Friday, June 24, 2016

NƯỚC SẮP MẤT, TRÍ THỨC VIỆT NAM ĐANG Ở ĐÂU ? (Việt Hoàng - Thông Luận)





Được đăng ngày Thứ sáu, 24 Tháng 6 2016 05:04

Ai cũng biết câu “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Hiểu đơn giản, một quốc gia phát triển hay tụt hậu thì ngay cả một người dân bình thường nhất cũng có lỗi.

Theo dư luận Việt Nam (VN), với mật ước Thành Đô ký năm 1990 giữa đảng cộng sản VN (ĐCSVN) và chính quyền Trung Quốc (TQ) thì đến năm 2020 VN sẽ trở thành một tỉnh lỵ của TQ?! Như vậy là còn 4 năm nữa VN mới chính thức “đoàn tụ” với “đại gia đình Trung Hoa vĩ đại”. Số phận dân tộc VN khi đó cũng sẽ giống như dân tộc Tân Cương và Tây Tạng. Hay chí ít cũng giống như lời nhà giáo Trần Đình Sử qua bài viết ngắn: “Nếu trở thành một khu tự trị của TQ thì VN sẽ ra sao?”.

Trong thời gian 4 năm nữa sẽ có nhiều quan chức VN kịp đưa gia đình họ đến một vùng đất khác an toàn hơn nhưng 90 triệu người VN còn lại thì không thể làm điều đó.

Tình hình đang thay đổi nhanh chóng trong những ngày qua. Đặc biệt sau sự kiện hai chiếc máy bay hiện đại của VN bị “tai nạn” rơi xuống biển và mang theo 10 sĩ quan quân đội nhân dân VN.

Chuyện gì đã xảy ra? Không ai biết được. Năm ngày đã trôi qua mà số phận 9 thành viên của chiếc máy bay tìm kiếm cứu nạn CASA -212 vẫn chưa được công bố.

Theo “thuyết âm mưu” của tác giả Bùi Quang Vơm thì “Chiến tranh Biển Đông đã bắt đầu”.

Theo thuyết này thì hai chiếc máy bay SU-30MK2 và CASA-212 đã bị TQ bắn hạ. Mục đích của TQ là khiêu khích để tấn công chiếm nốt các đảo còn lại của VN ở Trường Sa. Nếu VN công khai tố giác TQ gây ra tội ác thì TQ sẽ lu loa là VN vu khống TQ, VN xâm phạm hải phận và không phận của TQ, VN theo đuôi Mỹ cố tình khiêu khích TQ và VN là kẻ “ăn cháo đái bát, lừa thầy phản bạn”…và vì thế cần dạy cho VN bài học lần thứ hai. Bước tiếp theo TQ sẽ “ăn vạ” bằng cách cho cháy nổ vài chiếc tàu của hải quân TQ và vu cáo rằng VN đã tấn công bằng tên lửa từ đảo Trường Sa Lớn. Sau một đêm TQ sẽ tấn công và chiếm đóng hoàn toàn các đảo của VN tại Trường Sa.

Mục đích của hành động này theo tác giả thì trước khi Trọng tài Quốc tế (PCA) ra phán xét bác bỏ  “đường lưỡi bò” mà TQ tự nghĩ ra, TQ buộc phải tìm mọi cách để thực hiện xong chương trình chiếm đoạt hoàn toàn biển Đông để tạo thành thế đã rồi. Bất kể PCA phán xét như thế nào, khi TQ đã chiếm được Trường Sa, thì việc lật lại tình thế là không thể. (TQ học theo cách làm của Putin khi chiếm bán đảo Krime của Ukraine)

Chính quyền VN đã lựa chọn giải pháp là giả vờ như không biết, coi đó như là một “tai nạn”, vơ lỗi vào mình và chỉ nhờ TQ giúp đỡ, phớt lờ lời gợi ý của Mỹ… Theo tác giả thì đây là một “quyết định khôn” để tránh rơi vào bẫy của TQ, đồng thời hóa giải âm mưu khiêu khích của TQ. Việc trừng phạt nặng tay đối với nhà báo Mai Phan Lợi là nhằm bịt miệng mọi tiếng nói và xầm xì trong dân chúng. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình huống, nguyên nhân và gốc rễ của vấn đề vẫn còn nguyên vẹn.

Về phương diện ngoại giao thì tướng Vịnh đích thân đến gặp đại sứ TQ để đề nghị phía TQ “cho phép” các phương tiện của VN đi lại trong hải phận phía đông đường phân giới vịnh Bắc Bộ và đồng thời đề nghị phía TQ hỗ trợ tàu thuyền tìm kiếm và cứu nạn. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã công khai đưa tin như sau: “Theo các bản tường trình của báo chí VN, một máy bay Su-30 của không quân VN đã mất tích ở Vịnh Bắc Bộ vào ngày 14 tháng 6 cùng với một phi công. VN đã đưa một máy bay tuần duyên và cấp cứu ra, nhưng máy bay này cũng mất tích luôn vào ngày 16 tháng 6 cùng với 9 nhân viên tìm kiếm và cứu hộ. Các viên chức từ Bộ quốc phòng VN đã báo cáo các sự kiện này cho Đại sứ quán TQ tại VN và xin TQ giúp đỡ trong tiến trình tìm kiếm và tạo điều kiện thuận lợi cho các máy bay và tàu biển của VN trong cuộc tìm kiếm”.

Nhiều trí thức VN đã sửng sốt kêu lên “Mất nước thật rồi sao?...” Với cách nói năng và diễn đạt của hai phía VN và TQ thì VN đã thật sự “thuộc về TQ”. VN từ nay muốn làm gì, dù là ngay trên lãnh thổ của mình cũng phải “xin phép” TQ?

Chính quyền VN đang “nín thở để qua sông” mong cho nhanh đến ngày phán quyết của PCA về đường lưỡi bò của TQ trên Biển Đông. Từ nay đến đó chắc chắn sẽ còn nhiều chuyện xảy ra. Việc công bố cá chết ở miền Trung (ít nhất) cũng phải đợi đến sau ngày đó.

Giải pháp mà tác giả Bùi Quang Vơm đưa ra đó là “Phải vô hiệu hóa tay chân, gián điệp Trung Quốc nằm trong bộ máy đảng và chính phủ. Nhưng bọn này đang có mặt mọi nơi, ngay trong bộ chính trị, ngay trong bộ quốc phòng, bộ công an, dọn được lũ này, liệu chế độ còn không? Cần gấp một cơ chế để Mỹ có quyền can thiệp trong bất kỳ một tình huống khẩn cấp nào. Bởi vì nguyên tắc bất di bất dịch của Trung Quốc là bằng mọi giá tránh chiến tranh trực tiếp với Mỹ”.

E rằng cả hai giải pháp này, dù đúng, cũng không thể nào thực hiện được.

Giải pháp duy nhất và sống còn của dân tộc VN đó là “dân chủ hóa đất nước”. Muốn dân chủ hóa đất nước thì giới trí thức VN trong và ngoài đảng phải dấn thân bằng cách tham gia hoặc ủng hộ cho một tổ chức đối lập dân chủ thật sự. Không có đối lập dân chủ thì ĐCSVN sẽ không bao giờ thay đổi. Một điều rất quan trọng và căn bản trong đấu tranh chính trị đó là “đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh có tổ chức và giữa các tổ chức với nhau chứ không phải giữa các cá nhân”. Các cá nhân dù giỏi đến cỡ nào cũng không thể làm được gì chính quyền VN.

Đấu tranh chính trị là phải đầu tư trí tuệ để xây dựng một hệ thống tư tưởng, một đội ngũ cán bộ có năng lực và hiểu biết để có thể hiểu nhau và hành động chung với nhau trên một lộ trình tranh đấu có bài bản và chiều sâu. Xây dựng một tổ chức là vô cùng khó khăn và cần nhất là sự kiên nhẫn. Các cá nhân tranh đấu cho dân chủ theo kiểu nhân sĩ sẽ tốn rất nhiều thời gian và hầu như là họ đã dành tất cả sinh lực để chạy theo đám đông, chạy theo các sự kiện mang tính thời sự. Cuộc chạy đua không có đích đến này là bất tận và sẽ vắt kiệt sức của những người tranh đấu lẻ loi bởi vì các sự kiện mới luôn luôn xuất hiện, hết cái này đến cái kia. Cuối cùng đến một lúc nào đó họ sẽ nhận ra rằng họ đang quay lại điểm xuất phát ban đầu. Một số người sẽ chán nản và bỏ cuộc, chỉ một số nhỏ có bản lĩnh và hiểu biết sẽ rút ra được bài học cho mình là “đấu tranh cần phải có tổ chức”. Số người này sẽ tìm đến với các tổ chức chính trị đứng đắn để tiếp tục cuộc hành trình tiến về tương lai.

Không ít trí thức VN, trong đó có cả những trí thức đang tranh đấu cho dân chủ vẫn đang bị chính quyền cộng sản “dẫn dắt” một cách tinh vi. Ví dụ trong trường hợp của phi công Trần Quang Khải, người lái chiếc máy bay SU-30MK2 bị nạn. Trong khi chưa có bất cứ một kết luận điều tra cụ thể nào được tuyên bố thì chính quyền VN đã vội vàng tổ chức tang lễ hoành tráng và báo chí VN làm rùm beng về sự “hy sinh cao cả” như là bị “lên đồng”. Có thể chính quyền VN có lý do để làm việc đó như đã phân tích ở trên nhưng không ít trí thức VN cũng hùa vào với “báo chí cách mạng” mà quên đi gốc rễ sâu xa của vấn đề.

Một dân tộc thịnh vượng hay nghèo khó là do cách thức tổ chức xã hội của dân tộc đó. Trách nhiệm của tầng lớp trí thức của mọi dân tộc trên trái đất này luôn là “Hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng” chứ không phải chạy theo quần chúng. Khi VN chưa có dân chủ và bầu cử tự do thì chúng ta chưa cần bàn vội đến việc ai, tổ chức nào sẽ lãnh đạo đất nước. Khi VN có dân chủ rồi thì chính người dân VN sẽ quyết định ai, lực lượng nào là xứng đáng và có khả năng cầm quyền thông qua một cuộc bầu cử tự do, công bằng và minh bạch.

Hiện tại chúng ta chỉ cần đặt vấn đề về vai trò “hướng dẫn quần chúng” của tầng lớp trí thức. Trí thức VN cần làm gì? Thứ nhất là cần một sự “lựa chọn chính trị” và hai là một “thái độ chính trị”.

Sự “lựa chọn chính trị” dành cho những người muốn dấn thân tranh đấu và muốn mình là một tác nhân thay đổi xã hội. Muốn thế những người này phải tham gia vào một tổ chức chính trị dân chủ đối lập đứng đắn sẵn có hoặc là tự mình đứng ra thành lập các đảng mới. Chỉ lưu ý với những người có ý định thành lập ra các tổ chức chính trị mới rằng đây là một việc rất khó khăn, bằng chứng là suốt hơn 40 năm qua, ngay cả trong môi trường tự do của các nước dân chủ thì người VN vẫn chưa xây dựng được cho mình một tổ chức chính trị thật sự có tầm vóc và hùng mạnh, kể cả Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

“Thái độ chính trị” là dành cho tất cả mọi người còn lại. Những người muốn VN thay đổi, muốn VN có dân chủ và muốn người VN được sống trong tự do, nhân phẩm và hạnh phúc. Nhưng vì một lý do gì đấy như sức khỏe, điều kiện, hoàn cảnh …nên không thể có được một “lựa chọn chính trị” tức là không thể tham gia vào một tổ chức chính trị đang tranh đấu. Dù bất cứ lý do gì thì những trí thức này cũng nên xem việc mình không thể tham gia vào một tổ chức chính trị là một ngoại lệ thay vì thông lệ. Những người trí thức thuộc nhóm này nên công khai ủng hộ cho một tổ chức chính trị mà mình cho là đứng đắn nhất. Hoặc tiếp tay truyền bá những tư tưởng và đường lối đấu tranh tích cực của các tổ chức cho thế hệ trẻ và những người quan tâm.

Im lặng và chờ đợi không phải là giải pháp và lựa chọn đúng đắn. Đất nước đang thật sự lâm nguy.

Nguy cơ mất nước đang hiện hữu trước mắt.

Thật lòng là chúng tôi không biết nên vui hay nên buồn khi một bạn trẻ người Việt gốc Hoa công khai đăng tấm ảnh bạn ấy đang đọc cuốn “Tổ quốc ăn năn” của ông Nguyễn Gia Kiểng, bằng sách in hẳn hoi.  

Riêng tôi thì chỉ muốn khóc. Khóc cho trí thức Việt Nam và sau đó là khóc cho đất nước VN của tôi.

Việt Hoàng




No comments: