Saturday, May 23, 2015

Ai Đang Đánh Nhau Ở Yemen? (Trúc Giang MN)





23/05/2015

1* Mở bài

Ai đang đánh nhau ở Yemen?

Nói chung, Hồi Giáo đánh Hồi Giáo. Sunni đánh nhau với Shiite, Mỹ rút chân ra khỏi khu vực, xem như đứng ngoài coi chơi.
Hồi Giáo Shiite của Iran hỗ trợ nhóm phiến quân Shiite Houthi nổi dậy làm cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Sunni của Tổng thống Abdul Rabbuh Mansur Hadi, lên cầm quyền ở Yemen.
Liên minh các quốc gia thuộc hệ phái Sunni đang cầm quyền, do Á Rập Saudi lãnh đạo, can thiệp quân sự vào Yemen, không kích phiến quân Houthi để chận đứng sự bành trướng của hệ phái Shiite trong vùng Vịnh Ba Tư.
Hoa Kỳ rút chân ra khỏi khu vực, tăng cường việc chống khủng bố đang bước sang giai đoạn mới trên nước Mỹ. Trên internet.
Việc Mỹ rút chân ra khỏi vùng Vịnh Ba Tư được xem như để cho Hồi Giáo đánh nhau với Hồi Giáo, Mỹ đứng ngoài xem chơi. Vì Hồi giáo nào cũng xem Mỹ và nền văn minh Tây phương, cùng Thiên Chúa giáo là kẻ thù của tôn giáo họ. Họ thực hiện thánh chiến để chống Mỹ.

Cuộc chiến chống khủng bố.

2* Nội chiến ở Yemen

2.1. Bối cảnh
Cách mạng hoa lài ở Tunisia kéo theo những cuộc cách mạng chống độc tài ở các nước Á Rập, gọi là Mùa Xuân Á Rập (Arab Spring).
Năm 2011, người dân Tunisia nổi lên lật đổ chế độ độc tài, gia đình trị và tham nhũng của Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali. Được cho đó là cách mạng hoa lài (Jasmine Revolution).
Cách mạng hoa lài kéo theo những cuộc nổi dậy ở Ai Cập, Syria, Yemen…
Riêng ở Yemen, Tổng thống độc tài thuộc hệ phái Shiite là Ali Abdullah Saleh bị lật đổ. Tổng thống Abdul Rabbuh Mansur Hadi lên làm tổng thống trong bối cảnh đó. Bộ lạc Shiite Houthi được Shiite Iran hỗ trợ nên nổi dậy chống Tổng thống Hadi.
Chính quyền trung ương suy yếu, Yemen hiện có nhiều bộ lạc tự trị. Nhiều người cho rằng số lượng vũ khí ở Yemen còn to hơn số dân của nước nầy, vì đa số người dân đều có súng. Nhiều bộ lạc thường chống lại quân đội quốc gia. Chính vì thế mà lực lượng nổi dậy Houthi nhanh chóng phát triển và trở thành một lực lượng hùng mạnh.
Tên Houthi được lấy từ tên của thủ lãnh trước kia là Hussein Badreddin al-Houthi, theo hệ phái Hồi Giáo Shiite. Thủ lãnh nầy đã bị quân đội chính phủ giết chết trong một cuộc nổi dậy trước kia.

2.2. Houthi đảo chánh cướp chính quyền
Thủ lãnh hiện tại Abdul–Malik al-Houthi, được Iran hỗ trợ đã thành công trong cuộc đảo chánh ngày 22-1-2015, lật đổ Tổng thống Abdul Rabbuh Mansur Hadi.
Tổng thống Hadi phải tuyên bố từ chức và bị giam lỏng tại nhà ở thủ đô Sanaa.
Một tháng sau, ông Hadi trốn khỏi thủ đô, trở về quê hương là Aden. Tại đây ông tuyên bố hủy bỏ quyết định từ chức và cáo buộc nhóm Houthi đã vi phạm hiến pháp.
Đài truyền hình quốc gia do nhóm Houthi kiểm soát tuyên bố treo giải thưởng 100,000 USD cho ai bắt được ông Hadi.
10 quốc gia Á Rập do hệ phái Sunni nắm chính quyền, phản đối Iran và cuộc đảo chánh là vi phạm hiến pháp nên can thiệp quân sự vào chống Houthi ở Yemen.
Nhà cầm quyền nào cũng nơm nớp lo ngại bị người dân nổi lên lật đổ, vì nước nào cũng có hai mâu thuẩn đối kháng sống chung nhau trong một nước. Người Sunni và người Shiite.

2.3. Liên Hiệp Quốc cấm vận phiến quân Houthi
Ngày 14-4-2015, Hội Đồng BA/LHQ ra Nghị quyết cấm vận đối với Houthi và những đồng minh ủng hộ nhóm phiến quân nầy. Nghị quyết nhắm vào thủ lãnh Houthi là Abdul Malik al-Houthi và hai nhân vật phiến loạn cao cấp là Abd al-Khaliq al-Houthi và Abdullah Yahya al-Hakim.
Nghị quyết yêu cầu Houthi phải rút ra khỏi các khu vực chiếm đóng, bao gồm thủ đô Sanaa. Nối lại đàm phán về chuyển giao dân chủ.

Cuộc chiến chống khủng bố.

3* Can thiệp quân sự vào Yemen

Liên minh do Á Rập Saudi dẫn đầu, can thiệp quân sự vào Yemen, không do một hiệp ước hoặc một thỏa thuận quốc phòng nào giữa Yemen với Á Rập Saudi mà là do sự bành trướng của Shiite đe dọa vào các quốc gia do Sunni đang cầm quyền.
Bắt đầu vào đêm 25-3-2015, không quân Á Rập Saudi ném bom vào những vị trí quân sự của Houthi ở thủ đô Sanaa, mở màn cho sự can thiệp quân sự vào Yemen của liên minh Á Rập. Chiến dịch mang tên là Cơn Bảo Quyết Định (Operation Decisive Storm).
Đợt không kích đầu tiên nầy phá hủy một số máy bay chiến đấu ở mặt đất.
Theo hãng tin Reuters, các máy bay của Á Rập Saudi, Ai Cập, Morocco, Jordan, Sudan, Kuwait, Các Tiểu Vương Quốc Á Rập Thống Nhất (UAE=United Arab Emirates), Qatar và Bahrain cùng tham gia vào chiến dịch nầy.
Ngoài ra Ai Cập, Pakistan, Jordan và Sudan cũng sẵn sàng tham gia vào các cuộc tấn công trên bộ ở Yemen.
Cuộc không kích ngày 26-3-2015 đánh trúng căn cứ không quân do Houthi chiếm được khi lật đổ chính phủ Hadi. Phá hủy căn cứ không quân, các giàn phóng hỏa tiễn và các kho nhiên liệu.

4* Hồi Giáo đánh Hồi Giáo, Hoa Kỳ đứng ngoài xem chơi

4.1. Mỹ rút nhân viên ra khỏi Yemen
Hồ sơ tình báo Mỹ lọt vào tay phiến quân Houthi.
Hồi tháng 2 năm 2015, trong khi phiến quân Houthi, được cố vấn người Iran, tràn ngập vào thủ đô Sanaa, thì Mỹ vội vã di tản nhân viên ngoại giao và cố vấn quân sự ra khỏi Yemen. Hàng trăm thường dân Mỹ theo dòng người chạy nạn sang nước Djibouti ở trong trại gồm 12,000 người.
Hồ sơ tình báo Mỹ về chống khủng bố Al-Qaeda vùng Vịnh Á Rập (AQAP=Al-Qaeda in the Arabian Peninsular) bị lọt vào tay phiến quân Houthi và cuối cùng vào tay cố vấn người Iran. Đó là kế hoạch chống khủng bố và danh sách đầy đủ thông tin về những thủ lãnh Al-Qaeda.
Hệ thống tình báo Mỹ nầy gồm những gián điệp và điềm chỉ viên người bản xứ Yemen làm việc cho CIA.
Đồng thời, toàn bộ hồ sơ tình báo của chính phủ tổng thống Abdul Rabbuh Mansur Hadi cũng bị phiến quân Houthi chiếm đoạt, trong đó có hồ sơ cộng tác chặt chẽ với CIA trong việc chống Al-Qaeda vùng Vịnh. Hồ sơ đều lọt vào tay cố vấn Iran.
Xem như một tổn thất nặng nề của Mỹ trong chiến lược chống khủng bố toàn cầu.

4.2. Các quốc gia vùng Vịnh lo ngại
Vịnh Ba Tư (Persian Gulf) còn gọi là Vịnh Á Rập (The Arabian Gulf) gồm có những quốc gia như sau: Kuwait, Iraq, Iran, Á Rập Saudi, Qatar, Bharain, Oman và Các Tiểu Vương Quốc Á Rập Thống Nhất (UAE=United Arab Emirates).
Việc Mỹ vội vã rút nhân viên ra khỏi Yemen khiến cho các đồng minh Á Rập vùng Vịnh, do Á Rập Saudi dẫn đầu, lo ngại vì sự vắng mặt của Mỹ ở khu vực. Các đồng minh rất lo ngại vì Mỹ sẽ gỡ bỏ những cấm vận trừng phạt Iran để đạt được một thỏa thuận về hạt nhân. Như thế Iran không còn bị cấm vận, họ sẽ có đủ phương tiện để hỗ trợ các tổ chức khủng bố thuộc hệ phái Shiite như: Hamas ở Dải Gaza, Hezbollah ở Li Băng, Syria của chế độ Bashar al-Assad và Shiite của Houthi ở Yemen.
Các quốc gia do hệ phái Sunni cầm quyền trong Vùng Vịnh Ba Tư lo ngại về mối đe dọa của Shiite.

