hay không
chấp nhận vai trò của Bob Kerey là chủ tịch Hội đồng Tín thác của Đại học
Fulbright sẽ thể hiện sự hòa giải đó.
Robert Le đã nói thay cho những
người Việt Nam yêu nước, mong muốn hòa bình, dân chủ, tự do.
Trong bài phát biểu tại trung
tâm hội nghị quốc gia tại Hanoi, Tổng thống Mỹ Obama đã nói: “Khi những phi công Mỹ đến
đây, người Việt Nam đã giúp đỡ họ. Vào ngày tuyên bố độc lập của Việt Nam, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã trích tuyên ngôn độc lập của Mỹ, rằng mọi người sinh ra đều
có quyền bình đẳng và được hưởng các quyền khác nhau trong đó có quyền sống,
quyền tự do, mưu cầu hạnh phúc. Vào một thời điểm khác, việc đánh đuổi thực dân
đã đưa chúng ta xích lại gần nhau. Không may, chiến tranh Lạnh và sự sợ hãi chủ
nghĩa cộng sản đã khiến lịch sử hai nước đớn đau… Mục tiêu của tôi trong chuyến
thăm này là xây dựng nền tảng ngày càng vững chắc hơn cho quan hệ hai nước
trong nhiều thập kỷ tới”.
Mong rằng Việt Nam và Mỹ sẽ thực
hiện thành công giai đoạn hòa giải để hướng về tương lai với niềm tin của cả
hai dân tộc Việt và Mỹ.
----------------------------
Lê Trọng Kim
Posted by adminbasam on 11/06/2016
.
No comments:
Post a Comment