Hiếu
Tân dịch
07/06/2016
Tôi sẽ không mất thời gian trình bày trường
hợp Trump biểu hiện mối đe dọa cho hệ thống chính trị Hoa Kỳ và
những giá trị Mỹ, không giống bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào,
có lẽ từ George Wallace, thống đốc phân biệt chủng tộc của Alabama,
tranh cử năm 1968 […].
Trái lại tôi muốn đề cập vấn đề truyền thông
đã đưa tin về Trump như thế nào và tại sao tôi nhắc đến Trump như tôi
đang làm. Chắc chắn những người ủng hộ ông ta sẽ coi việc tôi nhắc
đến ông ta nhiều như thế trong mục này là thành kiến. Quan điểm của
tôi ngược lại. Quan điểm của tôi là nếu một ứng cử viên tranh cử tổng
thống mà là phân biệt chủng tộc (xem: quan điểm rõ ràng của ông ta
về Mexico và đạo Hồi ở
đây), căm ghét phụ nữ (xem:
lịch sử vô lễ với phụ nữ của ông ta ở đây) và là
người không có kinh nghiệm gì trong chính quyền, không có kinh nghiệm
hay hiểu biết gì về chính sách đối ngoại, và thành tích quá khứ
về kinh doanh giỏi lắm là lòe loẹt, thì tính khách quan đòi hỏi
rằng những người phát biểu trên truyền thông phải tường trình và
bình luận những sự kiện này đúng như thực tế của chúng.
Donald Trump qua được không phải vì ông ta có
hàng triệu người ủng hộ. Ông ta không cãi được rằng những tuyên bố
mà ông ta phát ra cách nào đó đã được che đỡ khỏi bị phán xét, vì
chúng được đưa ra trong bối cảnh của cuộc vận động tranh cử.
Nếu chúng ta dựa vào những tường trình trung
thực, không thiên vị để dẫn dắt quan điểm của chúng ta về Trump như
một ứng cử viên, thì chúng ta cho phép ông ta được định nghĩa bằng
một hồ sơ minh bạch – một hồ sơ mà ông ta đã tạo ra cho mình trước
mắt công chúng. Và nếu chúng ta dùng hồ sơ đó, thì không thể không
đặc trưng ông ta, một cách khách quan, bằng những cái-có-thể-là
chính sách liều lĩnh và sự phô diễn cái ngu dốt và lòng hận thù,
những phẩm chất mà ở một tổng thống có thể là nguy hiểm cho nước
Mỹ và thế giới.
Sẽ là bất lương nếu giới thiệu một kẻ mạo
danh như là nhân vật thật, một kẻ điệu bộ màu mè như là một chính
khách, một anh hề rẻ tiền như là một nghệ sĩ hay một nhà cách tân.
Sai lầm lớn của truyền thông trong việc nó đưa tin về cuộc vận động
bầu cử năm 2016 là, và vẫn tiếp tục là, âm mưu hợp thức hoá một kẻ
vốn là không chính đáng trong từng tế bào của ông ta.
Những thí dụ về tính bạt mạng của Trump thì
nhiều lắm: trong đó có việc ông ta không hiểu chính sách hạt nhân ở
châu Á, vai trò của NATO ở châu Âu, và đặc biệt là, việc thiếu hiểu
biết tại sao Mexico là một nước bạn có tầm quan trọng sống còn đối
với Hoa Kỳ. Bạn có cảm thấy có những tổng thống quá khứ có kinh
nghiệm hẳn hoi mà còn đưa chúng ta vào rắc rối hay không? Chắc chắn
là có. Nhưng đây là một sự thật lạnh lùng, tàn nhẫn: Những hoàn
cảnh như thế chỉ tồi tệ hơn với một kẻ ngạo mạn, không biết gì,
buông tuồng như Trump trong Phòng Bầu dục.
Thật ra đây là một thí nghiệm tư duy thú vị,
củng cố cho cái lí lẽ rằng để làm một tổng thống có chính sách
đối ngoại thắng lợi thì không phải chỉ cần kinh nghiệm chung chung mà
phải là kinh nghiệm trong những vấn đề của Nhà Trắng. Lấy những
tổng thống có chính sách đối ngoại thành công nhất trong thế kỉ qua,
từ cả hai đảng sau đó bạn tự hỏi, họ có chung nhân tố nền tảng
nào? Tiếp tục thử đi. Chúng ta hãy bắt đầu với vài tổng thống:
George H. W. Bush, Richard Nixon, Dwight D. Eisenhower, Harry Truman, Franklin
D. Roosevelt, Theodore Roosevelt. Mỗi người đều có kinh nghiệm ở cấp
rất cao và tiếp xúc thường xuyên với Nhà Trắng về các vấn đề chính
sách đối ngoại trước khi trở thành tổng thống. Bốn
người trong số họ là Phó Tổng thống. Một là Tư lệnh Tối cao quân
Đồng minh. Và một nắm chức vụ cao nhất trong Bộ Hải quân vào thời
kì nó là trung tâm tuyệt đối của quốc phòng Hoa Kỳ. Không có gì thay
thế được kinh nghiệm ở cấp cao trong hoặc với Nhà Trắng, và đó là
sự chuẩn bị duy nhất đáng tin cậy cho một tổng tư lệnh và nhà thiết
kế chính sách đối ngoại Hoa Kỳ.
Không thể có người biết chút ít về chính
sách đối ngoại và quan tâm đôi chút về quyền lợi của Mỹ trên thế
giới mà lại ủng hộ một người như Trump. Gợi ý rằng vì nhiều người
trong chính quyền đang tham nhũng hoặc bất lực, do đó, một người ở
ngoài chính quyền tự động xứng đáng có một cơ hội và chắc chắn
phải tốt hơn, là một sự điên rồ về mặt logic. Điểm khác biệt ở đây
là, vì kinh nghiệm là quan trọng, nên một người không có kinh nghiệm
sẽ tồi hơn. Nếu, như đã xảy ra, người này trong suốt cuộc đời trưởng
thành của mình hình như đã tận lực thực hiện hàng loạt những xét
đoán tồi – trong công việc kinh doanh của ông ta, trong việc liên kết
với bọn trộm cướp, và những nhân vật đáng ngờ khác, trong đối xử
với phụ nữ, trong những phát ngôn công khai, trong hành vi riêng tư của
mình – thì trường hợp ông ta có thể là đáp án hơn là một bài toán
tồi tệ hơn, được làm cho lố bịch hơn.
Vậy, một cử tri có trách nhiệm phải làm gì
khi được giới thiệu một ứng cử viên như thế? Có nhiều lựa chọn,
nhưng bầu cho một người như thế rõ ràng không nằm trong số lựa chọn
ấy.
Một lá phiếu bầu cho Trump là một lá phiếu
chống phụ
nữ, người Mexico, đạo
Hồi và những lợi ích dân tộc của Mỹ. Nếu bạn quan tâm đến
một nền quốc phòng mạnh, bạn không thể ủng hộ một người không hiểu
giá trị của những liên minh hoặc những mối nguy hiểm khi rút lui về
sau những biên giới của chúng ta. Nếu bạn quan tâm đến trách nhiệm
tài chính, bạn không thể ủng hộ một người tán thành những đề xuất
có thể làm phá sản ngân sách Hoa Kỳ. Nếu bạn ủng hộ thương mại ngay
thẳng trên trường quốc tế, bạn không thể ủng hộ một kẻ chọn trong
số những hành động đầu tiên của mình việc dùng lời lẽ tấn công những
đối tác thương mại quan trọng nhất của chúng ta. Nhưng quyết định
không bầu cho một kẻ như thế không đủ. Dân chủ không phải là một môn
thể thao biểu diễn để ta xem. Bạn không thể chọn không xem. Thờ ơ hoặc
không hành động đều có hậu quả. Nó tăng sức mạnh cho những người
hành động. Như vậy, tối thiểu, bạn phải tích cực ủng hộ bất kì
đối thủ nào ông ta có thể đối mặt mà có cơ hội hạ ông ta. Trong
trường hợp này, đó là Hillary Clinton. Dù bạn thích hay lãnh đạm với
bà ấy, cách duy nhất để đóng vai trò tích cực trong việc chặn đứng
Trump – như tôi thấy, đây là một nghĩa vụ ái quốc – là ủng hộ bà
ấy. Không có cách nào khác. Thật ra, nếu bạn nhận ra Trump là mối
nguy khổng lồ, bạn sẽ tích cực ủng hộ chiến dịch của bà ấy – và
giúp bà đánh bại ông ta.
Khi điều ấy xảy ra, bà Clinton không phải
người thay thế Trump duy nhất có thể đứng vững. Bà là một phụ nữ
tài năng xuất chúng có thể trở thành một tổng thống nổi trội. Bà
sẽ có thể lãnh nhận cương vị với nhiều kinh nghiệm về chính sách
đối ngoại hơn bất kì tổng thống nào kể từ George H. W. Bush (và có
thể là ngoại trưởng đầu tiên trở thành tổng thống từ giữa thế kỉ
19... mặc dù trước đó đã có những ngoại trưởng thành tổng thống là
Thomas Jefferson, James Madison, James Monroe, and John Quincy Adams) bà có
kiến thức rộng rãi về Nhà Trắng và được coi là người dẫn dắt tư
tưởng trong nhiệm kì tổng thống của chồng bà. Bà là người dẫn dắt
trong một mảng rộng lớn những vấn đề đối nội từ y tế đến luật sư
cho những nhân viên cứu hộ. Bà tỏ ra có năng lực quản lí trong nhiệm
kì ngoại trưởng của bà và được kính trọng trong một tổ chức toàn
cầu phức tạp, rộng rãi, đông đảo.
Hơn nữa, trong những ngày đầu bà làm luật sư
và trạng sư, bà đã được biết đến và tôn trọng vì trí tuệ lỗi lạc,
tận tâm và cẩn trọng, nắm vững hồ sơ tranh tụng. Bà được biết đã
tạo dựng được lòng trung thành trong đội ngũ của bà. Bà là người
biết lắng nghe, biết khuyến khích, và có tiếng là người tỏ ra muốn
nghe sự thật. Tôi đã gặp bà nhiều lần và bồi đắp quan điểm này
trong nhiều năm viết về bà và chính quyền trong đó bà phục vụ. Tôi
có thể nói một cách thành thật rằng bà có thể là ứng cử viên
sáng giá nhất cho cương vị tổng thống và một trong những gương mặt
của công chúng gây ấn tượng mạnh nhất mà tôi đã từng gặp. Nếu bà
tranh cử với người tốt nhất trong đảng Cộng hoà, bà sẽ thắng một
cách xứng đáng.
Nhưng không. Bà đang tranh với một mối đe dọa
mà bà phải chặn lại.
Việc Trump ghét phụ nữ chỉ càng nhấn mạnh
một khía cạnh quan trọng khác của giới này. Bà Clinton khi được bầu,
sẽ trở thành thành viên đầu tiên của đa số dân cư Mỹ giữ cương vị cao
nhất. Bà sẽ xóa cái đi thành kiến phân biệt giới tính đã thể chế
hoá qua hai thế kỉ rưỡi. Bà sẽ đi một bước cốt yếu đối với nền dân
chủ Hoa Kỳ. Bởi vì không nền dân chủ nào có thể nói là hoạt động
hoàn hảo hoặc đại diện thật sự nếu dân cư đa số – phụ nữ – bị gạt
ra ngoài những cương vị cao nhất.
Phải chăng lí do duy nhất bầu cho Clinton vì
bà là phụ nữ? Không, chỉ riêng giới tính thì không đủ. Nhưng đó không
có nghĩa nó không phải chuyện lớn, hay không phải là một đột phá
lớn đối với một đất nước có quá khứ phân biệt chủng tộc hỗn loạn
khi bầu một người da đen làm tổng thống.
Trên thực tế, ở giữa năm bầu cử đen tối và
hỗn loạn này, thật ra có một triển vọng sáng sủa. Nhờ sự sáng
suốt của người dân Mỹ, (và qui tắc số học của hệ thống bầu cử của
chúng ta... không kể đến sự ghê tởm của Trump) Hillary Clinton rất có
thể được bầu làm nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ vào tháng Mười
Một. Chúng ta không dám – chúng ta không được – coi đó là đương nhiên.
Nhưng nếu nó xảy ra, nó sẽ tạo ra một dòng chảy trong lịch sử đem
đến một thông điệp quan trọng cho con gái chúng ta, cho những chị em,
những người mẹ và tất cả những người còn lại. Chúng ta lúc đó đã
bầu một nữ tổng thống. Chúng ta lúc đó đã làm thế vì bà là một
trong số rất ít người trong nước xứng đáng nhất cho vị trí đó.
Nó sẽ mở ra một viễn cảnh thú vị. Trong 50
hay năm 100 nữa, khi những nhà sử học nhìn lại thời kì này, với
chút may mắn, Trump sẽ bị lãng quên hay bị xem như một điều kì quặc,
hay khá hơn, một câu chuyện để cảnh báo. Nhưng câu chuyện lớn sẽ là
năm 2008 người Mỹ đã bầu một người da đen, và năm 2016 họ bầu một
phụ nữ. Tức là nói, trong tương lai rất có thể xảy ra một điều tốt
đẹp là người ta sẽ nhìn lại lớp cử tri hiện tại, hơn là nhìn đống
rác rưởỉ gây chán chường mà chúng ta ca thán hàng ngày, họ sẽ coi
chúng ta là tiến bộ nhất và khai sáng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Tất nhiên, điều đó sẽ chỉ xảy ra nếu cử tri
của cả hai đảng có đủ can đảm để nhận ra mối nguy chưa từng có mà
Trump đặt ra là gì và sự cần thiết hành động chống lại mối nguy đó
và lợi ích nhiều mặt khi làm thế. Hành động cần thiết là ủng hộ
Hillary Clinton là người phụ nữ đầu tiên trở thành Tổng thống Hợp
chúng quốc Hoa Kỳ – loại ứng cử viên có kinh nghiệm mà đất nước và
thế giới cần trong thời đại phức tạp và mong manh mà chúng ta đang
sống.
D.
R.
____________________________
Ghi chú của tác giả: Những quan điểm thể
hiện trên đây là quan điểm cá nhân của riêng tôi, không đại diện cho
lập trường chính thức của tạp chí Foreign Policy (Chính sách đối
ngoại), cũng không tác động theo bất cứ cách nào đến tính vô tư trong
bài vở của tạp chí sau này.
David Rothkopf là CEO và chủ bút Tập đoàn FP.
Dịch giả gửi BVN.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 06:09
No comments:
Post a Comment