4.3. Tổng Thống Obama trấn an các đồng minh Á Rập trong vùng Vịnh

1). Trấn an các đồng minh
Để trấn an các đồng minh, Tổng Thống Obama mở hội nghị thượng đỉnh mời sáu nguyên thủ quốc gia Á Rập tham dự vào hai ngày 13 và 14 tháng 5 năm 2015 tại Tòa Bạch Ốc. Nhưng chỉ có hai nguyên thủ quốc gia tham dự là Quốc Vương Kuwait Sabah Ahmad al-Sabah và Quốc Vương Qatar là Sheikh Tamim bin Hamad al Thani. Bốn nước khác chỉ gởi những nhân vật cao cấp đến hội nghị.
Đặc biệt là sự vắng mặt của Quốc Vương Salman của Á Rập Saudi, nước dẫn đầu liên minh Á Rập vùng Vịnh. Quốc Vương Salman cử thái tử Mohammed ben Neyef và hoàng tử Mohammed ben Salman, Bộ trưởng Quốc Phòng, đến hội nghị.
Sự vắng mặt của 4 nguyên thủ quốc gia là Á Rập Saudi, Bharain, Các Tiểu Vương Quốc Á Rập Thống Nhất và Oman, mà dư luận cho rằng họ tẩy chay hội nghị.
TNS John McCain cho biết việc từ chối tham dự hội nghị là dấu hiệu thiếu tin tưởng vào chính quyền Obama.
Một chuyên gia của Viện Brookings Institute cho biết, ngay từ đầu các quốc gia Á Rập nầy không tỏ nhiệt tình với cuộc họp vì họ cảm thấy không có gì mới mẻ cả. Hơn nữa, ngoài việc đàm phán với Iran, họ cảm thấy Hoa Kỳ giảm bớt sự hiện diện trong khu vực.

2). Thay đổi địa điểm cuộc họp thượng đỉnh
Cuộc họp dự định tổ chức tại Nhà Trắng nhưng vì 4 nguyên thủ quốc gia không tham dự nên sau bữa tiệc tối vừa ăn vừa làm việc tại Nhà Trắng, cuộc họp dời đến nơi nghỉ mát của tổng thống Mỹ là Camp David.
Một giới chức Mỹ cho biết việc dời địa điểm cuộc họp không phải là phản ứng của Mỹ đối với sự vắng mặt của 4 nguyên thủ quốc gia đồng minh Á Rập ở vùng Vịnh Ba Tư.

3). Những tuyên bố trấn an đồng minh
Tổng Thống Obama cho biết: “Hoa Kỳ sẽ đứng bên cạnh các đối tác trong vùng Vịnh chống lại những tấn công từ bên ngoài, và sẽ tăng cường mở rộng công cuộc hợp tác mà chúng ta đã có khi nói về những thách thức hiện hữu trong khu vực”.
Mỹ hứa thận trọng đối với Iran: “Hoa Kỳ đang ở trong quá trình đàm phán về chương trình hạt nhân với Iran, và Mỹ sẽ thận trọng trước những hành động “gây bất ổn” của Iran.
Tổng Thống Obama lý giải, khi thỏa thuận với Iran về chương trình hạt nhân hoàn tất, thì sẽ không có vũ khí nguyên tử cho nên những lo ngại về loại vũ khí nầy sẽ không còn nữa.
Các nước vùng Vịnh vẫn còn lo ngại, vì những lời tuyên bố “suông” chưa đạt đến một thỏa thuận chính thức về quốc phòng mà họ mong muốn.
Ngoài các đồng minh Á Rập vùng Vịnh, Do Thái cũng không vừa lòng về đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran.

Cuộc chiến chống khủng bố

5* Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nhảy vào, Al Qaeda nổi dậy

5.1.Vụ đánh bom tự sát ở thủ đô Sanaa
Quang cảnh bên trong đền thờ Badr (thủ đô Sanaa) sau khi bị đánh bom
Ngày 20-3-2015, hai vụ đánh bom tự sát đã xảy ra ở thủ đô Sanaa của Yemen. Địa điểm tấn công là hai đền thờ Hồi Giáo theo hệ phái Shiite là Al-Badr và Al-Hashoosh trong giờ cầu nguyện buổi trưa, làm cho 142 người chết và 351 người bị thương. Hai đền thờ nầy thuộc nhóm Houthi.
Tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo (IS) thuộc hệ Sunni tuyên bố họ nhận trách nhiệm về vụ đánh bom nầy.

5.2. Al-Qaeda nổi dậy chiếm phi trường lớn
Thừa cơ hội hỗn loạn do các cuộc không kích tạo ra, những tay súng Al-Qaeda nổi lên đánh chiếm nhiều nơi ở phía Nam Yemen.
Ngày 17-4-2015, những tay súng thánh chiến đánh chiếm một phi trường lớn ở thành phố Mukala. Chiếm một kho xăng, một doanh trại quân đội rồi xông vào chiếm nhà tù, phóng thích 300 tù nhân.

5.3. Hai tổ chức hắc ám bắt đầu liên kết lại
Ngày 13-11-2014, tờ The Guardian của Anh đưa tin, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS) đã thực hiện những cuộc họp bí mật với mạng lưới Al-Qaeda tại một trang trại phía bắc Syria.
Lãnh đạo của hai tổ chức khủng bố hàng đầu thế giới nầy đã thống nhất cùng nhau chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, chống Mỹ và các nước phương Tây.
Âm mưu thành lập một liên minh thánh chiến toàn cầu. Nguy cơ khủng bố có thể gia tăng khắp nơi trên thế giới.

6* Nước Cộng Hòa Yemen

Cộng Hòa Yemen nằm ở bán đảo Á Rập. Thủ đô là Sanaa. Diện tích 530,000km2. Dân số 23 triệu.
Bắc giáp Á Rập Saudi. Tây giáp Hồng Hải, phía nam là Biển Á Rập và Vịnh Aden.

6.1. Chính trị của Yemen
Yemen theo chế độ Cộng hòa Nghị viện. Luật đạo Hồi Sharia làm cơ sở cho pháp luật hiện hành. Yemen có trên 12 đảng chính trị. Là thành viên của LHQ.
Tổng thống hiện thời là Abdul Rabbuh Mansur Hadi đã bị lật đổ sau vụ đảo chánh của phiến quân Houthi, đang lưu vong ở Á Rập Saudi.

6.2. Kinh tế Yemen
Yemen là nước kém phát triển, nghèo nhất trong các nước Á Rập và là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Thất nghiệp gia tăng, chính phủ yếu kém, nạn đói thường xảy ra. Kinh tế phần lớn là dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ.
Trữ lượng dầu mỏ có khoảng 4 tỷ thùng. Sản xuất 402,500 thùng mỗi ngày, tiêu thụ 128,000 thùng mỗi ngày.
Ngôn ngữ chính là Tiếng Á Rập. Tôn giáo có hai hệ phái Hồi Giáo: Sunni chiếm 55% dân số. hệ Shiite chiếm 45%.

Cuộc chiến chống khủng bố.

7* Tổng thống Abdul Rabbuh Mansur Hadi

Tổng thống Hadi sinh ngày 1-9-1945. Là thiếu tướng và chính trị gia Yemen. Giữ chức tổng thống từ ngày 27-2-2012. Đến ngày 22-1-2015 tuyên bố từ chức sau cuộc đảo chánh của phiến quân Hồi giáo Shiite Houthi. Bị giam lỏng tại nhà ở thủ đô Sanaa.
Một tháng sau, ông Hadi trốn về quê nhà ở Vịnh Aden và tuyên bố hủy bỏ quyết định từ chức, đồng thời lên án việc nắm quyền của Houthi là vi phạm hiến pháp.
Ngày 25-3-2015, bị quân Houthi truy đuổi, ông Hadi lại trốn khỏi Yemen để tới Riyadh, thủ đô của Á Rập Saudi, sau một ngày Á Rập Saudi bắt đầu ném bom vào Houthi để ủng hộ chính phủ của ông Hadi.

8* Yemen là vùng đất của những tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới

8.1. Yemen là một vị trí chiến lược quan trọng
Yemen nằm trên tuyến đường biển lớn nhất nối liền Châu Âu với Châu Á mà hàng ngày có hàng triệu thùng dầu từ các nhà máy lọc dầu của nước Á Rập Saudi chuyển đến các thị trường Châu Á. Đó là tuyến đường từ Địa Trung Hải (Mediterranean Sea-Châu Âu) đi qua kinh đào Suez của Ai Cập, qua Biển Đỏ (Red Sea) ra Ấn Độ Dương của Châu Á.
Hải cảng Aden của Yemen là một trong những cảng nhộn nhịp nhất trong thế kỷ XX.

8.2. Yemen là vùng đất của những tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới
Thiếu tá Nidal Malik Hasan bắn chết 13 người và làm bị thương 30 người khác
Al-Qaeda bán đảo Á Rập (AQAP) là chi nhánh nguy hiểm nhất của Al-Qaeda.
AQAP đã từng huấn luyện Umar Abdul Mutallab, là người giấu bom trong quần lót, làm không tặc đánh bom tự sát trên chiếc phi cơ của hãng Northwest khi đang đáp xuống phi trường Detroit, Michigan, vào ngày Giáng Sinh 25-12-2009. Đánh bom tự sát bất thành. Bị bắt nhận án tù chung thân.
Al-Qaeda AQAP do giáo sĩ Anwar al-Awlaki lãnh đạo đã tổ chức cho thiếu tá Mỹ Nidal Malik Hasan nổ súng bắn chết 13 người và làm bị thương 30 người khác trong căn cứ quân sự Fort Hood bang Texas vào ngày 5-11-2009.
AQAP rất nguy hiểm. Chính tổ chức khủng bố nầy đánh bom vào tàu chiến USS Cole hồi năm 2000 làm chết 17 thủy thủ Mỹ. AQAP cũng nhận trách nhiệm tấn công trụ sở báo biếm họa Charlie Hebdo ở Paris, Pháp.
Ngày 26-4-2015, đài truyền hình Al Arabiya (Saudi Arabia) phát đi một đoạn video dài 9 phút về hình của khoảng 20 tay súng và tuyên bố chính thức hoạt động ở Yemen.

Cuộc chiến chống khủng bố.

9* Cuộc chống khủng bố sang giai đoạn mới, vai trò của internet

9.1. Đe dọa khủng bố bước vào giai đoạn mới: truyền thông xã hội
Mỹ cảnh báo mối đe dọa khủng bố đang bước vào giai đoạn mới. Đó là vai trò của truyền thông xã hội.
Bản tin đài VOA cho biết, ông Jeh Johnson, Bộ Trưởng An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ (United States Department of Homeland Security-DHS) đã phát biểu trên chương trình This Week của đài ABC (American Broadcasting Company), rằng cuộc chống khủng bố toàn cầu đang bước vào giai đoạn mới, đó là tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (NN/HG) đã xử dụng thành công truyền thông xã hội để kêu gọi các cư dân mạng tham gia vào tổ chức, hoặc thực hiện khủng bố nội địa Mỹ.
Ông Jeh Johnson cho biết, từ khi nhậm chức, ông đã thực hiện một phần của cuộc chiến chống khủng bố mới là đi tiếp xúc, gặp gỡ các lãnh đạo cộng đồng Hồi Giáo ở New York, Boston, Minneapolis (MN), Chicago, Los Angeles và các nơi khác để nói với họ việc ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan, bạo lực phát xuất từ những lời quảng cáo “bóng bẩy và hiệu quả” trên internet, đều phát xuất từ các cộng đồng Hồi Giáo ở Mỹ.
Trên chương trình Fox News Sunday, dân biểu Michael McCaul, Chủ Tịch Ủy Ban An Ninh Nội Địa, Hạ Viện, cho rằng mối đe dọa nhắm vào các căn cứ quân sự và cảnh sát địa phương đang gia tăng. Hiện nay ở Mỹ có hiện tượng những kẻ thực hiện khủng bố đã được khuyến khích từ internet, và thật sự chủ nghĩa khủng bố đang lan rộng.
Ông James Comey, Giám Đốc FBI cho biết, hiện nay có hàng ngàn cư dân mạng ở Mỹ đã ủng hộ tổ chức NN/HG. Điều nầy rất khó xác định người nào trong đó mới thật sự là mối đe dọa. FBI đang tiếp cận với các cộng đồng Hồi Giáo để ngăn chận việc tuyển mộ khủng bố thông qua Internet.
Ông nói, hiện nay Hoa Kỳ phải đối mặt với hai mối đe dọa: một là các chiến binh phát xuất từ Trung Đông, hai là hàng trăm người ở Mỹ. Những người nầy sẽ cầm vũ khí tấn công khi có thông điệp phát lịnh truyền đi bằng internet.
Các cơ quan tình báo Mỹ đang theo dõi sát một lời đe dọa mới đầy thách thức của một người Mỹ tên Abu Ibrahim al-Ameriki nói trên trang blog JustPaste.it rằng vụ tấn công hôm Chủ Nhật ở Garland, Texas, “chỉ là một sự khởi đầu”. Tên nầy tuyên bố rằng hàng chục chiến binh trên 15 tiểu bang của Mỹ sẵn sàng nhắm vào bất cứ mục tiêu nào.
Về vụ Texas, hãng Reuters đưa tin, lúc 19 giờ ngày 3-5-2015, một chiếc xe thắng gấp, hai thanh niên bước ra, dùng súng AK nhả đạn vào nhân viên an ninh ngoài cửa Trung tâm Curtis Culwell, thành phố Garland (TX). Hai thanh niên mặc áo giáp quyết đấu súng với cảnh sát.
Nhân viên an ninh bị thương nhẹ ở bắp chân. Hai tên khủng bố bị bắn hạ tại chỗ. Trung tâm Curtis Culwell đang triển lãm tranh thi vẽ biếm họa về nhà tiên tri Mohammed của Hồi Giáo. Giải thưởng 10,000USD.
Hai thanh niên tên Elton Simpson (31 tuổi) và tên Nadir Soofi (34 tuổi), cả hai ở chung nhau tại Phoenix, Arizona. Chính quyền cho biết, trước vụ tấn công, tên Simpson đưa lên Twitter: “Thánh Allah đã chấp nhận chúng tôi là thánh chiến. Chúng tôi đã tuyên thệ trung thành với thủ lãnh Hồi Giáo…”
Trước kia, tổ chức NN/HG cũng đã liệt kê tên tuổi, hình ảnh, địa chỉ của 100 quân nhân ở Mỹ trong danh sách tử hình, và kêu gọi các thành viên của họ ở Mỹ ra tay hạ sát.

9.2. Căn cứ quân sự Mỹ cảnh giác cao
Ngay sau khi FBI tỏ quan ngại rằng các tên khủng bố có thể tấn công vào các quân nhân và cảnh sát Mỹ, thì các căn cứ quân sự đã tăng cường biện pháp an ninh.
Tại căn cứ Fort Bragg (North Carolina), tài xế phải chờ đợi ở cửa lâu hơn thường lệ vì nhân viên bảo vệ kiểm tra căn cước.

10* Hai khủng bố gốc Việt

Tòa án Mỹ đã xử hai khủng bố gốc Việt. Một người là công dân Anh bị tước quốc tịch, tên Phạm Quang Minh, và một người Mỹ gốc Việt tên Nguyễn Ngô Vinh Sinh ở Quận Cam, California.

10.1. Vài nét về nghi can Phạm Quang Minh
Minh Quang Pham (phải) và tờ tạp chí tuyên truyền khủng bố do anh ta biên soạn
Phạm Quang Minh sinh ở Việt Nam. Năm 1989 theo cha mẹ vượt biên bán chính thức bằng tàu sắt đến Hồng Kông và được định cư ở Anh lúc Minh 12 tuổi.
Sáu năm sau được nhập quốc tịch Anh. Minh theo học trường cao đẳng về thiết kế truyền thông. Năm 21 tuổi, cải đạo, theo Hồi Giáo. Minh là chuyên gia về công nghệ thông tin.
Tháng 9 năm 2010, Phạm Quang Minh mở công ty thiết kế internet và in ấn. Trụ sở đặt tại nhà riêng ở New Cross, phía nam London, nơi mà Minh cư ngụ từ năm 2005.

10.2. Tham dự khóa huấn luyện khủng bố 6 tháng ở Yemen
Tháng 12 năm 2010, Minh Phạm nói dối vợ người Anh đang mang thai, là anh đi du lịch Ái Nhỉ Lan (Ireland) nhưng thật ra là đến Yemen tham dự khóa huấn luyện khủng bố 6 tháng.
Bắt đầu là tham dự lễ tuyên thệ trung thành với Al-Qaeda Vùng Vịnh Á Rập (AQAP=Al-Qaeda in the Arabian Peninsular) với tên Á Rập Hồi Giáo là Mohamed Amin.
Minh Phạm đã gặp mặt lãnh đạo Al Qaeda vùng vịnh Á Rập là giáo sĩ Ansar al-Awlaki và Samir Khan. Minh đem khả năng máy tính ra giúp thành lập một tạp chí trực tuyến khét tiếng tên Inspire của tổ chức AQAP, tuyên truyền bằng tiếng Anh. Ấn bản đầu tiên là “Cách chế tạo bom trong căn bếp của mẹ bạn”.
Ansar al-Awlaki và Samir Khan, quốc tịch Mỹ, bị phi cơ không người lái của Mỹ tiêu diệt ở Yemen hồi tháng 9 năm 2011.
Khóa huấn luyện về khủng bố và việc xử dụng các loại vũ khí, nhất là súng kalashnikov tức AK-47.

10.3. Phạm Quang Minh trở về Anh và bị bắt
Ngày 27-7-2011, Minh Phạm bị bắt tại phi trường Heathrow, London, trên chuyến bay quá cảnh tại nước Bahrain về London.
Cảnh sát Anh tìm thấy một băng dạn AK-47 giấu trong hành lý.
Ngày 29-8-2013, tòa án Anh Quốc cáo buộc Minh về tội “Đi ra nước ngoài để phát động thánh chiến tử vì đạo”.
Luật pháp nước Anh cấm cho trở lại nước Anh nếu bị cho là có hoạt động khủng bố ở nước ngoài. Luật pháp cũng cho phép Bộ trưởng Nội vụ có quyền tước bỏ quốc tịch của một người, nếu người đó có mang một quốc tịch nước khác. Riêng trường hợp Phạm Quang Minh thì Bộ trưởng Nội vụ là bà Theresa May cho rằng Minh Phạm đã có quốc tịch Việt Nam nên tước quốc tịch Anh và chờ ngày trục xuất về Việt Nam. Nhưng VN không nhận Minh Phạm là công dân VN.
Trong lúc đó thì Hoa Kỳ phát lịnh dẫn độ Minh Phạm. Đương sự không còn quốc tịch Anh, Việt Nam không công nhận hắn là công dân, nên đương sự trở thành người vô tổ quốc vì thế không có quốc gia nào có quyền can thiệp vào để binh vực cho nghi can Phạm Quang Minh cả.

10.4. Cáo trạng của Mỹ chống Phạm Quang Minh
Đài BBC đưa tin, Phạm Quang Minh ra tòa án liên bang tại New York ngày 5-3-2015. Thẩm phán Alison Nathan hỏi bị can có xem cáo trạng và biết bị buộc tội gì hay không. Đương sự bình thản trả lời, “Tôi đọc nó rồi. Tôi không có tội”
Bộ Tư Pháp Mỹ đưa ra một cáo trạng buộc Phạm Quang Minh 5 tội về việc hỗ trợ tài sản, nhân sự và vật chất, trang thiết bị thông tin liên lạc, chuyên gia tư vấn và hỗ trợ các loại vũ khí” cho các hoạt động khủng bố.
Cụ thể như sau:
1. Giúp đỡ AQAP (Al-Qaeda vùng Vịnh Á Rập)
2. Cung cấp phương tiện cho AQAP.
3. Có âm mưu để nhận huấn luyện quân sự từ AQAP.
4. Nhận huấn luyện quân sự từ AQAP.
5. Xử dụng, mang theo và sở hữu vũ khí có tính thúc đẩy tội phạm bạo lực.
Các bằng chứng do một nghi can tên Ahmed Abdulkadir Warsame bị bắt, và đã hợp tác khai với các nhà điều tra Mỹ là anh ta đã gặp Minh Phạm tại một mật khu của AQAP Yemen. Minh Phạm lúc nào cũng mang kè kè một khẩu AK-47 bên mình.
Theo cáo trạng thì Phạm Quang Minh có thể nhận bản án tù tối đa là chung thân, tối thiểu là 40 năm.

10.5. Khủng bố gốc Việt, Hasan Abu Omar Ghannoum: Nguyễn Ngô Vinh Sinh
Một người gốc Việt trong danh sách theo dõi khủng bố của Mỹ.
Ông David Sterman, nhà nghiên cứu an ninh quốc tế đã điều trần tại Thượng Viện Mỹ về việc các tổ chức khủng bố xử dụng các trang mạng xã hội (Facebook) để tuyên truyền và kích động khủng bố. Ông David Sterman cho biết thêm: “Trong số 62 người mà chúng tôi xác định là khủng bố, có một người Mỹ gốc Việt tên là Sinh Vinh Ngo Nguyen (Nguyễn Ngô Vinh Sinh), tên của đạo Hồi là Hasan Abu Omar Ghannoum, bang California. Ông nầy nhận tội hỗ trợ khủng bố vào năm 2013 và bị kết án 13 năm tù giam vào ngày 21-3-2014.
Ông Sterman kết luận rằng các cộng đồng sắc tộc thiểu số ở Mỹ chưa thực sự đóng vai trò lớn trong việc ngăn chặn các cư dân gia nhập những tổ chức khủng bố.

10.6. Hành trình khủng bố của Nguyễn Ngô Vinh Sinh

1. Độc chiêu của FBI trên internet
Trên internet, một người ủng hộ thánh chiến Al-Qaeda mang tên là Abu Mohamed Al-Aibief đã tiếp cận được trên Facebook với cái tên Hasan Abu Omar Ghannoum, (tức là Nguyễn Ngô Vinh Sinh).
Qua một thời gian tiếp xúc Vinh Sinh tin rằng ông Abu Mohamed Al-Aibief là người tuyển mộ thánh chiến. Vinh Sinh Nguyễn đồng ý một kế hoạch sang Pakistan huấn luyện cho 30 thành viên Al-Qaeda trong khóa học 6 tuần lễ về cách xử dụng các loại súng, chiến thuật du kích và phục kích tấn công quân liên minh của Pakistan.
Sinh Nguyễn được giới thiệu với một phụ nữ bí mật gốc Pakistan ở Colorado, Denver, để nhận một thông hành có chiếu khán nhập cảnh Pakistan.
Cuộc hành trình bắt đầu từ Santa Ana, sang Mexico và được giao liên đưa đến Pakistan.
Sinh Nguyễn không biết được cuộc hành trình, thay vì đến Pakistan, mà trái lại vào nhà đá Los Angeles gỡ 13 tấm lịch. Và Hasan Abu Omar Ghannoum cũng không ngờ rằng người đàn ông trên internet mang tên Al-Aibief đọc ngược lại chính là FBI.
Một trường hợp tương tự, người nữ y tá 19 tuổi ở Colorado tên Shannon Maureen Conley đã bị bắt tại phi trường quốc tế Denver với tấm vé một chiều đi Thổ Nhỉ Kỳ để đến Syria làm cô dâu thánh chiến.
Về vụ nầy, một bài báo đưa tin: “Cũng giống như nhiều tên khủng bố khác ở Mỹ, Vinh Sinh Nguyễn thực chất đã liên hệ với FBI, thay vì tổ chức Al-Qaeda thật sự.
Một độc chiêu của FBI trên internet.

2. Tài liệu buộc tội Nguyễn Ngô Vinh Sinh
Nguyễn Ngô Vinh Sinh, 24 tuổi, sống với cha mẹ ở Garden Grove. Vinh Sinh Nguyễn sinh ra ở Mỹ, cha mẹ Việt Nam thuộc gia đình theo đạo Thiên Chúa. Thông thạo tiếng Anh nên không cần thông dịch viên ở tòa.
Vinh Sinh Nguyễn bị cáo buộc “Hoạt động giúp nhóm khủng bố Al-Qaeda và sử dụng passport giả”.
Thẩm phán liên bang John Walter đặt những câu hỏi với những công tố viên suốt gần một tiếng đồng hồ về những khả năng quân sự của Sinh Nguyễn được đưa ra để buộc tội nghi can.
Công tố viên trình tòa những tài liệu để buộc tội bao gồm hình ảnh video, băng thu âm, những bài viết trên Facebook, những lời thú nhận của nghi can với nhân viên điều tra…tất cả tài liệu kéo dài 50 tiếng đồng hồ trong những phiên tòa kéo dài.

3. Những tiết lộ của gia đình nghi can
Bà Laura Eimiller, đại diện của FBI ở Los Angeles, cho biết lực lượng chống khủng bố Hoa Kỳ đang tiếp tục điều tra về vụ việc nầy, cho nên luật sư và gia đình nghi can không trả lời báo chí tại tòa.
Thế là báo chí Mỹ, Việt đến nhà moi tin tức. Người em của nghi can tên Định Nguyễn, 18 tuổi cho biết: “Trước đây anh tôi thuộc gia đình Công Giáo, đã cải đạo sang Hồi Giáo. Anh thường đến những đền thờ Hồi Giáo trong vùng, và sau đó đến Libăng để cải đạo”.
Người chị cho biết, Sinh đã đến Syria để nghiên cứu kinh Koran”.
Tóm lại gia đình đã xác nhận hai điều, Sinh đã cải đạo sang Hồi Giáo và đã đến Syria.
Kết thúc những phiên xử kéo dài, một án lịnh được đưa ra: 13 năm tù giam.
Nếu khủng bố lợi dụng internet thì lực lượng chống khủng bố cũng vào cuộc trên internet.
Người gia nhập Al-Qaeda trước hết phải dự lễ tuyên thệ (bayat) là một cam kết về nghĩa vụ và bổn phận chấp nhận tử vì đạo bằng thánh chiến (Holy war). Người tham gia thánh chiến tiếng Á Rập gọi là một Mujahid, số nhiều là Mujahideen.
Tử vì đạo là tỏ lòng trung thành với đấng Allah, thường thực hiện bắng đánh bom tự sát.
Các giáo sĩ cho biết tử vì đạo sẽ được lên thiên đàng Hồi Giáo, ngồi bên trái nhà tiên tri Mohamed để được thưởng 2 thiếu nữ đồng trinh 13 tuổi. Vì thế, đánh bom tự sát hầu như xảy ra thường xuyên ở khắp nơi.
Mặc dù Hasan Abu Omar Ghannoum, (tức là Nguyễn Ngô Vinh Sinh) chưa phạm tội ác quả tang nào, mà chỉ là những lời khoe khoang trên Facebook, nhưng khi tuyên thệ gia nhập Al-Qaeda là đã xác nhận sẽ tử vì đạo để tiêu diệt Mỹ, văn minh Tây phương và đạo Thiên Chúa. Vì thế bị 13 năm tù một phần cũng do quan điểm và tư tưởng đó.

11* Kết luận

Ngày 11-9-2014 Tổng Thống Obama đưa ra chiến lược chống khủ bố quốc tế mới gồm ba mục tiêu: đẩy lùi-làm suy yếu- tiêu diệt. Tổng Thống Obama tuyên bố:
“Ta không thể làm thay Iraq những việc mà chính người Iraq buộc phải thực hiện. Ta cũng không tranh giành nhiệm vụ bảo vệ an ninh khu vực thuộc người Á Rập của họ”.
Vì thế, khi tỉnh Ramadi của Iraq bị lọt vào tay của tổ chức NN/HG, Hoa Kỳ không có phản ứng gì. Dư luận cho rằng Mỹ thua trận.
Quân đội Iraq không muốn chiến đấu, tháo chạy bỏ lại vũ khí mà Mỹ đã trang bị cho họ. Trước kia, quân đội nầy cũng đã gián tiếp giao nộp lãnh thổ và vũ khí hiện đại nhất khủng bố IS. Trước tình trạng nầy Mỹ cũng bó tay. “Ta không thể làm thay Iraq những việc mà chính người Iraq buộc phải thực hiện”.
Về an ninh vùng Vịnh Ba Tư cũng vậy: “Ta cũng không tranh giành nhiệm vụ bảo vệ an ninh khu vực thuộc người Á Rập của họ”.

Trúc Giang
Minnesota ngày 23-5-2015

---------------------------------

XEM THÊM :

Nguyễn Đạt Thịnh
VienDongDaily.Com – 20/05/2015







No comments: