Được
đăng ngày Thứ tư, 06 Tháng 5 2015 17:43
Tôi
quyết tâm đến thăm thầy tối hôm ấy dù có cơn bão rớt kéo dài suốt cả tuần ở
Sydney. Mưa gió mù mịt, trời u ám, đường trơn trợt, nhưng thế là đáng tội cho
tôi đã không đến thăm thầy trong những ngày quang đãng. Mưa gió trong lòng làm
khổ sở hơn nhiều.
Thầy
tôi là Giáo sư Lê Linh Thảo đã qua đời hai ngày trước đó!
Thầy
Thảo dạy tôi môn Cổ văn trong năm 1970-1971. Khi ấy chiến dịch Lam Sơn 719 ở Hạ
Lào đã thất bại, dù là học sinh, tôi cũng đã nơm nớp lo sợ phải nhập ngũ nếu
thi rớt Tú tài. Việc học hành của nam sinh ở miền Nam sắp đến tuổi 18 trong thời
gian chiến tranh rất căng thẳng. Thi rớt phải đi quân dịch ngay. Nhưng thi đậu
cũng chỉ được gia hạn ngày nhập ngũ cho đến khi thi rớt năm kế tiếp. Trước sau
gì cũng phải nhập ngũ, sớm muộn là do trời định. May mắn trời đã định cho tôi
nhập ngũ muộn vì được học với thầy Thảo.
Thầy
Thảo dạy Cổ văn hay nhất thế giới. Môn cổ văn của Bộ Giáo dục VNCH rất khó nuốt
vì các tác giả đã quy tiên từ lâu nên học sinh không liên tưởng được đến thời đại
họ đã sống để hiểu trọn vẹn tâm tình của họ trong các tác phẩm. Nguyễn
Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tế Xương, Tản Đà… học để mà thi, còn suy
nghĩ về suy nghĩ của các tác giả là chuyện dư thời gian làm sau khi nhập ngũ.
Hiện tại phải ôm lấy mấy ông mà thi. Nhờ thầy Thảo, tôi ôm các tác giả cuối thế
kỷ 19 đã khá nhiệt tình. Sợ nhất là ông Nguyễn Công Trứ với tác phẩm ‘Kẽ Sĩ’ đầy
điển tích và chữ Hán không hiểu được. Nhưng thầy Thảo đã làm dễ dàng. Thầy ngắt
ra từng đoạn, giảng giải hấp dẫn từng đoạn, đưa đến sự hấp dẫn toàn tác phẩm
sau một tháng học! Để có thêm hứng khởi giảng bài, thầy Thảo thỉnh thoảng (hoặc
vì nhịn không nổi) hút thuốc lá Cotab thả khói thơm lừng trong lớp. Bây giờ dưới
ánh sáng y khoa của thời đại, ‘kỹ thuật tìm hứng thú’ này đã bị lên án, nhưng thời
đại cách đây 50 năm, nó làm tôi ái mộ thần tượng và muốn bắt chước. Tôi còn giữ
mãi hình ảnh thầy Thảo tráng kiện, quắc thước, luôn mặc áo sơ mi trắng, lái xe
Lambretta đậu ngay trước lớp học, có thể vì sợ ‘thầy đạo chích’ cao tay ấn
hơn thầy Việt văn, để dạy học. Trên gương mặt của thầy lúc ấy tôi đã thấy phảng
phất một nỗi niềm không thể bày tỏ cùng học sinh mà chỉ sau khi gặp thầy tại Úc
tôi mới hiểu ra.
Thầy Lê Linh Thảo - Ảnh : Người Việt
Tôi
gặp lại thầy Thảo ở Úc trong thập niên 90. Thầy lúc ấy là một thành viên trong
Ban Điều Hợp (BĐH) của Lực Lượng Dân quân Yểm trợ Phục Quốc Việt Nam
(LLDQYTPQVN) do ông Võ Đại Tôn làm trưởng nhiệm. Tôi vui mừng được gặp lại thầy
dù có hơi bị bất ngờ vì ông thầy văn của mình đã bước sang nghề thầy võ. Giải
thích sự đổi đời này thầy Thảo vẫn hay hóm hỉnh nói đùa với các người hỏi, là
sau khi Cộng sản chiếm miền Nam thầy bị thành người ‘mất dạy’.
Trưởng
nhiệm Võ Đại Tôn lúc ấy đã về Đông Dương tìm cách bắt tay với các lực lượng
kháng chiến trong nước, đã bị bắt ở Lào, chịu án khoảng 10 năm tù trước khi được
thả về Úc. Tổ chức LLDQYTPQVN sau đó tổ chức cho ông đi tri ân đồng bào hải ngoại
và đồng thời phổ biến Bạch Thư vốn đã được phổ biến trong nước từ năm
1991. Cuốn Bạch thư, một cách tổng quát, gồm những quan sát cô động về hiện
tình VN và thế giới và đưa ra một số giải pháp cho vấn đề VN. ‘Giải
pháp không người thắng kẻ thua ‘ bao gồm 4 điểm: 1.Không bạo lực
2.Không dối trá 3. Không chủ nghĩa 4. Không hận thù (trang 36, Bạch thư
LLDQYTPQVN). Nhưng việc phổ biến Bạch Thư ở hải ngoại không thành công
như mong đợi và dưới áp lực của một số người chống cộng cực đoan nắm cơ quan
truyền thông ở Mỹ và Canada, ông Võ Đại Tôn tuyên bố rút lại Bạch Thư. Sau đó
ông lập ra một tổ chức chính trị khác lấy tên là Liên Minh Quang Phục Việt Nam
(LMQPVN) do ông lãnh đạo. Các đoàn viên còn lại thành lập Tập Hợp Đồng Tâm
(THĐT). Thầy Thảo là một thành viên trong Ban Điều Hợp THĐT và ông đảm trách mặt
văn hóa VN trong tổ chức mới. Trong thời gian này THĐT đã tích cực hỗ trợ những
nhà dân chủ VN đến thuyết trình tại Úc châu và yểm trợ tinh thần cho các tổ chức
dân chủ khác dù không cùng một phương cách thực hiện sự giải thể cộng sản như Tập
Hợp Đồng Tâm.
Các
chuyến viếng thăm Úc châu của những người dân chủ VN trong thập niên 90, như
các ông Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Võ Nhân Trí, Đoàn Viết Hoạt và đặc biệt là ông
Nguyễn Gia Kiểng của nhóm Thông Luận, tiền thân của Tập Hợp Dân chủ Đa Nguyên
(THDCDN) không thể thành công được nếu không có sự hỗ trợ tích cực của anh chị
em thuộc Tập Hợp Đồng Tâm. Tổ chức này hợp tác với bán tuần báo Việt Luận cung
cấp phương tiện vật chất, yểm trợ tinh thần và bảo vệ an ninh diễn thuyết cho
các phái đoàn. Nghe thì đơn giản, nhưng với những người hiểu chuyện, đây không
đơn giản. Đặc biệt trong tình trạng phân hóa lòng người và tổ chức chính trị
lúc ấy, phải có những người lãnh đạo can đảm, có viễn kiến, có trí tuệ mới vượt
qua được những trở ngại nhất thời. Ngoài tình bạn thân thiết giữa thầy Thảo và
ông Nguyễn Gia Kiểng, sự chia sẻ 4 điểm của giải pháp ‘không người thắng
kẻ thua’ của LLDQYTPVN là không bạo lực, không dối trá, không chủ nghĩa và
không hận thù đã xóa bỏ lằn ranh cách biệt giữa hai tổ chức.
Trong
lần ông Nguyễn Gia Kiểng đến Úc châu thăm các thân hữu của THDCDN vào năm 2009
cũng là lần sau cùng ông Nguyễn Gia Kiểng và tôi đến thăm thầy Thảo tại tư gia,
sức khỏe của thầy lúc ấy rất tốt. Thầy đã bị tai biến mạch máu não một lần
nhưng đã phục hồi nhanh chóng sau đó. Thầy rất vui, hàn huyên chuyện trò làm
tôi tin thầy sẽ khỏe mạnh lâu dài.
Thầy
Thảo đã phải nằm bệnh viện Liverpool, là sở làm của tôi, trong những ngày cuối
đời. Vậy mà tôi không biết thầy mình đang chiến đấu với phận người tại đó.
Không phải là sự vô tình của thầy hay trò, chỉ tại nhân duyên thầy trò không gặp
nhau lần cuối.
Sau
hai tuần chống chỏi với nhiều chứng bệnh, thầy đã ra đi thanh thản trong sự tiếc
thương của gia đình và những người đã từng tiếp xúc với thầy vào ngày
14/4/2015.
Hai
dấu ấn để lại mãi trong tôi khi thầy ra đi: một con người văn hóa, một biểu tượng
về lòng khiêm tốn của kẻ sĩ và một dấu hiệu lạc quan cho sự hợp tác các tổ chức
chính trị trong tương lai.
Một
con người văn hóa vì cuộc sống của thầy là một kết quả của nền văn hóa tốt đẹp
Việt Nam. Các giá trị Nhân, Nghĩa, Lễ, trí, Tín đã được thể hiện tự nhiên trong
cuộc sống của thầy. Sư khiêm tốn toát ra qua cung cách ứng xử với xã hội đã làm
biết bao nhiêu người thương mến.
Một
dấu hiệu lạc quan khuyến khích sự hợp tác tương lai giữa các tổ chức chính trị
vì trên cương vị một thành viên của Ban Điều Hợp/LLDQYTPQVN/THĐT, thầy đã khởi
đầu hợp một sự hợp tác. Dù có những khác biệt trong đường lối đấu tranh cho mục
đích chung là thay đổi số phận của người Việt Nam, sự hỗ trợ, hợp tác giữa các
tổ chức chính trị VN luôn luôn làm nền tảng cho một lực lượng dân chủ tổng lực
trong tương lai. Khi các tổ chức chính trị Việt Nam ở hải ngoại không phỉ báng
hoặc phủ nhận nhau mà còn yểm trợ tương tác nó là bước đầu của một tiến trình
làm lại lịch sử.
Ông
Nguyễn Gia Kiểng trong tư cách một người bạn của thầy Thảo đã gởi đến Cô Thảo
và gia đình lời phân ưu của riêng ông và trong tư cách một người lãnh đạo
THDCDN, lời cám ơn một ‘người dân bình thường’ đã âm thầm hay công khai hỗ trợ
cho THDCDN.
Sự
ra đi của thầy Lê Linh Thảo là một tin buồn chỉ được vơi bớt đi vì ý nghĩa của
nó. Với những người đã tiếp xúc với thầy là sự tiếc thương một nhân cách đáng
quý trọng. Với những tổ chức chính trị có viễn kiến, thầy đã đặt nền tảng cho một
hy vọng hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong tương lai. Với những người từng được
thầy Thảo hướng dẫn học hành, một tấm gương về đạo đức, lòng khiêm tốn và lời
nhắn nhủ cố gắng đóng góp khả năng hạn chế của mình vào những nguyên cớ chính
đáng.
Sơn
Dương
No comments:
Post a Comment