Cách đây trên 10 năm tôi căn cứ vào những gì mình học
qua và có viết một bài khá dài để liệt kê những nguỵ biện phổ biến ở người Việt.
Bài đó được phổ biến rất nhiều qua từng ấy năm. Nhưng hôm qua, nhân một cái
note nhỏ về “Một chứng từ của tội
lỗi” (tôi không dùng chữ “tội ác”), tôi mới thấy thói nguỵ biện vẫn còn
tồn tại trong khá nhiều bạn đọc.
Tôi thấy một nguỵ biện phổ biến nhất là đánh tráo vấn
đề. Tiếng Anh gọi là distraction. Có nhiều thói trong nhóm nguỵ biện này, nhưng
một số thói phổ biến tôi thấy trong thực tế là:
Thứ nhất là thói nguỵ biện có tên mà tiếng Anh gọi
là “red herring”, hiểu theo nghĩa đánh tráo vấn đề. Chữ “red herring” có nguồn
gốc từ thế kỉ 19 khi những người thợ săn dùng mùi cá để đánh lạc hướng và huấn
luyện chó săn. Câu chuyện là cây búa được dùng cho việc giết người, người dùng
nó là người của chính quyền đương thời, và việc sử dụng công cụ này được chính
chính quyền xác định trên giấy trắng mực đen. Cây búa là một chứng từ nói lên
tính man rợ trong thời chiến của phe chính quyền. Người đọc có suy tư phải suy
nghĩ, tìm hiểu, lí giải vấn đề, và giúp người khác hiểu sâu thêm.
Nhưng có người lại đánh tráo vấn đề bằng cách cho rằng
phía VNCH cũng ác ôn không kém. Nhưng đối tượng chính ở đây là chứng từ tội lỗi
ngày xưa của phía chính quyền hiện hành, chứ không phải là VNCH. Bằng cách lái
vấn đề sang VNCH, người ta, hoặc cố ý hoặc vô ý, đánh tráo từ một vấn đề A sang
vấn đề B. Hệ quả của sự đánh tráo như thế là làm cho người khác, nếu không tinh
ý và tập trung, sẽ bị lẫn lộn vấn đề. Từ lẫn lộn dẫn đến việc bàn luận chẳng đi
đến đâu, và cuối cùng chỉ là những lời qua tiếng lại một cách vô nghĩa. Nói như
thế không có nghĩa là bỏ qua những tội ác của VNCH, nhưng ở đây không phải là
chủ đề đó, nên đánh tráo sang nó là rất không có ích.
Một loại nguỵ biện khác là tấn công cá nhân. Tiếng
Anh gọi là ad hominem. Thật ra, thói nguỵ biện này rất ư phổ biến trong báo chí
Việt Nam. Thay vì bàn luận về vấn đề thì người ngụy biện đem người đặt vấn đề
ra chửi bới cá nhân. Ví dụ về thói này thì rất rất nhiều, nhưng tôi nghĩ biểu
nhất là sự việc chung quanh ông Cù Huy Hà Vũ. Ông Hà Vũ là người bất đồng chính
kiến với chính quyền, ông kêu gọi hòa hợp – hoà giải dân tộc, ông kêu gọi dân
chủ, ông nêu những vấn đề “dân oan”, v.v. Nhưng thay vì đối thoại với ông, thì những
người trong chính quyền (và báo chí) bơi móc đời tư cá nhân của ông, và những
tranh chấp trong gia đình ông. Người ta có lẽ muốn chứng minh rằng ông Hà Vũ đời
thường cá nhân là tệ thế thì những gì ông ấy nói là không đáng để nghe. (Nói
như thế thì đời tư các lãnh đạo từ ông Lê Duẩn đến ông Clinton, ông nào cũng có
vấn đề đời tư cá nhân cả, thì không tin họ sao?) Không phân biệt được cá nhân
và quan điểm của cá nhân là dễ dẫn đến bàn luận chẳng đi đến đâu.
Tuy nhiên, thói tấn công cá nhân là một thói nguỵ biện
rất thấp kém nhưng lại rất lợi hại. Lợi hại là vì công chúng thích những chuyện
đời tư cá nhân hơn là động não suy nghĩ chuyện lớn. Hệ quả của ad hominem cũng
là đánh tráo vấn đề: chuyển đối tượng bàn luận sang chuyện cá nhân.
Một thói nguỵ biện hay được đem ra sử dụng là ví von
bất xứng (false analogy). Thông thường, đây là thói nguỵ biện so sánh một sự việc
đang bàn với một sự việc khác, nhưng các yếu tố trong so sánh không tương đồng
với nhau. Tiêu biểu cho thói ngụy biện này là cách nói “nếu xem gói thuốc nổ
trong bánh là khủng bố, thì việc bỏ bom cũng là khủng bố”. Nhưng hai sự việc rất
khác nhau. Việc giả cái bánh để giết người là hành động lén lút ám sát, còn việc
bỏ bom là hành động được tuyên bố trong một cuộc chiến. Không thể so sánh và đánh
đồng hai sự việc như nhau được. Tương tự, cây búa và cây súng khác nhau xa về ý
nghĩa trong chiến tranh, nhưng có người nói dùng súng để bắn chết người trong
chiến tranh là ok thì dùng búa cũng ok. Nhưng cây búa không phải là công cụ để
tự vệ trong chiến tranh, không phải là “conventional war”, mà nếu dùng nó để giết
người trong chiến tranh thì phải xem đó là tội phạm. Không thể đánh đồng cây
búa và cây súng được. Chiến tranh cũng có luật chơi của nó.
Thói nguỵ biện hay thấy ở người Việt là thói mà tiếng
Anh gọi là ignorance – tức là thiếu thông tin (hay có người dịch là “dốt”). Một
số đông các bạn trẻ trong nước bị tuyên truyền và nhồi sọ quá lâu, nên họ không
phân biệt được đâu là sự thật và đâu là giả dối. Đến thời điểm này mà vẫn đem
những Lê Văn Tám, những tay không kéo máy bay trực thăng, những “lê máy chém khắp
nơi”, v.v. là rất đáng trách. Đó không phải là những sự thật, mà chỉ là sản phẩm
của tuyên truyền và giả dối. Mà, những sự kiện giả dối thì không thể dùng trong
bàn luận nghiêm chỉnh được.
Tôi thấy thỉnh thoảng có thói nguỵ biện đảo ngược điều
kiện. Loại ngụy biện này thường được biểu hiện qua cách nói “Nếu VNCH thắng thì
tình hình cũng thế”, và hàm ý là “tình hình tồi tệ hiện nay là chấp nhận được”.
Thói nguỵ biện này phạm phải 2 cái sai lầm. Thứ nhất là sự việc đã không xảy
ra, và cách nói chỉ là giả thuyết. Thứ hai, cách nói đó giả định rằng chế độ
VNCH là chuẩn mực, một điều rất khó kiểm chứng trong thực tế. Tuy nhiên, cách
nói như thế là rất thấp, vì nó là kiểu đánh vào … không khí (vì sự việc không xảy
ra).
Điều đáng tiếc là những nguỵ biện như thế vẫn xảy ra
hàng ngày trong thế giới mạng. Chẳng những thế mà còn xảy ra ở nhiều quan chức
cao cấp. Có những nguỵ biện rất hài hước như IQ và đường sắt cao tốc, như số
báo chí và đài truyền hình là tự do báo chí, như học tập cải tạo là thể hiện
lòng nhân ái, vân vân và vân vân.
Nguỵ biện là hệ quả của sự lười biếng suy nghĩ. Vì
lười biếng suy nghĩ nên người ta phải sử dụng những gì sẵn có. Những gì sẵn có
là khẩu hiệu nhan nhãn từ mấy chục năm nay. Thành ra, không ngạc nhiên khi thấy
sinh viên (và những người lười suy nghĩ) thấy ai có quan điểm và suy nghĩ khác
họ thì họ cho ngay cái nhận xét “phản động”. Thấy ai nói về hành động tàn ác
trong chiến tranh, họ nghĩ ngay đến “phía bên kia cũng ác ôn”. Dùng phía bên
kia để biện minh cho sự ác ôn của mình là khó thuyết phục, nhưng nó làm cho họ
cảm thấy an lòng. Họ chỉ thốt cái chữ đó ra theo quán tính, chứ chưa chắc họ biết
cái nghĩa thật của chữ đó là gì.
Có lẽ, ở một khía cạnh nào đó, điều này cũng không đến
nỗi tệ, bởi vì những ngụy biện phản ánh sự thành công [hay có người nói sự
phong phú] của ngôn ngữ trong việc tách rời giữa những gì thô thiển, gồ ghề với
những gì hoàn thiện, mĩ miều. Nhưng sự trơn tru của các vật thể và ngôn ngữ
ngày nay đem lại cho chúng ta một cảm giác giả tạo về thế giới thực của các vật
thể. Trơn tru, tròn trĩnh có thể là giả tạo. Những câu văn ngụy biện có thể chỉ
là những lời phát biểu lém lỉnh thay vì lịch thiệp, hàm chứa mánh khóe thay vì
thân thiện. Có thể nói, ngụy biện là những lối sáo ngữ liến thoắng nhằm vào mục
đích lôi cuốn người nghe/đọc, thay vì cung cấp cho họ một sự thực.
No comments:
Post a Comment