Wednesday, May 13, 2015

Lịch sử thế giới trong sách giáo khoa Việt Nam (Kính Hòa - RFA)





Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-05-12

Nước Nga rầm rộ kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít Đức cách đây 70 năm, thời kỳ mà nước Nga còn là một phần của Liên Xô. Bằng phương tiện truyền thông điện tử, người đọc Việt nam ngày càng có nhiều thông tin về những hành vi của nhà nước Liên Xô trước khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu. Nhưng những điều như vậy không được giảng dạy cho học sinh Việt nam, họ vẫn không biết những gì thực sự xảy ra. Sau đây là ghi nhận của Kính Hòa về vấn đề này qua ý kiến của một số chuyên gia cũng như giáo viên Sử học trong nước.

Người ta dạy cái gì về lịch sử thế giới?

Đa số các bạn trẻ được hỏi về nội dung lịch sử thế giới giai đoan Thế chiến thứ hai trong sách giáo khoa lịch sử đều nói rằng họ không còn nhớ gì. Nhà báo Đoan Trang cho biết cô nhớ về nội dung được trình bày về cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai tại châu Âu như sau:

“ Tôi nhớ là Liên Xô là anh cả, dẫn đầu thế giới, hy sinh nhiều nhất, tôi nhớ không lầm là 30 triệu, tốn nhiều của cải, nhân lực cho chiến tranh thế giới thứ hai, là lực lượng dẫn đầu. Hầu như chúng tôi không biết gì về lực lượng đồng minh. Sau này xem các phim như là Cuộc sống tươi đẹp, The Schindler’s List, thì mới rất là ngạc nhiên rằng hóa ra đồng minh cũng có vai trò à! Chứ trước đấy bọn tôi cứ tưởng đấy là cuộc chiến giữa Đức và Liên Xô, còn đồng minh chẳng có vai trò gì, còn Mỹ thì bán vũ khí cho cả hai bên.”

Trong những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, chương trình lịch sử Thế giới mô tả Liên Xô là thành trì của nhân loại tiến bộ chống lại chủ nghĩa phát xít. Sách sử Việt nam ở giai đoạn này cũng có nói tới hiệp ước Bất tương xâm được ký kết giữa Liên Xô và Đức quốc xã trước khi chiến tranh bùng nổ để tránh chiến tranh. Tiếp đó lại giải thích hành động của Liên Xô tiến chiếm miền Đông Ba Lan, chia sẻ quốc gia này với nước Đức là để thu phục lãnh thổ đã mất!

Ngoài ra những chi tiết quan trọng liên quan đến nhân vật Stalin như những cuộc thanh trừng của ông ta, hay ý muốn của ông ta trong việc ký hòa ước với nước Đức phát xít không được nhắc tới. Và hầu như tất cả những sự kiện lịch sử ở khối Đông Âu cộng sản trước đây như cuộc nổi dậy tại Hungary năm 1956, cuộc tiếm quyền của đảng cộng sản tại Tiệp Khắc năm 1948, hay mùa xuân Prague,… hoàn toàn vắng bóng trong lịch sử Thế giới được giảng dạy tại Việt nam.

Ông Lê Hồng Hiệp, Tiến sĩ chuyên ngành quan hệ quốc tế, hiện làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói về sự thiếu thông tin đó:

Có một số sự kiện, một số nhân vật, những tiến trình trong lịch sử thế giới mà không được đề cập đến trong các giáo trình lịch sử Việt nam, thì việc này nó cũng dễ hiểu vì chương trình ở một chế độ, một đất nước như Việt nam thì người ta cần phải định hướng. Vì vậy có những sự kiện người ta không thể đề cập đến một cách đầy đủ, mà chỉ trình bày theo một chiều hướng nào đó. Đây cũng là một sự thiệt thòi cho các học sinh ở Việt nam. Và tôi nghĩ đấy chắc là lý do mà môn Sử không thu hút được các em học sinh ở Việt nam. Món sử trong nhiều khía cạnh nó nhạt nhẽo quá, ví dụ như là chỉ có hai màu trắng đen mà không có những gam màu khác.”

Sự cởi mở có mức độ

Ông Lê Hồng Hiệp cũng cho rằng xu thế xã hội ở Việt nam trong những năm qua đã cởi mở hơn, ví dụ như sự kiện Hồng quân Liên Xô thảm sát hàng ngàn sĩ quan và binh lính Ba Lan trong thế chiến thứ hai tại Katyn đã được báo chí Việt nam nêu ra hồi năm 2010. Tuy nhiên những điều như thế cũng chưa thấy xuất hiện trong sách giáo khoa lịch sử.

Trong quyển lịch sử lớp 11 đang được giảng dạy trong nhà trường Việt nam hiện nay cũng đề cập đến hiệp ước Bất tương Xâm Liên Xô và Đức với cùng cách giải thích như 30 năm trước, và sự kiện Liên Xô thôn tính Ba Lan lại bị lượt bỏ đi.

Ông Lê Hồng Hiệp cho rằng việc sửa đổi nội dung sách giáo khoa lịch sử ở Việt nam không phải là điều dễ dàng.

Trong khuôn khổ việc tuyên truyền giáo dục ở bậc phổ thông, kể cả Đại học nữa, sẽ rất là khó vì sẽ có những giới hạn mà những người biên soạn sách giáo khoa họ không thể vượt qua được. Và học sinh muốn biết thêm thì phải tìm hiểu qua các kênh khác nhau. Còn việc sửa đổi nội dung sách giáo khoa thì tôi nghĩ rằng họ chỉ có thể chỉnh một số, rồi sửa đổi cách truyền tải, hình thức sách giáo khoa, v.v… sẽ có những giới hạn người ta không thể vượt qua được trong chương trình hiện tại.”

Một giáo viên dạy sử xin được giấu tên nói là không có hy vọng gì về việc thay đổi nội dung sách giáo khoa

Tôi không hy vọng gì ở những người cầm quyền chính trị, tôi không hy vọng gì về việc thay đổi sách giáo khoa. Nhưng ở thời đại ngày nay, giới trẻ hiện nay, hay những người trẻ hơn nữa, họ có nhiều phương tiện để có thể có được thông tin.”

Ông Lê Hồng Hiệp cũng đồng ý là với thời đại Internet hiện nay chuyện có được những kiến thức lịch sử, với những cách nhìn khác nhau là một điều tốt.

Nhưng từ đó thì một số giáo viên khác lại đặt ra câu hỏi là học sinh sẽ nói gì khi thấy rằng có nhiều chuyện thực tế lịch sử lại khác quá xa cái gì được nói đến trong sách giáo khoa?

Điều đó có đặt ra câu hỏi về uy tín của ngành giáo dục, hay có dẫn đến những thế hệ không quan tâm nữa đến lịch sử của thế giới mà mình đang sống hay không?






No comments: