Friday, May 22, 2015

'VietnAmerica' - 40 năm, từ 'chân ướt chân ráo' đến thành tựu (Trùng Dương)





Trùng Dương
Thursday, May 21, 2015 5:59:32 PM 

WESTMINSTER, California Trưa Chủ Nhật, 17 Tháng Năm, khoảng 500 người tới dự buổi chiếu ra mắt đầu tiên của phim tài liệu “VietnAmerica” tại rạp Saigon Performing Art Center ở thành phố Fountain Valley thuộc Orange County, Nam California.

Do Hội Bảo Tồn Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American Heritage Foundation - VAHF) sản xuất và nhà làm phim tài liệu Scott Edwards đạo diễn, phim “VietnAmerica,” dài 90 phút, là đúc kết của những bộ sưu tập của VAHF để thành lập bộ sử về người Việt tị nạn tại Mỹ từ 40 năm qua.

Hình : Trang bìa cuốn chương trình buổi ra mắt phim “VietnAmerica.” (Hình: VAHF)

Buổi ra mắt phim cũng đã đặc biệt có sự tham dự của nữ Nghị sĩ Tiểu bang Janet Nguyễn, Thị Trưởng Westminster Trí Tạ, và các anh chị em thuộc Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American Uniformed Services Association - VAUSA) từ các tiểu bang khác về góp mặt. Phần lớn những người này thuộc thế hệ thứ 1.5 hoặc 2 của cộng đồng người Việt hải ngoại.

Nữ tài tử Kiều Chinh, với tư cách là cố vấn VAHF, khai mạc buổi sinh hoạt bằng bài nói chuyện ngắn, liệt kê những công trình đã thực hiện của hội kể từ ngày thành lập vào năm 2004. Ðó là bộ sưu tập về cuộc di cư 1975 do chính quyền và các căn cứ quân sự Mỹ tại Guam trao tặng; bộ sưu tập về đợt di dân của hơn 300,000 ngàn cựu tù nhân, chính trị, thường gọi là HO, và thân nhân của họ, hiện được lưu trữ tại Vietnam Center ở Ðại Học Tech Texas ở Lubbock; và bộ sưu tập lịch sử truyền khẩu, thoạt dự tính là 500, nay đã lên tới 700, hiện được lưu trữ tại các trường đại học như University of Texas tại Austin, Rice University tại Houston, và University of California tại Irvine.

Và bây giờ là phim tài liệu “VietnAmerica” với những tài liệu rút ra từ các bộ sưu tập trên, như một tóm tắt các công trình kể trên.

Nhiều phim ảnh đã khai thác đề tài tị nạn/thuyền nhân, nhưng phần lớn đã chỉ tập trung vào một góc cạnh hay giai đoạn hoặc một nhóm nào đó liên hệ tới tập thể người Việt tị nạn, do đấy không có tính cách bao gồm; hoặc có tính cách truyện (fiction) không đáp ứng được nhu cầu khảo cứu ở cấp cao học. “Phim 'VietnAmerica' có tính cách bao gồm hơn,” Triều Giang Nancy Bùi, hội trưởng VAHF, cho biết trong một cuộc chuyện trò trước ngày phim ra mắt, “[Phim] đề cập tới những hoàn cảnh tị nạn khác nhau của người Việt Nam, gồm những người ra đi vào lúc miền Nam mất vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, và những đợt tị nạn ra đi sau đó như các bộ nhân, thuyền nhân, tù nhân chính trị sau này qua chương trình HO.”

“Một phần quan trọng khác của phim là,” Triều Giang tiếp, “nói về sự thành công và đóng góp của nhóm dân tị nạn đông đảo nhất tại Hoa Kỳ đã và đang làm gì cho quê hương thứ hai này.” Ðặc biệt, bà nhấn mạnh ở tính cách tài liệu của phim, tức là hoàn toàn dựa vào sự thật, không sử dụng kỹ thuật tái dàn dựng (re-enactment) mà nhiều phim tài liệu khác đã sử dụng. (*)

Phim được thực hiện qua góc nhìn và dẫn giải (narration) của đạo diễn Scott Edwards, nhà làm phim trẻ và giám đốc của Edwards Media, một hãng chuyên làm phim tài liệu có trụ sở tại Austin, Texas. Trong bài nói chuyện ngắn trước giờ chiếu phim “VietnAmerica,” đạo diễn Edwards cho biết, cho tới khi cộng tác với VAHF, ông không biết gì về lịch sử người Việt tị nạn. Xuyên qua hành trình làm phim tài liệu này, kể cả một chuyến đi thu hình các trại tị nạn cũ như Bidong, Malaysia, và Galang, Indonesia trong vùng biển Ðông Nam Á, ông học hỏi được nhiều điều về lịch sử của người tị nạn gốc Việt.

Hình : Khán giả xếp hàng chờ tới phiên phát biểu và góp ý sau khi xem phim “VietnAmerica.” (Hình: Trùng Dương)

“Câu chuyện của các thuyền nhân gợi chúng ta nhớ tới giá trị của đời sống của mỗi con người. Nó nói lên khát vọng của con người được sống tự do và không chấp nhận sự đàn áp,” Edwards nói. “Chuyện thuyền nhân là chuyện của sự can trường và tôi biết ơn chị Nancy Bùi đã cho tôi dịp tiếp tay với công trình của chị và đã để tôi kể lại câu chuyện này trong chiều hướng mà tôi thấy mình liên cảm được.”

Phim “VietnAmerica” gồm những cuộc phỏng vấn một số các nhân vật thuộc thế hệ thuyền nhân, trong đó nổi bật nhất là chuyện võ sư Nguyễn Tiến Hóa, người sống sót duy nhất sau khi thuyền ông bị hải tặc tấn công và vợ và hai con nhỏ của ông bị chết. Hơn 30 năm sau, ông đã trở lại vùng biển Ðông Nam Á cùng với đoàn quay phim để đi tìm mộ vợ con. Những đoạn phim liên hệ tới chuyến trở về này đã được rút ra thành một phim tài liệu ngắn 18 phút, có tựa là “Master Hoa's Requiem” đã chiếm nhiều giải thưởng tại các đại hội điện ảnh quốc tế và địa phương, mục đích là để tiện chiếu trong các tiết học của các trường đại học và trung học.

Những nhân vật thuộc thế hệ 1.5 người Việt tới Mỹ khi còn nhỏ nay đã thành công và có địa vị trong xã hội Mỹ cũng góp mặt trong phim, như khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt, cựu bộ nhân và nhạc sĩ kiêm giám đốc hệ thống truyền hình SBTN Trúc Hồ, kể lại kinh nghiệm vượt biên và công việc hiện nay của họ. Bên cạnh đó là những nhân vật thuộc thế hệ thứ nhất, như bà Khúc Minh Thơ, người đã cùng với Hội Gia Ðình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam hoạt động không ngừng nghỉ suốt 20 năm trời để vận động chính quyền Hoa Kỳ can thiệp và đã thành công trong việc đưa trên 300,000 ngàn tù nhân chính trị và gia đình họ được tới định cư tại Mỹ.

Phim cũng có đoạn về chuyến vượt biển nguy hiểm của Triều Giang, hội trưởng VAHF, và hai con nhỏ, và của phóng viên Trọng Thắng thuộc VietFace TV, cơ sở bảo trợ buổi ra mắt phim “VietnAmerica.”

Ngoài ra, phim có các đoạn phỏng vấn ba nhân vật không thuộc thành phần tị nạn tại Mỹ, nhưng những phát biểu của họ hỗ trợ cho việc tại sao người Việt phải bỏ quê hương ra đi, đó là Giáo Sư Lewis Sorley, cựu chiến binh và tác giả “A Better War: The Unexamined Victories and Final Tragedy of America's Last Years in Vietnam” (Một Cuộc Chiến Khá Hơn: Những chiến thắng không được đánh giá đúng và thảm kịch cuối cùng của Mỹ vào những năm cuối cùng ở Việt Nam). Bên cạnh đó là Giáo sư Robert F. Turner, chuyên giảng dạy về chiến tranh Việt Nam và tác giả những bài báo tái thẩm định nguyên nhân đưa tới cuộc chiến là do cộng sản Bắc Việt khơi mào, một điều các tác giả phản chiến Mỹ vẫn phủ nhận, cho rằng Hà Nội mới là nạn nhân bị khiêu khích bởi Hoa Kỳ. Ngoài ra, là nhà văn Dương Thu Hương, tác giả cuốn tiểu thuyết “Những Thiên Ðường Mù” hiện sống lưu vong tại Paris, cho biết vì sao bà phải từ bỏ chế độ cộng sản, một chế độ dối trá lường gạt đã chôn vùi tuổi xuân của bà cũng như những người thuộc thế hệ bà tại miền Bắc.

