Bùi Bích Hà
Wednesday, June 15, 2016 5:45:30 PM
Từ
nhiều năm nay, khi làm bản tin, tôi đau lòng được biết đó đây, hiện tượng các
em học sinh trong tuổi niên thiếu vẫn tiếp tục chết những cái chết oan uổng vì
tệ nạn bạn bè trêu ghẹo trên Internet.
Những câu chuyện cá nhân với tình tiết riêng tư bị
phơi bày lộ liễu đưa các em đến chỗ quá đau khổ, phải tự chấm dứt cuộc sống nhiều
đến mức không thể chấp nhận được. Cùng tháng 6 này, Shania Sechrist, 15 tuổi,
treo cổ trong ngôi nhà của cha mẹ ở Pennsylvania sau khi bị đem ra trêu chọc
trên Facebook cộng với một núi text messages. Tháng 1, David Molak, học
sinh năm đầu tiên trường trung học ở San Antonio, tự tử vì liên tục bị trêu ghẹo
trên mạng Instagram cũng như bằng texting. Tin tức đọc được trên mạng Heavy.com
còn cho biết các hình thức trêu chọc đi tới chỗ quá đáng là hăm dọa sẽ giết em,
tựa như một tin nhắn viết với lời lẽ như sau: “Tụi tao sẽ chôn mày dưới 6 feet
sâu.” Thế đấy nhưng bọn tiểu quỷ phá phách và hành hạ tinh thần David thì không
bị truy tố vì không đủ bằng cớ để buộc tội chúng!
Một vài trường hợp nổi bật về các em tự tử do bị
trêu chọc trên mạng gồm có Amanda Todd, treo cổ chết đúng một tháng trước
ngày sinh nhật 16 tuổi. Trước khi ra đi, em đã công bố trên YouTube một video
gây sôi nổi rộng rãi về trường hợp em bị tấn công, nặng nhất khi kẻ trêu chọc
em phóng lên mạng Facebook một bức hình bán thân để ngực trần của em. Năm 2010,
Tyler Clementi, 18 tuổi, đồng tính, sinh viên trường đại học Rutgers, đã
nhảy cầu George Washington chết vì bị bạn cùng phòng lén quay phim em đang ôm
hôn một người nam rồi phóng lên Twitter.
Danh sách các nạn nhân đáng thương này ngày càng dài
thêm.
Mới đây, một gia đình ở Tampa, Florida, thay vì ăn mừng
tròn một năm con gái họ vào trung học thì nay lại phải lo tang lễ cho cô cũng
chỉ vì nạn trêu ghẹo trên mạng. Cô bé Tovonna Holton, 15 tuổi đã dùng khẩu
súng lục của mẹ bắn vào đầu tự tử sau khi một đứa trong đám bạn tai quái của cô
quay phim cảnh cô đang trần truồng tắm rồi tung lên mạng Snapchat với ác ý và tất
nhiên không hỏi ý kiến cô. Kể lại thảm kịch này, bà mẹ Levon Holton-Teamer thảng
thốt khóc ròng, cho biết bà cố thu hết nghị lực mới có thể mở cửa bước vào
phòng tắm để nhìn thấy máu con mình đầm đìa thành ao trên nền nhà. Bà muốn cứu
con nên một tay bịt vào chỗ chảy máu trên đầu cô bé, một tay bấm số gọi cấp cứu.
Bà mẹ đau đớn tận cùng cho biết bà đã nhiều lần thân hành tới trường báo cáo về
việc con gái thường xuyên bị bạn bè trêu ghẹo nhưng bà không được hài lòng với
cách nhà trường đáp lại. Bà còn đang nghĩ ngợi, chưa kịp lấy con ra khỏi ngôi
trường trung học Wiregrass Ranch thì thảm họa đã giáng xuống gia đình bà sáng sớm
Chủ Nhật tuần trước. Tin tức mới đây trên tờ Daily Beast cho biết chính bạn
trai cũ của Tavonna đã đưa lên Twitter cuốn video này nhằm trả thù mối tình với
cô bị tan vỡ. Vào lúc cơm lành canh ngọt của đôi tình nhân, cuốn video được thực
hiện để ca tụng vóc dáng đẹp của cô bé nhưng khi chia tay, nó trở thành vũ khí
sát hại cô. Cuộc điều tra đang được tiến hành để truy nguyên căn cớ đưa tới nội
vụ.
Thực tế đáng buồn là những vụ tự tử vì bị sách nhiễu
trên mạng rất thường xảy ra. Theo trang mạng DoSomething.org, một trong những tổ
chức lớn nhất toàn cầu dành cho người trẻ và các thay đổi xã hội, nạn nhân của
tệ nạn trêu ghẹo có tỉ lệ tự tử từ 2 tới 9 lần nhiều hơn các trẻ bình thường
khác, trong đó, 43% được báo cáo là bị trêu chọc trên mạng. Đáng buồn hơn nữa,
90% những em trẻ chứng kiến hành vi trêu chọc trên mạng này, khi được hỏi, nói
rằng chúng biết nhưng mặc kệ.
Theo bà Nancy Lublin, sáng lập viên và cũng là tổng
giám đốc của tổ chức Crisis Text Line, thật là một phán đoán sai trái khi nói rằng
truyền thông xã hội không phải là vấn đề mà chính con người mới là vấn đề. Lẽ
ra, trong trường hợp này, các công ty điều hành truyền thông xã hội có thể đóng
vai trò tác nhân tốt, thiết lập một hệ thống báo động giúp nhận diện dễ dàng và
sớm sủa các vụ trêu chọc quá đáng rồi hợp tác với các tổ chức như tổ chức
Crisis Text Line (CTL) của bà để có phương hướng giải quyết. Ví dụ, CTL cộng
tác với After School, You Tube và nhiều tổ chức nữa nhằm giúp đưa lên diễn đàn
đại chúng một giải pháp khả thi.
Tóm lại, chúng ta có thể làm gì để giúp ngăn chặn những
cái chết vô nghĩa của đám trẻ nói trên? Một phát ngôn viên của cơ quan National
Society for the Prevention of Cruelty to Children, Anh, lưu ý các bậc phụ huynh
nên tích cực tham gia vào sinh hoạt trong thế giới mạng của con em để bảo đảm sự
an toàn của chúng. Tổ chức này hỗ trợ cha mẹ, cho lởi khuyên và các thông tin để
giúp cha mẹ biết thế nào là sự trao đổi lành mạnh trên Internet. Đối với trẻ,
cơ quan này khuyến khích chúng nên bày tỏ sự việc xảy tới với một người lớn nào
mà chúng tin cậy để được giúp đỡ bất luận trong hoàn cảnh khó nói tới đâu.
Bà Lublin chia sẻ: “Tôi cũng là mẹ của một bé gái 11
tuổi. Hai mẹ con tôi thường xuyên chuyện trò về truyền thông xã hội, cùng hình
dung ra những ai là người có thể thấy những gì cô bé đưa lên mạng. Tôi hỏi
cháu: Con cảm thấy thế nào nếu những thứ ấy lọt vào mắt thầy hay cô giáo của
con? Hoặc: Bà ngoại con sẽ nghĩ sao nào? Tôi không ra lệnh mà chỉ hỏi để gợi ý
cho cháu suy nghĩ thôi! Tôi cũng dạy cháu biết tôn trọng sự riêng tư vì điều
này rất quan trọng và tình hình sẽ thay đổi. Tôi dạy cháu chớ bao giờ đưa lên mạng
hình ảnh hay bất cứ gì khiến cho bà ngoại phải nhăn mặt và sợ co rúm người lại.”
Bên Anh, tổ chức Childline có thể nhân danh các nạn
nhân, giúp lấy xuống ngay khỏi mạng các hình ảnh bất hợp pháp và nộp bản báo
cáo cho cơ quan Internet Watch Foundation. Tại Mỹ, trẻ được khuyến khích gọi
ngay cho Crisis Text Line khi các em bị trêu chọc để có người đại diện can thiệp
nếu hình ảnh, video hay text messages về các em được loan tải. Nạn nhân thiếu nhi hoặc bất cứ
ai (không cần xưng danh) lâm hoàn cảnh bị trêu chọc, có thể gọi the National
Suicide Prevention Lifeline 24/7 tại số 800-273-8255.
Phải nói xã hội Hoa Kỳ luôn có giải pháp hợp lý cho
mọi tình huống, mọi người, mọi vật, ngay cả một cọng rác. Để có được cái trật tự
trong sáng ấy, người Mỹ phải giản lược tất cả thành những vật thể không có sức
đề kháng mà có một vị trí nhất định, đặt đâu ở yên đấy. Khốn thay, con người có
thất tình lục dục, tâm hồn và cảm xúc, không thể đóng hộp được, không thể chịu
an vị như tượng cho nên cung cách giải quyết gọn nhẹ của nước Mỹ không hoàn hảo
cho con người. Bệnh nhân đi gặp bác sĩ ư? Đúng chỗ, đúng việc rồi nhưng bác sĩ
có nhìn đúng và toàn diện con người thật của bệnh nhân đứng hay ngồi trước mặt
không hay chuyên môn càng cao càng đi vào những mẫu mực có sẵn với kết quả vật
lý trên hồ sơ và hồ sơ thì được nhận diện bởi mã số?
Cho nên, vẫn có những vấn nạn liên quan tới con người
tưởng chừng đã được giải quyết êm thấm, ổn thỏa rồi, các bên liên hệ đã hân hoan
phủi tay để “move on” nhưng đùng một cái, nội vụ nổ ra như một trái mìn gài ngầm
dưới đất. Câu hỏi:“Chúng ta có thể làm gì để giúp ngăn chặn những cái chết vô
nghĩa nói trên của đám trẻ?” cứ mãi còn là một câu hỏi nhức nhối của một xã hội
bất lực không thiếu phương tiện và thừa trăn trở. Tại sao?
Theo bà Nancy Lublin, nếu các phương tiện truyền
thông xã hội không phải là vấn đề mà chính con người mới là vấn đề thì các bậc
cha mẹ đã làm gì với con cái mình một khi không thể cấm chúng tiếp cận với các
phương tiện ấy? Gần gũi, chuyện trò với con như bà Lublin đã làm, viện dẫn cả
bà ngoại, cả thầy cô giáo ra để làm cho nó sợ, là tốt, là tích cực, hơn hẳn
không làm gì, hơn hẳn nhắm mắt mong chờ vào may rủi nhưng liệu đã đủ chưa? Nạn
trẻ con trêu chọc nhau ở trường học không phải mới thấy ở nước Mỹ mà đã có từ
lâu và ở khắp nơi, ở cả Việt Nam một khi người Việt có câu tục ngữ Nhất quỷ,
nhì ma, thứ ba học trò nhưng rõ ràng không từng làm đứa trẻ nào chết cả bởi vì
những chọc ghẹo dù có tinh ma song không ác độc, có gây sợ hãi hay làm rơi nước
mắt thì cũng không quá đáng vì nó chỉ xảy ra trong phạm vi một lớp học, một
quãng đường ngắn từ nhà tới trường hay ngược lại. Thêm nữa, cha mẹ hai bên, thầy
cô giáo luôn có đủ uy lực để kỷ luật thủ phạm, rất khác với sức công phá to lớn
ngày nay được khuếch đại qua các phương tiện truyền thông xã hội tối tân không
gì ngăn chặn được cả trước và sau khi sự việc xảy ra.
Nước Mỹ đề cao các giá trị nhân bản nhưng từ một
quan niệm tự do tuyết đối. Ai cũng có quyền lựa chọn những giá trị họ thích
song giáo dục không được phép “uốn nắn” con người theo một khuôn mẫu nào cả cho
dù tốt tới đâu. Một khi giáo dục đã vượt qua giới hạn chính sách và trở thành
truyền thống thì nó là bản sắc đặc thù của một dân tộc, được người dân tuân thủ
và gìn giữ. Cá nhân tôi đến từ một nền giáo dục dạy sự vâng lời nên rất tin và
yêu tự do, theo tôi, là nguồn gốc của phát triển và sáng tạo. Tôi có một ví dụ
sống động và đơn giản: bà mẹ Á Đông chia bánh cho hai đứa con lên 3 và lên 5.
Hai miếng bánh cắt không đều. Bà nói với thằng anh 5 tuổi: “Con là anh, nhường
em miếng lớn nhé! Chóng ngoan mẹ thương.” Nó ngần ngừ. Mẹ quay sang con em:
“Con là em, nhường anh miếng lớn nhé! Nghe lời bà thương.” Con em phụng phịu.
Thằng anh suy nghĩ mấy giây đồng hồ rồi hỏi mẹ: “Sao mẹ không làm hai miếng
bánh bằng nhau?” Không bị bắt buộc, đe nẹt hay nhồi sọ, đứa trẻ 5 tuổi có ngay
ý niệm hồn nhiên về sự công bằng. Tôi ủng hộ đường lối giáo dục cho trẻ được tự
do có phán đoán riêng, từ đó, từng bước hình thành nhân cách của đứa bé. Trở lại
vấn đề lựa chọn, tôi nghĩ lựa chọn thường nghiêng về lý trí vì có sự cân đo. Lựa
chọn đúng là ưu điểm của tự do nhưng trong đó, trái tim ít khi có tiếng nói cân
đối. Nếu không đặt để những mẫu mực của tiếng nói này (lắm khi trật lất như
trong câu chuyện của bà mẹ bên trên) mà sống, chăm chút sửa mình, làm gương và
chan hòa yêu thương thì liệu có tạo ra hòa điệu hay không? Tôi thành khẩn tin
là có.
Một đường lối giáo dục nhân bản/khai phóng bắt đầu từ
gia đình bao gồm Tự Do, Tôn Trọng và Công Bằng có thể giúp cuộc sống con người
bớt lệ thuộc vào kỹ thuật, trang trải hòa điệu với đời và tha nhân, giải tỏa được
bản năng làm khổ nhau trong đó có nhu cầu đem nhau ra làm trò giải trí.
No comments:
Post a Comment