Monday, May 4, 2015

40 năm đã đi qua, vết thương còn đó (Lê Diễn Đức)





Lê Diễn Đức
Monday, May 04, 2015 4:32:59 PM 

Có lần tôi mời Simon Moldewhawer, cựu trưởng đại diện Văn Phòng Thương Mại Mỹ tại Ba Lan, tới nhà ăn tối. Ông ta kéo theo một anh bạn từ New York xuống chơi và giới thiệu anh ta là người Do Thái, làm việc ở một hãng tài chính trên Wall Street.

Gặp người Do Thái, tôi có ngay cảm giác mến phục. Tôi khen ngợi người Do Thái thông minh, có tinh thần dân tộc, yêu nước cao và đoàn kết. Anh bạn Do Thái bất ngờ lắc đầu nói rằng, thông minh, tính dân tộc và yêu nước thì OK, nhưng đoàn kết thì phải coi lại. Anh ta nói rằng tôi không hiểu hết người Do Thái, rằng người Do Thái khá chia rẽ và bè phái, ngay Do Thái giáo là một tín ngưỡng độc thần mà cũng lắm hệ phái, sinh hoạt va cầu nguyện cũng khác. Tuy nhiên, người Do Thái biết đoàn kết, xóa bỏ dị biệt, trong những mục đích nhất định, đặc biệt là trong việc bảo vệ chủ quyền, vì sự phát triển và thịnh vượng của Israel. Nếu người Do Thái không như thế thì Israel, một quốc gia nhỏ bé, khó mà tồn tại khi nằm ở một khu vực mà xung quanh toàn là kẻ thù.

Ba Lan là một quốc gia mà trong đó người dân rất “bất trị.” Ít người Ba Lan nào hài lòng với chính phủ, bao giờ người dân cũng có lý do để phàn nàn, kêu ca hoặc biểu tình phản đối. Hiếm hoi có đảng phái nào giành được trên 50% số phiều bầu, mà thường phải liên minh với các đảng khác để thành lập chính phủ.

Sau khi chế độ Cộng Sản bị xóa sổ, các đảng phái chính trị mọc ra như nấm sau cơn mưa. Dần dà, dân chúng thanh lọc hoặc tự loại trừ, từ trên 1,000 đảng phái, này còn khoảng 80. Tả, hữu, trung dung, cực đoan, đủ cả. Những người Cộng Sản cũng từ bỏ ý thức hệ Mác-xít thành lập Liên Minh Cánh Tả Dân Chủ, trở thành một lực lượng mạnh trên chính trường. Ông A. Kwasniewski, từng là bộ trưởng thời Cộng Sản, đã được bầu làm tổng thống Ba Lan hai nhiệm kỳ liên tiếp (1995-2005).

Các đảng phái Ba Lan tranh giành quyền lực kịch liệt, tấn công, moi móc nhau trên các phương tiện truyền thông khi vận động bầu cử. Các đảng đối lập trong quốc hội cũng kiểm soát, theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của đảng cầm quyền và sẵn sàng kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ khi có scandal xảy ra. Tuy nhiên người Ba Lan rất đoàn kết trong việc lật đổ chế độ Cộng Sản và xây dựng, phát triển đất nước. Chủ trương đưa Ba lan gia nhập NATO hay Liên Minh Châu Âu, được hầu hết các đảng phái quyết tâm và thống nhất thực hiện.

Ở nước Đức, sau khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 và thống nhất đất nước năm 1990, những người Cộng Sản không bị trả thù. Ngược lại nhà nước liên bang vẫn đảm bảo trả lương bổng hưu trí cho tất cả những ai đã từng làm việc cho Đông Đức. Người Đức ở cả hai phía chung tay xây dựng đất nước, dù phía Đông vẫn còn khác biệt trong cách tư duy vì chịu ảnh hưởng của hơn 40 năm sống dưới chế độ Cộng Sản. Người Tây Đức đóng thêm 7% thuế thu nhập và bỏ ra hàng ngàn tỷ Mác Đức để cân bằng mức sống Đông-Tây.

Bà Angiela Merkel, từng là ủy viên quận đoàn và bí thư chuyên trách dân vận và tuyên truyền của Viện Hàn Lâm Khoa Học (viện nghiên cứu khoa học quan trọng nhất của Đông Đức) đã trở thành thủ tướng dân cử trong cuộc bầu cử tự do.

Ở Mỹ, cứ mỗi lần bầu cử tổng thống là thấy sự chia rẽ rõ rệt giữa màu xanh dương (ủng hộ Đảng Dân Chủ) và màu đỏ (ủng hộ Đảng Cộng Hòa). Nước Mỹ dường như bi chia làm hai phần ngang ngửa nhau. Vì thế người đắc cử tổng thống thường chỉ vượt trội so với đối thủ 1-2% số phiếu. Thế nhưng, sau bầu cử, tổng thống là của cả nước Mỹ và được tôn trọng.

Israel, Ba Lan hay Mỹ, là những quốc gia tồn tại trên những nguyên tắc của dân chủ, nhà nước do dân bầu chọn qua bầu cử tự do. Ngành tư pháp độc lập là nơi giải quyết tất cả mọi tranh chấp. Ở các quốc gia ấy, xã hội đa nguyên chính là ngôi nhà chung cho mọi quan điểm chính trị, tôn giáo. Các thành phần trong xã hội cạnh tranh nhau giành quyền lực, nhưng bình đẳng, không loại bỏ nhau bằng bạo lực. Ý kiến của cá nhân và thiểu số được bảo vệ.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cưỡng chiếm miền Nam, Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) đã áp dụng trên cả nước mô hình gulag của Stalin. Hàng loạt các trại cải tạo mọc ra ở khắp nơi để giam giữ hàng trăm ngàn quân cán chính của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Những tù nhân bị hạ nhục, sống trong điều kiện hà khắc, bị bệnh tật hiểm nghèo và cơ thể chết dần chết mòn. Trong khi đó gia đình của họ bị phân biệt đối xử, bị dồn đi kinh tế mới, nhà cửa tài sản bị tước đoạt. Các chính sách ngăn sông cấm chợ, cải tạo công thương, đổi tiền... càng dồn cuộc sống của họ vào bế tắc.

