Tuesday, May 5, 2015

Điếu Cày gặp Obama, vui mừng nhưng cần cảnh giác! (Việt Hoàng)





Được đăng ngày Thứ hai, 04 Tháng 5 2015 19:18

Nhân ngày Tự do báo chí thế giới, tổng thống Mỹ Obama đã có một cuộc gặp gỡ với ba nhà báo đến từ những quốc gia nổi tiếng về sự đàn áp báo chí, trong đó có blogger Điếu Cày, tức ông Nguyễn Văn Hải, một cựu tù nhân chính trị Việt Nam vừa được trả tự do năm ngoái. Ông Nguyễn Văn Hải là một người tù nổi tiếng, là một cựu quân nhân của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông tham gia và sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo tự do, một tờ báo không được nhà nước Việt Nam thừa nhận. Ông bị bắt và bị buộc tội “trốn thuế” và “tuyên truyền chống đối nhà nước Việt Nam XHCN”, ông bị kết án 12 năm tù. Ông được phóng thích vào ngày 21/10/2014 và bị trục xuất thẳng sang Mỹ.


Việc ông Nguyễn Văn Hải được tổng thống Mỹ Obama tiếp đón tại Nhà Trắng là một vinh hạnh và là một sự đền đáp xứng đáng cho những hy sinh của ông vì nền tự do báo chí tại Việt Nam. Người Việt Nam yêu tự do trên toàn thế giới hân hoan và vui mừng trước sự kiện này. Không vui sao được khi một người yêu nước bị chính quyền Việt Nam liệt vào thành phần “phản động” đã đi thẳng từ nhà tù đến Nhà Trắng. Một sự tố cáo đanh thép và có giá trị cao khi vị nguyên thủ quốc gia siêu cường số 1 thế giới trực tiếp lên tiếng ủng hộ cho một tù nhân lương tâm, là nạn nhân của sự độc tài và bưng bít. Không phải ngẫu nhiên mà vào đúng ngày Tự do báo chí thế giới 3/5/2015 tờ báo nổi tiếng của Đức là BILD đã liệt kê năm (5) nhà độc tài là “kẻ thù tệ hại nhất của Tự do” trong đó có ông Nguyễn Phú Trọng.


Việc Điếu Cày gặp gỡ Obama có ý nghĩa về tinh thần rất lớn, đó là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho những tiếng nói đòi tự do và dân chủ tại Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa là tự do và nhân quyền là những ưu tư được Mỹ quan tâm đặc biệt. Đó cũng là con đường đúng đắn và cần thiết mà người dân Việt Nam cần hướng tới.

Tuy nhiên người Việt chúng ta cũng đừng vì quá ngất ngây mà dẫn đến mất sáng suốt. Mục đích của cuộc gặp gỡ Điếu Cày-Obama không chỉ dành riêng cho người Việt Nam mà cuộc gặp gỡ này còn là dịp để chứng tỏ với dư luận (Việt Nam và quốc tế) rằng tổng thống Obama và đảng Dân chủ có quan tâm đến nhân quyền. Những người được tiếp đón cũng có thể được sử dụng như những dụng cụ trong một động tác truyền thông. Cũng có thể chính quyền Mỹ muốn làm “an lòng” cộng đồng người Mỹ gốc Việt trước cuộc viếng thăm của Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Chúng ta cũng đừng quên rằng trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết vào tháng 6/2007, thì tổng thống Mỹ Bush đã mời bốn nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Việt đến Nhà Trắng để bàn bạc và tham khảo về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. 

Một trường hợp đặc biệt nữa mà chúng tôi muốn nhắc đến đó là việc ông Đoàn Viết Hoạt được tổng thống Mỹ Clinton tiếp đón vào năm 1998. So với Điếu Cày thì ông Đoàn Viết Hoạt bề thế hơn rất nhiều. Ông Đoàn Viết Hoạt tốt nghiệp tiến sĩ tại Mỹ, từng là Phó Viện trưởng Đại Học Vạn Hạnh, ông đã ở tù 20 năm và có nhiều bài viết rất xuất sắc về tình hình Việt Nam, ngay cả khi đang ở trong tù ông vẫn tiếp tục gửi những bài viết đanh thép ra ngoài. Cuộc gặp gỡ của ông Đoàn Viết Hoạt với tổng thống Clinton đã làm cho nhiều người Việt Nam ngây ngất, tưởng chừng như “thời đại Đoàn Viết Hoạt” đã đến. Thế nhưng mọi sự cũng chỉ dừng lại ở đó, không có gì tiếp theo cả. Ông Đoàn Viết Hoạt chìm dần vào quên lãng.

