Thục Quyên
07/06/2016
Người Việt sống tại Đức chia làm hai nhóm lớn, về
con số tương đối cân bằng: một nhóm ngày xưa đi tỵ nạn cộng sản và nhóm sau
này, những người đi lao động tại Đông Đức và Đông Âu, rồi sau khi Bức tường
Berlin đổ, đã tìm cách ở lại.
Nhóm đi tỵ nạn cộng sản đã tới Đức xấp xỉ 35 năm trước,
đã hội nhập vào xã hội Đức với tất cả con tim và trí óc của họ, vì nước Đức
chính là Thiên đường Tự Do đã đón nhận họ khi họ liều chết rời bỏ quê cha đất tổ
bằng biển cả hay đất liền.
Nhóm đến sau là nhóm của những người đi lao động
(sau này thêm một số nhỏ đi du lịch hay du học) rồi chọn lựa ở lại. Nhóm này phần
lớn còn giữ quốc tịch Việt Nam, một phần vì chỉ tìm ở Đức một nơi hoạt động
kinh tế, một phần cũng không phải đơn giản để được nhập quốc tịch vì sự cản trở
về sinh ngữ.
Thở không khí tự do
nhưng không thoát được đầu óc nô lệ
Sống lâu trong một xã hội có tự do và trật tự, trong
số những người Việt còn giữ quốc tịch Việt, dù vẫn bị ràng buộc bởi đủ loại giấy
tờ cần sứ quán Việt Nam cấp phát, một số nhỏ vẫn so sánh để nhận thức được những
trò ma giáo, tham nhũng, sứ quán Việt Nam vẫn không ngừng sử dụng để sai xử họ.
Nhưng số lớn thì vì không nắm vững tiếng Đức, không có dịp theo dõi tin tức quốc
tế, vẫn hoàn toàn bị nô lệ bởi những thông tin hoặc hoàn toàn bịa đặt, hoặc đã
cố tình bị bóp méo bởi Nhà nước Việt Nam, qua một hệ thống bồi bút ngay tại hải
ngoại.
Những người Việt vì một phần không vững tiếng Đức,
phần khác nặng tình cảm gia đình, làng nước, nên những hội đồng hương mọc lên
như nấm tại Đức. Và bên cạnh những tờ báo mạng chuyên đăng lại những tin do
Thông tấn xã Việt Nam(1) cung cấp, còn có trang nhà của một hội mang danh là
“Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức” (LHNVTLBĐ). Hội này khai những hội đồng
hương như thành phần của mình, bất kể họ có đồng ý không,để hưởng sự giúp đỡ
tài chánh của chính phủ Đức. Đã có những người hiểu biết đã lên tiếng, lẽ dĩ
nhiên chuyện đổ bể và đang có sự tranh tụng dữ dội. Nhưng hội LHNVTLBĐ được sứ
quán Việt Nam che chở nên cứ đọc trang nhà của hội này thì thấy cũng chỉ tuy
hai mà một. Cứ lấy chuyện đơn giản mới nhất vừa xảy ra là bài phát biểu của Tổng
thống Obama Tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, ngày 24-5-2016(2), trang
nhà của LHNVTLBĐ với những người đầu đàn là giáo sư, tiến sĩ, cũng không thấy bị
sỉ nhục khi phải cắm đầu đăng bản cắt xén, đục đẽo tất cả những gì liên quan đến
chữ Nhân Quyền.
Món quà tuyệt vời
trong một xã hội tự do là “Thông tin đứng đắn”
Hiện nay, một trò ma giáo khác đang được sứ quán Việt
Nam tại Đức tìm cách thực hiện.
Để thấu hiểu tình hình, xin mời những người Việt
đang sống tại Đức đọc hai lá thơ của TS Dương Hồng Ân (Vietnam21) và nhà
báo/tác giả Ngụy Hữu Tâm cùng nhà khoa học Phạm Công viết.
Hai lá thư trên đã được gửi tới nhiều giới chức sắc
tại Đức liên quan đến vấn đề.
Sau đây là các bản dịch:
Diễn
Đàn Việt Nam 21
Dr. Hong-An Duong Melchiorstr.5 72654
Neckartenzlingen
Email:forumvietnam21@googlemail.com
Kính gửi
Thị trưởng Jörg Hänisch,
và các thành viên Hội Đồng thành phố Tòa Hành chính
Moritzburg Schlossallee 22
01468 Moritzburg
Trích yếu: Khu tưởng niệm tại Moritzburg
Kính thưa ông Thị trưởng Hänisch,
Kính thưa quý thành viên Hội đồng thành phố
Chúng tôi mạn phép trình bầy đến quý vị sự việc như
sau.
Neckartenzlingen ngày 01.06.2016
Qua báo chí chúng tôi được biết về chuyến viếng thăm
của Đại sứ Việt Nam tại Moritzburg vào ngày 18.05.2016 và dự án của ông ta. Các
bài tường thuật báo chí đã gây nhiều xáo trộn trong cộng đồng người Việt tại Đức.
Trong khi nhật báo Sächsische Zeitung trong
bài “Đi tìm dấu vết bác Hồ” ra ngày 19.05.2016 chỉ tường thuật về nguyện vọng của
Đại sứ Việt Nam và một thương gia từ Bá Linh, ông Võ Văn Long, muốn phục hồi và
mở rộng một khu lưu niệm trên khuôn viên trung tâm nhà thờ Tin lành
Diakonenhaus ở Moritzburg để tưởng nhớ các thiếu nhi Việt Nam đã từng sống ở
đây, thì hai ngày sau, 21.05.2016, báo nguoiviet.de và nhiều
trang mạng Việt nam khác lại loan tin về dự án “Khu tưởng niệm bác Hồ sẽ được
xây dựng tai Moritzburg” (http://nguoiviet.de/viet-duc/khu-tuong-niem-bac-ho-se-duoc-xay-dung-o-moritzburg-
34807.html). Việc này đã tạo ra ấn tượng khu tưởng niệm ở Morizburg được cống
hiến riêng cho Hồ Chí Minh. Trong bài báo, tác giả Manh Hung còn tăng cường ấn
tượng với những dòng như “Ban lãnh đạo ‘Trường Moritzburg’ và chính quyền
Moritzburg (thuộc bang Sachsen) cho biết hoàn toàn ủng hộ ý tưởng quy hoạch tôn
tạo khu tưởng niệm Bác Hồ trong khuôn viên trường này” và “Việt Nam cũng đề nghị
phía Đức cân nhắc có thể cho xây dựng một ngôi nhà sàn thu nhỏ của Bác Hồ ở khu
tưởng niệm để trưng bày, lưu giữ những kỷ vật của Bác khi người tới thăm nơi
đây”. Manh Hung viết thêm “Thị trưởng Hänisch cũng phát biểu ghi nhận sự cần
thiết lưu giữ nơi tưởng niệm Bác Hồ”, đồng thời cho biết “Về góc độ cá nhân, Thị
trưởng Hänisch hoàn toàn ủng hộ dự án”.
Khi đọc những bản tin này, mọi người có cảm tưởng,
có ấn tượng việc xây dựng khu tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Moritzburg đã được quyết
định xong rồi. Nhưng bài tường thuật củanguoiviet.de cơ bản khác biệt
so với bài báo của Sächsische Zeitung. Vì vậy chúng tôi thắc mắc bản
tin báo nào đúng và nguoiviet.de tường thuật như vậy nhăm mục
đích gì.
Bản báo của nguoiviet.de đã gây ra
hoang mang, bực bội và bất bình trong giới người Việt ở Đức. Đăc biệt những người
tị nạn Việt Nam ở Cộng Hòa Liên Bang Đức đã lên tiếng chống dự án qua các thư
phản đối và thỉnh nguyện thư gửi tới Dân biểu liên bang Andreas Lämmel.
Vì sự bất ổn trong tập thể đồng hương, chúng tôi xin
mạn phép được hỏi ông Thị trưởng và Hội đồng thành phố có thể xác nhận cho
chúng tôi bài tường thuật nêu trên của tờ báo Việt Nam là đúng. Nếu bài tường
thuật của báo nguoviet.de không phản ảnh đúng sự kiện, chúng
tôi xin ông ra thông báo chính thức cũng như đính chính lại. Điều này sẽ trấn
an tình hình đang căng thẳng.
Ngoài ra chúng tôi cho rằng đây là một sai lầm nếu
cho phép ý định xây dựng khu tưởng niệm Hồ Chi Minh ở Moritzburg. Theo sự xác
tín của chúng tôi, xây dựng chỗ tưởng niệm cho những nhân vật chính trị gây nhiều
tranh cãi như Hồ Chí Minh, không phù hợp thời đại ngày nay. Việc này cũng không
phù hợp khung cảnh chính trị của xã hội tự do dân chủ ở Đức. Hồ Chí Minh không
được đa số nhân dân Việt Nam kính mến như nhiều người cho là như vậy. Nhiều người
buộc ông phải chịu trách nhiệm cho hàng triệu nạn nhân trong cuộc chiến. Một cựu
học sinh Việt Nam ở Moritzburg trước kia cho chúng tôi biết, ông đã bàng hoàng
khi nghe tin chính phủ Việt Nam muốn dựng đài tưởng niệm Hồ Chí Minh với sự hỗ
trợ của người Đức. Nếu ông cần đến, chúng tôi sẵn sàng trung gian mối liên hệ với
người cựu học sinh này.
Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, chủ nghĩa sùng bái
cá nhân đã bị xóa bỏ ở nhiều quốc gia và các tượng đài cũng bị giật sập. Năm
1991 Tượng Lê Nin ở Đông Bá Linh bị tháo bỏ. Nhiều thành phố khác ở Đông Âu
cũng nối gót làm theo. Các thành phố trước đây mang tên những nhân vật gây nhiều
tranh cãi cũng đổi lại tên cũ. Thành phố Karl Marx-Stadt đổi thành Chemnitz.
Con đường Hồ Chí Minh (Ho Chi Minh Straße) ở Động Bá Linh đổi lại tên cũ
Weißenseer Weg từ năm 1992.
Vì những lý do này chúng tôi nhận thấy không có lý
do chính đáng cho việc xây dựng khu tưởng niệm Hồ Chí Minh ở Moritzburg. Măt
khác chúng tôi chấp nhận hình thức tưởng nhớ đến những cựu học sinh Việt Nam
trước kia học ở Moritzburg.
Chúng tôi rất hy vọng sẽ nhận được sự trả lời cũng
như ý kiến về vấn đề này của ông Thị trưởng và Hội đồng thành phố.
Thành thật cám ơn sự lưu tâm của quý vị. Trân trọng!
Tiến sĩ Dương Hồng Ân
Điều Hợp Viên “Diễn Đàn Việt Nam 21” www.vietnam21.info
_____________________
Hà Nội, ngày 28/5/2016
Kính gửi Ngài Thị trưởng Jörg Hänisch
Ngài Thị trưởng kính mến!
Chúng tôi là Ngụy Hữu Tâm và Phạm Công, những cựu
lưu học sinh Việt Nam tại Moritzburg, Dresden. Vào những năm 50 thế kỷ trước, từng
có 350 học sinh Việt Nam học 3-4 năm ở hai trường mang tên Maxim Gorki và Käthe
Kollwitz tại nơi này.
Chúng tôi nay đã là những “ông bà lão” cả rồi, đang
sống tại Hà Nội, thế nhưng không chỉ những học sinh Việt Nam từng học tại hai
trường Käthe Kollwitz và Maxim Gorki, mà ở đó còn có những giáo viên và công
nhân viên người Đức mà chính xác hơn là những người thuộc Bang Sắc-xông làm việc,
và tất cả đều có những kỷ niệm đẹp đẽ về những năm tháng vào những năm 50 và 60
thế kỷ trước, khi sống tại đấy.
Không chỉ 3-4 năm ấy, mà cả 3 năm học nghề ở nhiều
thành phố CHDC Đức tiếp theo, rồi sau đấy còn nhiều năm học đại học hay nghiên
cứu sinh ở các trường đại học của nước CHDC Đức làm chúng tôi luôn mang nặng
tình nghĩa với nước Đức và nhân dân Đức.
Chúng tôi cũng luôn biết ơn người Đức ở cả hai phía
của bức tường, vì đó là sự cảm thông đầy nhân tính với khẩu hiệu “Đoàn kết với
Việt Nam bây giờ cần hơn bao giờ hết” ở phía Đông và phong trào sinh viên phản
chiến những năm 1968 với khẩu hiệu “Hồ, Hồ Chí Minh” ở phía Tây, thế nhưng trước
hết là sau 1975 với con tàu “Cap Anamur” cứu vớt người tỵ nạn Việt Nam ở phía
Tây.
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ và rồi toàn cầu hóa,
chúng tôi không chỉ nghĩ khác về Việt Nam mà cả nước CHDC Đức. Và dĩ nhiên
chúng tôi có quan điểm chính trị của chính mình.
Bởi vậy chúng tôi không chỉ không vui mà còn tức giận
khi nghe tin chính phủ CHXHCN Việt Nam dự định xây tượng Hồ Chí Minh tại
Moritzburg và đang xin chính phủ CHLB Đức làm việc đó. Thậm chí có một số người
Đức ủng hộ dự án này.
Chúng tôi quan niệm rằng, Hồ Chí Minh có mặt tốt và
xấu, và vì nay đang còn nhiều tranh cãi về ông ta, nên tốt nhất là nên để cho
ông ta yên, thậm chí có lẽ ông ta chẳng xứng đáng với việc ấy. Người ta đã xây
cho ông ta quá nhiều ngôi tượng to lớn và tốn kém ở nhiều thành phố Việt Nam và
thậm chí cả một cái lăng vĩ đại - nhưng là ngược với di chúc ông ta - ở Hà Nội.
Ai muốn ngắm ông, xin mời về Hà Nội hay những thành phố khác của Việt Nam!
Không nhất thiết phải đến Moritzburg và Dresden!
Đã có quá đủ nhiều điều xấu xa mà nhiều người, trong
đó có cả chính phủ CHXHCN Việt Nam và Đảng Cộng sản lợi dụng tên ông ta để làm.
Qua đó chúng ta chỉ làm xấu tên tuổi và những mặt tốt của ông ấy mà thôi.
Ở Moritzburg hay Dresden chỉ nên có một tấm biển đơn
sơ ghi nhớ 350 lưu học sinh Việt Nam đã từng ở đây, không nhất thiết phải nhớ tới
Hồ Chí Minh.
Nhưng trước hết xin Ngài nhớ rằng, ngày nay Việt Nam
phụ thuộc nước Trung Hoa cộng sản đến mức nào, cả chính trị lẫn kinh tế. Những
điều mà chính phủ Việt Nam “độc lập” xin chính phủ CHLB Đức giúp đỡ để chống lại
“ông bạn lớn” khi Trung Quốc dùng lực lượng quân sự xâm chiếm “Biển Đông” của
chúng tôi là không đúng, đó chỉ là trò hề chính trị.
Bọn tư bản ở Bắc Kinh và Đài Loan đã xây nên rất nhiều
nhà máy điện, xi-măng, gang thép, hóa chất,... bóc lột công nhân chúng tôi và
trước hết hủy hoại sông ngòi và biển Việt Nam. Những thực phẩm rẻ tiền nhập từ
Trung Quốc đầu độc người Việt lâu dài. Tàu quân sự Trung Quốc chiếm biển Việt
Nam, săn đuổi những tàu cá bé nhỏ của ngư dân chúng tôi, muốn cướp dầu mỏ ngoài
khơi của chúng tôi!
Về đối nội, chính phủ Việt Nam do Đảng Cộng sản độc
tài điều khiển, bắt chước Trung Quốc: đàn áp các cuộc biểu tình của ngư dân và
những người bảo vệ môi trường chống lại vụ Công ty ‘Formosa’ gây ô nhiễm Vũng
Áng, đàn áp nông dân vì bị mất đất và những người công giáo và những người đấu
tranh cho dân chủ ôn hòa khi họ đấu tranh cho sự tự do phát biểu ý kiến.
Chúng tôi hy vọng Ngài hiểu chúng tôi và có cùng
quan điểm với chúng tôi, hỗ trợ chúng tôi trong cuộc đấu tranh vì môi trường
trong sạch ở Việt Nam, và nói chung trong cuộc đấu tranh vì quyền con người, vì
dân chủ, tự do, vì xã hội dân sự, cho một nước Việt Nam tiến bộ với nền kinh tế
thị trường xã hội.
Xin gửi Ngài lời chào trân trọng!
Ngụy Hữu Tâm, nhà báo và tác giả sách
Phạm Công, nhà khoa học và tư vấn bằng phát minh
_____________________
Hai lá thư đã được ba nhà trí thức Việt Nam soạn thảo.
Dù không quen biết nhau, dù ở cách xa nhau nghìn
trùng, dù sống trong và ngoài nước, những người Việt Nam có tinh thần trách nhiệm
đều có sự suy nghĩ giống nhau, và nhất quyết tranh đấu cho sự thật và cho dân tộc.
T.Q.
_____________________
(1) theo Wikipedia
Thông
tấn xã Việt Nam là hãng
thông tấn Quốc gia, trực thuộc Chính
phủ Việt Nam và là cơ quan thông tin chính thức của Nhà nước Cộng hoà Xã hội
Chủ nghĩa Việt Nam. TTXVN liên tục cung cấp những thông tin đề cập đến các
vấn đề chính
trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa
học và công nghệ của Việt Nam và thế giới. Mục đích của TTXVN là phản
ánh quan điểm của Đảng
Cộng sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam về những vấn đề thời sự lớn
trong nước, khu vực và trên thế giới.
...TTXVN đã được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương
Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh (2 lần), Huân chương Độc lập Hạng nhất, Huân
chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng Nhất, Huân
chương Giải phóng hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam
và nước ngoài. TTXVN là cơ quan báo chí duy nhất ở Việt Nam được phong tặng hai
danh hiệu Anh hùng: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và Anh hùng các lực lượng
vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến cứu quốc.....
(2) http://boxitvn.blogspot.de/2016/05/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-thong.html;http://danlambaovn.blogspot.com/2016/05/loi-phat-bieu-cua-tong-thong-obama-voi.html
Tác giả gửi BVN.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 06:17
No comments:
Post a Comment