Saturday, May 21, 2016

GIỚI THIỆU HỒI KÝ "LỜI AI ĐIẾU" CỦA NHÀ BÁO LÊ PHÚ KHẢI (Người Việt Online)





Người Việt
Wednesday, May 4, 2016 10:16:23 AM 

Lời Nhà Xuất Bản

Vào thập niên 1950 tại Âu Châu và ngay cả tại Mỹ, phong trào thiên tả lan rộng trong giới trí thức.  Tầng lớp có học thời ấy tự hào “phàm là trí thức thì phải thiên tả.”  Điển hình là hai triết gia Jean Paul Sartre người Pháp, Bertrand Russel người Anh và nữ tài tử Mỹ Jane Fonda. Phong trào thiên tả ngưỡng vọng nhiều tay lãnh tụ cộng sản trên thế giới và xem Liên Xô là “cái nôi” cuộc cách mạng xã hội của loài người.  Thậm chí cho tới mãi năm 1980 tại thành phố Bergen – Na uy, giới trí thức, giới cầm bút hay giáo sư đại học vẫn còn ca tụng Lênin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh và ngay cả Pol pot, tên đồ tể diệt chủng dân tộc Khmer.

Hình bìa sách “Lời Ai Điếu”

Đám người mắc chứng “mê Cộng” này còn táo tợn cho rằng, “tuổi đôi mươi mà không theo Cộng Sản là không có trái tim.”

May cho đám đó là họ chỉ luẩn quẩn ở các đô thị xa hoa, uống rượu chát, ăn bò bí tết để mơ mộng xây dựng “thiên đường cộng sản” chứ không có, dù một ngày, trải nghiệm bằng chính bản thân cái chủ nghĩa là “căn bệnh ung thư” này của nhân loại.

Họ không có cái TRÍ của Nguyễn Chí Thiện để sớm nhận ra bộ mặt không có tính người của cộng sản, như trong thơ của Ngục Sĩ này viết:

“Tuổi hai mươi mắt nhìn đời trẻ dại
Ngỡ cờ sao rực rỡ
Tô thắm màu xứ sở yêu thương
Có ngờ đâu giáo giở đã lên đường
Hung bạo phá bờ kim cổ.”

Và như trường hợp tác giả cuốn Lời Ai Điếu này, nhà báo Lê Phú Khải, sớm nhìn rõ Chủ nghĩa Cộng sản từ lúc bước vào tuổi hai mươi: “Nghĩ ra một chủ nghĩa bao giờ cũng là các bậc thiên tài. Thực hiện cái chủ nghĩa đó bao giờ cũng là những người cuồng tín và hưởng thành quả của chủ nghĩa đó thì bao giờ cũng là bọn lưu manh.”

Khác với Jean Paul Sartre, Bertrand Russel hay Jane Fonda chỉ vỡ cơn huyễn mộng sau khi “Đế quốc Ma quỷ Liên Xô” và các chế độ cộng sản Đông Âu tan rã như cơm nguội gặp mưa, Lê Phú Khải cương quyết “không cần trái tim để theo cộng sản” dù như ông tự thuật, cả gia đình ông là cộng sản nòi: “Mỗi khi họ Lê Phú nhà tôi giỗ tết, tập hợp đông đủ nội ngoại, dâu rể thì nhìn đâu cũng thấy Đảng viên. Có lẽ, chỉ có mấy cái cột nhà và tôi là không phải Đảng viên mà thôi!” Hít thở không khí như thế, mà Lê Phú Khải nhiều lần từ chối vào Đảng vì ông thấy chế độ mà ông đang sống là một chế độ độc tài.

Lê Phú Khải trải nghiệm cái xã hội trại lính ở miền Bắc từ khi muốn thi vào đại học, ông phát giác rất rõ cái chủ nghĩa Mác Lê với quan điểm giai cấp đấu tranh trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thì mới đẻ ra cái cách tuyển sinh “man rợ” như thế và nó lạc hậu hơn tất cả các hình thái xã hội có từ trước đó.  Vì cộng sản chỉ lựa chọn  sinh viên đại học dựa trên tiêu chuẩn thành phần giai cấp nên sản sinh một lớp người sau khi tốt nghiệp đa phần là những kẻ dốt nát, ngu si nhất, và “kẻ dốt nát xuất thân từ thành phần bần cố nông nghèo khổ một khi có quyền thì chỉ lo tham nhũng, vơ vét mà thôi.” 

Cũng vì chủ trương đấu tranh giai cấp, nên chế độ đã phát động chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất nhằm “đào tận gốc, trốc tận rễ” những thành phần khác của xã hội “Trí, Phú, Địa, Hào, Tôn giáo” và hậu quả là cả trăm ngàn người chết oan khuất trong cơn “say máu vĩ cuồng” của cộng sản  với những câu thơ khẩu hiệu của Tố Hữu “Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ...Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt.”  Lê Phú Khải trải nghiệm cái  xã hội rơi vào điên loạn đó ngay tại quê vợ của ông khi chứng kiến cảnh nát lòng của một phú nông trong làng từng chứa chấp Việt Minh hoạt động, bị đấu tố trong cải cách ruộng đất, bị bức cung nên phẫn uất quá cho gọi tất cả các con cái về nhà, dồn vào một buồng rồi tưới xăng tự thiêu, “những đứa trẻ chết đen thui còn xác người vợ trương phồng lên như con bò!”

Thân phận trí thức ở đất nước nào cộng sản cai trị thì thành phần có học này cũng chịu những cay đắng, thống khổ giống nhau.  Boris Pasternak, văn hào Nga đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1958, trong tác phẩm lẫy lừng "Doctor Zhivago" đã lột tả nỗi tủi nhục của nhân vật chính, bác sĩ Zhivago, bị công an bắt vì ăn cắp vài cây gỗ sưởi ấm cho gia đình trong cái lạnh cắt da của mùa Đông nước Nga. 

Việt Nam, qua lời kể của Lê Phú Khải, trong một phiên họp rất căng do bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn chủ trì, giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng, vì quá sợ, mồ hôi vã ra như tắm, rút khăn tay trong túi lau mặt khiến những gói mỳ chính (người miền Nam gọi là bột ngọt) nhỏ rơi ra.  Bác sĩ Tùng có thói quen cất những gói mì chính nhỏ trong người để mỗi khi ăn phở ông lấy ra một gói cho vào tô.  Buổi họp có mặt của Tướng công an Lê Hữu Qua, chú ruột tác giả, tướng Qua thấy bác sĩ Tùng run quá, phải cúi xuống nhặt dùm các gói mì chính rồi để lại vào túi bác sĩ Tùng.

Đọc những đoạn Lê Phú Khải phơi bày tâm tình của mình trên giấy khi viết về thân phận trí thức trong chế độ cộng sản, người ta có cảm tưởng tác giả như đang nuốt ngược vào lòng nỗi tủi nhục của phận người bị guồng máy toàn trị dìm xuống tận đất đen.  Như một lần ông đến thăm nhà văn 50 tuổi đảng Nguyễn Khải trước khi ông Khải qua đời năm 2008. Nguyễn Khải nắm tay bạn buồn bã nói:“Nhà văn Việt Nam bị ba đứa nó khinh. Thứ nhất là thằng lãnh đạo nó khinh.  Thứ hai là độc giả nó khinh. Và thứ ba là đêm nằm vắt tay lên trán  mình lại tự khinh mình!”

Do làm báo, Lê Phú Khải có nhiều cơ hội chứng kiến quyền uy của giới lãnh đạo. Ông nói “Lê Duẩn mắng mỏ người khác như mắng gia nhân, đầy tớ.” Và những tay lãnh đạo sau Lê Duẩn thì cũng “cá mè một lứa,” Phan Văn Khải thì bảo Trần Đức Lương nên trả lại những quả đồi mà ông ta đã chiếm để làm villa, biệt thự. Còn Trần Đức Lương thì mắng lại Phan Văn Khải “mày hãy về bảo thằng con mày đừng giết người nữa rồi hãy bảo tao trả lại mấy quả đồi.” Lê Phú Khải nhận xét, họ mắng chửi nhau còn hơn hàng tôm, hàng cá rồi lại khuyên nhau “vì sự ổn định đất nước”, “vì sự nghiệp lớn”, nên gác lại mọi chuyện, rồi lại hỷ hả với nhau, đâu lại vào đó!

Riêng cách của Lê Duẩn đối với Võ Nguyên Giáp thì Lê Phú Khải nói rằng, đó là lối đối xử “vô sản gắn liền với vô học.” Ông kể: “Sau chiến tranh biên giới với Trung Quốc 1979, tên Trọng Hy Đông ở Uỷ ban Kiều vụ, Quốc vụ Viện Trung Quốc, hàm ngang bộ trưởng, sang Việt Nam để giải quyết các vấn đề hậu chiến tranh như tù binh v.v. Khi xe của Đại tướng Võ Nguyên Gíap vừa đến cũng là lúc xe của Lê Duẩn vừa tới, Lê Duẩn chỉ vào mặt tướng Giáp và nói như quát: - Cuộc họp không có anh!  Võ Nguyên Gíap nói: - Vậy tôi về. Thế là ông Giáp lủi thủi lên xe ra về.”

Có lần Lê Phú Khải cùng các ký giả khác tham dự cuộc họp báo của Phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm tại phòng tiếp khách VIP của phi trường Tân Sơn Nhất, ông thấy tận mắt cảnh Nguyễn Mạnh Cầm vừa trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng Nói Việt Nam, vừa nhìn sang phía quầy bán hàng phục vụ khách VIP, “nơi cô Phương Uyên đang nhổm người lên để lộ cả quần xi líp mầu hồng bên trong!”  Lúc về cơ quan, Lê Phú Khải bảo với lãnh đạo của ông là ông sẽ viết lại giáo trình bài “phỏng vấn”,  rằng “mỗi khi một cơ quan báo chí cử phóng viên đi phỏng vấn các VIP, thì nên cử nữ phóng viên xinh đẹp, mặc váy ngắn, xi líp màu hồng!”

Vì sinh ra trong gia đình cộng sản nòi, chú bác, anh em có người lên tới hàng lãnh đạo trung cao cấp của đảng, Lê Phú Khải được nghe những nhận xét về nhiều nhân vật chóp bu của chế độ, như lời chú ruột của ông là Tướng công an Lê Hữu Qua, hoặc qua lời kể của em gái ông, cô Tuyết:

- Thủ tướng bám quyền hơn 30 năm Phạm Văn Đồng: “Chủ quan, bốc đồng, rất vô tích sự và chỉ làm hại đất nước!”

- Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn: “Quan liêu nặng, dốt nát nhưng hay khoe mẽ, ích kỷ và dối trá, thích cấp dưới tâng bốc mình, ghét người trung thực, đặc biệt là ghét trí thức. Vợ Hoàn là một người tham lam vô độ, cái gì vơ được là vơ.”

- Riêng với Hồ Chí Minh, cũng giống như một số lớn dân miền Bắc, do bị bưng bít thông tin, không hiểu rõ chân tướng ông Hồ, nên Lê Phú Khải trong cách viết vẫn còn lộ chút tình cảm kính trọng nhân vật này. Dù vậy, qua đoạn thuật lại nhận xét của Giáo sư Tạ Quang Bửu, người đọc cũng có thể thấy được cảm nhận của Lê Phú Khải về ông Hồ: “Thời đó, trong nhiều năm dài, hễ thi văn dù thi tốt nghiệp phổ thông hay thi vào các trường đại học, đề thi quanh đi quẩn lại vẫn là thơ Hồ Chí Minh hoặc thơ Tố Hữu. Có lần, xem đề thi vào đại học, Bộ trưởng Bộ đại học và Trung học Chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu phán một câu: “Đây là tà thuyết!”

Lê Phú Khải có cô em tên Tuyết, làm việc cho cơ quan cần vụ chuyên cung cấp thực phẩm cho các ủy viên Bộ Chính trị. Có lần cô Tuyết kể lại, vào thời ông Trần Xuân Bách đưa ra lý thuyết đa nguyên, Bộ Chính trị lúc đó chia rẽ và nghi kỵ nhau lắm, đi họp ai cũng được vợ chuẩn bị một chai nước riêng, để trong túi, khi khát thì lén quay đi, rót uống, vì họ sợ bị đầu độcNgay cả nhân vật “hét ra lửa mửa ra khói” là Lê Đức Thọ cũng sợ. Theo lời cô Tuyết, có lần, khi cần vụ của Lê Đức Thọ đem một cái chăn bông đã rách nát đến đổi chăn bông mới, cô nói với chú cần vụ này, “thủ trưởng của cậu tiết kiệm quá, chăn rách lòi cả bông ra thế này mới chịu đem đổi. Cậu ta cười nói, tiết kiệm cái con tiều ! Tối nào trước lúc đi ngủ ông ta cũng nắn bóp cái chăn đến nửa tiếng  đồng hồ, chỉ sợ người ta gài mìn thôi nên chăn mới rách bươm ra như thế.”

- Về nhân vật Nguyễn Thị Bình, từng một thời lãnh đạo tổ chức bù nhìn của Hà Nội là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam,” Lê Phú Khải viết (theo lời kể lại của Nhà văn Nguyên Ngọc), một hôm bà Bình “triệu tập’”một nhóm trí thức hơn 10 người lại, đặt câu hỏi, chúng ta sai từ bao giờ? Mọi người đều nói, sai từ năm 1951, khi đại hội lần thứ hai của Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam cho mọi đường lối chính sách của mình.Riêng Nguyên Ngọc nói: “Sai từ đại hội Tour.” (Vào năm 1920, khi cơ quan tình báo KGB của Liên Xô cho thành lập đảng cộng sản Pháp, tách ra từ Đảng Xã Hội, Hồ Chí Minh được tham gia vào Đảng Xã Hội khi ấy ngả theo Liên Xô để rồi gia nhập phong trào cộng sản Pháp từ lúc đó – chú thích của NXB.)  “Bà Bình không đồng ý.” Vậy mà sang ngày hôm sau bà Bình bảo Nguyên Ngọc: “Chị đã suy nghĩ suốt đêm qua, Nguyên Ngọc nói đúng đấy!”

Qua những trải nghiệm người thực, việc thực nói trên, Lê Phú Khải chua chát kết luận:  “Một đất nước được lãnh đạo bởi những con người hoang tưởng và lố bịch như thế thì đất nước sẽ đi về đâu? Nhân dân sẽ sống thế nào? Còn đám trí thức kia thì chỉ ngậm miệng ăn tiền mà thôi.” 

Một lần, Lê Phú Khải đi Mạc Tư Khoa và gặp một trí thức Nga. Ông này ví von,  “Liên Xô của chúng tôi là một cái chiến hạm mắc cạn còn Việt Nam là một chiếc thuyền thúng không biết trôi dạt đi đâu!” Ba mươi năm sau kể từ cuộc trò chuyện đó, tác giả cay đắng khi nghe ông Tổng bí thư đương quyền Nguyễn Phú Trọng vẫn kiên quyết bác bỏ “tam quyền phân lập” để bảo vệ chế độ độc đảng!  Lê Phú Khải nhận định rằng, như vậy là  Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn quyết đội trên đầu mình cái mũ mà cả loài người tiến bộ đã vứt bỏ: Cái mũ độc đảng! Tác giả nhận định, “rõ ràng, cái chiến hạm Liên Xô đã thoát cảnh mắc cạn, nhưng cái chiến hạm ấy do anh chàng KGB Putin cầm lái chưa biết nó sẽ đi về đâu.  Còn con thuyền thúng Việt Nam thì đang trôi dạt vào một vùng sóng to gió lớn. Chắc chắn nó sẽ bị lật úp nếu những người trên con thuyền thúng đó không dám can đảm nhảy xuống nước mà bơi vào bờ, cứ khư khư ôm lấy con thuyền đó.”

Sống nhiều, đi nhiều, gặp gỡ nhiều, Lê Phú Khải thu vào ống kính đời mình nhiều góc cạnh, người, vật, sự kiện… Không báng bổ, không lớn tiếng kết án, không ca ngợi, ông từ tốn mô tả con người và đất nước Việt Nam qua cách quan sát tinh tế của mình. Những năm sau này, ông dấn thân vào con đường đấu tranh Tự Do-Dân Chủ, nên thân thiết với một lớp người mới, những người đang tới của Việt Nam.

Nhớ về Kiến Giang, một con người quyết liệt, từ chỗ là một tín đồ ngoan đạo của Chủ nghĩa Mác-Lênin và sùng bái Liên Xô, đến chỗ dứt khoát từ bỏ Chủ nghĩa Cộng sản nên bị tù vì tham gia nhóm “Xét Lại Chống Đảng,” Lê Phú Khải thuật lời Kiến Giang kể:  “Lần cuối cùng Lê Đức Thọ vào thăm tôi, ông ta nói, các cậu hay đề cao trí thức, phó tiến sỹ đi học nước ngoài học về thì tớ cho thêm 5 đồng vào lương, thế thôi! Tôi nhìn thẳng Thọ nói, xưa Đảng vô học vì phải đi đánh giặc, nay Đảng có chính quyền mà Đảng lại sùng bái sự vô học thì không được! Lê Đức Thọ đứng lên ra về. Ít phút sau tay giám thị trại giam vào hoảng hốt nói, kỳ này thủ trưởng vào là để cho ông về, vậy là chết rồi! Ông làm thủ trưởng phật lòng, vậy là tiếp tục tù dài!” 

Và Kiến Giang kết luận: “Chúng ta không sợ lạc hậu, mà chỉ sợ nhất là lạc lõng giữa loài người.”
 
Với Hà Sĩ Phu, nổi tiếng qua bài viết “Dắt Tay Nhau, Đi Dưới Tấm Biển Chỉ Đường của Trí Tuệ “, Lê Phú Khải nhớ có lần Hà Sĩ Phu nhận định rằng, khi chưa có chính quyền, người cộng sản rước chủ nghĩa Mác vào cửa sau, nay có chính quyền rồi lại treo Mác trước cửa nhà để treo đầu dê bán thịt chó, thì đó là thái độ lấy oán báo ân! Rõ ràng, “chế độ độc đảng như con vật đơn bào, nó có thể tồn tại từ thời hồng hoang của lịch sử đến ngày nay, nhưng chỉ tồn tại trong cống rãnh mà thôi. Muốn nên người, nó phải là con vật đa bào.”

Lê Phú Khải còn nhắc lại những lần trò chuyện với Dương Thu Hương, nhà văn nữ đã một mình khai chiến với chế độ cộng sản và được báo chí Pháp ca ngợi là “Con Sói Đơn Độc.”  Ngay tại căn nhà của Dương Thu Hương ở Hà Nội, bà nói với tác giả: “Cần có cách mạng để quét đi những rác rưởi, và cần có tự do để quét đi những rác rưởi mà một cuộc cách mạng đã sinh ra! Chỉ tiếc là, rác rưởi mà một cuộc cách mạng vô sản đã sinh ra lại nhiều hơn cả rác rưởi mà nó định quét đi!”

Tác giả Lời Ai Điếu dù thuộc lớp tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn tìm cách gần gũi những lớp trẻ thuộc hàng em cháu đang dấn thân đấu tranh cho Tự Do-Dân Chủ. Qua những lần gặp gỡ, trò chuyện, ông nhận ra đặc trưng của lớp người trẻ này như Lê Thị Công Nhân, Phạm Hồng Sơn, Huỳnh Thục Vy .  .  . là họ quyết liệt không chấp nhận cộng sản, họ coi cộng sản đồng nghĩa với tối tăm, sai trái, lừa dối, tàn bạo, phản cuộc sống, phản con người. Thế hệ của họ đã “chỉ thẳng mặt Đảng Cộng sản là quân bán nước.”

Đoạn cuối tác phẩm này, Lê Phú Khải tâm sự, ông năm nay đã 72 tuổi, tức là đã sống cả đời trong chế độ Đảng trị. Ông không vào Đảng trong một chế độ Đảng trị thì đương nhiên con đường “tiến thân” là “u ám” rồi! Ông nói: “Tôi ý thức rất rõ điều này và hoàn toàn bằng lòng, vui vẻ với con đường mình đã chọn, làm một người tự do ngoài Đảng.”

Và những dòng cuối của cuốn sách, Lê Phú Khải viết: “Sáng sớm ngày 14/09/1985 tôi đang ở bến đò Cà Mau chờ đi Năm Căn thì nghe tin đổi tiền. Mới tối hôm trước Đài Tiếng nói Việt Nam (cơ quan tôi làm việc) còn nói ‘Không có chuyện đổi tiền, đồng bào đừng nghe kẻ xấu tung tin đổi tiền’, vậy mà sáng hôm sau 14/09/1985 chính cái đài ấy lại hô hào nhân dân đến các trạm đổi tiền để đổi tiền. Một bà già lớn tuổi ngồi cùng ghe đã chỉ tay lên cái loa đang loan tin đổi tiền ở trên bờ chửi, cái đài này nó nói dóc còn hơn con điếm.”
    
Lê Phú Khải chấm dứt cuốn sách bằng câu:

Tôi đã phải sống với ‘con điếm’ ấy cả đời người!”

Rõ ràng, dòng cuối cùng của Lê Phú Khải là LỜI AI ĐIẾU dành cho chế độ toàn trị đang cố bám quyền trên đất nước Việt Nam chúng ta./.

Tháng Tư, 2016
Nhà xuất bản Người Việt
Đinh Quang Anh Thái

 Sách sẽ được bán tại: 
1/ Trên trang mạng nguoivietshop.com: Mua Sách
2/ Amazon.com. Mua Sách

Liên Lạc: 714-892-9414 ext 145





No comments: