Quốc Phương
BBC Việt ngữ
21/5/2016
Một nhà hoạt động xã hội dân sự hàng
đầu ở Việt Nam nói với BBC ông hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống
Hoa Kỳ vì 'nó đánh dấu sự phát triển mới' của quan hệ giữa hai nước.
Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A hoan nghênh chuyến
thăm Việt Nam của ông Obama 'bởi vì nó đánh dấu sự phát triển mới của quan hệ
giữa hai nước'.
Trao đổi với BBC hôm 21/5/2016,
trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23-25/5 của ông Barack
Obama, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A cho rằng chuyến thăm 'chắc chắn sẽ củng
cố' sự hợp tác và mối quan hệ 'ngày càng tốt lên' hai nước.
Mời quý vị theo dõi nội dung chính của
cuộc phỏng vấn ở dưới đây:
BBC:Theo ông trong chuyến thăm Việt Nam đợt này khi
gặp gỡ các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam, ông Obama
có đả động gì, có chúc mừng hay không kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân
dân các cấp khóa 14 hay là ông ý sẽ lờ đi?
Tiến sỹ Nguyễn Quang A: Tôi không biết là ông Obama sẽ ứng xử thế nào
nhưng tôi nghĩ là ông ý sẽ không đả động gì đến chuyện đó. Bởi vì ông ý đến
thì cũng chưa biết là kết quả như thế nào, bởi vì kết quả thì cũng vài tuần mới
biết thì ông ý chả có lý do gì để chúc mừng.
Tôi nghĩ là ông ý không đả
động đến chuyện đó, vì (người ta đã bảo là) giả sử mà có nói cái gì chê trách
chẳng hạn thì nó thành ra mang tiếng can thiệp thế nọ thế kia. Tôi nghĩ là
riêng về việc bầu cử thì có thể là ông ý sẽ không nói gì cả.
Nhưng trong khung cảnh chung về
quyền con người, thì ông ý có thể đụng đến một chút căng là chuyện quyền ứng
cử thế này thế nọ thì có thể. Nhưng tôi nghĩ là ông ý sẽ không mất nhiều thời
gian vào việc [bình luận] liên quan đến bầu cử.
Bác bỏ 'vu cáo'
Tiến sỹ Nguyễn Quang A (thứ tư, trái sang) trong
cuộc gặp mới đây với ông Tom Malinowski (thứ ba, từ trái). Facebook Nguyen Quang A
BBC:Vừa rồi được biết ông được mời và tiếp xúc với
ông Tom Malinowski, trợ lý ngoại trưởng Mỹ - đặc trách dân chủ, nhân quyền và
lao động, người đi 'tiền trạm' cho chuyến thăm của ông Obama. Trong cuộc gặp
đó, ông đã nghe được gì và đã trao đổi gì với ông Malinowski?
TS. Nguyễn Quang A: Thực sự là hôm đó tôi bị chặn và phải ngồi ở
công an đến 1 giờ rưỡi (13h30). Sau khi tôi gọi điện và họ nói là họ đến
muộn. Tôi đến cũng hơi muộn nên gặp được một ít, cũng không có trao đổi gì
nhiều cả.
Tôi chỉ có lắng nghe một chút
và ông Malinowski cũng có nói chủ yếu (vì ông ý liên quan) đến vấn đề nhân quyền
và chuyện bỏ cấm vận. Chỉ có thế, còn bản thân tôi cũng không có thời gian để
góp ý cho họ gì nhiều cả.
BBC:Gần đây, một phóng sự trên Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam (VTV1) có nêu danh
(hay bêu danh) một số nhà hoạt động trong nước trong đó có các vị trí thức
như Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà thơ Hoàng Hưng. Ông
bình luận thế nào về những điều mà VTV đã nói về các ông?
TS. Nguyễn
Quang A:
Ngay sau khi mà đài An Ninh TV có đưa chương trình đấy lên thì ngay ngày hôm
sau, Giáo sư Huệ Chi, nhà thơ Hoàng Hưng và tôi đã lên tiếng bác bỏ sự vu cáo hết
sức thô bỉ và trắng trợn ấy của bên An Ninh TV.
Sau
đó 1-2 hôm, thì VTV cũng lại lặp lại cái chương trình 11 phút đó. Sau khi VTV
đưa ra, chúng tôi cùng với nhiều trí thức khác cũng có tuyên bố lên tiếng bác bỏ
sự vu cáo đó của An Ninh TV và VTV.
Ngày càng tốt lên
Linh mục
Nguyễn Văn Lý (người cúi, bên phải) vừa được nhà cầm quyền Việt Nam thả ra tù
vài tháng sớm hơn thời hạn.
BBC: Như ông cũng biết, vừa rồi nhà cầm quyền ở
Việt Nam đã thả tù trước vài tháng đối với linh mục Nguyễn Văn Lý. Theo ông, họ
có còn thả ai ra nữa không, có nhượng bộ gì nữa không trong chuyến thăm của
ông Obama? Và sau chuyến đi ấy, tình hình nhân quyền và đối xử của nhà nước đối
với giới hoạt động vì nhân quyền, tự do và dân chủ hóa, sẽ 'mềm đi' hay là vẫn
được cho là 'nặng tay' như trước hay thế nào?
TS. Nguyễn Quang A: Một tập quán hết sức đáng lên án đối với nhà
cầm quyền là họ dùng các tù nhân chính trị như những món hàng để trao đổi với
Hoa Kỳ, để chứng tỏ rằng có sự cải thiện gì đó về nhân quyền trước những cuộc
viếng thăm như của Tổng thống Obama.
Hoặc là dùng cái đấy để trao đổi
lấy một cái gì đó, ví dụ như việc bãi bỏ sự cấm vận vũ khí của Mỹ chẳng hạn.
Tôi có nói rất thẳng thắn với các nhà chức trách Hoa Kỳ khi tôi có cơ hội gặp
nhiều lần từ cũng lâu rồi, chứ không phải mới đây là tôi hoan nghênh các chính
phủ EU hoặc Hoa Kỳ đưa những người tù nhân sang nước của họ trên cơ sở nhân đạo.
Nhưng biến một con người trở thành một món hàng trao đổi là điều mà tôi cực lực
phản đối.
Tôi đề nghị họ bằng mọi cách,
cũng như những người dân ở Việt Nam, là phải đòi hỏi [nhà chức trách] thả hết
những tù nhân lương tâm một cách vô điều kiện. Chứ không phải dùng họ để làm
một món hàng để trao đổi như vậy.
Tôi nghĩ rằng việc thả cha Lý
trước khi ông Obama đến hai ngày có lẽ cũng là nhằm mục đích như vậy. Và cũng
chỉ trước một vài tháng khi hạn tù của cha Lý hết hạn. Hoặc là cái việc người
ta ép anh Trần Huỳnh Duy Thức phải đi sang Mỹ chẳng hạn, thì tôi nghĩ đấy là dấu
hiệu không phải cải thiện gì cả mà là rất xấu. Có lẽ là kể cả trước khi tổng
thống Obama đến đây tình hình nhân quyền đã xấu đi một cách đáng kể. Tôi e ngại
là sau cuộc viếng thăm thì nó cũng vậy.
BBC: Ông có được phía Mỹ mời để tham gia các
cuộc tiếp xúc nào đó với Tổng thống Obama trong chuyến đi của ông ấy tới Việt
Nam hay không? Trong trường hợp được gặp, nếu muốn nói điều gì đó với ông
Obama, ông sẽ nói gì?
TS. Nguyễn Quang A: Tôi chưa biết về những kế hoạch như vậy, cho
nên tôi xin không phát biểu gì về chuyện này này vì đây là những chuyện trong
tương lai chưa chắc sẽ xảy ra. Tôi không muốn nói những điều gì mà chưa chắc chắn.
BBC: Nhưng ông có kỳ vọng gì về chuyến thăm của Tổng
thống Obama tới Việt Nam hay không?
TS. Nguyễn Quang A: Tôi hoan nghênh chuyến thăm Việt Nam của ông
Obama bởi vì nó đánh dấu một sự phát triển mới của quan hệ giữa hai nước. Chắc
chắn nó sẽ củng cố sự hợp tác mối quan hệ ngày càng tốt lên giữa Việt Nam và
Hoa Kỳ.
Mời quý vị
đón theo dõi phần âm thanh toàn văn cuộc phỏng vấn với TS Nguyễn Quang A từ Hà
Nội trong mục nghe xem sẽ được BBC giới thiệu tới đây.
Tin liên quan :
No comments:
Post a Comment