Lý Thái Hùng
Cập nhật: 14/06/2016
Vụ cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung không phải
là một tai họa xảy ra đồng loạt trong vài ngày mà là một diễn biến kéo cả tháng
trời. Bắt đầu cá chết hàng loạt được phát hiện vào ngày 6 tháng 4 tại khu vực cảng
Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó lần lượt phát hiện ở
Quảng Bình vào ngày 10 tháng 4, Thừa Thiên Huế ngày 15 tháng 4, Quảng Trị vào
ngày 16 tháng 4 và kéo dài cho đến đầu tháng 5.
Trong suốt tháng 4, lãnh đạo CSVN đã phản ứng vô
cùng chậm chạp, nếu không nói là phó mặc các sở môi trường ở địa phương tung
người đi xem cá chết, còn trung ương chỉ kiểm tra qua loa. Ngay cả khi ông Nguyễn
Phú Trọng, Tổng bí thư đảng đến tham quan nhà máy Formosa ở Vũng Áng hôm 22
tháng 4, cũng đã hoàn toàn vô tư… trước hiện tượng cá chết hàng loạt. Người đứng
đầu đảng đã không quan tâm thì làm sao đòi hỏi các ban ngành nhập cuộc nhanh
chóng.
Ông Nguyễn Phú Trọng đến thăm nhà máy thuộc Dự án
Khu liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh hôm
22-4-2016.
Mãi cho đến khi hiện tượng hải sản chết hàng loạt
tái xuất hiện tại Hà Tĩnh vào tuần lễ 24 đến 26 tháng 4, cùng với sự nhập cuộc
của các cơ quan truyền thông, và nhất là phát biểu gây sốc của ông Chu Xuân
Phàm đại diện của công ty Formosa là “Chọn Cá hay Thép”, thì làn sóng phẫn nộ
trong dư luận đã bùng lên khắp nước, chen lẫn sự lo âu của người dân về tình trạng
ô nhiễm môi trường.
Nhà
nước vô trách nhiệm
Trước những đòi hỏi dồn dập của dư luận về nguyên
nhân cá chết và phương thức giải quyết của nhà nước, CSVN đã có những phản ứng
nêu rõ hơn sự bất lực và vô lương tâm của chế độ.
Thay vì để cho người dân bày tỏ sự quan tâm và mối
ưu tư trước thảm họa khôn lường qua những cuộc biểu tình tuần hành ôn hòa - một
hình thức phản đối rất phổ thông trong những xã hội văn minh và tôn trọng quyền
con người, nhà cầm quyền CSVN lại coi đó là những kích động gây rối. Thậm chí bộ
máy an ninh còn cho người dàn cảnh để đánh đập những người đi biểu tình, kể cả
phụ nữ và trẻ em, rồi vu cho những người biểu tình ôn hòa là bạo động với âm
mưu làm “cuộc cách mạng cá.”
CSVN đã đi từ lúng túng này sang lúng túng khác
trong việc điều tra và xác minh về nguyên nhân cũng như thủ phạm gây ra tai họa
cá chết hàng loạt. Trong khi dư luận chung đều nhìn thấy rõ nguyên nhân và thủ
phạm không ai khác hơn chính là sự xả thải chất độc của nhà máy gang thép
Formosa.
Sau hai tháng “điều tra” với sự nhập cuộc của hơn 30
cơ quan và 100 nhà khoa học theo thông báo của Bộ công nghiệp, vậy mà trong cuộc
họp của chính phủ hôm 2 tháng 6, ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng bộ Truyền
thông và thông tin lại gây sốc cho dư luận thêm một lần nữa rằng: chưa
có thể đưa ra kết luận vì cần phải có thêm phản biện về nguyên nhân gây ra hiện
tượng cá chết.
Ông Trương Minh Tuấn tại buổi họp báo ngày 2-6-2016.
Sự bất lực của chế độ CSVN đến từ những yếu kém của
hệ thống:
Thứ nhất, sự tham nhũng hàng ngang, hàng dọc tràn
lan do một hệ thống độc tài không điều hành đất nước bằng luật pháp, bằng người
có thực tài, bằng sự trong sáng, minh bạch, bằng sự chấp nhận phản biện... nên
đã đưa đất nước đến tình trạng lạc hậu và tràn ngập nguy cơ hiện nay. Sự cấu kết
giữa những kẻ có quyền lực độc tôn với giới tài phiệt chỉ biết đến tiền thì những
khủng hoảng và nguy cơ hủy hoại trầm trọng là điều không thể tránh khỏi. Tai họa
cá chết chỉ là một báo động đầu tiên của những hệ quả khôn lường này.