Bi kịch cuộc sống đã dẫn đến thảm họa thuyền nhân. Hàng triệu người chấp nhận đối diện với cái chết, liều mình vượt biển đi tìm tự do ở xứ sở khác. Khó đưa ra chính xác con số những người đã bỏ mình trên biển. Có nguồn dẫn 200 ngàn nhưng một số nguồn khác ước tính 500-600 ngàn người chết ngoài biển. Những người may mắn tới được bên bờ tự do, 40 năm qua đã xây dựng được một cộng đồng đông đảo, vững mạnh, hội nhập vào dòng chính của đời sống tại các quốc gia dân chủ. Thế hệ thứ hai đã ra đời, trưởng thành trong mọi lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển của nước sở tại.

Đau thương và tổn thất sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 là vết thương lớn của người Việt. Thời gian trôi qua đã 40 năm nhưng nó vẫn tiếp tục rỉ máu. Đất nước bị áp đặt chế độ độc tài toàn trị của ĐCSVN - một chế độ xây dựng trên bạo lực và dối trá, không có chỗ cho sự chia sẻ, hòa hợp hòa giải, bởi vì quan điểm chính trị khác với chế độ và tư tưởng đối lập bị đàn áp dã man. Báo chí bị kiểm duyệt khắt khe, quyền tự do của con người bị chà đạp thô bạo.

40 năm nay, năm nào cũng đến ngày 30 tháng 4 là ĐCSVN tự mãn, ầm ĩ mừng “chiến thắng.” Chiến thắng ư? Đó là cái ngày mà “nền văn minh đã thua chế độ man rợ” (lời Dương Thu Hương), ngày chiến thắng của cái ác, ngày cái ác và sự đểu cáng lên ngôi!

Trung tướng quân đội Bắc Việt Trần Độ, một người từng gắn bó với cuộc chiến tranh, tỉnh ngộ và thốt lên:

Những mơ xóa ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện
Ai hay, biến đổi, ác luân hồi.

ĐCSVN đã tạo ra một xã hội thiếu vắng tình người, một chế độ chỉ biết chấp nhận những kẻ tuân phục và cam phận.

Nhà thơ Lê Đạt đã viết trên báo Nhân Văn trong bài “Nhân câu chuyện mấy người tự tử”:
“Đem bục công an đặt giữa trái tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi
Theo luật lệ đi đường nhà nước.”

Còn nhà văn, cựu đại tá quân đội Cộng Sản Việt Nam, Phạm Đình Trọng, đã viết:
 “Cuộc sống chỉ có Bạo lực! Bạo lực! Và Bạo lực! Công lý như mặt trời trong đêm, không còn có trong cuộc sống nữa. Bóng công an, bóng bạo lực, bóng tối Trung Cổ đè xuống cuộc sống. Công an giết dân. Côn đồ giết dân. Mạng sống của người dân quá mong manh. Xã hội đầy nhiễu nhương, bất an.”

Trong một chế độ như thế làm sao có thể đoàn kết, hòa hợp hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh được? Chế độ Cộng Sản Việt Nam đã thực sự hủy diệt các giá trị nhân văn, lòng vị tha, cao thượng.

Thời gian tiếp tục đi qua, thế hệ liên quan trực tiếp đến cuộc chiến sẽ không còn nữa, những thế hệ con em kế tiếp sinh sống ở nước ngoài sẽ nhạt nhòa hơn với quá khứ của cha ông, nhưng tôi tin rằng, vết thương 30 tháng 4 năm 1975 là vết thương lớn nhất của lịch sử hiện đại Việt Nam, không bao giờ bị quên lãng.

Nó cũng giống như vụ Stalin thảm sát hơn 20 ngàn binh sĩ người Ba Lan tại rừng Katyn vào năm 1940. Chỉ khi chế độ Cộng Sản sụp đổ mới giải tỏa được một phần, vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi trong quan hệ giữa Ba Lan và nước Nga.

Cuộc diễu hành 30 tháng 4  năm 2015 tại Sài Gòn mà nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện một lần nữa chứng minh sự tuyên truyền bịp bợm ''khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.”
Chẳng thể nào khép được quá khứ, vì quá khứ là ngọn đèn đặt nơi ngưỡng cửa để con người bước vào tương lai.

Nhà văn Mỹ Jonathan Samuel Carroll đã nói, “Bạn không thể thay đổi quá khứ, nhưng quá khứ luôn luôn quay lại để thay đổi bạn. Cả hiện tại cũng như tương lai.”

Bài diễn văn của Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc mít tinh toát lên sự kiêu ngạo, dối trá, chỉ nhằm mục đích chiêu dụ tình cảm yêu nước ngây thơ của một số người Việt hải ngoại và tiền:
Ngày đi đảng gọi Việt gian
Ngày về đảng bỗng chuyển sang Việt kiều
Khi đi “phản động” trăm điều
Khi về thành khúc ruột yêu ngàn trùng!

40 năm đã trôi qua, vết thương vẫn còn đó. Nguyên vẹn!







No comments: