Từ Linh
Posted by adminbasam on 10/06/2016
THÁNG TƯ, THÁNG NĂM, HỌ ĐÃ LÀM GÌ?
Họ để mặc cá chết, biển độc, nước
thối, người đói, giữa lúc sông cạn, đất mặn, lúa chết, đồng cháy. Họ bày trò ăn
cá tắm biển, làm như miền Trung vẫn yên tĩnh, trong khi hàng triệu người dân mất
đất, mất biển, mất việc, đứng trước nguy cơ phải cù bơ cù bấc tha phương cầu thực.
Họ ra sức bao che cho nghi phạm
lộ liễu trong khi chụp mũ người xuống đường ôn hòa vì môi trường là “nghe theo
phần tử xấu dụ dỗ gây rối”. Họ để mặc an ninh kẹp cổ đánh người rách đầu đổ
máu, lại ra sức khiêng kéo quăng vứt cả trăm thanh niên, phụ nữ, người già vô tội
lên xe về đồn rồi hành hạ tiếp như đối xử với thú vật.
Họ ấm ớ họp báo bảo biết nhưng
chưa thể nói trong khi ngậm máu phun người khẳng định Thư chung 13/5 của
Giám mục Nguyễn Thái Hợp là “thổi phồng” và “kích động”, rồi gọi những trí thức
yêu nước đáng kính như Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang A, Hoàng Hưng, Nguyễn Xuân
Diện… cùng gần 3.000 người ký tên vào Tuyên bố về vụ đầu độc biển miền Trung
27/4 là “ngụy tạo dư luận”, là “lừa mị”.
Họ định thả Trần Huỳnh Duy Thức
qua Mỹ và dùng việc đó như chiếc lá nhỏ che lỗ thối to nhân quyền. Họ bắt,
không cho Đoan Trang, Nguyễn Quang A và những người khác đến gặp Obama, họ cắt
bỏ những đoạn diễn văn ông nói về nhân quyền, họ bắt các bạn trẻ muốn hỏi ông về
vụ cá chết.
Ngày 2/6, họ lại nói họ biết
trong khi 2 tháng rồi lòng dân như lửa đốt vì vẫn không biết nguyên nhân
gì, thủ phạm đâu, điều tra cách nào, ai tham gia, quy trình nào, ai giám sát,
ai phản biện, cách khắc phục, xét xử, giải quyết, bồi thường ra sao…? Ngày Môi
trường Thế giới 5/6, họ lại hốt, lại bắt, lại đánh những người dân muốn thông
tin minh bạch và môi trường trong sạch.
Có phải không, khi họ cùng lúc ấm
ớ giấu diếm, bóp méo thông tin, bao che nghi phạm, mặc dân kêu than, đánh đập
phỉ báng bất cứ ai lên tiếng – dù đó là ngư dân hay doanh nhân, công chức hay
trí thức, sinh viên hay cựu chiến binh, nghệ sĩ hay giáo sĩ – giữa thời buổi
không thể che giấu điều gì, thì họ đã tự tay cởi mảnh vải che thân cuối cùng,
trần truồng lộ nguyên hình HỌ LÀ KẺ ÁC, vô trách nhiệm, dối trá, phi pháp, phi
nhân, bán rẻ lương tâm, bán rẻ đất nước và người dân vì lợi ích riêng.
Và những việc họ làm chỉ có thể
gọi là họ thách đố, họ khinh dân và HỌ TUYÊN CHIẾN VỚI XÃ HỘI, trong khi lại một
mực ngoan ngoãn với những kẻ chễm trệ ngồi trên nắm đầu họ.
Không nghi ngờ gì nữa, đây
chính là giọt nước làm tràn ly, của Đảng chứ không của “thế lực thù địch” nào
khác, thúc giục chúng ta cùng nhau HÀNH ĐỘNG.
Họ tuyên chiến ở mức 7/10 thì
chúng ta phản ứng tương xứng ở mức 7/10. Nếu họ tuyên chiến ở mức cực đại, bắn
thay vì bắt, giết chết thay vì đánh gây thương tích, ám sát thay vì mạt sát,
thì chúng ta sẽ phản ứng ở mức cao nhất
.
Nhưng, chúng ta sẽ làm gì, làm
thế nào, và ai làm?
Phần I bài này xin được đề nghị
một HÌNH THỨC ĐẤU TRANH MỚI, trong bối cảnh Việt Nam, bên cạnh việc biểu tình,
tuần hành. Hình thức này bao gồm một số hành động tập thể mà BẤT CỨ AI cũng có
thể tham gia, ngay hôm nay, không “để lại vân tay”, không cần tổ chức nhiều, dễ
làm và rất hiệu quả nếu đồng bộ. Phần II bài này xin được nêu một số ý kiến
liên quan khác.
***
PHẦN I: TẨY CHAY
TỤ & TÁN
Đấu tranh bất bạo động thường
dùng hai cách TỤ và TÁN, có thể thay nhau hay diễn ra cùng lúc, với mục tiêu và
tác dụng khác nhau.
TỤ là đông người tập trung tại
một chỗ để lên tiếng bày tỏ nguyện vọng, như biểu tình, tuần hành. Cách này thể
hiện khí thế của quần chúng, nhắm mục tiêu chính là lên tiếng, tạo được ngay tiếng
vang với dư luận và nhà cầm quyền, nhưng rủi ro cao, dễ bị đàn áp, sau một thời
gian dễ bị đoán trước và ngăn chặn. (Điều đau lòng là mục tiêu lên tiếng của
các cuộc biểu tình vừa qua có vẻ chỉ đạt hiệu quả cao nhất sau khi xuất
hiện hàng loạt hình ảnh và tường thuật về những người vô tội bị đánh).
TÁN là cách người dân phản
kháng đồng bộ nhưng không cần tập trung tại một chỗ, như tẩy chay, bất tuân, bỏ
việc, bất hợp tác kinh tế và xã hội. Cách này người tham gia không mất nhiều
công sức, mục tiêu chính là đánh thẳng vào những trụ cột của chế độ, làm chúng
lung lay rồi sụp đổ vì người dân bất hợp tác. Đây là cách đấu tranh rất khó bị
trấn áp và hiệu quả cao. 30 Ngày Tẩy Chay là hình thức này.
Ở giai đoạn này, mục tiêu của
30 Ngày Tẩy Chay sẽ là hai biểu tượng lớn nhất của truyền thông nhà nước: truyền
hình và báo chí.
30 NGÀY TẨY CHAY, “KHÔNG ĐỂ LẠI VÂN TAY”
Xuống đường thì bị đánh, lên tiếng
bị bị phỉ báng, quy chụp, đe dọa… không còn con đường nào khác, người dân sẽ phải
HÀNH ĐỘNG VÌ SỰ SỐNG, VÌ SỰ THẬT, VÌ SỰ MINH BẠCH, VÌ MÔI TRƯỜNG SẠCH bằng cách
tiến hành “30 NGÀY TẨY CHAY”, bắt đầu từ HÔM NAY, thứ sáu, ngày 10 tháng 6 năm
2016.
Phong trào tẩy chay sẽ gồm những
việc ai cũng có thể làm trong an toàn tuyệt đối, 30 ngày đầu là để khởi động và
thăm dò, sau sẽ có những 30 ngày khác, tăng dần quy mô và cường độ, và sau đó nữa
sẽ là những hành động bất tuân dân sự rầm rộ, quyết liệt hơn.
Dưới đây là một số hình thức tẩy
chay trong 30 ngày sắp tới.
30 NGÀY TẨY CHAY VTV
Chúng tôi sẽ không xem VTV nữa,
vì VTV đang là công cụ tuyên truyền lớn nhất của nhà nước vô trách nhiệm, thường
xuyên giấu diếm, bóp méo sự thật và thông tin theo chỉ đạo. Người dân đang
kiêng ăn cá độc và sẽ kiêng xem VTV độc.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ tẩy chay
VTV3, kênh lớn nhất phủ sóng toàn quốc, nguồn doanh thu khổng lồ của VTV, nơi
thu hút hàng trăm triệu USD quảng cáo hàng năm. Vào giờ cao điểm, giá đăng một
mẫu quảng cáo 30 giây trên VTV3 có thể lên trên 300 triệu đồng, khoảng 15.000
USD. Mỗi đêm, VTV3 phát hàng trăm quảng cáo, thu vào túi nhà nước hàng triệu
USD, một con số khó tưởng tượng đối với phần đông khán giả, vì họ thấy mình chỉ
xem vài mẫu quảng cáo vui vui 30 giây, chứ không thấy mình đang vô tình “nhảy với
quỷ”, tiếp tay nuôi VTV và truyền thông dối trá.
Tẩy chay sẽ đẩy chỉ số người
xem tuột dốc lập tức, dù đó là chương trình giải trí hoặc chính luận, là bản
tin Thời sự 7 giờ tối, các chương trình 60 Phút mở, Gương mặt Thân
quen, hoặc Nhân tố Bí ẩn… Doanh số quảng cáo sẽ xuống thảm hại, VTV
sẽ thất thu hàng triệu USD mỗi đêm và kéo dài.
Quảng cáo trên truyền hình là một
hoạt động lớn, nhắm vào đại chúng và hoàn toàn lệ thuộc vào phản ứng của đại
chúng. Hàng ngàn công ty, doanh nghiệp, tập đoàn chi hàng triệu USD mỗi đêm chỉ
để khán giả biết đến sản phẩm và thông điệp của họ. Một chương trình càng đông
người xem, họ càng đặt nhiều quảng cáo. Khi biết người xem giảm trầm trọng, các
công ty sẽ phải rút quảng cáo.
Clip đả kích việc làm từ thiện
cho trẻ em dân tộc trong chương trình 60 phút mở của VTV bị ném đá tơi bời,
khiến ai nấy tò mò và bức xúc tìm xem, chỉ trong vài ngày số lượt xem đã lên
hàng triệu. Có lý do để tin số người tẩy chay VTV cũng sẽ lên số triệu.
Những đêm Obama qua Việt Nam, số
người xem tivi tụt giảm vì thiên hạ túa ra đường “xem Obama”, dù số người ra đường
chỉ vài chục ngàn. Những đêm có trận bóng đá gay cấn, số người xem các chương
trình khác cũng giảm hẳn. Rõ ràng, hành vi của đám đông cùng lúc có ảnh hưởng rất
rõ đến chỉ số người xem, và hầu hết không biết việc làm nhỏ của mình có tác động
rất lớn.
Nếu tất cả tẩy chay đồng bộ, chỉ
sau 3 ngày, VTV3 ắt phải khủng hoảng. Sau 30 ngày, VTV3 sẽ phải đóng cửa, hoặc
thay đổi tận gốc.
Là phụ nữ tham gia tẩy chay,
chúng tôi biết rằng một khi biển chết, dân nguy, lãnh đạo vô trách nhiệm, báo
đài điêu toa… thì chúng tôi không thể tiếp tục thờ ơ, mà phải tỏ thái độ, vì chồng
con, gia đình mình và cũng vì chính mình. Chúng tôi sẽ hy sinh những giờ mê say
phim Cô Dâu 8 Tuổi của Ấn Độ, Tề thiên Đại thánh của Trung Quốc, Hậu
duệ mặt trời của Hàn Quốc, Trận đồ bát quái của Việt Nam, hay những
gì tương tự.
Để giúp cuộc tẩy chay dễ dàng
hơn, vì phải bỏ một thói quen hàng ngày, chúng tôi sẽ chuyển qua xem bóng đá
Châu Âu đúng mùa Euro 2016 trên các kênh khác. Thay vì xem những điều nhảm nhí,
chúng tôi sẽ cùng nhau lên mạng xem phim Chuyện Tử Tế của Trần Văn Thủy,
xem phim Đời người khác (The Lives of Others) nói về sự tàn độc của mật
vụ cộng sản Đông Đức và lương tâm con người, hoặc xem phim Gandhi nói về
cuộc đấu tranh bất bạo động đòi độc lập của toàn dân Ấn Độ, hoặc phim Burma
VJ, nói về cuộc đấu tranh của người Miến Điện năm 2008. Các em thiếu nhi
thì xem Đi tìm chú cá Nemo, hoặc Nàng tiên cá…
Sẽ có ít khó khăn trong ngày đầu
tắt tivi hoặc không xem một chương trình quen thuộc. Nhưng khi đã bỏ được đôi lần
thì tâm lý sẽ quen. Vào những ngày đầu, số người tẩy chay có thể chưa nhiều,
nhưng ai đã tẩy chay thì sau ít ngày sẽ mất dần nhu cầu xem tivi, trong khi đó,
nếu được quảng bá tích cực, người tham gia sẽ ngày càng đông, tẩy chay sẽ lan tỏa,
đến cuối hạn 30 ngày sẽ đạt con số khổng lồ.
30 NGÀY TẨY CHAY BÁO CHÍ
Chúng tôi sẽ không mua báo,
không bỏ ra mỗi ngày 4.000 đồng mua báo giấy nữa, vì báo chí trong tay nhà nước
đang chỉ là công cụ của lừa dối, của phản thông tin và cái chết.
Chỉ cần dứt khoát không mua báo
trong 3 ngày là Đảng và nhà nước sẽ thấy ngay ảnh hưởng của cuộc tẩy chay.
Hàng triệu triệu ấn bản báo chí
các loại, từ Tuổi Trẻ, An Ninh, Tiền Phong, Thể Thao Văn Hóa, Lao Động, Thanh
Niên, Người Lao Động, Pháp Luật, Công An, Phụ Nữ, Đất Việt, An Ninh, Sài Gòn Giải
Phóng, Hà Nội Mới, Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân… sẽ thiếu vắng người mua. Nhà nước
có bỏ tiền “tự mua cái mình bán” cũng không thể chịu được mấy chốc.
Doanh thu quảng cáo hàng triệu
USD mỗi ngày của hàng trăm tờ báo sẽ rớt xuống thảm hại. Số lượng phát hành mỗi
ngày cũng sẽ giảm ngay.
Kiên trì kéo dài, trong 30 ngày
mỗi người sẽ tiết kiệm được 120.000 đồng mua báo, một triệu độc giả sẽ tiết kiệm
được 120 tỉ đồng, tức gần 6 triệu USD mỗi tháng, 10 triệu độc giả tiết kiệm được
gần 60 triệu USD mỗi tháng.
Chỉ sau 30 ngày tẩy chay, toàn
bộ nền báo chí đồng phục – vốn bóp chết trí khôn, chà đạp nhân cách và sự chính
trực của người làm báo có tâm – sẽ phải chấm dứt trong nhục nhã, cái chết của một
nền báo chí đồng lõa với cái sai, cái ác, cái xấu.
Thay vì báo giấy, chúng tôi sẽ
xem tin tức trên báo đài Việt ngữ thuộc các hãng truyền thông nước ngoài có
thông tin khách quan hơn. Nếu họ chặn các kết nối, chúng tôi sẽ truyền cho nhau
cách đi xuyên tường lửa.
SỨC MẠNH NGƯỜI TIÊU DÙNG
Khi nhà trí thức bất đồng
Vaclav Havel viết tiểu luận Quyền lực của người không quyền lực (Power
of the Powerless), ông không nhắc đến “người tiêu dùng”. Cũng dễ hiểu vì Tiệp
Khắc thời bấy giờ không phải là xã hội tiêu dùng, mà là “xã hội tem phiếu”.
Vì vậy, Havel chỉ nhắc đến người
đàn ông trông coi cửa hàng quốc doanh có treo khẩu hiệu “Vô sản thế giới đoàn kết
lại”, và bàn luận quanh chuyện có nên hay không nên treo khẩu hiệu này: Treo
thì góp phần làm nên chế độ toàn trị, không treo thì góp phần cắt đứt chuỗi
tuân phục tự động. Ý ông là việc nhỏ của một người có tác dụng dây chuyền vô hạn
và hóa thành chuyện lớn.
Nhưng Tiệp Khắc lúc đó đang ở
thời “mậu dịch” đói kém, không phải là thời có các khu shopping center sang trọng
bán hàng hiệu, có các nhà hàng ẩm thực quốc tế, có các quán cà phê trẻ trung,
sành điệu, sang trọng hoặc hoài cổ đủ loại như ở nước Việt Nam nửa đỏ nửa đen
bây giờ.
Lúc đó, Havel chỉ khuyên mọi
người “sống trong sự thật” (living in truth). Dĩ nhiên, ông không thể kêu gọi tẩy
chay trong một xã hội “không có gì đáng kể để tẩy chay”. Quan trọng hơn nữa, thời
đó không có internet để truyền thông điệp đến cả triệu người trong tích tắc. Nếu
Havel còn sống và ở Việt Nam hôm nay, chắc hẳn ngoài lời kêu gọi “sống trong sự
thật”, ông cũng sẽ kêu gọi tẩy chay như người Việt đang kêu gọi nhau hôm nay.
Bằng biện pháp tẩy chay, người
Việt sẽ thể hiện quyền lực vô song của người tiêu dùng. Quyết định của một người
khi diễn ra cùng lúc với hàng triệu người khác thì tác động vô cùng. Sức mạnh của
triệu triệu người tiêu dùng sẽ được chứng minh lập tức và tiếng nói vốn thầm lặng
của họ bỗng mang sức nặng như núi đè, tạo áp lực đủ lớn để nhà cầm quyền phải
minh bạch và thay đổi.
THỨ NĂM KHÔNG MUA SẮM
Hãy cùng biến mỗi thứ năm trong
tuần thành THỨ NĂM KHÔNG MUA SẮM.
Thứ năm sẽ là những THỨ NĂM
KHÔNG ĐỔ XĂNG.
Tôi có thể trữ xăng hoặc đổ đầy
bình những ngày trước nhưng dứt khoát không ghé cây xăng vào thứ năm, vì đó là
hành động có tính biểu tượng cho ai nấy thấy rằng khi nhà nước vô trách nhiệm,
người tiêu dùng sẽ phản ứng nhắm ngay vào một sản phẩm hoặc dịch vụ chủ đạo nào
đó của nhà nước.
Thứ năm trong tháng sáu 2016
cũng sẽ là những THỨ NĂM KHÔNG RA QUÁN.
Sáng thứ năm, mọi người sẽ thấy
các cửa hàng ăn nhanh, từ Mac Donald’s, KFC, cho đến Carls’ Junior, Lotteria,
các quán cà phê đẹp khắp thành phố từ Highland, NYC, đến Trung Nguyên, Khanh
Casa, Ru Nam, Coffee House, Urban Station, Quán Cộng v.v… không có khách.
