Tuesday, May 12, 2015

Nhân quyền tại Việt Nam gây trở ngại TPP (Người Việt)





Monday, May 11, 2015 3:47:34 PM 

Nhận định của Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ

HÀ NỘI (NV) - Việt Nam có vài tiến bộ về nhân quyền nhưng cần chứng tỏ nhiều hơn nữa để các nhà lập pháp Hoa Kỳ bớt chống đối hầu có thể tham gia vào Hiệp Định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách dân chủ, nhân quyền và lao động Tom Malinowski nói trong cuộc họp báo tại Hà Nội hôm Thứ Hai 11/5/2015 rằng nhà cầm quyền CSVN tỏ ra kềm chế hơn trong năm nay. Ông cho rằng Việt Nam có ít tù nhân chính trị hơn và không thấy có những vụ kết án mới. Tuy nhiên, theo ông, những tiến bộ như vậy rất mong manh và “vẫn còn nguyên những vấn đề – nhân quyền – nổi bật”.

Theo ông Malinowski thì “Việt Nam đã đi được một quãng đường đáng kể (về nhân quyền) nhưng còn một quãng xa cần phải vượt qua”, theo tin tường thuật của họp báo của thông tấn Reuters.

Vào ngày ông Malinowski họp báo tại Hà Nội nói có vài tiến bộ về nhân quyền tại Việt Nam, thì ngay tại thành phố này, một nhóm công an mặc thường phục giả dạng côn đồ đã hành hung ông Nguyễn Chí Tuyến dã man, chảy máu đầu, khi ông đang trên đường đưa con đi học về trên đoạn đường đê Ngọc Thụy – Long Biên, Hà Nội. Ông được đưa vào bệnh viện chữa trị.

ng Nguyễn Chí Tuyến, một nhà hoạt động xã hội và nhân quyền ở Hà Nội, bị một nhóm an ninh mặc thường phục hành hung dã man sáng 11/5/2015 phải vào bệnh viện cấp cứu. (Hình FB Bạch Hồng Quyền)

Theo ông Nguyễn Văn Đề viết trên Facebook, “Nguyễn Chí Tuyến là người rất nhiệt tình trong phong trào biểu tình chống Trung Quốc xâm lược từ năm 2011 khi Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí (Bình Minh 2) của Việt Nam, những cuộc biểu tình chống Trung Quốc và tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh trong các cuộc chiến với Trung Quốc gần đây. Trong các cuộc tuần hành bảo vệ cây Xanh Hà Nội thời gian qua, anh luôn là người đi đầu sát cánh cùng anh em. Anh là người hiền lành, nhiệt tình và rất ôn hòa, được rất nhiều anh chị em trong phong trào quý mến”. 

Ông Malinowski và phái đoàn đã tham dự cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm giữa hai chính phủ tại Hà Nội với đại diện nhà cầm quyền CSVN ngày 7/5/2015 vừa qua và ông cũng đã tiếp xúc với một số tổ chức xã hội dân sự, thành phần bên ngoài chính quyền, nghe các phản ảnh của họ về tình hình nhân quyền thực tế tại Việt Nam ra sao.

“Tôi biết rằng cải cách ở Việt Nam là một tiến trình lâu dài nhưng hiện đang có nhu cầu cải thiện khẩn cấp.” Ông Malinowski nói trong cuộc họp báo.

Theo ông vấn đề đàn áp nhân quyền tại Việt Nam là điểm trở ngại trong mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước mà lâu nay, Hoa Kỳ vẫn đả kích CSVN là không dung tha những người bất đồng chính kiến. Ông Malinowski nói các trò sách nhiễu, đe dọa và đánh đập các người đấu tranh dân chủ vẫn diễn ra.

Ông Malinowski đã gặp các viên chức cao cấp của Bộ Công An CSVN mà ông nói cơ quan này đóng vai trò then chốt quyết định cho mối quan hệ song phương tiến xa đến đâu. Ông kêu gọi những kẻ bảo thủ ở trong nội bộ đảng CSVN nên cho phép người dân tự do hơn, nhờ đó giải tỏa “những quan ngại chính đáng và nghiêm trọng” của Quốc hội Hoa Kỳ về Việt Nam.

Hiện Việt Nam và Hoa Kỳ đang cố gắng kết thúc đàm phán Hiệp định Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TTP) mà nhờ đó hàng hóa các loại xuất cảng từ Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ được hưởng miễn trừ hay ưu đãi thuế quan, giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển thuận lợi. Đang có những nỗ lực được thúc đẩy để hai nước có những quan hệ chặt chẽ hơn về mọi mặt về cả y tế, giáo dục, môi trường, năng lượng và gần đây là mặt an ninh quốc phòng.

Hiệp định Đối tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương trong đó Việt Nam và Hoa Kỳ cùng 10 nước khác đang đàm phán, nếu đạt được, phải đem ra quốc hội biểu quyết thông qua. Những năm qua, Quốc hội Hoa Kỳ đều ra các bản nghị quyết lên án CSVN đàn áp nhân quyền.

“Các lợi ích kinh tế và chiến lược là một phần của hiệp định TPP lấn át hẳn những vấn đề khác. Đó là lý do tại sao một số chính phủ sợ phải đi theo con đường đó.” Ông Malinowski nói. Quốc hội Hoa Kỳ “không chỉ bỏ phiếu thông qua một hiệp định thương mại. Tôi thấy đó là một cuộc biểu quyết quan trọng nhất về nhân quyền mà Quốc Hội thực hiện cả năm.”
Bình luận về vấn đề, ông Phil Robertson, giám đốc khu vực Á Châu của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền phát biểu trên thông tấn Reuters rằng Việt Nam chỉ nên được cho làm đối tác TPP nếu có cải thiện về nhân quyền.

“Không một ai nên lầm lẫn là đàm phán ngoại giao thêm một vòng nữa có nghĩa là Việt Nam cam kết có các hành động cải thiện thành tích nhân quyền ghê rợn của họ”. Ông Robertson nói như vậy trước cuộc đối thoại nhân quyền của ông Tom Malinowski ở Hà Nội. (TN)






No comments: