Nguyễn Đình Cống
23/06/2016
(Đối
thoại với ông Chủ tịch nước)
Thực ra sự giả dối có sẵn trong dòng máu của dân tộc
Việt, là phần yếu kém trong nền văn hóa Việt. Dưới các thời thịnh trị, có vua
sáng tôi hiền, luật pháp nghiêm minh, xã hội ổn định, thói giả dối bị bài trừ,
bị xẹp xuống. Nhưng sự toàn trị của cộng sản, của chuyên chính vô sản theo CNML
trong vòng 6, 7 thập niên lại đây lại là môi trường rất tốt cho thói giả dối
lên ngôi, phát triển mạnh mẽ như sóng trào. Ngài Chủ tịch viết: Dùng quyền lực
bao che tội lỗi. Thử hỏi ai có quyền lực và dùng quyền lực ngoài đảng CS. Ở VN
bây giờ, ngoài tai họa mắc vào mưu đồ hủy diệt của Tàu thì thói giả dối có sức
phá hoại xã hội mạnh nhất, mạnh hơn tệ tham nhũng và mua quan bán chức, nó làm
hủy hoại đạo đức đến tận gốc rễ. Chính quyền, lãnh đạo dùng giả dối để thống trị,
dân chúng dùng giả dối để tồn tại. Có một nhận định rất đúng là : Phong trào cộng
sản, theo CNML dựa trên hai cột trụ để tồn tại và phát triển (trước khi dẫn đến
diệt vong) là bạo lực sắt máu và dối trá ngụy biện.
1-
Giới thiệu
Ngày
20/6 trang Bauxite Việt Nam và trang Ba Sàm có
bài “SỰ
KHỐN CÙNG CỦA TRUYỀN THÔNG QUỐC DOANH” của Nguyễn Đình Ấm (NĐÂ). Trong
bài đó có một đoạn làm tôi đặc biệt chú ý, đó là: “Tổng thống Mỹ Obama thăm, được dân Việt Nam tiếp đón vô cùng nồng nhiệt…
Thế nhưng khi khách vừa về, VTV1 Chuyển động 24h lại tổ chức chương trình nói về
“thói giả dối của Obama” trong đó MC Việt Hoàng ba hoa nói xấu khách để dân hiểu
mọi hình ảnh giản dị, thực tâm, những phát ngôn trí tuệ, tôn trọng nhân dân, nền
văn hóa, lịch sử Việt Nam như chỉ là một sự giả dối, dàn dựng… (Việc làm đó là)
một sự bất nhã vô liêm!”.
Điều đó tôi không hề ngờ tới, và đến nay, sau gần 1
tháng mới vô tình biết được. Tôi vội vào Google, truy cập mục “Giả dối của
Obama” thì nhận được nhiều bài cùng tên: “ VTV vạch trần thói giả dối của Obama” với lời
thuyết trình rất hùng hồn của một diiễn giả trẻ, tôi đoán là MC Việt Hoàng
(VH). Ngoài ra, cũng trong mục đó tôi còn tìm thấy bài: “Suy ngẫm về thói giả dối của người
Việt” của Trần Đại Quang, Chủ tịch nước. Tôi xin bàn về 2 bài vừa
nêu.
2-
Bài VTV vạch trần thói giả dối của Obama
Nhận xét chung bài thuyết trình rất hay, hấp dẫn, luận
cứ phong phú, luận chứng vững vàng. Bài thuyết trình như vậy có khả năng lôi cuốn
những người nghe dễ tính, tin vào VTV, tin vào sự tuyên truyền của đảng. Nhưng
họ tin, bị lôi cuốn vì sự hiểu biết có hạn và đặc biệt là họ sợ, không dám nghĩ
khác. Với tôi và rất nhiều người chịu khó suy nghĩ một chút thì thấy rõ bài
thuyết trình của VH là một sự ngụy biện nguy hiểm, giống như nhận xét của NĐÂ
là “Một sự bất nhã vô liêm”.
Mấu chốt ngụy biện trong bài của VH là đánh tráo
khái niệm “giả dối” rồi dùng nó để gán ghép, để chụp mũ cho Obama. Đây là sự vô
minh, chỉ chưa biết là cố ý để lừa bịp hay vì trình độ còn yếu, cũng có thể phải
làm theo chỉ đạo của ai đó để nhận một sự tưởng thưởng mong muốn.
Trước hết phải hiểu khái niệm giả dối. Vì đây không
phải là bài trao đổi về lôgic học nên tôi không đi sâu vào nội hàm và ngoại
diên của khái niệm, chỉ xin nêu giải thich và vài thí dụ. Giả dối là cách thể
hiện của con người bằng lời nói hoặc hành động ngược lại với suy nghĩ, nhận thức
hoặc bản chất của mình, là kiểu “xanh vỏ đỏ lòng”. Thí dụ ông C rất ghét B
nhưng trước mặt người khác lại nói hoặc tỏ ra rất kính trọng. Bà L rất yêu mến
D nhưng ở nơi công cộng lại tỏ ra không ưa gì. Anh X, ở chỗ riêng tư và bí mật
là người rất tham tiền và thích quan hệ tình ái với nhiều phụ nữ, nhưng công
khai lên lớp đạo đức cho thanh niên chống lại các việc trên.
Nhưng nếu ông C thực tâm thích B, bà L thực tâm
không ưa D thì việc làm của họ là chân thật, không hề giả dối. Nếu X thực sự
không tham tiền, không thích tình ái lăng nhăng, là người có đạo đức thật sự,
mà anh ta thể hiện và khuyên mọi người giữ đạo đức thì không thể cho là cố tinh
giả dối. Giả dối là ngược lại với chân thật, trung thực.
Viết về chân thật thì bài thơ “Lời mẹ dặn” của Phùng
Quán là một bài hay. Xin trích vài câu : “… Con ơi một người chân thật / Thấy
vui muốn cười cứ cười / Thấy buồn muốn khóc là khóc / Yêu ai cứ bảo là yêu /
Ghét ai cứ bảo là ghét / Dù ai ngon ngọt nuông chiều / Cũng không nói yêu thành
ghét / Dù ai cầm dao doạ giết / Cũng không nói ghét thành yêu…
Trong lòng đang vui, bạn cười. Có thể điệu cười hợp
với ai đó làm người ta thích bạn hơn, hoặc không hợp với người khác làm họ khó
chịu. Như vậy chỉ có thể nói điệu cười đó hợp hay không hợp với người nghe chứ
không được vì không hợp mà cho là giả dối. Sẽ là giả dối khi miệng cười, tỏ ra
thân thiện mà trong lòng đầy thù hận (Miệng nam mô bụng bồ dao găm).
Chỉ phân tích 2 việc:
1- Obama đi ăn bún chả. Nếu bản chất ông không thích
gì bún chả, không thích gì việc tiếp xúc trực tiếp với người dân, thế mà ông đã
làm thế thì đó là giả dối. Nhưng khi ông thực tâm thích ăn bún chả, thực lòng
muốn chào hỏi người dân thì không thể nào cho việc ông làm là giả dối.
2- Việc ông nhờ những thư ký giỏi chuẩn bị bài phát
biểu trong đó dẫn Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du, Văn Cao, Trịnh Công Sơn và ông nắm
vững để trình bày chứng tỏ sự chuẩn bị vô cùng chu đáo và tài hùng biện sắc sảo.
Những việc đó sẽ là giả dối nếu ông nói như sáo vẹt để lấy lòng người nghe, ông
cúi mặt nhìn vào giấy để đọc mà không hiểu. Thực tế thì ông đã diễn đạt những
điều đó với cả tấm lòng nồng nàn, với trí tuệ sắc sảo, với sự tôn trọng chân
thành và đúng mức thính giả Việt Nam. Thế thì giả dối chỗ nào. Phải chăng nói
hay, hấp dẫn, lôi cuốn là giả dối?!