Đêm thứ năm, tất cả các hàng
quán, từ quán Bia Hơi Hà Nội, quán nhậu bờ kè Sài Gòn, đến các nhà hàng sang trọng,
trong khách sạn 5-sao, tại khu “Phố Tây” Tạ Hiện hay Bùi Viện, tại những cà phê
dưới hầm như Hard Rock Cafe hay những “skybar” thời thượng trên nóc khách sạn,
cũng sẽ không có người Việt Nam nào.
Đó sẽ là những THỨ NĂM ĐEN để
nhắc nhở mọi người rằng BIỂN XANH ĐANG CHẾT, chúng ta cũng đang chết.
Người Việt hải ngoại cũng sẽ có
thể có những “Thứ năm không mua sắm” để đồng hành với dân mình trong nước. Thay
cho mua sắm, họ có thể đến nhà thờ, đền chùa, thắp nến cầu nguyện, hoặc ở nhà với
gia đình, nói với con về chuyện nước non, cá tôm, sông ngòi, rừng núi.
CHỦ NHẬT KHÔNG RA KHU TRUNG TÂM
Sau những chủ nhật liên tiếp
trong tháng năm, khu trung tâm Sài Gòn và Hà Nội căng như dây đàn vì an ninh
tràn ngập và người biểu tình bị đánh đập, bắt bớ, trong khi loa phóng thanh
oang oang kêu gọi giải tán… thì lần này chúng tôi sẽ “giải tán”.
Nếu biểu tình, chúng tôi sẽ biểu
tình vào một ngày khác, vào đêm thứ hai, hoặc sáng sớm thứ tư, còn chủ nhật, có
thể chúng tôi sẽ làm thế này:
Vào sáng chủ nhật, chúng tôi sẽ
biến đường Lê Duẩn, đường sách Nguyễn Văn Bình, Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Lê Lai,
Lê Thánh Tôn… ở trung tâm Sài Gòn thành những con đường chết, không người,
không xe qua lại, shopping không ai đến, hàng quán không ai ghé. Phố Đồng Khởi
với các con đường cắt ngang như Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Đông Du, Nguyễn Thiệp,
cùng hàng quán sang trọng các loại sẽ vắng người, vắng các anh chị nhân viên cổ
cồn trắng hay các doanh nhân, bạn trẻ, nghệ sĩ sành điệu.
Ở Hà Nội cũng vậy, chúng tôi sẽ
làm cạn những con đường quanh Hồ Hoàn Kiếm như Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Đinh Tiên
Hoàng, hoặc trước Nhà Hát lớn, dọc phố Tràng Tiền, là những nơi công an từng bắt
đánh người biểu tình ôn hòa. Chúng tôi sẽ tránh tránh xa con đường đi qua Lăng,
qua tòa nhà Quốc hội… Hàng quán vẫn mở nhưng các anh chị nhân viên văn phòng,
các chuyên gia IT, các người mẫu, diễn viên, các hot boy, hot girl, các soái
ca, sắc nữ sẽ không ai có mặt, ai đến đó rất dễ bị nghĩ là vô tâm, dù họ chỉ vô
tình. Hãy cho họ thông tin, để họ đồng cảm.
Bù lại, ở Hà Nội, ngoại trừ Hồ
Gươm, chúng tôi sẽ túa đến hàng trăm, hàng ngàn quán cà phê quanh Hồ Tây, và
quanh các hồ khác như Hồ Thiền Quang, Hồ Bảy Mẫu, Hồ Trúc Bạch, Hồ Đống Đa, Hồ
Giảng Võ, Hồ Thủ Lệ hoặc dọc theo hai bên Sông Hồng để ngồi mà nhìn NƯỚC. Ở Sài
Gòn, chúng tôi sẽ ra Bến Bạch Đằng, qua Văn Thánh, xuống Bình Quới, về Thanh
Đa, qua Thủ Thiêm, ngồi bên những hàng quán quanh Sông Sài Gòn, cũng để nhìn NƯỚC…
*
Trên đây chỉ là một số ý tưởng.
Còn nhiều cách tẩy chay khác nữa cộng đồng mạng có thể đề xuất và kêu gọi.
TẨY CHAY THẬT ĐƠN GIẢN
Tẩy chay thật đơn giản. Chỉ cần
chọn một việc gì đó để không làm, một điểm nào đó để không đến, một mặt hàng
nào đó không mua, một món nào đó không ăn, một lớp học, giảng đường, môn học
nào đó không đến học, một đền đài nào đó không thăm viếng, một văn phòng nhà nước
nào đó không có mặt… là tẩy chay bắt đầu. Then chốt là công tác quảng bá để tất
cả đều tẩy chay một lượt.
Ở Ba Lan thời cộng sản, có thời
gian cứ mỗi tối mọi nhà đều tắt tivi, vì tivi chiếu phim tuyên truyền nhảm nhí
nói về đời sống tươi đẹp ở Liên Xô xấu xí. Khi tivi cùng tắt, nhà đèn ngạc
nhiên vì điện dư tăng đột ngột. Ở Đông Đức, có nơi mọi người đến nhà thờ mỗi tối
thứ hai, để cầu nguyện, thắp nến. Ở Tiệp Khắc có lúc mọi người đồng loạt ngưng
việc 2 giờ để thị uy và để nhà nước độc tài thấy quần chúng đồng lòng nhất trí.[i]
AI SẼ QUẢNG BÁ TẨY CHAY?
Tẩy chay đồng bộ có thể tự
phát, như 10.000 người đã tự phát xuống đường vào các chủ nhật 1/5, 8/5, 15/5,
22/5, 29/5, 5/6 trên toàn quốc. Nhưng tẩy chay đồng bộ sẽ đạt hiệu quả hơn nữa
khi được quảng bá rộng rãi, khi thông tin lan tỏa nhanh, chiến dịch được điều
phối và điều chỉnh cho phù hợp thực tế.
Nhưng ai sẽ tham gia quảng bá để
tẩy chay đạt hiệu quả tốt nhất?
Với câu hỏi này, chúng ta có lý
do để lạc quan.
Đầu tiên – hãy lấy việc tẩy
chay VTV3, tẩy chay báo Tuổi Trẻ làm ví dụ – các cá nhân, hàng trăm hay cả
ngàn, thành viên của các tổ chức xã hội dân sự, các nhóm hoạt động vì nhân quyền
trong và ngoài nước sẽ gửi thông điệp tẩy chay đến mọi người, thông báo thời
gian tẩy chay, mục tiêu và lý do tẩy chay, để thông điệp bắt đầu lan tỏa.
Việt Nam hiện có 40.000.000 người
dùng internet, với 30.000.000 tài khoản Facebook tích cực mỗi tháng. Chỉ cần
2.5% trong số này, tức 1.000.000 người, hoặc 750.000 tài khoản Facebook, nhắn
nhủ nhau “TẨY CHAY VTV3”, “TẨY CHAY BÁO TUỔI TRẺ” thì dòng tin của họ sẽ
lan tỏa đến hàng chục triệu người sau vài ngày.
Đã có hơn 130.000 người, hầu hết
ở hải ngoại, tự nguyện và rất nhanh ký tên vào Thỉnh nguyện thư gửi Nhà Trắng về
vụ cá chết trước khi Obama qua Việt Nam, họ cũng sẽ là những người tham gia gửi
tin về Việt Nam nhắc nhở người thân tẩy chay VTV3, tẩy chay báo Tuổi Trẻ. Nếu mỗi
tin nhắn viber hoặc email gửi cho ít nhất 3 người, mỗi người nhận lại gửi cho 3
người khác, con số sẽ thành hàng triệu, hàng chục triệu trong thời gian ngắn.
10.000 người tham gia biểu tình
khắp nước trong các ngày chủ nhật từ 1/5 đến 5/6 cũng sẽ nhắn nhủ gia đình, người
thân tẩy chay VTV3, tẩy chay báo Tuổi Trẻ, để thông điệp lan tỏa.
Hàng chục ngàn người làm việc
trong các văn phòng khi đi làm sáng thứ hai 30/5 và 6/5 đã kháo nhau và phẫn nộ
vì vụ “đấu tố Phan Anh”, và vụ “đả kích người làm từ thiện” trên 60 Phút Mở,
họ cũng sẽ nhắn nhủ mọi người tẩy chay VTV.
SỨC MẠNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Bay từ Mỹ qua Hà Nội hay Sài
Gòn mất trên dưới 20 giờ, nhưng một người ngồi ở New York có thể gửi tin nhắn
qua viber hay email về cho một hay nhiều người ở Sài Gòn và Hà Nội chỉ trong 2
giây.
Người Việt trên toàn thế giới
có thể nói chuyện, truyền tin cho nhau như đang ngồi cạnh nhau, dù khoảng cách
thực có thể lên đến 20.000 km. Tuy vậy, nhiều người vẫn còn lạ lẫm với thực tế
này, chưa tận dụng nó.
Hãy tận dụng công nghệ thông
tin, hãy tưởng tượng và cùng làm những điều này trong mùa tẩy chay:
Các trang mạng sẽ mở những cuộc
“động não” (brainstorm) để mọi người tham gia đóng góp ý tưởng về cách và đối
tượng tẩy chay.
Cư dân mạng sẽ bình chọn và
trao giải “cá thối” cho những nhà lãnh đạo có trách nhiệm nhưng vô trách nhiệm,
làm ra vẻ chính trực, thích diễn trò với cá nhưng chỉ ăn cá nhập khẩu từ New
Zealand.
Hãy nối mạng cùng những cá nhân
yêu môi trường, như các nhân viên văn phòng kết nối với nhau qua mạng nội bộ,
như Facebook kết mạng các bạn có cùng mối quan tâm. Khi “mạng” đã nối, hàng triệu
trái tim sẽ cùng nhịp đập.
Sẽ có những trang mạng hoặc ứng
dụng (app) mang tên tương tự như “30K” (30 ‘không’, tức 30 ngày tẩy chay) để
đưa tin về diễn tiến, hiệu quả, số liệu của cuộc tẩy chay, như số khách hàng quảng
cáo hủy hợp đồng, số quảng cáo giảm sút, số điện dư ra vì khán giả tắt tivi,
hình ảnh của những con đường vắng người, những hàng quán vắng khách, phỏng vấn
các nhà báo nhà nước giấu mặt giấu tên về tác dụng của tẩy chay…
Bên cạnh đó, có thể có ứng dụng
lấy tên là “CÁ”, đưa tin về biểu tình, tẩy chay. Nếu mở ứng dụng của Uber sẽ thấy
ngay xe nào đang ở đâu trong bán kính 2 km, vậy người biểu tình hay tẩy chay rất
có thể cũng nắm được mục tiêu, hoặc nhận ra nhau như vậy. Có thể họ sẽ “định vị”
được cả công an, an ninh, xe buýt bắt người đang ở đâu để tránh, để đến gặp nói
chuyện, hoặc vây kín, bám đuôi theo dõi. Nhờ ứng dụng, họ có thể biết mấy giờ tẩy
chay bắt đầu, bao nhiêu người đang hưởng ứng qua “like”, hàng quán nào sẽ không
đến, con đường nào sẽ tránh xa.
Người tẩy chay không đeo súng
ngang lưng, vì họ mang theo một thứ lợi hại hơn gấp bội: họ mang cả núi thông
tin thông minh trong túi.
***
PHẦN 2: MỘT SỐ Ý KIẾN KHÁC
Phần này xin bàn đến một số
quan ngại gần đây về sức mạnh và điểm yếu của người Việt, một số kinh nghiệm từ
Đông Âu, vai trò của tổ chức dân sự và một số nguyên tắc liên quan đến việc đấu
tranh vì nước sạch và chính quyền minh bạch.
DÂN MÌNH VÔ TỔ CHỨC, HÈN HẠ?
Trong một bài gần đây, ông Nguyễn
Gia Kiểng đã nói không sai khi cho rằng người Việt, trí thức Việt chưa có tổ chức,
chưa được tổ chức. Nhưng, cần thấy rằng chúng ta chưa thể tổ chức cũng vì nhà cầm
quyền tìm mọi cách để hạn chế, khống chế hoặc trấn áp, tiêu diệt mọi manh nha tổ
chức.
Không khó hiểu khi nhiều sáng
kiến và lời kêu gọi hành động chỉ được đáp ứng chừng mực, các kiến nghị, tuyên
bố hầu hết không đi kèm với một hành động bất tuân tập thể, hoặc một đợt phản
kháng hiệu quả nào.
Phần lớn các kiến nghị, tuyên bố,
phản đối được đưa ra là để đánh thức dư luận – một việc làm hết sức quan trọng
– nhiều hơn là trông chờ được đáp lại. Thực tế là nhà cầm quyền “vì dân” này
luôn phớt lờ dân, kể cả tiếng kêu thống thiết của dân. Việc nhà cầm quyền chưa
bỏ tù dài ngày người lên tiếng, hoặc chưa bắn giết công khai giữa ban ngày, còn
được cho là “may”.
Điều rất đáng chú ý, thực sự kỳ
diệu và làm nức lòng người, đó là hầu hết những phản ứng hiện nay đều do các cá
nhân tự phát, họ hành động do thôi thúc của chính lương tâm mình, chứ không ăn
theo ai khác hoặc do ai xúi giục. Phúc thay, đất nước này vẫn còn có những con
người bất khuất.
Chúng ta chưa có tổ chức vì người
dân còn sợ. Có người, có lẽ để đánh thức lòng tự trọng, còn gọi dân mình là
“hèn hạ”.
Nhưng, người Việt không nên tự
ti vì thiếu tổ chức, vì sợ, vì “hèn hạ”, vì trí thức Việt thích làm quan, thích
đứng cạnh để phục vụ một ông vua cho vinh thân phì gia hơn là cùng dân đứng đối
diện với vua khi cần. Người dân các nước Đông Âu và Liên Xô cũ cũng sợ y như thế,
cũng “hèn hạ” y như thế, cũng “trí thức cung đình” y như thế, cũng không có tổ
chức y như thế, thậm chí còn hơn.
Lịch sử Cách mạng 1989 cho thấy
những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Đông Âu xuất hiện trễ, các cuộc
biểu tình hàng trăm ngàn người chỉ diễn ra vào giai đoạn cuối, họ không có tổ
chức nào đáng kể, phần lớn xuất hiện ngay trước khi chế độ sụp đổ năm 1989 (ngoại
trừ Công đoàn Đoàn kết Ba Lan ra đời năm 1980). Trong khi ở Việt Nam, những người
đấu tranh hoạt động sớm hơn, đa dạng hơn, dũng cảm hơn. Khi nghiên cứu về những
người hoạt động dân chủ Việt Nam, giáo sư Benedict Kerkvliet gần đây cũng nhắc
đến một số điều tương tự. [ii]
Vì vậy, xin đừng tự ti mà hãy
tin vào sự thật bất biến rằng người dân, tuy tay không, nhưng họ luôn vô địch
vì họ là số đông, nhất là khi họ biết sự thật, và có cách để phản kháng.
Chế độ toàn trị dị hợm luôn làm
ra vẻ bình thường và rất cần dân “hợp tác” một cách vô ý thức, bằng những động
tác bình thường hàng ngày nhưng góp phần duy trì chế độ lâu dài, như đọc báo,
xem tivi. Họ cần dân “ra sân” để trận bóng toàn trị bắt đầu. Tẩy chay là khi
người dân từ chối ra sân, để trận đấu không xảy ra, đội “nhà” không thu được tiền,
cũng không thể thắng, và sân vận động phải đóng cửa.
Điều quan trọng hơn nữa là hiện
nay, người dân đang là người chủ động bầy ra thế trận, trong khi nhà cầm quyền
không vì dân đang bị động và chỉ phản ứng lại.
BÀI HỌC ĐÔNG ÂU: CẦN VÀ ĐỦ
Vào những ngày cuối của cộng sản
tại các nước Đông Âu, người quan sát có thể thấy những sự kiện sau:
Người dân xuống đường rầm rộ và
liên tục, gây áp lực có tính quyết định, khiến chính phủ phải đối thoại với đối
lập, hoặc chính phủ phải từ chức, đảo chính nội bộ, thay lãnh đạo, đàm phán bàn
tròn, loại khỏi hiến pháp vai trò lãnh đạo của đảng, mở rộng truyền thông, cho
lập chính đảng, rồi đi đến bước ngoặt quan trọng là bầu cử tự do, thành lập
chính phủ dân chủ, đảng cộng sản tự giải tán, đổi thể chế, thay tên nước … như
đã diễn ra tại Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Bulgaria.[iii]
Trong khi đó ở Rumani – xứ sở
có lãnh tụ Ceausescu cực kỳ độc tài và hà khắc, xã hội bị trấn áp tột cùng –
người ta thấy giáo dân ở một vùng xa xuống đường rầm rộ để ủng hộ một chủ chăn
bị đàn áp. Rồi họ tràn xuống phố tấn công trụ sở đảng, khiến có người bị bắn giết.
Mọi sự sau đó như quả cầu tuyết càng lao dốc càng lớn, quần chúng thủ đô phẫn nộ
phản ứng vì vụ thảm sát, khiến lãnh tụ đang huyên thuyên trước hàng trăm ngàn
người phải khựng lại, rồi bỏ chạy. Quần chúng rượt đuổi lãnh tụ, đột nhập trụ sở
đảng. Lãnh tụ thoát thân bằng trực thăng, nhưng cuối cùng lãnh tụ và vợ bị bắt
và bị chính quân đội xử tử.
Khi thấy những biến chuyển long
trời lở đất vừa kể, rất dễ nghĩ rằng chế độ cộng sản bị lật đổ bởi những cuộc
xuống đường khổng lồ. Nhưng thực ra đó chỉ là nguyên nhân gần, là chất xúc tác
vào đúng lúc.
Có nguyên nhân sâu xa hơn, đó
là các chế độ kia do sai lầm nội tại – từ tư tưởng, chính sách, đến cơ chế, con
người – đều đã lâm vào đường cùng, đều đã rơi xuống tận đáy của suy đồi, rữa
nát. Kinh tế suy sụp, họ hết sạch tiền, không còn mảy may chính danh, trước quần
chúng họ hiện hình lừa đảo, vô trách nhiệm, tham nhũng, họ cũng không còn được
“anh cả” Liên Xô hậu thuẫn nữa, cả về kinh tế lẫn quân sự. Và khi chế độ chỉ
còn một mình, trần truồng đối diện với nhân dân nổi giận vào phút cuối, thì tất
cả thay đổi.
Điều tuyệt vời là hầu hết đã
thay đổi theo lối ôn hòa, bằng đối thoại, bầu cử tự do, lập chính phủ mới, chuyển
giao quyền lực trong hòa bình. Chỉ trừ Rumani là xảy ra bạo động, lãnh tụ bỏ chạy,
quân đội đụng độ với công an mật vụ, để rồi cuối cùng vợ chồng nhà độc tài bị
tòa án binh dã chiến xử tử hình ngay sau khi phán quyết.
Chế độ cộng sản ở nước mình đã
đến giai đoạn “tận đáy” chưa?
Có vẻ là nó đang đến. Rất có thể
những điều này sẽ diễn ra trong vài năm nữa: Nhà nước hết sạch tiền, nợ nần
không thể trả, không ai cho vay thêm, kinh tế khủng hoảng, môi trường khủng hoảng,
thức ăn khủng hoảng, người dân bất mãn, giới bình dân lẫn trung lưu trí thức
ngày càng hiểu biết, dũng cảm, dứt khoát đòi quyền sống, những cuộc tẩy chay,
bãi công, bãi thị, bãi trường ngày càng nhiều, những cuộc biểu tình ngày càng
đông, chính quyền bất lực, Việt Nam xích lại gần Mỹ hơn, xa Trung Quốc hơn,
Trung Quốc cũng vì khủng hoảng nội bộ trầm trọng không thể can thiệp sâu, cùng
lúc thế giới tự do mở rộng vòng tay và lối thoát hiểm, không còn đường nào
khác, Đảng Cộng sản Việt Nam phải ngồi xuống đối thoại, đàm phán bàn tròn với
dân, và cuộc chuyển đổi ôn hòa từ cộng sản qua dân chủ bắt đầu, dân chúng được ứng
cử, bầu cử tự do, chính quyền dân cử thành lập, thể chế thay đổi, lịch sử Việt
Nam sang trang.
Nhưng, cũng có thể kịch bản
tương tự như Rumani sẽ xảy ra. Tất cả tùy vào “trên”.
Nhưng đó là nhìn tới. Nhìn vào
hiện tại thì việc của người dân là khi sự sống của mình, đất nước rừng núi sông
biển của mình, sự độc lập của mình bị đe dọa, thì họ sẽ phải hành động, theo
cách của họ, theo cách lương tâm họ mách bảo, và việc làm của họ góp phần thay
đổi diện mạo lịch sử.
CÁC TỔ CHỨC DÂN SỰ VÀO CUỘC
Thường thì một tổ chức mạnh, có
số đông ủng hộ, khi tiến hành một chiến dịch (như tẩy chay, bãi trường, đình
công, bất hợp tác), họ có thể làm các bước cơ bản như:
TRÌNH BÀY YÊU SÁCH với nhà cầm
quyền, THƯƠNG LƯỢNG để giải quyết. Nếu nhà cầm quyền không đáp ứng, họ sẽ ra TỐI
HẬU THƯ với mốc thời gian cụ thể. Khi hết hạn mà yêu sách vẫn không được đáp ứng,
họ sẽ PHÁT LỆNH HÀNH ĐỘNG, đồng thời QUẢNG BÁ cho cộng đồng trong nước và quốc
tế biết việc họ sẽ làm để được ủng hộ và giành chính nghĩa cho mình. Họ sẽ VẬN
ĐỘNG và tiến hành hàng loạt CHIẾN DỊCH PHẢN KHÁNG với những giai đoạn khác
nhau, với những mục tiêu và thước đo hiệu quả khác nhau, nhưng luôn luôn MỞ CỬA
CHO ĐỐI THOẠI với nhà cầm quyền. Họ cũng luôn đánh giá và ĐIỀU CHỈNH chiến dịch
phản kháng cho phù hợp thực tế, và có ĐỘI NGŨ LÃNH ĐẠO THAY THẾ, phòng khi những
người dẫn đầu bị bắt hay áp chế.
Trong tình hình hiện tại, chiến
dịch 30 Ngày Tẩy Chay có thể tự phát bắt đầu ngay hôm nay, và các cá nhân uy
tín, các tổ chức dân sự được tin cậy có thể nhập cuộc ngay, cùng mọi người và hỗ
trợ mọi người.
ĐẠI NGHĨA THẮNG HUNG TÀN
Hãy nhập cuộc với mục đích
trong sáng – vì con người, vì môi trường, vì sự minh bạch, công bằng – và hãy
dùng những phương tiện trong sáng – không bạo động, không đập phá.
Biện chứng đấu tranh bất bạo động
của Gandhi là tư tưởng rất đáng để tham khảo: “Người đấu tranh muốn thắng,
nhưng không phải là thắng đối thủ, mà là thắng tình trạng xung đột, bằng một hợp
đề tốt nhất có thể.”[iv] Nói cách khác, A và B không diệt nhau, mà
A và B cùng tìm ra hợp đề.
Có nhà thơ Việt Nam từng cho rằng
“Đã thông thái mà cộng sản thì không lương thiện”. Nhưng điều bà Aung San Suu
Kyi chủ trương thì tích cực hơn rất nhiều: “Không có cái ác, chỉ có sự ngu dốt
mà thôi”, vì chính ngu dốt đã sinh ra cái ác và cái không lương thiện. Khi đã
biết sự thật, ngu dốt sẽ hết, bóng tối sẽ lui.
Chỉ khi tin như thế, có lẽ
chúng ta mới có nền tảng để đối thoại với đối phương và tìm được “hợp đề”. Nếu
đối phương ngoan cố, gạt sự thật qua một bên và tiếp tục ngu dốt, thì người đấu
tranh như Gandhi sẽ theo cách “tự khổ”, bằng bất tuân, tẩy chay, bỏ việc, tuyệt
thực với cường độ cao, nhưng dứt khoát bất bạo động, cho đến khi đối phương
không có cách nào khác mà phải thay đổi. Không phải vô tình mà Obama đã trích lời
Thích Nhất Hạnh: “Để đối thoại, hai bên phải thay đổi.”
Cuộc đấu tranh của người Việt
hôm nay xin hãy là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa một bên là sự hiểu biết,
vốn giải phóng con người, và một bên là sự ngu dốt, vốn làm con người
hèn nhát, bất xứng và ngăn chặn mọi tiến bộ.
Tin như vậy, chúng ta sẽ thấy vẫn
còn chỗ cho “kẻ ác” trở về với dân, với sự thật và tình thương, bỏ đi đối trá
và thù ghét. Hoặc nói như Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại cáo: “Đem đại nghĩa để
thắng hung tàn. Lấy chí nhân mà thay cường bạo.”
THAY LỜI KẾT
Vì sinh kế, nguồn sống đang lâm
nguy của hàng triệu ngư dân 4 tỉnh miền trung, hãy tẩy chay VTV3, tẩy chay báo
chí, kẻ thu vào hàng triệu đô-la mỗi ngày góp phần nuôi bộ máy dối trá.
Vì minh bạch thông tin, hãy tẩy
chay VTV, tẩy chay báo chí, công cụ tiêu biểu của thông tin lệch lạc, của sự thật
mờ, luôn né tránh vấn đề thật, chạy theo vấn dề giả.
Vì sự sống còn của biển, của những
dòng sông, cánh đồng và sự công bằng, hãy tẩy chay VTV, tẩy chay báo chí, những
kẻ đang tiếp tay bao che cho nghi phạm lộ liễu Formosa, cho các quan chức tham
nhũng ẩn nấp và các quan thầy sau lưng giựt dây.
Vì tương lai chúng ta và của thế
hệ trẻ, của hàng triệu các bạn tuổi teen và thiếu nhi, hãy bày tỏ thái độ bằng
cách tắt TV, hoặc không xem VTV, không mua báo.
Từng đồng bào hải ngoại, xin
hãy nhắn tin, gửi mail về cho thân nhân trong nước, kêu gọi tẩy chay VTV, tẩy
chay báo chí.
Xin các họa sĩ thiết kế hãy tạo
ra các logo cho chiến dịch tẩy chay. Xin các bạn viết lời quảng cáo, hãy viết
những khẩu hiệu hay. Xin các bạn IT, hãy tạo ra những cụm từ, những hashtag như
#TẨYCHAYVTV3, #TẨYCHAYBÁOCHÍ…
Xin các bạn trẻ sành điệu, hãy
tạo ra những chữ tắt cho 30 NGÀY TẨY CHAY, như “X30”, “30K” (30 ngày “không”) để
dễ dùng khi nhắn tin.
Cũng có thể cứ mỗi 7 giờ sáng,
12 giờ trưa, 7 giờ tối, mọi người lại gửi qua viber cho nhau từ tắt “30K”, hoặc
tương tự, để nhớ hôm nay sáng không mua báo, tối không xem tivi.
Để càng dễ nhớ, dễ làm cũng có
thể biến 3 ngày cuối tuần, thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật tuần này và những tuần
sau thành những “CUỐI TUẦN KHÔNG TIVI”. Nếu lỡ xem ít nhiều thì hãy nhớ tắt hẳn
tivi trong 2 tiếng, TỪ 8 ĐẾN 10 GIỜ TỐI, “giờ vàng” của quảng cáo.
Để đòi nhà cầm quyền phải tôn
trọng sự thật, minh bạch thông tin, giải quyết khủng hoảng môi trường, cứu giúp
dân bị nạn, xét xử kẻ có tội, bồi thường cho người bị thiệt hại, trả lại biển sạch,
môi trường sạch cho người dân hôm nay và các thế hệ mai sau, hãy đồng loạt tham
gia và quảng bá 30 Ngày Tẩy Chay.
____
[i] Bạn đọc có thể xem Revolution
1989, của Victor Sybestyen, NXB Pantheon Books, New York, 2009. Bản dịch Việt
ngữ Cách mạng 1989 của Phan Trinh đăng trên boxitvn.net.
[ii] Theo Benedict J. Tria Kerkvliet, như
trích trong Dân chủ hóa: vài bài học quốc tế và kịch bản khả dĩ cho Việt
Nam, của Nguyễn Quang A, bản PDF, trang 21, phổ biến tại Hội thảo Hè
(Berlin, 24-25/7/2015). Trích:
“Kerkvliet cũng nhắc đến những
phong trào đấu tranh dân chủ từ 1975 đến cuối các năm 1980, từ câu lạc bộ những
người kháng chiến cũ (mà để dẹp bỏ và vô hiệu hóa nó chính quyền đã lập ra Hội
Cựu Chiến Binh). Ông cũng so sánh với Nhân Văn Giai Phẩm cuối những người năm
1950 và so sánh phong trào dân chủ Việt Nam với các phong trào đấu tranh ở các
nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trong những năm 1970 và 1980 cũng như ở Cộng Hòa
Việt Nam (1954-75) và ông phát hiện ra những nét tương đồng và dị biệt. Có lẽ một
sự khác biệt làm nhiều người bi quan về xã hội dân sự ở Việt Nam bất ngờ khi
Kerkvliet cho rằng “Các tổ chức và các đảng chính trị trực tiếp thách thức sự
cai trị cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô đã ít và chỉ đến vào cuối các năm 1980,
trước sự sụp đổ chế độ chẳng bao lâu, không như ở Việt Nam, trong những năm đầu
của phong trào dân chủ hóa.”
“So sánh với các nước Đông Âu
thời các năm 1980, Việt Nam hiện nay (2015) có vài thuận lợi lớn hơn nhiều là:
a) các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu thời đó đã phải chuyển đổi cả chính trị lẫn
kinh tế còn Việt Nam bây giờ về cơ bản chỉ cần tiến hành chuyển đổi chính trị
và như thế sự chuyển đổi ở Việt Nam có phần giống với sự chuyển đổi ở Hàn Quốc
và Đài Loan hơn xét về 2 khía cạnh này; b) công nghệ thời các năm 1980 không tạo
thuận lợi cho việc truyền bá thông tin và tổ chức như bây giờ với Internet và
các mạng xã hội.”
[iii] Revolution 1989, Victor
Sybestyen, như trên.
[iv] Conquest of Violence – the
Gandhian Philosophy of Conflict, Joan Bondurant, NXB Đại
học Princeton, Mỹ, 1952, hiệu đính năm 1988, tr. 196. Xem thêm Đấu tranh vì
lương tâm: Phương pháp của Gandhi, của Joan V. Bondurant, đăng trên
procontra.asia
No comments:
Post a Comment