Xen kẽ những cuộc phỏng vấn trên là những đoạn phim về thảm cảnh thuyền nhân, những con số thống kê mà chúng ta hầu như đã thuộc nằm lòng: Hàng triệu người phải bỏ xứ ra đi tìm tự do bất kể hiểm nguy nơi biển cả hay trong rừng sâu, hàng trăm ngàn con người đã không bao giờ tới bến bờ mà mồ chôn của họ là biển cả, hàng ngàn mộ thuyền nhân - những ngôi “mộ viễn xứ” nằm rải rác tại các hòn đảo trong vùng biển Ðông Nam Á, bên cạnh hàng trăm ngàn người cả Việt lẫn Mỹ đã bỏ mình trong trận chiến tự vệ của quốc gia Việt Nam Cộng Hòa.

Hình : Ký giả Triều Giang Nancy Bùi, hội trưởng VAHF và là nhà sản xuất phim tài liệu “VietnAmerica,” an ủi chị Lan Nguyễn, một cựu thuyền nhân, bật khóc nức nở khi phát biểu cảm tưởng về phim. (Hình: Trùng Dương)

Những người đã tới vùng đất tự do đã xây dựng lại đời sống của họ từ hai bàn tay trắng, và con cái họ nhiều người đã thành đạt, trong đó có trên 20,000 người trẻ thuộc thế hệ 1.5 và 2 đã gia nhập quân ngũ phục vụ trong khắp các binh chủng của quân đội Hoa Kỳ để tiếp tay giữ gìn tự do không chỉ của quốc gia đã mở rộng vòng tay đón gia đình họ những ngày chân ướt chân ráo tới Mỹ, mà còn của cả tự do của thế giới như truyền thống duy trì an ninh toàn cầu của quân lực Mỹ. Trong số đó, một số đã hy sinh và có người nay là thương binh. Một phần của phim “VietnAmerica” đã trình chiếu buổi ra mắt của Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Thuộc Mọi Binh Chủng (Vietnamese American Uniformed Services Association - VAUSA).

Có thể nói bên cạnh những sơ sót nhỏ có thể điều chỉnh trước khi chính thức phát hành, phim “VietnAmerica” đã đem lại nhiều phản ứng tích cực nơi khán giả. Trước hết, cuốn phim tài liệu dài tới 90 phút mà giữ được sự chú ý của khán giả từ đầu đến cuối phải nói là một thành công đáng kể. Nhiều người không những chú ý mà còn không ngăn được xúc động. Khi phim chấm dứt và đèn trong rạp bật sáng, ban tổ chức vừa tuyên bố đến giờ hỏi-đáp, nhiều người đã xếp hàng để phát biểu cảm nghĩ của mình, cũng như nêu lên những sơ suất của phim, chứng tỏ một sự theo dõi với tất cả chú ý và quan tâm.

“Tôi đã chờ tới 40 năm mới được xem một cuốn phim đầy đủ về thảm cảnh thuyền nhân như phim này,” bà Lan Nguyễn, một phụ nữ tự giới thiệu là một cựu thuyền nhân, rồi vừa khóc nức nở vừa nói mà như chất vấn ban tổ chức là tại sao bà đã phải chờ một thời gian dài như vậy.

Một cô gái còn trẻ lên tự giới thiệu bằng tiếng Anh, với một giọng như có lẫn tiếng khóc, là cô sinh ra và lớn lên tại Mỹ, và đây là lần đầu tiên cô thấy thấm thía được những nguy hiểm liều lĩnh mà cha mẹ cô đã phải trải qua khi vượt biển để cô được sinh ra và lớn lên trong tự do. Và cô ngỏ lời cám ơn ban tổ chức.

Cựu Trung Tá Ross Cao Nguyên Nguyễn, chủ tịch hội VAUSA, thì cho biết anh sẽ vận động các hội viên tiếp tay với hội VAHF để thực hiện một thư viện và bảo tàng viện điện tử của bộ sử của người di dân Việt tại Mỹ.

Buổi ra mắt phim “VietnAmerica” lần đầu đã nhận được sự bảo trợ của trung tâm Thúy Nga, VietFace TV, VietTV Network, V247, bên cạnh sự đóng góp của các hội đoàn và cơ sở địa phương, như Cộng Ðồng Việt Nam Nam Cali, VAUSA, Hội Cựu Nữ Sinh Gia Long-Nam California, Thân Hữu Cựu Nữ Sinh Trưng Vương, Hội Cao Niên Mỹ Á, Hội Phụ Nữ Việt Mỹ, Hùng Sử Việt, Fine Japan, CJ Stauffer, và Văn phòng Luật Sư Di Trú Toan Quy Thai, cùng nhiều cơ quan và cá nhân khác. 


Chú thích:
(*) Chuyện trò với nhà sản xuất phim tài liệu 'VietnAmerica':http://www.diendantheky.net/2015/05/trung-duong-chuyen-tro-voi-nha-san-xuat.html;







No comments: