Thu Hằng - RFI
Đăng ngày 18-05-2015
Từ
tháng 4 vừa qua, nhiều bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các công trình xây dựng
phi pháp kiên cố của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông khiến tình hình trong khu
vực căng thẳng. Trong chuyến công du Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry,
đã bày tỏ quan ngại của Mỹ, song Bắc Kinh một mực bảo vệ lập trường « toàn
vẹn lãnh thổ không thể lay chuyển được ». Tờ Le Monde số ra cho hai
ngày Chủ Nhật 17 và thứ Hai 18/05/2015 có bài phân tích những tham vọng biến Biển
Đông thành ao nhà của Trung Quốc.
Theo Ngoại trưởng John Kerry, Washington phản đối
chính sách bành trướng của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa trên Biển
Đông. Đầu tuần trước, Lầu Năm Góc cho biết đang nghiên cứu khả năng điều phi cơ
và tàu quân sự tới khu vực trong phạm vi 12 hải lý quanh những bãi đá ở quần đảo
Trường Sa.
Bảo vệ quyền tự do lưu thông trong khu vực này, Hoa
Kỳ không công nhận ranh giới mà Trung Quốc tự hạn định và nhận chủ quyền quanh
các khu vực bãi đá nhân tạo. Ngay lập tức, tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times)
phản ứng lại rằng nếu Hoa Kỳ thực hiện tuyên bố trên, « quân đội Trung
Quốc có đủ khả năng chỉ cho người Mỹ biết đã chọn nhầm chỗ và dân tộc để hành động
như những tên cướp biển ».
Quần đảo Trường Sa là khu vực hiện đang có nhiều
tranh chấp của 5 nước, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines và
Đài Loan. Các nước này đã tiến hành xây dựng nhiều tàu cảng và phi đạo trên các
đảo tự nhiên, nhưng không thấm vào đâu so với những công trình kiên cố và đồ sộ
mà Bắc Kinh đang tiến hành. Đầu tháng 4, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung
Quốc ngụy biện những công trình đó phục vụ cho mọi hoạt động cứu hộ, tránh bão
hay trạm khí tượng thủy văn của Trung Quốc và cho các nước trong khu vực, cũng
như các tàu quốc tế hoạt động tại Biển Đông.
Theo phân tích của một nhà nghiên cứu Trung Quốc,
các công trình này nằm trong chuỗi chiến lược « việc đã rồi » mà Bắc Kinh theo
đuổi tại Biển Đông. Ông cũng nhắc lại việc Trung Quốc đuổi Philippines ra khỏi
khu vực Đá Vành Khăn (Mischief Reef) đầu thập niên 1990 và bãi cạn Hoàng Nham
(Scarborough) vào năm 2012 như thế nào. Chuyên gia trên đánh giá : «Trung Quốc
tiến các quân cờ và việc này buộc các nước trong khu vực phản ứng ». Gần
đây, Philippines đã mở rộng các căn cứ quân sự trên đảo Palawan để có thể tiếp
nhận được các chiến đấu cơ của Mỹ. Về lâu về dài, những công trình như vậy sẽ
góp phần vào việc quân sự hóa khu vực Biển Đông.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino cảnh báo các
tham vọng của Trung Quốc khiến toàn thế giới lo sợ. Còn Đô đốc Harry Harris, Tư
lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, phát biểu tại thủ đô Canberra
(Úc) rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý về đường 9 đoạn, mà Tưởng Giới Thạch
tuyên bố từ năm 1947.
No comments:
Post a Comment