Thật đáng tiếc cho một tài năng như ông. Ông rất giỏi nhưng ông không hiểu rằng “Trong đấu tranh chính trị thì một cá nhân chỉ là một con số không. Con số không đó, nếu đứng sau một con số nào đó - nghĩa là một tổ chức - thì sẽ có tác dụng theo cấp số nhân, nhưng nếu đứng một mình thì mãi mãi vẫn là con số không”.

Một điều rất lạ sau cuộc gặp gỡ giữa Điếu Cày và Obama là chính quyền Việt Nam hoàn toàn im lặng thay vì phản đối Mỹ và ông Obama như mọi lần. Có gì bất thường chăng? Mỹ và Việt Nam đang toan tính điều gì đây? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

Việt Nam đang cần Mỹ và muốn xích lại gần Mỹ?

Trong một bài báo mới đây “Khi thiên triều sụp đổ và lịch sử sang trang”, tác giả đã có những phân tích rất táo bạo nhưng lại rất thuyết phục rằng chính quyền Trung Quốc đang gặp khủng hoảng nặng nề trong nội bộ và vì thế họ không còn có thể làm chỗ dựa cho những nước chư hầu như Việt Nam và Bắc Triều Tiên nữa. Trong cơn hoảng loạn đó đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) không còn con đường nào khác là phải đi tìm một chiếc phao cứu sinh khác, chiếc phao cuối cùng và duy nhất đó là Mỹ. Chúng ta đừng quên rằng ĐCSVN tuy kém cỏi về mọi mặt nhưng thủ đoạn lại có thừa, khả năng sinh tồn của họ rất mạnh mẽ. Vì sự sống còn của đảng họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, sẵn sàng ôm chân mọi ông chủ, miễn sao họ được cầm quyền mãi mãi. Các quan chức lãnh đạo của Việt Nam sắp hàng sang Mỹ: Phạm Quang Nghị, Nguyễn Chí Vịnh, Trần Đại Quang, Nguyễn Thị Kim Ngân và sắp tới là đương kim Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên chơi với Mỹ thì ĐCSVN phải nhượng bộ ít nhiều về “dân chủ, nhân quyền”. Đừng nghĩ rằng ĐCSVN không dám bỏ điều 4 hiến pháp và thực thi dân chủ và nhân quyền. Đến nước họ còn dám bán thì không có gì là họ không dám làm. Đừng bao giờ quên rằng mối ưu tư duy nhất của ĐCSVN là duy trì được sự lãnh đạo của mình, mọi thứ khác chỉ là thứ yếu.

Một vài sự kiện mà chúng ta cần lưu ý như vụ người dân Tuy Phong, Bình Thuận phong tỏa quốc lộ 1A để phản đối nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm, người dân đã tấn công cảnh sát cơ động nhưng sự vụ được nhanh chóng giải quyết và không một ai bị khởi tố vì tội “chống người thi hành công vụ”. Vụ người dân Hà Nội liên tục tuần hành phản đối việc chặt cây xanh dù bị ngăn cản nhưng không ai bị hành hung và truy tố… Có vẻ như Hà Nội đã sẵn sàng cho việc chấp nhận một số yêu sách của Mỹ về nhân quyền để đổi lấy hiệp định TPP (đừng quên là cô Đỗ Thị Minh Hạnh đã được trả tự do).

Vậy còn Mỹ thì sao? Mỹ có cần Việt Nam không? Tất nhiên là có.