MC VH đã đánh tráo khái niệm, tuy không nói ra nhưng
ngầm cho rằng những việc làm theo mẫu có sẵn, những bài phát biểu chủ yếu nhìn
vào giấy để đọc, những cử chỉ vụng về thòi đuôi là... chân thật, thế thì suy ra
việc gây được cảm tình, nâng cao được uy tín của Obama là giả dối. Nguy hiểm
thay cho kiểu suy luận như vậy. Đó là kiểu vu cáo, xuyên tạc. Tuyên huấn và VTV
tưởng rằng với bài “Vạch trần thói giả dối của Obama” sẽ làm cho nhiều người
dân tin vào tuyên truyền của đảng hơn. Họ đã quá nhầm. NĐÂ đã dùng câu “Một sự
bất nhã vô liêm” thật đúng. Sẽ còn nguy hiểm hơn cho đảng khi nhân dân dùng
ngay lập luận của VTV để chiếu rọi vào các hoạt động mị dân của các lãnh tụ cộng
sản.
3-
Bài của Chủ tịch Trần Đại Quang (TĐQ)
Bài có tên: “Suy ngẫm về thói giả dối của người Việt”,
công bố ngày 17/4/2016. Bài có 3 đoạn chính: 1- Ngụy thiện; 2- Giả dối - Ý thức
bị cái ác chế ngự hoàn toàn; 3- Tính giả dối và căn bệnh sợ sự thật (trong bài
không đánh số, chỉ ghi đề mục).
Xin tóm lược vài ý chính.
1- Ngụy thiện là cách lấy đạo đức giả làm nền cho ứng
xử, là che giấu cho giả dối, làm chứng gian, dùng quyền lực bao che tội lỗi.
2- Dẫn quan điểm của Đạo Phật, mọi hành động được dẫn
dắt bởi ý thức sẽ quyết định nghiệp mà họ phải trả. Ý thức thù nghịch
tạo ra môi trường ít khoan dung, khuyến khích bạo lực, tạo ra sợ hãi.
3- Sợ nhận sai lầm, sợ sự thật, vì còn có người giữ
vai trò cầm cân nảy mực ưa nói dối, làm dối, nên người khác cũng dùng chính
cách ấy để chống lại họ.
Bài của Trần Đại Quang nêu lên được phần lớn thực trạng
giả dối trong xã hội VN hiện nay. Với cương vị Chủ tịch nước, viết được như thế
chứng tỏ đã biết được phần nào thực trạng đau buồn của dân tộc. Đó là điều đáng
hoan nghênh. Tuy nhiên nhiều người còn trông chờ vào 2 điều quan trọng mà chưa
thấy Chủ tịch đề cập, đó là truy tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục. (Nếu
không sẽ mắc vào lỗi: vạch ra rồi để đấy). Tôi xin bàn góp 2 điều ấy.
Nguyên
nhân gốc và sâu xa nào tạo nên thói giả dối hiện nay. Phải chăng nó đã có trong dòng máu của dân Việt từ thời Vua Hùng. Nó được
giữ nguyên cho đến bây giờ, hay là có lúc mạnh lúc yếu. Nó mạnh lên hay yếu đi
là tại đâu. Truy cho cùng sẽ tìm thấy “Tại Trời” (Ngẫm hay muôn sự tại Trời).
Nhưng với Trời chỉ có thể cúng vái, cầu xin còn quy kết trách nhiệm chẳng đi đến
đâu. Thời phong kiến thì quy cho Con Trời. Có được vua anh minh thì thói giả dối
xẹp xuống, gặp phải vua ngu và tham thì thói giả dối phát triển. Thế còn bây giờ
thì quy cho ai. Không ai khác ngoài thế lực lãnh đạo, quản lý xã hội. TĐQ cũng
đã viết: “người giữ vai trò cầm cân nảy mực ưa nói dối, làm dối, nên người khác
cũng dùng chính cách ấy để chống lại họ”. Hỏi tiếp. Tại sao người cầm cân nẩy mực
lại ưa nói dối, làm dối, họ dựa vào đâu để nói dối, ai bao che, bảo vệ cho sự
nói dối đó. Tại sao họ nói dối từ lâu mà pháp luật không phát hiện và trừng phạt,
v.v… Không biết Chủ tịch đã suy nghĩ và có câu trả lời chưa chứ nhiều người
trong nhân dân đã nói tới từ lâu. Cũng không biết những lời nói ấy đã đến tai
Chủ tịch chưa. Đó là: Sự
giả dối là thuộc bản chất của Chủ nghĩa Mác Lê nin (CNML), của phong trào cộng
sản.
Thực ra sự giả dối có sẵn trong dòng máu của dân tộc
Việt, là phần yếu kém trong nền văn hóa Việt. Dưới các thời thịnh trị, có vua
sáng tôi hiền, luật pháp nghiêm minh, xã hội ổn định, thói giả dối bị bài trừ,
bị xẹp xuống. Nhưng sự toàn trị của cộng sản, của chuyên chính vô sản theo CNML
trong vòng 6, 7 thập niên lại đây lại là môi trường rất tốt cho thói giả dối
lên ngôi, phát triển mạnh mẽ như sóng trào. Ngài Chủ tịch viết: Dùng quyền lực
bao che tội lỗi. Thử hỏi ai có quyền lực và dùng quyền lực ngoài đảng CS. Ở VN
bây giờ, ngoài tai họa mắc vào mưu đồ hủy diệt của Tàu thì thói giả dối có sức
phá hoại xã hội mạnh nhất, mạnh hơn tệ tham nhũng và mua quan bán chức, nó làm
hủy hoại đạo đức đến tận gốc rễ. Chính quyền, lãnh đạo dùng giả dối để thống trị,
dân chúng dùng giả dối để tồn tại. Có một nhận định
rất đúng là : Phong trào cộng sản, theo CNML dựa trên hai cột trụ để tồn tại và
phát triển (trước khi dẫn đến diệt vong) là bạo lực sắt máu và dối trá ngụy biện.
Thưa Chủ tịch. Xin đừng vội đổ hết tội lỗi lên đầu
dân chúng và một số quan lại thoái hóa biến chất, đành rằng họ cũng góp phần. Đảng
khuyến khích nhìn thẳng vào sự thật. Nếu Chủ tịch chưa tin vào sự thật tôi vừa
nêu thì xin cho tổ chức các buổi đối thoại về “Thói giả dối của người Việt”. Đối
thoại công khai, có tường thuật trực tiếp trên VTV, VOV cho toàn dân xem, nghe,
chứng kiến. Vấn đề là phải chân thật trong việc tổ chức chứ không dàn dựng một
cách gian dối. Nếu Chủ tịch thấy chưa tiện đối thoại và không đồng ý hoặc chưa
rõ về nhận định trên đây mà cho gọi thì tôi xin sẵn sàng đến trình bày trực tiếp
để trao đổi với ngài và những cán bộ tuyên huấn cao cấp của đảng CS (về nguyên
nhân gốc mọi tệ nạn của XHVN hiện nay, trong đó có thói giả dối).
Về biện pháp khắc phục. Với cương vị Chủ tịch nước
và đã viết được một bài trình bày về thực trạng của thói giả dối, tôi nghĩ rằng
ngài nên cho thành lập BAN BÀI TRỪ NẠN GIẢ DỐI (bài trừ mạnh hơn phòng chống),
nếu được thế tôi xin ứng cử làm một ủy viên. Vừa rồi trong một lớp cao học, khi
nghe tôi thuyết trình về đức tính trung thực trong NCKH, một học viên hỏi:
“Nghe thầy thuyết trình rất hay, nhưng liệu trong cuộc đời thầy có thực hiện
đúng được như thầy nói”. Tôi trả lời: “Trong cuộc đời, tôi không dám cam đoan
là trong sạch trăm phần trăm, nhưng trong công việc, trong NCKH tôi chưa bao giờ
làm gì gian dối, về cơ bản tôi tự đánh giá là người trung thực”. Còn ngài Chủ
tich, ngài sẽ trả lời như thế nào nếu có ai liều mạng hỏi, ngài đã viết được
bài về thói giả dối, đã nhận xét có người cầm cân nẩy mực ưa nói dối, thế còn
ngài trung thực đến mức nào.
Ở trên tôi đề nghi lập ban bài trừ giả dối là viết
cho vui thôi chứ trong hoàn cảnh hiện nay có lập ra nhiều ban như thế cũng chẳng
làm được gì ngoài việc tiêu tốn thêm tiền thuế của dân. Thì hàng trăm ban phòng
chống tham nhũng hoạt động ráo riết, tiêu tốn nhiều tiền mà nạn tham nhũng vẫn
phát triển đó thôi. Để phòng chống giả dối một cách triệt để cần phải loại bỏ
nguyên nhân gốc rễ là CNML, phải xây dựng được thể chế thật sự dân chủ với tam
quyền phân lập, với một chính quyền minh bạch. Như vậy thì cả dân và quan mới
không thể, không dám và không muốn giả dối.
Tôi muốn dùng 2 câu sau trong bài của ngài để nhắc
nhở Chủ tịch luôn tâm niệm và cũng để kết thúc bài viết của mình: 1-Sợ sự thật,
sợ phải tiếp cận, đối mặt với sự thật sẽ là con đường ngắn nhất dẫn đến tự huỷ
hoại. 2- Làm sao có thể xây dựng được một quốc gia hùng mạnh, trong sạch
khi người ta luôn sợ hãi trước sự thật, tìm mọi cách để ngăn che sự thật.
Xin ngài hãy tự hỏi, và nếu có dịp nêu ra và thảo luận
ở Bộ chính trị, ở Văn phòng Chủ tịch nước phải chăng chính bản thân ngài và đảng
CS của ngài đang sợ những điều trên.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:46
3 comments:
Khi đọc tiêu đề bài viết tôi thiết nghĩ tác giả sẽ đi sâu bàn về một thói hư, tật xấu nào đó đang tồn tại trong xã hội hiện nay?. Nhưng tôi đã hoàn toàn nhầm, càng đọc lại càng thấy rõ sự trơ trẽn, ngụy biện chủ quan, không có cái nhìn toàn diện trong suy nghĩ, trong thể hiện nội dụng bài viết, tác giả đã dùng cái triết lý “mù mờ” theo kiểu “trúng đâu thì trúng”, biến cái không thành có, thực - hư lẫn lộn nhằm chủ đích đánh lừa dư luận thiếu thông tin, kém hiểu biết trong xã hội... những nội dung ấy gây cho tôi nhiều phản cảm, bực mình. Từ thực tiễn nhìn nhận khách quan về đời sống hiện thực của đất nước, tôi xin trao đổi cùng tác giả một số suy nghĩ của mình về vài nội dung mà tác giả đề cập và chia sẻ với độc giả bạn đọc cùng suy ngẫm để có cái nhìn khách quan, công tâm, không để những thông tin bịa đặt kiểu như vây ảnh hưởng đến lòng tin của mỗi người đối với Đảng và con đường dân tộc ta đã lựa chọn.
Với tôi NĐC là ai? làm gì? ở đâu? không rõ nhưng khi đọc xong bài viết của tác giả tôi cơ bản phác họa được con người ấy là người thế nào rồi. Liệu suy nghĩ của tôi như vậy có “giả dối” không? Nhưng sự thật là qua tìm hiểu tôi đã biết được tác giả là ai... Còn với tôi thật hạnh phúc khi được sống và được mang trên mình tên tổ quốc VN. VN cái tên vươn lên sau những năm tháng hào hung đầy khó khăn của một dân tộc nhỏ bé nhưng gan góc đứng lên, “rũ bùn đen để thay áo”. Bởi vậy mỗi khi nghe tới tên Đất nước, tên Hồ Chí Minh tôi rất tự hào về điều đó. Cái tình yêu chắc hẳn tất cả người dân VN đều cảm nhận được. Tình yêu nước là cái gì đó rất linh thiêng nhưng lại cũng rất đỗi bình thường và giản dị, nó có thể bắt đầu từ những cái đơn giản nhất, như tình yêu đối với những công việc mình đang làm, cho dù là việc làm nhỏ nhất, cho đến tình yêu quê hương, yêu nền văn hóa, yêu tiếng nói của dân tộc mình và cao hơn nữa đó là lòng dũng cảm, sẵn sàng xả thân khi đất nước lâm nguy, khi đất nước có kẻ thù xâm lược. Tình yêu nước lại trỗi dậy mạnh mẽ, đoàn kết, chung tay xây dựng đất nước ... Còn đây đối với NĐC thì thế nào?, từ “gan ruột” của mình tác giả đã than rằng “Thực ra sự giả dối có sẵn trong dòng máu của dân tộc Việt, là phần yếu kém trong nền văn hóa Việt”. Liệu có đúng như vậy không? hay chỉ là góc nhìn vào khoảng tối, mang nặng chủ đích cá nhân, ngụy tạo, thêm bớt theo kiểu “nói lấy được” nhưng lại theo chủ đích cá nhân, hơn thế lại còn quy chụp sự “dối trá đã có sẵn” cho cả một dân tộc đã từng nuôi dưỡng, che chở cho chính mình và gia đình tác giả, vậy liệu có sự giả dối nào sánh bằng “tâm địa” ấy. Một thực tế cho thấy, do luôn phải đương đầu với những thử thách khắc nghiệt của tự nhiên cũng như kẻ thù xâm lược nên một cách rất tự nhiên, những con người trong cùng một cộng đồng dân tộc VN đã hình thành lối sống nhân ái, vị tha, nương tựa, đùm bọc lẫn nhau. Phương châm xử thế của người VN là “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”… tình yêu thương ấy trước hết dành cho những con người cùng chung một hoàn cảnh, được thể hiện bằng những câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”; đồng thời, cũng dành cho cả những người từng lầm đường lạc lối, nhưng đã biết ăn năn hối cải để nâng đỡ họ, giúp họ trở về với lẽ phải, với chính nghĩa. Khi ấy, tình yêu thương con người đã trở thành lòng khoan dung, độ lượng đã khái quát thành: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”. Vậy nên nét đẹp văn hóa ấy làm gì còn đất sống cho những kẻ giả dối, có chăng chỉ là những cá thể giả dối đang tồn tại như tác giả chẳng hạn.
Vậy nên không thể gán ghép cho cả một dân tộc với giả dối là điều không nên chút nào. Từ nội dung bài viết của tác giả, ai cũng có thể cảm nhận được cái giả dối “vĩ đại” hơn người, không ai bằng tác giả. Qua đây, có thể hiểu giả dối chủ yếu thuộc về phạm trù luân lý đạo đức, nó bị điều chỉnh bởi những nguyên tắc đạo đức hơn là những quy phạm pháp luật. Nhưng khi bàn đến đạo đức thì phạm trù lương tâm lại được xem là một trong những phạm trù đóng vai trò nền tảng để đánh giá các chuẩn mực đạo đức của con người, vậy vấn đề đặt ra là những hành động của tác giả như vậy có phải là giả dối không?, câu hỏi ấy xin dành cho quý độc giả tự đánh giá.
Một điều nữa cần đáng bàn! Trong một mớ thông tin hỗn độn ấy mà tác giả đưa ra đều là những điều nhỏ nhặt không đáng nói, cái lớn và là đích ngắm cuối cùng tác giả hướng tới đó là “sự toàn trị của cộng sản, của chuyên chính vô sản theo CNML trong vòng 6, 7 thập niên lại đây lại là môi trường rất tốt cho thói giả dối lên ngôi, phát triển mạnh mẽ như sóng trào”. Có đúng như vậy không? hay giả dối trong chính con người tác giả bịa ra. Hơn ai hết là một trí thức “lớn” chả nhẽ lại không thấy được sự thành công của đất nước ta trong hơn 86 năm qua, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay. Điều này có phải giả dối không?... Tuy nhiên cũng phải thừa nhận đất nước ta còn có khó khăn, hạn chế, yếu kém một số mặt, có nơi, có việc cấp ủy, chính quyền làm cho người dân chưa đồng tình, chưa vui đó là những tồn tại mà Đảng, Nhà nước cùng với nhân dân đang dày công sửa chữa, khắc phục chứ đâu phải như tác giả và một số người đang lầm tưởng để bịa đặt. Một vấn đề nữa khi đề cập đến vấn đề dân chủ thì khỏi phải nhắc lại khi chế độ thực dân kiểu cũ và kiểu mới đã áp đặt đối với đất nước VN trên 130 năm chắc điều này tác giả đã quá rõ về mất dân chủ và sự thống khổ của dân chúng đến nhường nào, phải chăng điều này tác giả đã cố tình quên, vậy đây có phải giả dối không?. Thưa với tác giả rằng, không chỉ đối với VN, mới đây nhất từ những động thái chính trị của phương Tây ở Ucraina, Bắc Phi, Trung Đông, nhất là Xyria đã tạo ra làn song di cư sang các nước châu Âu vừa qua cho thấy, dân chủ còn có được với người dân ở những đất nước này hay đây chỉ là “dân chủ” giả dối. Sự thật “dân chủ” kiểu phương Tây là con ngáo ộp không những đối với dân tộc VN, mà là một thực tế đang diễn ra sôi động trên chính trường quốc tế. Nói cách khác, những gì phương Tây đã và đang làm không phải vì dân chủ đích thực cho nước khác, cho dân tộc khác, mà vì những lợi ích chính trị-kinh tế mà họ đang theo đuổi để chà đạp lên các dân tộc khác đang khát vọng tự do, độc lập. Phải chăng đây là giả dối hay sự thật?...
Thực ra xét đến cùng sau khi chiến dịch làm rùm beng về “vụ cá chết ở các tỉnh miền Trung" kết thúc bẽ bàng, để lộ ra chân tướng một hệ thống thủ đoạn giả dối nhằm đánh lừa dư luận. Từ sự không thành công ấy, bí nước họ quay sang bàn về chủ đề “giả dối” nhưng cái gọi là giả dối ấy lại ở ngay trong chính con người họ. Bởi họ, những người tự cho mình là ông nọ, bà kia, đang thét gào “cái tôi” té ra chỉ là những người giỏi ve vuốt chính mình, thực ra chỉ là những con người đầy lòng sợ hãi và tham lam. Họ chỉ là những kẻ giỏi chiều chuộng chính mình và đi bám vào những kẻ ở bên ngoài để nhận được sự tung hô, kiếm chác tiền tài nhằm tự thỏa mãn óc vị kỷ của chính họ. Có lẽ tiếp theo đây không chỉ là chủ đề “giả dối” mà chắc còn nhiều chủ đề khác nữa để NĐC và một số phần tử thoái hóa, biến chất sẽ tiếp tục nghĩ ra để vu cáo Ðảng và Nhà nước VN, lũng đoạn nhận thức của con người, gieo rắc thông tin sai trái để đầu độc đời sống tinh thần của công chúng. Nhân danh "lòng yêu nước" giả hiệu, các phần tử này ngày càng trở nên trắng trợn, hung hăng hơn. Ðặc biệt, thủ đoạn bịa đặt sự kiện và tin tức, đánh tráo khái niệm, dựng chuyện,... được sử dụng với cường độ ngày càng cao, mật độ ngày càng dày đặc để chống phá đất nước ta. Với trách nhiệm là công dân đang được thừa hưởng thành quả của đất nước do ông cha ta mang lại, chúng ta cần tỉnh táo phân biệt, nhận thức rõ đúng - sai để không bị đánh mất lòng tin trước những thông tin xuyên tạc, bịa đặt mà NĐC và một số người đang cố tình tạo dựng.
Post a Comment