Thứ hai, quen với lối điều hành bằng nghị quyết, nhà
cầm quyền CSVN đã hoàn toàn mất khả năng giải quyết nhanh chóng một vấn nạn ở
diện rộng. Bộ máy đảng trị đã trở thành rào cản cho những phản ứng cần thiết của
các cấp hành chánh chuyên môn khi có khủng hoảng lớn bất ngờ bùng nổ. Nhìn vào
các phát ngôn tùy tiện của phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh Hà Tĩnh lẫn ông Võ
Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường sau khi đi khảo sát ở Vũng
Áng hôm trung tuần tháng 5, người ta thấy rõ sự khuất tất, cố tình biện bạch
bao che các hành động của Formosa.
Thứ ba, càng bất lực, chế độ lại càng tìm cách khỏa
lấp sự yếu kém của mình. Thay vì tìm cách đối thoại và giải thích cho người dân
an tâm trước vấn nạn cá chết như cách làm của nhiều chính quyền văn minh, nhà cầm
quyền CSVN từ Tổng bí thư, Thủ tướng cho đến bộ máy an ninh đều coi các phản ứng
bất bình của người dân là nguy cơ đe dọa, để cố tình bưng bít mọi sự cố. Với
não trạng đó, bộ máy an ninh kết hợp với tuyên giáo sản xuất ra những bài viết
mang luận điệu quy chụp Việt Tân đứng đằng sau giật dây để làm cuộc cách mạng
cá, loan tải trên các báo đài lề đảng. Rốt cuộc là bộ máy tuyên giáo đã hướng
dư luận sang một chiều hướng sai lệch qua những dựng chuyện phi lý, nhằm kéo
dài thời gian bôi xóa những tội ác mà chế độ đã gây ra.
Sự vô trách nhiệm và vô lương tâm của CSVN còn biểu
hiện rõ nhất trong việc ngăn chận, truy bức những cá nhân, tổ chức từ thiện
đang muốn trực tiếp cứu giúp hàng chục ngàn ngư dân bỗng chốc rơi vào hoàn cảnh
trắng tay. Ngư dân không chỉ mất công ăn việc làm mà còn mang một số nợ lớn vay
từ ngân hàng để đầu tư nuôi cá bè hoặc những dụng cụ đánh bắt hải sản.
Ngư dân Hà Tĩnh khốn đốn kể từ khi cá chết hàng loạt
xảy ra. Ảnh: Thời Báo Today
Chính quyền Nguyễn Xuân Phúc tuy có ban hành Quyết Định
772 để hỗ trợ ngư dân như cấp cho mỗi gia đình 10 ký gạo, 50.000 đồng, hay giúp
thu mua hải sản; nhưng những giúp đỡ quá nhỏ nhoi này chỉ là một chính sách xoa
dịu, mị dân, như bôi thuốc đỏ cho một bệnh nhân bị nội thương trầm trọng. Chính
sách bưng bít, ngăn chận các tổ chức từ thiện đã minh chứng là nhà cầm quyền
CSVN không quan tâm gì đến đời sống hiện tại và cả tương lai của người dân. Họ
chỉ lo bảo vệ sự an toàn cho chế độ.
Thêm một minh chứng nữa của sự ích kỷ, mặc cảm yếu
kém và nhất là sợ sự thật được phơi bày, là CSVN đã từ chối sự giúp đỡ của Hoa
Kỳ khi Đại sứ Ted Osius chính thức ngỏ lời giúp đỡ ngay sau khi cá chết hàng loạt
xảy ra vào tháng 4. Sự kiện này được ông Đại sứ Ted Osius tiết lộ trong buổi
nói chuyện tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Washington
DC vào ngày 8 tháng 6 vừa qua.
Người
dân cần minh bạch
Thảm kịch Vũng Áng không chỉ đơn thuần là tai họa về
môi trường mà quan trọng hơn là nằm ở chính sách phát triển của nhà cầm quyền
CSVN.
Nói cách khác, cá chết hàng loạt kéo dài hơn 200 cây
số dọc bãi biển của 4 tỉnh miền Trung chỉ là hệ quả. Tai họa, hay đại họa chính
của đất nước là nằm ở chính sách phát triển và khả năng quản trị của lãnh đạo
CSVN.
Qua thảm kịch Vũng Áng, người ta thấy rõ bốn yếu tố
sau đây:
1/ Lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN chấp nhận một dự
án đầu tư lớn vượt quá khả năng hiểu biết mà lại cẩu thả trong việc cứu xét phê
duyệt dự án.
2/ Những cán bộ trực tiếp quản trị dự án không những
không có khả năng mà là còn cấu kết tham nhũng nên đã bị nhóm tài phiệt dùng tiền
bạc khống chế.
3/ Hệ thống chính trị độc tài, bưng bít thông tin đã
không chỉ tạo ra những quan chức làm việc và phát ngôn tắc trách mà còn cố tình
câu giờ, bóp méo sự thật để bao che thủ phạm.
4/ Luôn luôn dùng bộ máy công an và tuyên giáo nhằm
đánh phủ đầu dư luận về cái gọi là âm mưu phá hoại, gây rối để cố tình ngăn chận
mọi nỗ lực tìm hiểu sự thật của người dân.
Vì thế, sự loay hoay câu giờ của nhà cầm quyền CSVN
hiện nay cho thấy là dù có công bố về nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm kịch
Vũng Áng trong những ngày tới, không những không giải đáp được gì cho sự chờ đợi
của dư luận vì sẽ chỉ là những điều gian dối, mà còn tiếp tục bao che cho sự
thao túng của nhóm tài phiệt Formosa.
Thảm kịch Vũng Áng sẽ không ngừng và còn nối tiếp với
nhiều thảm kịch khác nếu tình trạng quản lý đất nước theo lối bưng bít thông
tin và tráo đổi sự thật như hiện nay vẫn tiếp tục được duy trì.
Đừng nên khoe khoang về con số 30 cơ quan trung ương
và địa phương, cùng với hơn 100 chuyên gia, trí thức đã vào cuộc, cũng như đừng
khoe mời một số chuyên gia quốc tế Mỹ, Đức, Do Thái góp phần điều tra - vì dân
không tin.
Những kết quả điều tra từ trước đến nay luôn luôn bị
nhà cầm quyền CSVN bóp méo theo đúng nhu cầu bảo vệ chế độ, hơn là để phục vụ sự
an toàn cho người dân.
Hơn lúc nào hết, để ngăn chận những thảm kịch to lớn
hơn, nhất là sau khi nhà máy gang thép Formosa chính thức hoạt động trong thời
gian tới, nhà cầm quyền CSVN phải minh bạch những chương trình phát triển và để
cho các tổ chức dân sự chuyên môn đóng góp phần phản biện về những dự án công
nghiệp có quy mô lớn, cụ thể là dự án gang thép Formosa.
Đây là lúc mà sự liên kết của các tổ chức xã hội dân
sự rất cần thiết để mở tung không gian chính trị, đưa làn gió đa nguyên vào
trong xã hội.
Có như vậy, sự minh bạch hóa các thông tin, các diễn
biến sẽ giúp việc truy tìm những tai họa xảy ra được nhanh chóng và giảm thiểu
thiệt hại, cũng như ngăn chặn những kế hoạch phát triển tai hại cho đất nước.
Khi sự minh bạch được tồn tại, xã hội sẽ được vận
hành hiệu quả trên nền tảng pháp quyền. Đó là lúc ngọn gió dân chủ hóa sẽ xóa
tan nạn tham ô nhũng lạm, nạn bạo lực phi pháp của độc tài chuyên chế.
*
Thảm kịch Vũng Áng đã cho thấy sự bất lực của lãnh đạo
Hà Nội và bộ máy độc quyền chính là chướng ngại cho việc giải quyết thảm kịch
này.
Hơn lúc nào hết, sự minh bạch thông tin và chấp nhận
phản biện là cái phao quan trọng để cứu đất nước thoát ra khỏi thảm kịch môi
trường. Không chỉ cá chết mà còn cứu Tây nguyên đang hạn hán khô cằn và vựa lúa
đồng bằng sông Cửu Long đang ngập chìm trong biển mặn.
No comments:
Post a Comment