Chúng ta đều biết rằng có hai thế lực (hai quốc gia) muốn thay thế vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ đó là Nga và Trung Quốc. Mong muốn này là hoàn toàn chính đáng và có thể xảy ra. Tuy nhiên Mỹ không khoanh tay ngồi chờ người khác tước mất vị trí siêu cường số 1 mà Mỹ đã thiết lập được sau năm 1945. Bằng một phương pháp, một “trò chơi” cổ điển, Mỹ đã ra mặt và công khai ủng hộ cho phong trào Maidan tại thủ đô Kyiv-Ukraine nhằm lật đổ tổng thống thân Nga Yanukovich. Putin đã mắc mưu người Mỹ khi đem quân can thiệp vào Miền Đông Ukraine và sát nhập bán đảo Krưm vào lãnh thổ Nga. Hành động đơn phương phá vỡ trật tự thế giới của Nga đã khiến thế giới và nhất là Châu Âu phẫn nộ. Mọi quan hệ về kinh tế, chính trị, xã hội… giữa Nga và EU đều bị đóng băng. Nước Nga suy sụp hoàn toàn sau biến cố này và không còn khả năng đe dọa Mỹ nữa.

Như vậy đối thủ duy nhất của Mỹ hiện nay chỉ còn là Trung Quốc. Chiến dịch xoay trục sang Châu Á và thành lập khu vực kinh tế TPP (không có Trung Quốc tham gia) là nhằm mục tiêu cô lập và bao vây Trung Quốc. Các cơ quan lập pháp lẫn hành pháp Mỹ đều lên tiếng chỉ trích gay gắt các hành động cải tạo và bồi đắp các đảo mà Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam tại khu vực quần đảo Trường Sa ngay cả khi Việt Nam không hề lên tiếng và yêu cầu. Mỹ cũng đã bật đèn xanh cho quân đội Nhật được mở rộng các hoạt động của mình ra toàn khu vực Châu Á. Các liên minh của Mỹ với các nước trong khu vực được mở rộng và nâng cấp tối đa.

Việt Nam là một nước có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực và là một mắt xích quan trọng trong kế hoạch “xoay trục” của Mỹ. Vì quyền lợi của mình Mỹ sẵn sàng chấp nhận Việt Nam nếu Việt Nam thỏa mãn một số nhượng bộ về dân chủ và nhân quyền để Mỹ trấn an dư luận trong nước. Trong một bài phỏng vấn mới nhất của đài VOA với ông cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson, nhà ngoại giao kỳ cựu này cho biết là Mỹ không có ý định thay đổi ý thức hệ tại Việt Nam. Giữa Mỹ và Việt Nam chỉ có một khúc mắc duy nhất là vấn đề …nhân quyền. Câu này có thể hiểu rằng Mỹ sẽ chấp nhận hợp tác với chính quyền Việt Nam nếu Việt Nam thỏa mãn một số đòi hỏi về nhân quyền.

Chính quyền Mỹ xấu hay tốt? Họ có thật lòng với Việt Nam hay không? Nên chơi với Mỹ như thế nào?

Việt Nam vừa tổ chức kỷ niệm 40 năm biến cố 30/4 là ngày Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) sụp đổ. Nhiều bài viết công phu và nghiêm túc để đi tìm câu trả lời cho việc thất bại của chế độ VNCH. Cho dù lý do gì thì yếu tố “đồng minh Mỹ phản bội và bỏ rơi VNCH” vẫn hằn sâu trong ký ức của mọi người. Bài phỏng vấn của cố tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu trả lời tạp chí Spiegel Đức, năm 1979 do nhà văn Phạm Thị Hoài dịch đã giúp soi sáng một phần quan trọng mối quan hệ Việt-Mỹ trong những ngày cuối cùng của VNCH. Để rút lui khỏi Việt Nam trong danh dự, chính quyền Mỹ đã bí mật thỏa hiệp với Bắc Việt và bán đứng VNCH bằng “Hiệp định hòa bình Paris”. Theo lời ông Thiệu thì Mỹ không hề tham khảo và cho chính quyền VNCH biết về nội dung thỏa thuận này, thậm chí nó còn không được viết bằng tiếng Việt. Người Mỹ, cụ thể là ngoại trưởng Kissinger và tổng thổng Nixon đã đe dọa và gây áp lực lên ông Thiệu và VNCH để ông Thiệu ngồi vào bán đàm phán tại Paris. Thậm chí Mỹ còn lừa dối ông Thiệu là sẽ can thiệp mạnh mẽ nếu Bắc Việt đơn phương xé bỏ hiệp định, tấn công VNCH. Kết quả cuối cùng thì ai cũng biết. Mỹ chẳng làm gì để cứu VNCH cả và đã để mặc VNCH chết trong tức tưởi.

Tệ hại hơn nữa là ông Kissinger và Nixon còn gọi tổng thống Thiệu bằng những lời lẽ xúc phạm như “thái độ vô liêm sĩ”, “xấc xược”…thậm chí Nixon còn gọi ông Thiệu là “đồ chó đẻ”.
Lý do chính khiến Mỹ quyết định rút khỏi miền nam Việt Nam là vì làn sóng cộng sản đã không lan ra và nhuộm đỏ khu vực Đông Nam Á như Mỹ lo lắng trước đó. Phong trào cộng sản chỉ dừng lại tại Việt Nam và Đông Dương.

Bốn mươi năm trước Mỹ bỏ rơi Việt Nam là vì quyền lợi của nước Mỹ và giờ đây, bốn mươi năm sau Mỹ quay lại Việt Nam, đó cũng là vì quyền lợi của người Mỹ. Người Mỹ không có khái niệm tốt-xấu, bạn-thù. Họ chỉ có quyền lợi của họ là trên hết. Giờ đây quyền lợi của Mỹ và Việt Nam đang có một điểm chung: Sự đe dọa từ Trung Quốc. Vì quyền lợi của mình, Mỹ sẵn sàng bỏ qua tất cả để hợp tác với chính quyền Việt Nam hiện nay.

Chúng ta cần nhớ lại những gì ông Hà Sĩ Phu viết về người Mỹ cách đây hàng chục năm về trước. Ông cho rằng người Mỹ luôn là kẻ mạnh và luôn chiếm thế thượng phong trong mọi hoàn cảnh. Nếu Việt Nam là một quốc gia có lãnh đạo là những người có tư cách, yêu nước và có viễn kiến thì Mỹ sẽ xem Việt Nam như là một người bạn, một đối tác tin cậy, ví dụ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… còn nếu lãnh đạo Việt Nam là những kẻ khôn lõi và cơ hội thì Mỹ vẫn chơi nhưng chơi theo kiểu anh lái buôn, kiểu gì Mỹ cũng nắm đằng chuôi…
Nên nhớ đồng minh của Mỹ không chỉ có các nước dân chủ mà còn có cả các nước độc tài như Ả Rập Xê Út, Ai Cập…

Như vậy chúng ta cần rút ra bài học gì? Cần cảnh giác ra sao? Và đâu là lý do khiến cho Việt nam vẫn mãi tụt hậu như ngày nay? Theo chúng tôi thì “Nguyên nhân chính là vì chúng ta đã thiếu một lớp trí thức chính trị, và một dân tộc không có một lớp trí thức chính trị cũng không khác một người mù hay một con tàu không phương hướng. Không tới được một bờ bến nào và tai nạn là chắc chắn. Chúng ta cần khẩn cấp những trí thức có kiến thức chính trị, có ưu tư với đất nước, biết suy nghĩ bằng cái đầu của chính mình và dám tranh đấu cho lập trường của mình”. 

Như vậy, muốn chớp lấy thời cơ Mỹ quay lại Việt Nam và nhân cơ hội này chúng ta canh tân đất nước, hội nhập đầy đủ và trọn vẹn với thế giới văn minh do Mỹ đứng đầu thì Việt Nam rất cần đến một tầng lớp trí thức chính trị tinh hoa. Là những người biết đặt quyền lợi của đất nước lên trên hết, có kiến thức, có viễn kiến và có một kế hoạch hay một dự án cụ thể để có thể động viên toàn thể mọi người dân Việt Nam. Có đồng thuận chung và một quyết tâm lớn chúng ta có thể cùng nhau mở ra một trang sử mới, một kỷ nguyên thứ hai cho dân tộc Việt Nam: Kỷ nguyên của dân chủ và tự do thật sự.

Những người Việt nam yêu nước, có tấm lòng và sự khát khao thay đổi hãy tìm đến với nhau và cùng tập hợp lại thành một lực lượng chính trị để làm giải pháp thay thế cho ĐCSVN. Nếu không có một lực lượng nào khác ngoài ĐCSVN thì muốn hay không Mỹ cũng sẽ hợp tác với họ để phục vụ cho lợi ích của Mỹ và như vậy, một lần nữa phong trào dân chủ Việt Nam lại tiếp tục đi bên lề của thời cuộc và sự thành công. Một lần nữa chúng ta lại lỡ chuyến tàu đi vào tương lai.

Việt Hoàng







No comments: